Bình Luận

Một nghị quyết tượng trưng

Saturday, 23/12/2017 - 10:41:34

Tổng thống nói ông sẽ cúp không viện trợ cho những quốc gia cứng đầu, dám bỏ phiếu chống lại quyết định của ông, vì nghị quyết họ ký còn hỗn hào đòi tổng thống hủy bỏ quyết định về Jerusalem, mà ông vừa ký ban hành hôm mùng 6 tháng Chạp này.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Năm, 21 tháng 12, một cuộc nổi loạn xảy ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc -đại biểu của 128 quốc gia bỏ phiếu lên án quyết định của Hoa Kỳ nhìn nhận thành phố Jerusalem là kinh đô của Do Thái.
Tuy bị nhiều quốc gia lên án, nhưng quyết định đó của tổng thống Hoa Kỳ vẫn được đại biểu 9 quốc gia bênh vực; 35 nước khác xin được bưng tai, bịt mắt, không làm mất lòng Mỹ, mặc dù vẫn không bỏ phiếu bênh vực quyết định của tổng thống Hoa Kỳ.

Một chi tiết quan trọng là cơ sở quốc tế này chỉ bỏ phiếu chơi cho dzui thôi, cho nên nghị quyết quan trọng đó chỉ có giá trị tượng trưng -nghĩa là, trên thật tế- không tạo thay đổi nào cả, trong lúc quyết định của tổng thống Mỹ đã tạo ra vô số xô xát đẫm máu giữa Do Thái và Palestine.

Tổng thống nói ông sẽ cúp không viện trợ cho những quốc gia cứng đầu, dám bỏ phiếu chống lại quyết định của ông, vì nghị quyết họ ký còn hỗn hào đòi tổng thống hủy bỏ quyết định về Jerusalem, mà ông vừa ký ban hành hôm mùng 6 tháng Chạp này.

Chi tiết “hơi” đáng tiếc là bốn quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ -Anh, Pháp, Đức, và Nhật- bỏ phiếu chống Mỹ, trong lúc Úc và Canada bỏ phiếu trắng. Tổng thống chấm dứt chính sách dung hòa của Hoa Kỳ và của thế giới tại Jerusalem, đòi hỏi quy chế của thành phố đó phải được quyết định bằng sự thỏa thuận giữa đôi bên Do Thái và Palestine.

Riêng quyết định của tổng thống “cúp viện trợ” những quốc gia cứng đầu, khó bảo cũng có thể gặp trở ngại, vì một vài quốc gia Trung Đông đang nhận viện trợ Mỹ với tư cách đồng minh của Mỹ trong trận chiến chống khủng bố, như Ai Cập và Jordan.

Với tư cách cường quốc ban phát viện trợ, dĩ nhiên tổng thống có quyền cúp viện trợ, nhưng thiếu người lính Ai Cập, người lính Jordan trên chiến tuyến chống khủng bố có thể khiến lính Mỹ phải điền vào đó, nếu tổng thống không quyết định bỏ trống mặt trận chống khủng bố, như Mỹ đã cúp viện trợ, và bỏ trống Việt Nam cho cộng sản, nửa thế kỷ trước.

Đại sứ Do Thái Danny Danon chỉ trích nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) là bài Do Thái -giống như nghị quyết năm 1975 liệt chủ nghĩa Zionism của Do Thái như một chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc; cuối cùng -sau 16 năm- LHQ phải nhượng bộ, bỏ quan điểm đó dưới áp lực của Mỹ -không đóng góp nguyệt liễm, niên liễm cho LHQ nữa.


Bà đại sứ Mỹ tại LHQ ngồi im trong thế cô lập giữa 128 đại sứ khác


Trong lúc đại sứ Do Thái Danny Danon chỉ trích LHQ chủ trương bài Do Thái

Đại sứ Danon bảo cử tọa là chỉ riêng hành động biểu quyết chỉ trích Do Thái cũng đã đủ là một hành động điếm nhục cho LHQ, trong lúc thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu viết trên Facebook, “Do Thái hoàn toàn phản đối nghị quyết vô lý của LHQ. Lúc nào Jerusalem cũng là kinh đô của Do Thái, và miên viễn sẽ là kinh đô của Do Thái.”

Đại sứ Mỹ, bà Haley nói nghị quyết đó là null and void (vô năng); bà nói đúng vì đó chỉ là một hành động tượng trưng, mang ý nghĩa chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ -ngoài ra nó không mang một trị giá thật tế nào, bắt buộc bất cứ quốc gia nào phải tuân hành.

Bà Haley cương quyết bảo cử tọa, “Quý vị cứ biểu quyết đi, chỉ xin quý vị ý thức là không nghị quyết nào cấm được Hoa Kỳ dọn tòa đại sứ Mỹ đến Jerusalem cả.” Bà còn nói thêm, “Rời sứ quán Mỹ về Jerusalem là việc đúng.” Bà không nói là “đúng, ... và tạo thù nghịch với người Trung Đông.”

Nói về nghị quyết LHQ lên án quyết định của Tổng Thống Trump, bà Haley sử dụng một đặc tính rất dễ mến của nữ giới -là thù dai. Bà bảo cử tọa, “Hoa Kỳ sẽ không quên bản nghị quyết hôm nay, khi LHQ xin Hoa Kỳ đóng góp. Và Hoa Kỳ cũng không quên tên những quốc gia đã chống đối Hoa Kỳ hôm nay, ngày họ đến xin viện trợ, hay giúp đỡ."

Một chi tiết khá nhộn nữa là phái bộ Hoa Kỳ tại LHQ ra một tuyên cáo ca ngợi sự thắng lợi của Hoa Kỳ với 35 quốc gia không thèm tham dự cuộc biểu quyết -trong số này có 21 nước vắng mặt.

Phái đoàn Mỹ tại LHQ viết email tuyên bố với truyền thông, “Rất nhiều quốc gia thành viên LHQ đã đặt nặng giao tình với Hoa Kỳ hơn là một bản tuyên cáo ngây ngô, không ích lợi, mang dụng ý cô lập Hoa Kỳ, vì một quyết định mà Hoa Kỳ -một quốc gia có đầy đủ chủ quyền để tự ý quyết định.”

Tại Hoa Kỳ, ông David Harris, giám đốc điều hành tổ chức American Jewish Committee, than phiền, là ông “thất vọng bởi sự ủng hộ gần như toàn diện của các nước thành viên LHQ đối với nghị quyết Đại Hội Đồng lên án việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.”

Những quốc gia đồng minh của Mỹ, như Anh và Pháp, giải thích là họ chỉ ủng hộ lập trường chung của thế giới trong thỏa ước 1967 về Jerusalem.

Đại sứ Pháp tại LHQ, ông Francois Delattre, nói, “Lúc này -quan trọng hơn bất cứ lúc nào khác- để cộng đồng thế giới đoàn kết quanh nhu cầu bảo vệ hòa bình. Dĩ nhiên cuộc đoàn kết đó rất cần sự có mặt của Hoa Kỳ."

Ông Delattre muốn nêu lên vai trò chống hòa bình của tổng thống Hoa Kỳ ư? Vì quyết định của Tổng Thống Trump về Jerusalem đi ngược lại thỏa thuận 1967, không giao thành phố Thánh Địa đó cho nước nào cả -Do Thái hay Palestine.

Một thành viên uy tín của tổ chức Council on Foreign Relations (Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại) -ông Stewart M. Patrick, nhận xét, “Tôi nghĩ đây là một vết thương đáng kể, tự mình gây ra cho mình, và thực sự không cần thiết, một hành động ngoại giao vụng về của Mỹ.”

Bà Maleeha Lodhi, đại sứ Pakistan, tuyên bố nước bà ủng hộ Palestine, “Bất chấp những đe dọa cúp viện trợ của Hoa Kỳ.”

Những quốc gia ủng hộ lập trường của tổng thống Mỹ gồm có Guatemala, Honduras, Togo, the Marshall Islands, the Federated States of Micronesia, Nautrump, Palau, và một số nước nhỏ khác đang nhận viện trợ Mỹ.

Tổng Thống Trump gánh vác nhiều khó khăn do nhiều vị tiền nhiệm để lại; trong đó có quy chế “phi chính trị” của Jerusalem được ấn định từ năm 1967, thời Tổng Thống Lyndon Johnson. Chuyện cũ cũng đã quá lâu rồi, có nên ép đương kim tổng thống Donald Trump, phải nhất nhất tôn trọng đường xưa, lối cũ không?
Hoặc nên khuyến khích những sáng tác mới của Ngài?
(ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT