Thế Giới

Mã Lai Á: Nghi can trốn trong tòa đại sứ Bắc Hàn

Thursday, 02/03/2017 - 10:00:36

Người còn lại là Kim Uk Il, nhân viên hãng hàng không quốc gia Bắc Hàn Air Koryo. Tuy không được hưởng quyền miễn trừ, nhưng ông Kim vẫn được an toàn chừng nào ông còn ở bên trong khuôn viên của tòa đại sứ.

Hơn nửa tháng qua, tòa đại sứ Bắc Hàn ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh trai Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. Hai nghi can bị cáo buộc tham gia vào âm mưu này đang cố thủ bên trong đại sứ quán, và từ chối hợp tác với nhà điều tra Malaysia. Một trong 2 người là ông Hyon Kwang Song, bí thư thứ hai tại đại sứ quán và được quyền miễn trừ ngoại giao, nên ông ta không thể bị cảnh sát địa phương bắt giữ.
Người còn lại là Kim Uk Il, nhân viên hãng hàng không quốc gia Bắc Hàn Air Koryo. Tuy không được hưởng quyền miễn trừ, nhưng ông Kim vẫn được an toàn chừng nào ông còn ở bên trong khuôn viên của tòa đại sứ.

Úc bắt người giúp IS chế tạo hỏa tiễn
SYDNEY - Một người đàn ông vừa bị cảnh sát Úc bắt giữ, vì cáo buộc giúp tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS chế tạo hỏa tiễn. Cảnh sát liên bang Úc ngày 28 tháng 2 đã bắt giữ Haisem Zahab, với cáo buộc hỗ trợ phiến quân IS phát triển công nghệ hỏa tiễn dẫn đường tầm xa, bằng cách hướng dẫn qua mạng Internet. Giới truyền thông Australia cho biết, cảnh sát đã bí mật theo dõi hoạt động của Zahab trong 18 tháng, trước khi bố ráp căn nhà của kẻ này ở thị trấn Young, cách Sydney khoảng 270 cây số về phía tây nam.
"Chúng tôi sẽ truy tố anh ta vì tội hỗ trợ tổ chức khủng bố IS qua Internet", nhà chức trách Úc cho biết. Ngoài ra, Zahab cũng nghiên cứu và thiết kế một thiết bị cảnh báo laser, chống lại các loại đạn dẫn đường mà liên quân sử dụng ở Iraq và Syria, để gởi cho phiến quân IS. Báo cáo của Sở Di Trú Úc năm 2016 cho biết, khoảng 100 công dân nước này đã sang Syria tham gia IS và các nhóm phiến quân.

Trung Cộng tăng cường phòng thủ trên không gian ảo
Chính phủ Bắc Kinh đang dự định tăng cường khả năng phòng thủ trên không gian ảo, đồng thời cũng theo dõi sát các chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề này. An ninh mạng là chủ đề quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, sau khi Hoa Kỳ liên tục cáo buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc thực hiện các vụ tấn công điện toán nhắm vào các mục tiêu Hoa Kỳ. Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc của Washington, và nói rằng chính họ cũng là nạn nhân của tội phạm điện toán.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump vẫn chưa bình luận gì về xung đột điện toán với Trung Quốc. Nhưng vào tháng trước, ông đã xem xét việc ban hành một sắc lệnh mới, yêu cầu cải tổ hệ thống an ninh mạng của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng công bố một kế hoặc vào hôm thứ Tư, tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc phát triển một lực lượng mạng, và kêu gọi gia tăng hợp tác quốc tế về an ninh mạng.
Theo kế hoạch mới được công bố bởi Bộ Ngoại Giao và cơ quan quản lý Internet quốc gia, Trung Quốc sẽ ngăn không cho không gian ảo trở thành chiến trường trong tương lai, và ngăn nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian ảo. Bắc Kinh cho biết sẽ đối thoại với các nước khác, để nghiên cứu các mối đe dọa tiềm năng có thể ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh quốc tế. Ông Long Zhou, viên chức Bộ Ngoại Giao, nói rằng Trung Quốc đang chờ xem các chính sách của Hoa Kỳ về an ninh mạng, và Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ sớm tái lập các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ về vấn đề này.

Úc cho người tị nạn nhận tiền để hồi hương
Hàng chục người tị nạn bị giam tại Papua New Guinea đã đồng ý nhận tiền mặt từ chính phủ Úc và quay về quê hương của họ, trong đợt hồi hương lớn nhất tại trại tị nạn Nam Thái Bình Dương trong vòng 4 năm qua. Chính phủ Úc đang tìm cách giảm bớt số người bị tạm giữ trên đảo Manus, bằng cách đề nghị hồi hương đối với những người đã 2 lần bị từ chối đơn xin tị nạn. Giải pháp này được đưa ra sau khi thỏa thuận chuyển người tị nạn sang Hoa Kỳ đang có nguy cơ đổ vỡ.
Vào cuối tháng trước, nhiều người tị nạn đã được mời gặp các viên chức Úc, và được đề nghị nhận một khoản tiền mặt, có mức tối đa là $25,000 Mỹ kim, để quay về quê hương. Nếu không chấp nhận đề nghị này, những người tị nạn sẽ đối diện với nguy cơ bị trục xuất. Trong vài tuần qua, 29 người đàn ông, tất cả đều đã sống 4 năm tại trại tị nạn, đã quyết định đồng ý hồi hương. Một nhóm 9 người đàn ông, công dân Nepal, cũng sẽ rời Papua New Guinea vào thứ Sáu.
Số tiền hồi hương được chính phủ Úc đề nghị hiện nay đã tăng gần gấp đôi so với 1 năm trước, và cao hơn rất nhiều so với những nơi khác. Tại châu Âu, nơi cũng đang gặp khủng hoảng di dân, chính phủ Đức chỉ đồng ý trả tối đa $1,263 Mỹ kim cho những người tị nạn chịu hồi hương. Các trại tị nạn trên đảo Manus bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, vì điều kiện sống quá tồi tệ, thiếu thốn. Sau 4 năm sống tại đây, rất nhiều người tị nạn đã bắt đầu có vấn đề về tâm thần.

Úc ủng hộ tổ chức Thương Mại Thế Giới
Chính phủ Úc đã tuyên bố ủng hộ Tổ chức thương mại thế giới WTO, sau khi chính phủ Trump muốn giảm bớt ảnh hưởng của tổ chức này, trong chính sách mới của Hoa Kỳ nhằm kềm chế các đối thủ thương mại là Trung Cộng và Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm, Bộ Trưởng Thương Mại Úc Steven Ciobo nói rằng, Úc rất ủng hộ các quy định của WTO, và cho rằng đây là một tổ chức nền tảng quan trọng cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Nhận xét của ông Ciobo được đưa ra sau khi Hoa Kỳ soạn thảo một chính sách mới, đưa ra các lập luận pháp lý nhằm bác bỏ các phán quyết gây tranh cãi của WTO, một tổ chức được lập ra để giám sát thương mại và giải quyết tranh chấp kinh tế giữa các nước thành viên. Úc, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, đang quan sát xem Tổng Thống Trump sẽ hành động như thế nào, đối với những nước mà ông cáo buộc là thao túng tiền tệ để đạt được những ưu thế không công bằng trong giao thương.
Hai nước bị ông Trump nêu tên, gồm Trung Quốc và Nhật Bản, chính là các đối tác thương mại lớn nhất của chính phủ Canberra. Giám đốc ngân hàng trung ương New Zealand hôm thứ Năm cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, dẫn đầu bởi chính quyền Trump. Viên chức này cho rằng, các thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ hiện nay đang đi ngược lại xu hướng tự do hóa đã thiết lập trong nhiều thập niên qua.

Hungary xây lớp hàng rào biên giới thứ 2
Hungary đã bắt đầu xây dựng lớp hàng rào biên giới thứ 2 dọc theo biên giới phía nam với Serbia, nhằm ngăn không cho người di cư vượt biên bất hợp pháp vào quốc gia. Hành động này nhiều khả năng sẽ gây ra làn sóng chỉ trích từ một số quốc gia thuộc Liên Âu. Đoạn biên giới này của Hungary đã có sẵn hàng rào kẽm gai, được dựng lên từ năm 2015, khi Hungary trở thành một trong những con đường chính đến châu Âu đối với hàng trăm ngàn người di cư và người tị nạn, đa số đều là những người đang trốn chạy cuộc chiến tại Syria. Hungary nói rằng, lớp hàng rào thứ 2 sẽ giúp rào cản biên giới của họ có hiệu quả cao hơn.
Thị trưởng thành phố Asotthalom, nằm tại biên giới, nói rằng lớp hàng rào đầu tiên chỉ là giải pháp khẩn cấp của chính phủ Hungary vào thời điểm đó, nhưng chưa phải là giải pháp tốt nhất, vì các nhóm buôn người luôn có đủ dụng cụ để cắt thủng hàng rào. Ông cho biết, lớp hàng rào thứ 2 sẽ chắc chắn hơn, vì ngoài các lưới thép, hàng rào còn có vách bê-tông và cột thép đóng chặt xuống đất. Nhờ đó, di dân lậu sẽ không thể cắt thủng hàng rào, và cũng không thể đào đường hầm bên dưới.
Hàng rào này còn được trang bị các máy cảm biến chuyển động, camera tầm nhiệt, và có một dòng điện nhỏ chạy qua. Hàng rào cũng có nhiều loa phát thanh, tự động bật lên nếu có người chạm vào, phát đi thông điệp bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, và tiếng Farsi, cảnh báo mọi người rằng họ đang ở biên giới Hungary, và việc vượt qua hàng rào sẽ bị coi là tội hình sự. Chính phủ thiên tả của Thủ Tướng Viktor Orban của Hungary từ lâu nay vẫn phản đối di dân từ Trung Đông và châu Phi, nói rằng dòng chảy di dân là mối đe dọa cho lối sống truyền thống của châu Âu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT