Thế Giới

Mikhail Gorbachev - người tháo gỡ Bức Màn Sắt của Liên Sô - qua đời ở tuổi 91

Tuesday, 30/08/2022 - 08:45:41

Cuối cùng, ông Gorbachev là một nhà lãnh đạo được kính trọng nhiều hơn ở nước ngoài so với tại quê hương.


Cựu Chủ Tịch Liên Sô Mikhail Gorbachev được tiếp đón nồng nhiệt khi ông đến sự hội nghị an ninh tại Âu Châu 25 năm sau ngày Tường Bá Linh sụp đổ ngày 8 tháng 11, 2014. Khi đó ông đã cảnh cáo Âu Châu rằng một sự căng thẳng mới giữa Đông và Tây sẽ diễn ra vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. (Odd Andersen /AFP via Getty Images)

  

MOSCOW - Ông Mikhail Gorbachev đã từ trần sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 91 tuổi, theo thông báo của các hãng thông tấn Nga chiều thứ Ba. Các hãng loan lại thông báo từ Bệnh Viện Trung Ương, “Ông Mikhail Sergeevich Gorbachev qua đời chiều hôm nay sau cơn bệnh trầm trọng và lâu dài.”

 

Ông Gorbachev được tán dương về thành quả lớn nhất của ông là tạo đổi mới kinh tế và chính trị cho Liên Bang Sô Viết, chấm dứt một chế độ cộng sản cùng với Chiến Tranh Lạnh đi kèm với chế độ này đối với Tây Phương. Ông là vị lãnh đạo cuối cùng của chế độ Sô Viết.

 

Tin ông Mikhail Gorbachev qua đời đã đưa đến nhiều lời tưởng niệm từ các lãnh đạo thế giới, kể cả Tổng Thống Nga Vladimir Putin, người mà ông Gorbachev thường chỉ trích vì mang lại chính sách cai trị độc tài. Hãng thông tấn Interfax đã nhận được thông điệp chia buồn của ông Putin và sẽ loan thông điệp này trong ngày thứ Tư.

 

Ông Gorbachev đã giúp mở rộng xã hội Sô Viết sau nhiều thập niên bị cộng sản cai trị trong Bức Màn Sắt. Vào năm 2017, ông từng nói rằng cách thức cai trị độc tài của Putin sẽ khiến cho Nga phải trả giá.

 

Trong thời gian ông Gorbachev nắm quyền, Putin đã phục vụ cho cơ quan KGB tại Đông Đức. Trong nhiều năm, ông Putin đã khẳng định rằng sự việc Sô Viết bị tan rã tại Âu Châu là một sự sỉ nhục cho Nga.

 

Trong những lời chia buồn về sự ra đi của ông Gorbachev, hầu hết các lãnh đạo Tây Phương đều nhân cơ hội này để bày tỏ sự tôn kính dành cho ông Gorbachev vì nỗ lực chấm dứt Chiến Tranh Lạnh của ông, đồng thời so sánh Putin với ý kiến tiêu cực.

 

Thủ Tướng Anh Boris Johnson nói, “Trong lúc Putin xâm lăng Ukraine, ông Gorbachev vẫn là một ví dục điển hình, nhắc cho chúng ta nhớ về nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong việc mở rộng xã hội Sô Viết.”

 

Tại Hoa Kỳ, Nghị Sĩ Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont), người từng gặp Gorbachev tại Nga cũng như tại Hoa Kỳ, mô tả ông Gorbachev là “một lãnh đạo dũng cảm, không sợ hãi khi đối đầu với thực tế.” Nghị Sĩ Leahy nói tiếp rằng ông Gorbachev “không thể nào là một kẻ tội phạm chiến tranh như Putin.”

 

Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ James Baker III, một trong những lãnh đạo thế giới còn sót lại trên thế giới từ thời ông Gorbachev, nói, “Lịch sử sẽ ghi nhớ ông Mikhail Gorbachev là một vĩ nhân đã lèo lái đất nước vĩ đại của ông hướng tới dân chủ. Ông đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kết thúc Chiến Tranh Lạnh một cách ôn hòa, quyết định chống vũ lực để giữ cho cường quốc được liền lạc với nhau.”

 

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron viết rằng ông Gorbachev là “người của hòa bình” và “mang thay đổi đến lịch sử chung của chúng ta.”

 

Với phong cách cởi mở, lôi cuốn, ông Gorbachev đã phá vỡ khuôn mẫu của một nhân vật lạnh lùng, xa lánh quần chúng từng quen thuộc với các lãnh tụ Sô Viết. Ngay từ khi nắm quyền lãnh đạo nước Nga, ông liền thực hiện những cải tổ quan trọng, nhằm giúp cho hệ thống chính quyền được hoạt động hữu hiệu và dân chủ hơn. Từ thời của ông Gorbachev thế giới đã có hai từ ngữ mới bằng tiếng Nga là “glasnost” (đổi mới) và “perestroika” (cải tổ cấu trúc).

 

Sau này Gorbachev có nói về nỗ lực thay đổi đất nước của ông, “Tôi bắt đầu những đổi mới này với những ngôi sao chỉ đường là tự do và dân chủ, mà không đổ máu. Để cho người dân ngưng là đàn cừu bị dẫn dắt bởi một người chăn. Họ sẽ trở thành những công dân của một đất nước.”

 

Viện Gorbachev cho biết ông sẽ được chôn cạnh một vợ tại Nghĩa Trang Novodevichy ở Moscow.

 

Nguồn gốc nông dân

 

Ông Gorbachev chào đời trong một gia đình nông dân ngày 2 tháng 3, 1931 gần Stavropol. Ông làm việc với cha ở ngoài đồng sau giờ học. Cha ông điều khiển máy gặt lúa kết hợp. Sau này ông có nói rằng “tôi hãnh diện về khả năng biết được ngay tức khắc máy gặt có vấn đề bằng cách nghe âm thanh của nó.”

 

Ông gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1952, tốt nghiệp bằng cử nhân luật tại Đại Học Moscow năm 1955. Trường này là nơi ông gặp và kết hôn với bà Raisa Titarenko.

 

Đầu thập niên 1960, ông Gorbachev giữ chức lãnh đạo bộ nông nghiệp trong vùng Stavropol. Đến cuối thập niên, ông lên chức lãnh đạo đảng trong vùng. Ông được sự chú ý của hai Ủy Viên Bộ Chính Trị là Mikhail Suslov và Yuri Andropov. Họ sắp xếp cho ông được bầu vào Ủy Ban Trung Ương Đảng năm 1971 và được công tác ở hải ngoại để chuẩn bị lên hàng lãnh đạo quốc gia.

 

Vào năm 1978, Gorbachev trở về Moscow, được chọn vào Bộ Chính Trị. Sự lãnh đạo của ông trong ngành nông nghiệp đã không thành công. Từ đó ông nhận ra hệ thống hợp tác xã có những khuyết điểm căn bản.

 

Sau khi được vào Bộ Chính Trị năm 1980, ông Gorbachev gia tăng thế lực khi ông Andropov được tiếp nối Leonid Brezhnev trong chức vụ tổng thư ký đảng. Ông Gorbachev tạo danh tiếng là kẻ thù của tham nhũng và thiếu hiệu quả. Từ đó ông lên dần đến chức tổng thư ký tháng Ba năm 1985.

 

Nhằm chuyển nguồn tài nguyên vào dân sự để giúp mở mang kinh tế, ông Gorbachev bắt đầu lập luận rằng Sô Viết cần chấm dứt cuộc cạnh tranh vũ khí với Tây Phương. Tuy nhiên, trong sáu năm nắm quyền lãnh tụ, ông Gorbachev đã bị xem là tiến tới quá nhanh đối với thành phần bảo thủ trong đảng. Thành phần này lo ngại bị mất quyền lợi của họ. Ông cũng bị xem là quá chậm đối với thành phần cấp tiến. Thành phần này muốn bỏ hệ thống chính quyền độc đảng và chính sách kinh tế chỉ đạo.

 

Chính sách đổi mới của ông đã không thể ước lượng chiều sâu của cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga. Tinh thần tranh đấu cho độc lập của các cộng hòa Sô Viết cũng quá mạnh cuối thập niên 1980. Tuy nhiên trong lãnh vực đối ngoại, ông Gorbachev đạt thành quả được cộng đồng thế giới thán phục.

 

Vào năm 1986, đối diện Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Reykjavik, Băng Lan, ông Gorbachev gây kinh ngạc khi đưa ra đề nghị: Hoa Kỳ và Sô Viết hãy hủy bỏ tất cả hỏa tiễn xuyên lục địa. Đó là khởi đầu của sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

 

Vào năm 1990, ông Gorbachev được trao giải Nobel Hoa Bình “vì giữ vai trò lãnh đạo trong tiến trình hòa bình mà hôm nay là một phần quan trọng của cộng đồng thế giới.”

 

Chủ Tịch Nga Mikhail Gorbachev chụp hình với Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan tại Thư Viện Tòa Bạch Ốc ngày 8 tháng 12, 1987. (White House Photos/ Getty Images)

 

Kết quả của đề nghị hủy bỏ hỏa tiễn của ông Gorbachev đưa đến Hiệp Ước Vũ Khí Hạt Nhân Tầm Trung. Hiệp ước này được tôn trọng suốt ba thập niên, cho đến năm 2019 khi Hoa Kỳ chính thức rút ra khỏi hiệp ước, và chính phủ Nga nói rằng họ đã ném nó vào sọt rác.

 

Hiệp ước với Hoa Kỳ, tuy cũng mang lợi cho Sô Viết, đưa đến việc các cộng hòa tách ra khỏi Liên Bang, Đông Đức thống nhất với Tây Đức, và điều đó khiến khối bảo thủ Cộng Sản rất tức giận. Vào tháng Tám 1991, khi Gorbachev đang nghỉ mát ở Crimea, thành phần bảo thủ này tổ chức đảo chánh. Khi đó ông Boris Yeltsin, tổng thống của Nga, tức cộng hòa lớn nhất của khối Sô Viết, cũng bực bội với chính sách của ông Gorbachev mà ông cho là nửa vời. Nhưng chính ông Yeltsin đã cứu Gorbachev, đẩy lui nhóm đảo chánh. Tuy vậy, từ đó cho đến cuối năm 1991, các cộng hòa đã liên tiếp nhau tuyên bố độc lập. Đến ngày 25 tháng 12, 1991, ông Gorbachev tuyên bố từ chức chủ tịch liên bang Sô Viết. Trong bài diễn văn từ chức, Gorbachev có nói một câu mà sau này được xem là thành quả lớn nhất của ông: “Đất nước đã nhận được sự tự do, được giải phóng về chính trị và tinh thần, và đó là thành quả quan trọng nhất.”

 

Nhiều năm sau, Gorbachev nói rằng ông không phải là người đã khiến cho Liên Sô bị tan rã. Ông nói rằng sự tan rã là do sự phản bội của thành phần quan liêu hành chánh, của chính ông Yeltsin, người mà Gorbachev nói là đã hợp tác với ông trong việc soạn thảo một hiệp ước liên bang nhưng cuối cùng lại đâm sau lưng ông.

 

Khi vợ qua đời năm 1999 - bà Raisa bị ung thư máu - Gorbachev nói ông đã mất ý nghĩa của cuộc sống, không thể tiếp tục được nữa khi mất người vợ đã sống với ông 46 năm. Họ có một con gái là Irina. Tuy vậy, sau đó ông vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực chính trị, bảo vệ môi trường và muốn tạo thay đổi tốt hơn cho thế giới.

 


Ông Mikhail Gorbachev đang lau nước mắt trong lúc đứng cùng con gái Irina tại lễ an táng vợ Raisa Gorbacheva ở Moscow ngày 22 tháng 9, 1999. (Getty Images)

 

Cuộc sống sau ngày Liên Sô tan rã của Gorbachev đã có những sự việc bất ngờ, như khi ông xuất hiện trên quảng cáo của Pizza Hut và Louis Vuitton để gây quỹ cho hội từ thiện. Năm 2004 ông Gorbachev thắng giải âm nhạc Grammy tại Hoa Kỳ, vì ông lồng tiếng nói trong dĩa truyện dành cho trẻ em “Prokofiev: Peter and the Wolf / Beintus: Wolf Tracks.” Dĩa này cũng có tiếng nói của cựu Tổng Thống Bill Clinton và nữ tài tử Sophia Loren.

 

Năm 2008 ông được trao Huy Chương Tự Do (Liberty Medal) của Trung Tâm Hiến Pháp Quốc Gia Hoa Kỳ. Năm 2011, nhân dịp sinh nhật lần thứ 80, ông được trao huy chương cao quý nhất của Nga, Lệnh St. Andrew, được trao cho ông bởi Tổng Thống Dmitry Medvedev.

 

Cuối cùng, ông Gorbachev là một nhà lãnh đạo được kính trọng nhiều hơn ở nước ngoài so với tại quê hương. Tại Nga, một số người đã thù ghét Gorbachev, cho rằng chính ông đã tiêu diệt đế quốc Liên Sô, một số người khác lại cho rằng ông đã thực hiện cải tổ quá chậm, khiến đất nước này không thoát khỏi chế độ cộng sản. Dẫu sao chăng nữa, ông vẫn là người được trao giải Nobel Hòa Bình nhờ giúp chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

 


Đức Đạt Lai Lạt Ma đang đùa giỡn với cựu Chủ Tịch Nga Mikail Gorbachev tại buổi lễ kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh Những Người Được Giải Nobel Hòa Bình được tổ chức tại Rome, Ý ngày 15 tháng 12, 2007. (Franco Origlia/ Getty Images)

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT