Hôm Nay Ăn Gì

Mì tôm cơm nguội, đời mình rất bụi

Thursday, 09/04/2020 - 07:52:27

Cái thời đói kham đói khổ ấy kéo qua đất nước chưa đầy mười năm nhưng nó tàn phá mọi thứ, từ sự tử tế cho đến chút yêu thương còn sót lại.

(Tom/ Viễn Đông)

 

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

 

(Tom/ Viễn Đông)

Cá gỗ thời tủ đông: Mì tôm cơm nguội, đời mình rất bụi

Bài TOM

Muốn ăn một món gì đó đừng ngấy, chỉ có cách duy nhất là tìm cho được cái cớ để ăn. Nhưng trong đời này, không có thứ gì khó hơn việc tìm ra một cái cớ nào đó để ăn một món gì đó. Bởi ăn uống là việc thuộc về bản năng, nếu lý trí có can thiệp được thì cũng chỉ can thiệp về văn hóa, hành xử trong ăn uống và công thức nấu để bổ trợ cho văn hóa ẩm thực cũng như sức hấp dẫn của món ăn. Nhưng, một khi dùng lý trí để ăn là chuyện hết sức kinh khủng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dùng lý trí để can thiệp, dẫn dụ tâm thức trở về một góc khuất nào đó của ký ức và từ nơi xó xỉnh ký ức ấy, mọi thứ ánh sáng hay bóng tối đều tạo cảm giác gì đó thật lung linh, huyền nhiệm. Và ở đó, mì tôm có thể ngon hơn bất kỳ món nào khác, mặc dù thường nhật, chừng hai bữa va chạm nó thì câu chuyện đã bắt đầu khó chịu. Hãy dùng ký ức với mì tôm, bởi đây là món ăn có nhiều ký ức nhất với bất kì ai.

Thường, mì tôm thì chắc chắn ai cũng từng ăn, thời kinh tế tập trung bao cấp, không biết có ai còn nhớ mì Vifon, loại bao giấy vàng rơm hơi đục, vì loại giấy này cũng sản xuất từ rơm nên có màu rơm. Ngoài vỏ in hình ba con cua nên người ta gọi là mì cua. Mì cua khi khui ra còn mùi bột mì rất nặng, sợi màu vàng cơm cháy và khô quắt khô queo, có kèm theo một gói nhưn hỗn hợp muối, hành, tiêu, bột ngọt. Nói chung là mì Vifon hồi đó là thiên đường của trẻ con và cả người lớn. Vì nó như một món cải thiện trong gia đình, giữa cái đói vĩ đại, thèm ăn muốn phát khùng, quanh năm suốt tháng cơm khoai độn, mắm cái chấm đọt rau… Thì có gói mì cua Vifon thì còn gì hơn.

Hồi đó người ta còn ngu ngơ tin rằng mì này được làm từ bột mì cộng với thịt cua xay nhuyễn và ăn một gói mì bổ tương đương với ba con cua to bự nữa kia. Thì Phạm Văn Đồng chả từng nói một ký rau muống có dinh dưỡng cao hơn một ký thịt bò đó là gì?! Cái thời đói kham đói khổ ấy kéo qua đất nước chưa đầy mười năm nhưng nó tàn phá mọi thứ, từ sự tử tế cho đến chút yêu thương còn sót lại. Khi kinh tế mở cửa, người ta dẫm đạp lên nhau để làm giàu, và hậu quả của vấn đề này kéo dài mãi cho đến bây giờ.

Cái mùi mì cua Vifon thiên đường một thuở, bây giờ trở thành nỗi ám ảnh hay thứ gì đó giống như sự sỉ nhục đối với không ít kẻ giàu hợm hĩnh, kệch cỡm, họ không muốn nhìn lại quá khứ của họ. Họ may mắn có nhiều tiền nhưng dường như tiền không đủ để dán lên quá khứ của họ (mặc dù nó chẳng có gì để phải che đậy, rất tự nhiên nhưng người ta lại thấy mặc cảm vì nó). Nhưng, cũng với con người, với một số người, đó là ký ức đẹp mà buồn, mùi của thuở khó khăn, gian khổ và đau khổ ấy vẫn đi theo họ, thân thiện và đáng yêu.

Đáng nói hơn nữa là nó như một thứ mùi nghiệp dĩ của một nhóm không nhỏ người trong xã hội. Và tôi lại là người như vậy. Bởi số là thời khó khăn, nhà tôi còn vàng của thời trước để lại nên bà tôi lén lút bán để mua thứ gì cần thiết, từ con gà để nuôi, ký gạo để ăn đến gói mì tôm. Thế rồi miệng ăn núi lở, đất đai thì bì nhà nước tịch thu cũng gần hết bởi gia đình thuộc diện “địa chủ phong kiến”. Cuối cùng, đến khi tôi lớn lên, vào đại học thì gia đình gần như không còn gì, thời sinh viên của tôi có thể khái quát bằng ba chữ “nghèo vĩ đại”.

Thời đó cũng có cơm phần, cơm dĩa và các hàng quán nhiều lắm. Nhưng muốn có phiếu ăn thì phải có tiền, tôi sinh viên nghèo, từ quê Quảng Nam vào, nghèo đến độ mỗi lần bạn bè cùng phòng bị mất tiền là tuy không nói ra chứ bảy thằng (phòng có tám đứa) cứ nhắm vào tôi mà cách ly. Mà mình thấy bị cách ly thì buồn, chui xuống phòng đọc ngồi đọc cho hết buổi, nó sinh nghi hơn.

Rồi mọi chuyện cũng qua khi nó thấy tôi ngày càng xứng danh đạo mì. Bởi loại Vifon hồi đó vẫn còn bán trong ký túc xá. Loại rẻ nhất, gồm một bịch nilon chứa 24 cục mì, kèm theo một bịch nhỏ chứa 24 gói nhưn. Cứ như vậy, sáng, trưa, tối mì và mì. Bữa nào ngấy quá thì tranh thủ xin thêm cơm nguội của mấy đứa tự nấu, bỏ vài muỗng vào cho đỡ ngấy. Thời đó phải nói là thở ra mùi mì gói.

Cái thời sinh viên tưởng đầy mơ mộng lại đi qua với tôi một cách khủng khiếp, không phải do mùi mì gói mà do không nhìn thấy chút tương lai nào dưới mái trường, dường như mọi đứa bạn tôi đã có chỗ, có công việc từ khi còn ngồi ghế năm nhất đại học. Còn tôi, chưa biết tính sao bởi khi ra trường còn phải tốn thêm khoản phí cho chuyện xin việc. Mù mịt.

Xong bốn năm đại học buồn bã, về nhà được nửa tháng, tôi theo thằng bạn lên xe ra thẳng Lào Cai để đi giang hồ, hắn rủ tôi đi bằng xe máy, hồi đó có xe máy oách lắm, hắn làm thợ mộc, có công trình ở Lào Cai, vậy là rủ tôi đi, hai thằng thay phiên nhau chở ra tới Lào Cai, đi dọc đường, hắn ghé vào hút thuốc lào, uống chè xanh dưới gốc đa ven sông Hồng, rồi tới phố Hiến, phố Ràng thì ghé vào làm dĩa nai xào, kêu hai xị đế cho hai thằng. Tự dưng tôi thấy sao cuộc đời thằng này sướng quá, hay là nhờ nó học dốt, thoát ly sớm. Khi tôi mài đũng quần cấp ba thì hắn đi phụ thợ mộc, sau đó học nghề, lên thợ mộc và giờ có của ăn của để…

Ra Lào Cai chơi mấy bữa, tôi quyết định xin nó cho tôi làm phụ mộc. Lúc đó mới biết nó đang ốp trần nhà cho Giàng Seo Phử, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai, sau này lên trung ương làm chức Chủ tịch liên hiệp các dân tộc thiểu số gì đó, tay có câu phát biểu nổi tiếng “Người bán vé số có thu nhập rất cao, có thể lên cả trăm triệu đồng mỗi tháng…”.

Hồi đó Phử quyền lực đầy mình, xây nhà, có ngay Cận, cháu của Phạm Minh Thông vừa bị bắt ở Đà Nẵng (vụ xây cầu quay Sông Hàn), ra đó đổ thợ và vật liệu xây nhà cho Phử. Bù Lại, Phử giúp Cận trúng thầu khu chợ quốc tế và cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Vân Nam. Nhà Phử cách đài truyền hình Lào Cai chừng 3 km, nhưng khi nhà xây gần xong, Phử đặt cái la bàn giữa nhà nhắm hướng, thấy cây trụ ăngten của đài truyền hình đóng ngay tim nhà, vậy là bốc điện thoại gọi một cái thì chưa đầy mười phút, tỉnh điều trực thăng di dời trụ angten sang quả đồi khác.

Nhưng có một chi tiết làm tôi nhớ nhất là không hiểu sao nhà của Phử lại có cái giếng cổ đóng ngay giữa phòng khách, và mặc dù đã đào toàn bộ đất lên, đổ cát xuống rồi mà cứ chừng hai tuần thì nước thấm ngược lên tận nền nhà, nghĩa là nước thấm lên tới miệng giếng. Sau nhiều lần nhờ thầy chiêm tinh, địa lý trấn đủ thứ mới tạm ổn. Cái giếng đó cũng là nơi tôi hay ngồi ăn sáng, lúc cái thành của nó chưa bị đập bỏ, nó còn cách mặt nền nhà chừng hai tấc tây (20cm), cứ tay bưng bát cơm, tay bưng bát mì ra đó ngồi ăn.

Tất cả các thợ mộc, thợ hồ ở đây đều ăn sáng bằng hai món, cơm nguội mì nóng hoặc cơm nóng trứng luộc. Tiêu chuẩn mỗi người một gói mì Vifon và một bát cơm nguội, nước sôi có sẵn một nồi bự, ai chế mì thì lấy vá múc cho vào bát. Người nào ăn cơm nóng thì có trứng gà luộc, một cái trứng luộc với một bát cơm nóng. Thời tiết lạnh vào buổi sáng, nóng buổi trưa và se sắt buổi chiều. Sáng sớm thở ra khói, có bát cơm nóng hoặc mì nóng thì ngon không gì bằng. Tôi làm khá nặng, sức ăn cũng khác người chút đỉnh nên xin hai suất sáng (trừ vào lương một suất, một suất chủ thầu đãi).

Làm mệt, chả cần suy nghĩ gì nhiều, cứ làm trông tới tối thì ăn cơm, tắm rửa, đi ngủ, sáng ra lại trông trời sáng để lén lút tập thể dục, luyện vài cú cước, cú chõ (thói quen dưỡng sinh của tôi từ rất lâu, mặc dù tôi không biết võ, cứ thấy phim làm sao đẹp là mình làm vậy), sau đó vào nhận phần, lẳng lặng bưng lại miệng giếng mà ngồi ăn, nhâm nhi từng chút ngon của nó để thấy mình dù tương lai mịt mù nhưng vẫn tự làm ra được cái để ăn và không còn phải lo lắng sau này ra trường lấy gì mà sống, giờ có mì tôm, cơm nguội rồi, cứ như vậy mà làm, mà ăn thôi. Và đã ăn thì phải cảm nhận cho thấu cái ngon của một kiếp… mì Vifon!

Có lẽ nhờ vậy mà ngày này qua tháng nọ, tôi không thấy ớn mì ăn liền, thậm chí thấy nó thân thiện với mình, nó gần gũi, nó có chút gì đó thân phận cũng giống mình. Cứ tưởng tượng khi mọi thứ đã bị đông cứng, từ ước mơ cho tới dự tính hay thứ gì đó như tham vọng chẳng hạn, gần như không còn gì, chỉ còn một thứ duy nhất là hãy làm, hãy kiếm cái ăn, và tận hưởng nó ở mức trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa sống còn… Tự dưng, lúc đó món ăn trở nên ngon. Một gói mì nóng, một ít cơm nguội. Vị nóng, ấm của mì và vị hơi ngọt, hơi chai cứng của cơm nguội quyện vào nhau trong cái cay cay, the the của nhưn và của chính hoàn cảnh khiến cho món ăn có chút gì đó ngon đến độ bùi ngùi, khó nói! Xin chúc mọi người có một bữa mì gói cơm nguội thật ngon miệng và cũng có chút bùi ngùi giữa lúc thế giới quanh ta cũng rất đỗi bùi ngùi!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT