Người Việt Khắp Nơi

Lời giới thiệu Vòng Xoáy Cuộc Đời: Ngôi chùa trên giấy

Monday, 10/08/2020 - 06:10:36

Tác phẩm Vòng Xoáy Cuộc Đời, tuyển tập văn và cũng là những lời tâm sự của Thầy Thích Nhuận Hùng, vừa hoàn tất xong và chuẩn bị phát hành.



Bài NGUYÊN GIÁC

Tác phẩm Vòng Xoáy Cuộc Đời, tuyển tập văn và cũng là những lời tâm sự của Thầy Thích Nhuận Hùng, vừa hoàn tất xong và chuẩn bị phát hành. Nói “tâm sự” là nói ra những lời từ trái tim. Tôi biết Thầy Thích Nhuận Hùng nhiều năm, Thầy đơn sơ và chất phác y hệt như những gì Thầy viết ra. Không phải như một nhà văn (Thầy không có ý trở thành một nhà văn), Thầy chỉ viết lên những gì Thầy nhìn thấy, nghe được, cảm thọ, nhận biết và suy nghĩ về những gì chung quanh Thầy.


Tác phẩm gồm 26 bài viết, khởi đầu là bài “Tưởng Nhớ Thầy” ghi nhận những cảm xúc về cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Y chỉ sư của Thầy Thích Nhuận Hùng trong 26 năm, từ năm 1991 khi Thầy Nhuận Hùng là một Sa di từ Việt Nam theo thân phụ sang Hoa Kỳ định cư cho tới năm 2017. Bài cuối cùng trong tập là “Mẹ!” khi Thầy Nhuận Hùng ghi lại hình ảnh người mẹ trong ký ức của Thầy, khi mẹ nuôi đàn con nhỏ bằng cách rời nhà cho lũ trẻ tự lo trong khi mẹ lội rừng, đi cắt tranh mướn tận Pleime, nơi giáp biên giới Campuchia - tác giả chia sẻ cái nhìn trong thơ của cố thi sĩ Thanh Trí Cao Thích Quảng Thanh rằng mẹ là hiện thân Phật, là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm.


Độc giả dễ dàng xúc động khi thấy cuộc đời của tác giả rất mực gian nan. Hình ảnh Khổ Đế được ghi lại trong tuyển tập văn bằng ngôn ngữ chất phác, chân thực. Nơi đây không phải là văn chương, chữ nơi đây là cảm xúc thật từ một nhà sư, sinh năm 1962, xuất gia năm 1977 tại chùa Tỉnh Hội Pleiku và về tu học với Bổn sư Thích Trí Đạo tại chùa Phú Mỹ, Pleiku, năm 1989 thọ Sa Di, và tháng 7/1991 sang Hoa Kỳ định cư theo diện (H.O) với thân phụ tại Quận Cam (California) và nơi đây nhập chúng Chùa Bảo Quang, được Hòa Thượng Thích Quảng Thanh nhận làm đệ tử, hướng dẫn tu tập. Tháng 12, 1991 Thầy Nhuận Hùng thọ giới Tỳ Kheo dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, và năm 2013 được tấn phong Thượng Tọa bởi HT Thích Tâm Châu, Thượng Thủ GHPGVNTTG. Từ năm 1991 đến năm 2017 Thầy Nhuận Hùng phụ tá Hòa thượng Quảng Thanh xây dựng chùa Bảo Quang, thực hiện các công tác trung tâm Phật Giáo, văn hóa, nghệ thuật và từ thiện - xã hội.


Tác giả Thích Nhuận Hùng không kể tận tường những kỷ niệm trong 26 năm phụ tá Thầy Quảng Thanh, lời ghi sơ lược, chủ yếu là cảm xúc, cũng không kể chi tiết các bất đồng một số Phật tử còn thắc mắc về chuyện, trên nguyên tắc Thầy Nhuận Hùng sẽ được thừa kế Chùa Bảo Quang sau khi Thầy Quảng Thanh viên tịch nhưng rồi đành phải ra đi - và bây giờ tác giả ở cách Quận Cam nhiều ngàn dặm, tận Florida.


Tôi, trong cương vị một Phật Tử và là một nhà báo thường xuyên tới Chùa Bảo Quang để làm tin, đã đồng hóa hai vị sư - Thầy Quảng Thanh và Thầy Nhuận Hùng - với ngôi chùa này. Lần nào tới thăm chùa này, tôi cũng nhìn thấy Thầy Nhuận Hùng làm đủ thứ vai trò trong việc xây dựng ngôi chùa này, lúc nào tay Thầy cũng bận rộn làm việc như một thợ mộc, thợ hồ, làm báo… làm vườn, v.v..


Và cũng có lúc, trong bài “Tưởng Nhớ Thầy,” tác giả Thích Nhuận Hùng ngậm ngùi khi viết: “…kẻ bên cạnh Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là ai? Người đó bây giờ ở đâu, sống hay chết ra sao? Có mấy ai biết được công lao Thầy Quảng Thanh như thế nào? Người kề cận sát cánh đêm ngày cùng Thầy Quảng Thanh xây cất công trình thì ra sao?” Tôi ngậm ngùi khi đọc những dòng như thế. Hơn một phần tư thế kỷ trong đời Thầy Nhuận Hùng đã gắn bó với từng viên gạch nhỏ trong Chùa Bảo Quang.


Thầy Nhuận Hùng không viết với ý định trở thành một nhà văn, kể cả khi Thầy kể chuyện về một nhà sư dạy võ trên núi Nga My thời nhà Tống, như trong bài “Cây Cầu Giải Nghiệp”; cũng như khi Thầy kể chuyện đi tìm linh dược trên núi Hy Mã Lạp Sơn, như trong bài “Đi Tìm Linh Dược.” Tất cả đều muốn nêu lên tinh thần kham nhẫn, muốn phụng sự chúng sinh, làm sáng tỏ lý duyên khởi và pháp ấn vô thường. Ngay cả trong các bài viết với văn phong truyện võ hiệp, Thầy Nhuận Hùng có lúc than thở về những hung hiểm giữa cõi người, và rồi nhắc tới những dòng trong Bát Nhã Tâm Kinh hay Kinh Duy Ma Cật.


Tôi hơi bất ngờ khi biết Thầy Nhuận Hùng viết tuyển tập văn “Vòng Xoáy Cuộc Đời.” Hình ảnh Thầy trong tôi trước giờ là một hóa thân của ngài Trì Địa Bồ Tát, một người gánh đất làm đường và trộn xi măng làm chùa. Tôi luôn luôn vui mừng khi biết có một vị tu sĩ hay một cư sĩ nào cầm bút, dù là làm thơ, viết truyện hay viết lý luận. Tôi nhiều lần than phiền khi thấy số người viết và dịch về Phật Giáo không nhiều, so với tỷ lệ dân số. Tôi ước mơ rằng các học viện Phật Giáo tại VN mỗi tuần sẽ có vài giờ đồng hồ để dạy các Tăng, Ni, Cư Sĩ về nghệ thuật viết. Tại sao cần học viết? Tại sao các Tăng Ni, Cư Sĩ cần giữ thói quen viết? Bởi vì đơn giản, khi cầm bút viết, trước đó là phải đọc. Và đọc chính là học. Kho tàng Phật học nhiều mênh mông, mà không đọc thì uổng phí biết là bao nhiêu. Những vị Thầy lớn trước giờ đã dùng chữ viết để xây nên ngôi nhà Phật học hiện nay, và chúng ta đang uống những dòng sữa Pháp từ chữ của quý Thầy Thiện Siêu, Trí Tịnh, Minh Châu, Thanh Từ, Nhất Hạnh, Trúc Thiên, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, và vân vân. Đó là chữ. Hãy hình dung là nếu không có những dòng chữ đó của quý ngài đi trước, cõi này của chúng ta sẽ kinh hoàng biết bao nhiêu. Trong khi đó, kho tàng văn học Phật Giáo bằng tiếng Anh cũng đã rất mực phong phú, đang cần nhiều người đọc để chuyển ngữ về cho đồng bào mình đọc. Chính ngay trong khi viết - dù làm thơ hay viết truyện - chúng ta mới đọc kỹ các cảm xúc và các niệm tâm mình hơn, cũng như nhận diện và cân nhắc từng tác dụng của chữ đối với độc giả. Do vậy, tôi quý trọng việc Thầy Nhuận Hùng cầm bút. Dĩ nhiên, Thầy không phải là nhà văn, và chỉ là một nhà sư thấy trong lòng có điều muốn viết ra chữ.


Thầy Nhuận Hùng kể chuyện quanh Thầy và cũng tự kể về Thầy. Tất cả đều là một nhận diện về Khổ Đế. Cõi này rất buồn, và do vậy nương tựa Tam Bảo mới là niềm vui chân chánh. Các hình ảnh bất như ý được Thầy Nhuận Hùng ghi ngay từ nhan đề các bài viết. Như nhan đề “Cây Cầu Giải Nghiệp” (trang 02) hay “Đi Tìm Linh Dược” (tr.20)… có nghiệp cần giải, và có linh dược cần tìm. Hay nhan đề các bài “Ảo Mộng Trần Gian” (tr. 82) và “Thân Phận Lá Vàng” (tr.88). Hay nhan đề các bài “Khúc Nhạc Sầu” (tr. 108) và “Ai Đã Thầm Lặng” (tr. 119). Hay như nhan đề “Lỗi Người và Lỗi Ta” (tr. 196) và “Vòng Xoáy Cuộc Đời” (tr. 66) --- và nhan đề này được dùng làm nhan đề toàn bộ tuyển tập văn này.

Các nỗi khổ trần gian không chỉ nằm nơi nhan đề bài viết. Chuyện kể trong nhiều bài là những nỗi khổ ở cả quê nhà và quê người. Nỗi gian nan nơi quê nhà Thầy Nhuận Hùng tự kể trong bài “Mẹ!” khi Thầy xuất gia từ niên thiếu, và mẹ Thầy lặn lội, kiếm sống gian nan để nuôi bốn đứa em gái còn nhỏ của Thầy trong khi người cha vào tù cải tạo. Hoàn cảnh bà mẹ vào rừng cắt tranh kiếm sống, trong khi bốn đứa nhỏ (tuổi từ 5 tới 13) tự lo ở nhà tại Pleiku đã làm xúc động cả cõi vô hình: bà ngoại từ Bình Định được dì Lan báo mộng, hối thúc mang gạo và thức ăn lên Pleiku cho bốn đứa cháu nhỏ vắng mẹ và cả vắng cha (trong khi người anh là Thầy Nhuận Hùng đang tu ở một ngôi chùa xa).


Có lúc tác giả Thích Nhuận Hùng bực dọc, nhưng ngôn ngữ của Thầy được kềm chế ở mức vừa phải. Nếu độc giả cư ngụ ở Quận Cam, sẽ nhận ra một số nỗi bực dọc của Thầy, dù ngôn ngữ của Thầy không minh nhiên chỉ ra ai hay việc gì. Thí dụ như trong bài “Vòng Xoáy Cuộc Đời” - Thầy viết về chuyện thiền môn với “một con sâu làm rầu nồi canh”… Chữ nặng nề Thầy tìm được là chữ “bất lương” khi Thầy viết, “Thời buổi này cơm, áo, gạo, tiền, làm sao tránh cho khỏi được những việc làm bất lương” (tr. 70). Hay như cuối bài vừa dẫn, Thầy viết về nghiệp quả, và “Đó không xứng đáng là người có mặt trên trái đất này. Dù có sống ở trên đời này, phẩm chất tư cách cũng thấp hơn các loài chúng sinh khác. Nhân quả nhãn tiền không thể trốn tránh được.” (tr. 71) Tôi biết, Thầy bực dọc lắm mới viết như thế, và tôi hiểu được cảm xúc như thế.


Bản thân tôi, trong cương vị nhà báo, đã chứng kiến những diễn biến trong ngôi Chùa Bảo Quang từ nhiều thập niên, đã nhìn thấy ngày ngày Thầy Nhuận Hùng mệt nhọc đổ mồ hôi để xây dựng ngôi chùa này, tới nhiều lần ngả bệnh… Và bây giờ Thầy đã đi xa nhiều ngàn dặm, tới một miền quê ở Florida để tu và ngồi viết.


Tôi ước mơ Thầy Nhuận Hùng sẽ không bao giờ ngưng viết. Một thời, Thầy xây dựng ngôi chùa gạch đá xi măng, và bây giờ xin Thầy xây dựng ngôi chùa bằng chữ nghĩa giáo pháp. Phật Giáo cần rất nhiều người viết, và khi viết cũng là đọc và là cần đọc. Ngôi chùa Phật Giáo thế giới đã được xây dựng từ hơn hai ngàn năm bằng chữ Pali, chữ Sanskrit, chữ Hán, chữ Tây Tạng. Ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam bằng chữ đã được nhiều thế hệ xây dựng lên, một thời bằng chữ Hán, rồi chữ Nôm và bây giờ bằng mẫu tự abc. Hãy mời gọi nhau cầm bút, để góp thêm những viên gạch mới vào ngôi chùa chữ nghĩa đó cho các thế hệ tương lai. Xin trân trọng chúc mừng tác phẩm mới của Thầy: đây cũng là một ngôi chùa trên giấy.

*
Sách đang lưu hành trên mạng Amazon và sẽ được Thư Viện Hoa Sen phổ biến rộng rãi trên online cũng như free download ebook vào tuần sắp đến.
(Nguồn: Tinh Tấn Magazine)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT