Pháp Luật

Ly Dị: Quỹ hưu trí sẽ chia thế nào?

Wednesday, 09/11/2011 - 11:51:30

Đối với nhiều người, ngoài bất động sản, quỹ hưu trí (pension plan) là tài sản chung lớn nhất của hai người phải phân chia khi ly dị.

Luật Sư Trần Khánh Hưng
Đối với nhiều người, ngoài bất động sản, quỹ hưu trí (pension plan) là tài sản chung lớn nhất của hai người phải phân chia khi ly dị.
Như chúng ta đã biết, California là tiểu bang có luật community property. Tài sản có được trong thời gian lập gia đình là tài sản chung, và sẽ được chia đồng đều nếu hai người ly dị, bất kể trường hợp chỉ có một người đi làm, và người kia hoàn toàn không kiếm được thu nhập. Đối với nhiều người, ngoài bất động sản, quỹ hưu trí (pension plan) là tài sản chung lớn nhất của hai người phải phân chia khi ly dị.

Quỹ hưu trí được chia thế nào khi ly dị?
Giống như những tài sản cộng đồng khác, quỹ hưu trí được tính là tài sản có được trong thời gian lập gia đình. Do đó, sự phân chia quỹ hưu trí (pension plan) được tính dựa theo thời gian đi làm và thời gian vợ chồng chung sống.
Thí dụ người chồng đi làm 15 năm, trong đó, 10 năm có gia đình, như vậy chỉ 2/3 khoảng thời gian này phải chia, và người vợ được nửa phần, như vậy người vợ sẽ được 1/3 của tổng số quỹ hưu trí của người chồng.

Có những loại chương trình hưu trí nào?
Có 3 loại chương trình hưu trí chính:
1. Saving plans: như IRA, 401(k), ESOP plans.
Những chương trình này được coi như “cash plans” vì có thể xác định được giá trị của quỹ trước ngày về hưu.
2. Defined Contribution: Chương trình này do nhân viên và công ty đóng hàng tháng. Số tiền này được tiếp tục đầu tư. Phần đã thuộc về nhân viên (vested) là phần sẽ được phân chia. Việc xác định giá trị của những quỹ này tương đối dễ dàng vì những chương trình kể trên thường có bản báo cáo hàng tháng, mỗi tam cá nguyệt, hay hàng năm.
3. Defined Benefits: Chương trình này sẽ trả cho nhân viên một số tiền hàng tháng kể từ ngày họ về hưu. Những chương trình này thường không lấy được tiền ra trước khi về hưu nên giá trị của quỹ còn tùy thuộc vào những yếu tố khác chẳng hạn như thời gian từ lúc ly dị đến khi nhân viên về hưu, tiền lời, lạm phát, v.v..
Có hai cách để chia quỹ hưu trí (pension plan):
1. Reservation of jurisdiction: Cách thông thường để chia tiền lương hưu khi ly dị là người phối ngẫu sẽ được một phần của tiền lương hưu khi người đi làm (employed spouse) bắt đầu nghỉ hưu và lãnh lương hưu. Số tiền lãnh được dựa trên thời gian đi làm và thời gian chung sống như đã nói trên. Tuy nhiên, phương pháp này cho phép người phối ngẫu được bắt đầu lãnh tiền ngay từ lúc người đi làm có thể về hưu sớm nhất, chứ không phải chờ đến lúc người đó thật sự về hưu.
Thí dụ, ông Tâm là người đi làm. Ông có thể về hưu lúc 55 tuổi, nhưng ông muốn tiếp tục đi làm thêm 10 năm nữa. Như vậy, lúc ông 55 tuổi, nếu muốn, người vợ cũ có thể đòi ông Tâm phải trả cho bà số tiền tương đương với số tiền bà có thể được lãnh nếu ông về hưu lúc 55 tuổi. Ngược lại, bà sẽ không được lãnh thêm số tiền trợ cấp gọi là cost of living adjustment sau đó.
2. Cash-out: Một cách khác để chia quỹ hưu trí là tính giá trị hiện thời (present value) của quỹ lúc hai người ly dị. Việc này cần phải có một chuyên viên về lãnh vực này. Sau khi thẩm định được giá trị của quỹ hưu trí, người đi làm (employed spouse) sẽ giữ quỹ hưu trí này, và đổi với người phối ngẫu những tài sản tương đương với giá trị của quỹ.
Trong thời gian chờ đợi để được lãnh tiền hưu trí có thể xảy ra những chuyện đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận, chẳng hạn như việc đầu tư số tiền trong quỹ hưu trí bị thua lỗ, hay thậm chí công ty quản nhiệm quỹ hưu trí có thể khai phá sản. Vì vậy, người nhận theo phương pháp chờ đến lúc về hưu có thể phải chịu những rủi ro, so với phương pháp lấy tiền ngay.

“QDRO” là gì?
Một số những quỹ hưu trí do nhân viên đóng (personal retirement plans) như traditional IRA, ROTH IRA, hay những quỹ do công ty bảo trợ (employer sponsored plans) như IRA thì tòa có thể có thể chia theo luật gia đình một cách bình thuờng. Tuy nhiên, có những chương trình hưu trí quy định mức đóng của nhân viên và của công ty. Những chương trình này phải theo những quy chế của luật liên bang. Vì vậy, khi ly dị, phán quyết của toà án gia đình về quỹ hưu trí phải đáp ứng những điều kiện này. Ngược lại, người quản lý những chương trình này (plan administrator) cũng phải thực hiện những yêu cầu trong phán quyết. Những phán quyết về sự phân chia quỹ hưu trí cho người vợ hay chồng cũ theo phần trăm quy định trong phán quyết gọi là “Qualified Domestic Relations Order”, hay viết tắt là QDRO.
Bạn cần lưu ý những điểm sau về QDRO:
- Chuyển nhượng quyền lợi của quỹ hưu trí trước khi có QDRO: Việc này có thể làm mất tiêu chuẩn của quỹ (disqualify the plan), và có những ảnh hưởng không tốt về thuế, chẳng hạn người vợ hay chồng đang đi làm (employed spouse) phải đóng thuế trên số tiền lấy ra trước ngày hạn (premature distribution), và đóng tiền phạt. Ngoài ra, nếu bạn muốn chuyển số tiền đó qua một quỹ khác để tránh thuế, mà nếu không chọn đúng phương pháp, bạn có thể bị đóng thuế toàn bộ số tiền trong quỹ. Bạn nên tham khảo với những chuyên viên về thuế vụ để tránh trường hợp này.
- Sau khi ly dị mà chưa có QDRO: Nếu người đi làm hay lập gia đình lại và qua đời bất thình lình, thì người phối ngẫu có thể mất quyền lợi trong quỹ hưu trí, hay phải tốn kém thì giờ và tiền bạc để lấy lại phần của mình.
- QDRO nên nêu rõ là trong trường hợp người vợ hay chồng đi làm (employed spouse) mất trước khi đến tuổi hưu trí thì phần của người vợ hay chồng trước (former spouse) sẽ được chia thế nào, bởi vì nếu người employed spouse lập gia đình lại, thì thông thường người vợ hay chồng sau của họ sẽ được hưởng quyền lợi của quỹ hưu trí khi họ qua đời.
Khi hai người tính chuyện ly dị, bạn cần biết chương trình hưu trí của bạn và của người phối ngẫu, nếu có, thuộc loại nào, cách phân chia ra sao, nếu lấy tiền sớm có bị phạt không, v.v.. Ngoài ra, nhưng đã nói trên, không phải tất cả những chương trình hưu trí bắt buộc phải có QDRO, chẳng hạn như những chương trình IRA, traditional IRA, ROTH IRA không cần phải có QDRO. Muốn biết quỹ hưu trí của bạn hay của người phối ngẫu có cần phải có QDRO không, bạn có thể liên lạc với pension department của công ty quản trị chương trình này.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề phân chia tài sản khi ly dị, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA 92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT