Văn Nghệ

Một chuyến đi đặc biệt: Tâm tình và ghi nhận của Giáo Sư Lê Văn Khoa

Friday, 30/12/2016 - 08:03:01

Đây là chuyến đi sang Kyiv lần thứ tư của giáo sư Lê Văn Khoa. Mục đích chính của chuyến đi kéo dài hai tuần này là thu thanh một số nhạc phẩm của giáo sư Lê Văn Khoa với ban nhạc danh tiếng Kyiv Symphony Orchestra gồm những bài hòa tấu, một số tác phẩm ngắn với dàn nhạc đệm để cho hợp ca, đơn ca hát.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào 11 giờ đêm thứ Tư, ngày 21 tháng 9, 2016, giáo sư Lê Văn Khoa và hiền thê, ca sĩ Ngọc Hà, đã đáp chuyến bay từ Mỹ đến phi trường Kyiv (Kiev), thủ đô Ukraine và được Tiến Sĩ Taras Myronyuk, giáo sư Âm Nhạc của Kyiv National University of Culture and Arts đưa về nhà trọ. Đây là chuyến đi sang Kyiv lần thứ tư của giáo sư Lê Văn Khoa. Mục đích chính của chuyến đi kéo dài hai tuần này là thu thanh một số nhạc phẩm của giáo sư Lê Văn Khoa với ban nhạc danh tiếng Kyiv Symphony Orchestra gồm những bài hòa tấu, một số tác phẩm ngắn với dàn nhạc đệm để cho hợp ca, đơn ca hát.

Vợ chồng giáo sư Lê Văn Khoa- ca sĩ Ngọc Hà trước tượng đài bốn anh em lập nên kinh thành Kyiv năm 2007. (Hình cung cấp)



Trong chuyến đi sang Kyiv lần này của giáo sư Lê Văn Khoa còn có vợ chồng Chu Lynh của VietNam Film Club từ Washington D.C. và Lê Minh Khải từ Á Châu bay qua, để kết hợp ghi hình, phỏng vấn các tiến sĩ, nhạc trưởng, nhạc sĩ Ukraine (đã từng và đang tiếp tục thực hiện các tác phẩm âm nhạc của giáo sư Lê Văn Khoa), để thực hiện một DVD tài liệu về nhạc Việt vượt biên giới, hòa mình với thế giới của giáo sư Lê Văn Khoa. VietNam Film Club dự định phát hành DVD này trong năm 2017.

Giáo sư Lê Văn Khoa kể, “Lẽ ra chuyến đi này tôi đã dự định đi vào tháng 4 năm 2016, nhưng trong cuối năm 2015 tôi bị bệnh, phải vào cấp cứu trong nhà thương, sau khi trở ra, đầu năm 2016 đi nhà thương 3 lần, nên đành phải hủy chuyến đi. Vì hủy chuyến đi, nên cũng ảnh hưởng công việc mà trường đại học National University of Culture and Arts sắp xếp trước đó mời tôi đến nói chuyện về âm nhạc tại trường. Khi tôi qua vào tháng 9 năm 2016 vừa rồi, tôi chỉ báo trước cho họ 3 tuần lễ, vì không dám báo sớm, do không biết sức khỏe của tôi ra sao, có đi như dự định được không.”

                    Vợ chồng Giáo sư Lê Văn Khoa và ca sĩ Ngọc Hà với ban hát (Hình Lê Minh Khải)


Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết lần thu âm các tác phẩm của ông trong chuyến đi tháng 9 năm 2016 do dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra trình tấu vẫn tiếp tục được nhạc trưởng Alla Kulbaba điều khiển. Bà là nhạc trưởng đã điều khiển dàn nhạc trình tấu gần hết nhạc của ông kể từ năm 2005 đến nay, chỉ có 1, 2 bài là do những nhạc trưởng khác điều khiển dàn nhạc. Chính vì lẽ đó mà ngay thời điểm giáo sư Lê Văn Khoa báo sẽ đến Ukraine để thu thanh và mong gặp lại những nhạc sĩ chính đã từng cộng tác trong 11 năm qua, dù bà được mời đến Hòa Lan để điều khiển giàn nhạc đệm cho đoàn Opera từ một quốc gia Đông Âu qua đó trình diễn, bà đã hoãn chuyến bay, ở lại thêm vài ngày để điều khiển dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra thu thanh tác phẩm của Giáo sư Lê Văn Khoa. Buổi thu thanh cuối vừa xong, bà vội ra phi trường ngay vì chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là máy bay cất cánh.

                                Ngọc Hà và ban nhạc Kyiv Symphony Orchestra (Lê Minh Khải)


Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết, “Trong chuyến thu thanh lần này, chúng tôi được sự cộng tác của ban hợp ca “Anima” thuộc phân khoa Hợp Ca và Ca Trưởng của National University of Culture and Arts, tại Kyiv, Ukraine. Ca viên toàn là người trẻ và có tài. Người được huấn luyện kỹ hát có khác hơn ban hợp ca tài tử chúng ta thường nghe. Họ hơi thất vọng vì tôi xin chỉ dùng một ban hợp ca nhỏ khoảng 25 người. Họ yêu cầu lần sau nên dùng ban hợp ca lớn hơn, ít nữa là gấp đôi hay gấp ba. Ngọc Hà được hân hạnh hát chung với ban hợp ca “Anima” và dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra dưới quyền điều khiển của Nhạc Trưởng Alla Kulbaba. Trên sân khấu rộng lớn mọi người đều như nhỏ lại.”

Mối giao tình đã có 11 năm

Nhắc lại mối giao tình gắn bó với dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, Giáo sư Lê Văn Khoa nói, “Vào năm 2005 khi tôi quyết định thực hiện thu âm CD đầu tiên Symphony “Việt Nam 1975” thì dàn nhạc giao hưởng của Mỹ ngay tại quận Cam, Pacific Symphony Orchestra, mà tôi là cố vấn cho họ trong chương trình kỷ niệm 20 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ, sẵn sàng chơi nhạc của tôi để thu âm.Phí tổn họ đã giảm rất nhiều rồi, nhưng vẫn cần đến 120 nghìn mỹ kim, đó chỉ là tiền dàn nhạc thôi, còn tiền phòng thu là chưa kể đến. Lúc đó tôi có nhờ Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tổ chức một chương trình, có được một số tiền, nhưng vẫn không thu đủ số tiền cần thiết. Tôi có tìm dàn nhạc ở nhiều nơi, kể cả bên Úc châu, cuối cùng duyên may là nhạc trưởng Vũ Tôn Bình giới thiệu Kyiv Symphony Orchestra, phí tổn của họ nhẹ hơn nhiều, chừng 1 phần
3, tôi có thể làm được.”

Chính từ chuyến thu âm lần đầu tiên thực hiện CD Symphony “Việt Nam 1975”, những nhạc sĩ độc tấu, nhạc trưởng, nhạc sĩ chơi trong dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra mê nhạc của giáo sư Lê Văn Khoa nên đã gắn bó giao tình đậm đà đó suốt 11 năm nay.

Giáo sư Lê Văn Khoa nhận xét, “Tôi thấy những người chơi nhạc ở bên đó, họ coi nhạc là tối thượng của họ, tiền nhiều tiền ít không quan trọng. Quan trọng là điều mà họ làm được, đóng góp được để mà đưa âm thanh đó ra. Tôi từng thu thanh với dàn nhạc của Mỹ. Đối với người Mỹ khi tập dợt, họ để đồng hồ lớn bấm giờ. Đến đúng giờ họ xếp gói ra về, tập chưa xong vẫn về, vì họ làm lương trả theo giờ, họ rất sòng phẳng. Còn dàn nhạc ở bên đó nếu cần làm thêm, họ sẵn sàng ở lại làm thêm mà không đòi tiền thêm. Một bên xem đó là cái nghề để làm tiền. Còn một bên là vì nghệ thuật muốn sao cho chu toàn. Dù họ bị chiến tranh, dù bị khó khăn ở bên ngoài, nhưng người nào còn lo được cho âm nhạc thì vẫn hết lòng.”

Giáo sư Lê Văn Khoa kể tiếp, “Khi ở Ukraine trong chuyến thu thanh nhạc của tôi lần đầu tiên, tôi chú ý đến nhạc cụ dân tộc của họ là cây đàn Bandura và tôi có chuyển vài bài dân ca Việt như "Se Chỉ Luồn Kim" và "Trống Cơm" cho độc tấu Bandura và dàn nhạc giao hưởng, với ý muốn đem truyền bá dân nhạc Việt qua xứ người. Ý định muốn đưa nhạc Việt ra thế giới tôi đã có từ lâu rồi. Nhưng không biết làm sao thực hiện. Hồi còn ở Việt Nam trước năm 1975, tôi có thảo luận với nhạc sư Nguyễn Hữu Ba. Hai người có 2 ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Hữu Ba chuyên về nhạc cổ truyền, nên cho rằng nhạc cổ truyền phải chơi với nhạc cụ cổ truyền. Tôi nói nếu làm như vậy thì tốt nhưng làm sao mình đưa nhạc mình ra khỏi biên giới của mình được, mình đâu thể bắt thế giới học nhạc cụ của mình rồi mới chơi nhạc của mình. Tôi thì quan niệm muốn người ta chơi nhạc cổ truyền của mình, thì họ phải chơi được bằng nhạc cụ họ quen. Mà khi nhạc của mình chuyển qua cho nhạc cụ khác, ít nhiều cũng bị mất những luyến láy, đành phải chấp nhận, mình mất cái này nhưng được lợi nhiều hơn. Thành ra tôi chấp nhận cái mất đó, để mà làm.”

Nói thêm về đàn Bandura, giáo sư Lê Văn Khoa cho biết, “Khi nghiên cứu nhạc cụ mang tên là nhạc cụ dân tộc của Ukraine (họ không gọi là nhạc cụ cổ truyền), một lần nữa tôi xin được minh xác là từ trước người ta đã nhận thấy giá trị sâu xa của âm nhạc. Trong trường hợp này, người Ba Lan và Nga có ác cảm đối với nhạc dân tộc của người Ukraine và thẳng tay truy diệt người phổ biến loại nhạc này. Đàn Bandura mang tên là nhạc cụ dân tộc này quả nhiên đã trôi nổi và chịu khổ hạnh với dân tộc Ukraine trong nhiều thế kỷ. Đàn Bandura có thể trình diễn như nhạc cụ độc tấu, nhưng cũng có thể dùng đệm cho giọng ca. Trong thời Ukraine bị Ba Lan đô hộ ở phía Tây, đàn Bandura được ưa chuộng trong triều đình Ba Lan cho đến khi cuộc nổi dậy chống Ba Lan năm 1648, Bandura liền bị cấm tuyệt và người chơi đàn này bị giết vì bị liệt kê là rất nguy hiểm. Bên phía Ðông của Ukraine, thuộc Nga cai trị, đàn Bandura được phát triển mạnh cho đến năm 1876 thì đàn này bị cấm, tất cả những gì trình diễn có tính chất dân tộc và ngôn ngữ Ukraine cũng bị cấm luôn. Nhưng đáng sợ hơn hết là Stalin và cộng sản Nga trong thế kỷ 20. Người Nga muốn đồng hóa nguời Ukraine vào dân tộc Nga nên không chấp nhận có một nhạc cụ mang tên Nhạc Cụ Quốc Gia từ Ukraine.”

                     Hai thanh niên đánh đàn trong thương xá và hát bài ca ái quốc. (Lê Minh Khải)

Ghi nhận của Giáo sư Lê Văn Khoa

Trong thời gian ở tại thủ đô Kyiv của Ukraine suốt 2 tuần lễ từ 21 tháng 9 năm 2016 đến ngày 4 tháng 10 năm 2016, giáo sư Lê Văn Khoa có thì giờ quan sát nếp sinh hoạt hiện tại của Ukraine. Ông chia sẻ những ghi nhận của mình, “Người Nga trong khi đô hộ Ukraine đã đổi cách viết tên của thủ đô là Kyiv thành ra Kiev. Đúng ra Kyiv được viết từ chữ Kyi, tên của một trong bốn anh em lập nên thành phố này, theo truyền thuyết. Từ khi giành được độc lập, người Ukraine đã dùng lại tên chính của thủ đô, là Kyiv. Trong thời gian lưu lại Ukraine tôi có vài quan sát như sau:

- Về Chính trị: Không còn lều đỏ chống chính phủ nơi công viên giữa thành phố mà những lần trước tôi nhìn thấy. Dọ hỏi thì được biết người dân muốn Ukraine là con số một rất nhỏ của Âu Châu Tự Do hơn là con số thật lớn của Nga.

Trước Thánh Đường St. Michael. Từ trái, Thanh Thủy, Tiến sĩ Taras Myronyuk, Tiến sĩ Duchat Violetta, Ngọc Hà, Lê Văn Khoa và Tiến sĩ Dmytro Stepovk. (Lê Minh Khải)

- Kinh tế: Ngành du lịch bị giảm đến 50%, một con số quá lớn. Do đó tiền của du khách đem vào để chi tiêu ở Ukraine bị giảm rất nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế chung của xứ. Tôi thấy người Ukraine đi chợ rất khác với người ở Hoa Kỳ. Họ mua một vài trứng gà rời chứ không phải vài hộp 12 hoặc 20 trứng như chúng ta thường mua ở các chợ trên nước Mỹ. Nói chung kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng và tiền bị mất giá nhiều. Những người Việt trong khu chợ trời nhận ra rõ ảnh hưởng vì thưa khách. Người mua hàng càng ít đi vì ai cũng cần giữ đồ ăn trong nhà hơn là mua sắm các loại khác dù giá rẻ. Các chủ sạp hàng ở đây ngày trước bận rộn buôn bán, bây giờ họ tụ năm tụ ba để chuyện trò và có thì giờ hướng dẫn chúng tôi đi quanh, và cùng chụp hình kỷ niệm chung với chúng tôi.

- Quân sự: Nga chiếm Crimea, đánh biên giới phía Đông Ukraine, mượn chiêu bài bảo vệ người nói tiếng Nga. Điều lạ là không thấy xe nhà binh chạy trong thủ đô, không có giới nghiêm. Rất khác với Sài Gòn ngày trước. Cộng sản không bao giờ biết nói thật. Khi Nga tấn công Ukraine, họ nói Nga không tấn công, một xứ nào đó đánh Ukraine. Thử hỏi xứ nào xen vào giữa biên giới Nga và Ukraine mà Nga để yên, không phản ứng? Chuyện nói dối đã ngưng sau khi 4 viên tình báo KGB của Nga bị Ukraine bắt giữ và đã khai sự thật!

Lê Văn Khoa, Ngọc Hà, Minh Khải, Thanh Thủy và Chu Lynh chụp hình với người Việt buôn bán ở chợ trời. (Hình cung cấp)

- Tinh Thần: Một buổi tối chúng tôi đi trong khu thương xá, thấy có hai thanh niên ngồi bên lối đi, họ đàn Bandura và hát bài ca ái quốc của người Ukraine. Họ không cần một chương trình đại nhạc hội quy mô, không cần M. C. duyên dáng giới thiệu. Họ không cần những tràng pháo tay khen tặng. Không cần nhiều người nghe họ hát. Lòng yêu nước thúc đẩy và họ tự nguyện đi hát để nhắc nhở người dân Ukraine đến hiện tình của đất nước họ. Việc làm này giống như các nhạc sĩ mù (Kobzar) ngày xưa mà ảnh hưởng của họ làm cho Stalin khiếp sợ nên bày kế lường gạt cả trăm nhạc sĩ mù trên toàn quốc tụ lại một chỗ để giết hết một lần. Hai thanh niên này có thể đang ngồi trên vũng máu, cũng có thể tôi cũng đang đứng trên vũng máu của người ngã xuống vì tự do trong cuộc chiến vừa qua. Đây là một trong hai khu thương xá tôi đã đi qua, mà cả hai đều có nhiều người chết trong cuộc đấu tranh chống Nga. Crimea đã mất. Hiện tại điểm nóng vẫn còn ở biên giới miền Đông Ukraine.

Mỗi lần đến Ukraine, chúng tôi đều có ghé thăm Thánh Đường và Chủng Viện St. Michael. Những lần trước tôi thấy vách ngoài của vòng tường, nơi gần cổng chính, có dán tranh và ảnh đen trắng tố cáo tội ác của Nga đã giết ngót chục triệu người Ukraine bằng cách bỏ đói họ năm 1932-1933, dưới thời Stalin. Một con số quá lớn trong khi dân số thế giới lúc bấy giờ còn ít. Lần này tôi thấy họ thay đổi hình cũ bằng những ảnh màu mới chụp

Đó là chân dung những người bị giết gần đây, phần lớn là thường dân, cả nam lẫn nữ. Có một ít là chân dung quân nhân. Dù hình ảnh ngày trước và bây giờ có khác, nội dung vẫn giống nhau: Tố cáo tội ác của Nga. Trong cuộc chiến với quân Nga gần đây, một số thường dân và binh sĩ bị thương được đưa vào bệnh xá trong chủng viện này để cứu cấp. Có nhiều người bị chết ngay trong chủng viện.”

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT