Đạo và Đời

Lệnh truyền sau cùng

Wednesday, 20/05/2020 - 04:10:36

​Mỗi người chúng ta đều có những phần trách nhiệm khác nhau trong lệnh truyền Chúa để lại.


Hình minh họa Chúa Giêsu trở về trời. (BibleStudyTools.com)

 

Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Nhiều giáo phận cử hành Lễ Chúa Giêsu Lên Trời vào ngày thứ Năm sau Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh, nhưng hầu hết các giáo phận tại Hoa Kỳ mừng vào ngày Chúa Nhật sau đó. Một trong những lý do các đức giám mục đã dời ngày Lễ là để nhiều giáo dân có thể cử hành hơn vì đây là Thánh Lễ trọng và buộc.

​Tin Mừng theo Thánh Matthêu tường thuật lại những giây phút sau cùng của Chúa Giêsu ở thế gian này trước khi Ngài về trời. Ngài gặp gỡ các môn đệ của Ngài tại Galilêa, cũng là nơi Ngài khởi sự sứ vụ rao giảng Nước Trời, và truyền cho các ông huấn lệnh sau cùng, “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” Sau đó, Ngài còn hứa sẽ ở với các ông “mọi ngày cho đến tận thế.”

​Lệnh truyền này khác với lần trước khi Chúa sai các ông chỉ đến với chiên lạc nhà Ít-ra-en (Mt 15:24). Lần đó là lần đầu tiên các ông tập sự công việc truyền giáo, nhưng lần này Chúa muốn các ông đến với muôn dân: không phân biệt mầu da, giới tính, văn hóa, hay giai cấp. Mọi rào cản và ngăn cách phải được tháo gỡ khi rao giảng lời Chúa. Một trong những tranh chấp căng thẳng sau khi Chúa Giêsu về trời, đó là có nên rao giảng lời Chúa cho người dân ngoại không, hay chỉ giới hạn cho người Do Thái. Lệnh truyền sau cùng này của Chúa Giêsu đã giúp giải quyết được vấn đề. Ý của Ngài là phải đến với muôn dân, không phải chỉ riêng người Do Thái. Nhờ đó mà chúng ta ngày hôm nay và nhiều dân tộc trên thế giới đã đón nhận được đức tin.

​Điểm thứ hai trong lệnh truyền của Chúa Giêsu cần được lưu ý, đó là cách thức làm phép rửa. Chúa căn dặn rõ ràng, các con “làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Phép rửa được đặt trên nền tảng Thiên Chúa Ba Ngôi để nhấn mạnh niềm tin căn bản vào Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng, Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc; và Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Trong suốt 2000 năm qua, lời chỉ dẫn này là cách thức duy nhất được Giáo Hội sử dụng để cử hành Bí Tích Rửa Tội, trước hết để nhắc nhở tất cả chúng ta khi được rửa tội, chúng ta được đón nhận vào sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa Ba Ngôi và được thông phần vào sự sống bất diệt này. Nhờ đó, theo Thánh Augustinô giảng giải, tội nguyên tổ được xóa bỏ, và chúng ta trọn vẹn thuộc về Chúa Ba Ngôi trong một đời sống mới.

​Qua muôn thời đại, sứ vụ truyền giáo Chúa Giêsu để lại luôn là một thách đố lớn cho Giáo Hội vì phải đối phó với nhiều cấm cách và bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúa Giêsu biết trước điều đó nên Ngài đã hứa, “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Mặc dù Chúa về trời, nhưng Ngài đã không bỏ các môn đệ của Ngài mồ côi. Sau đó, Ngài đã ban Đức Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội để phù trợ công việc truyền giáo. Chính vì thế, trải qua nhiều thời kỳ bách hại khốc liệt ở nhiều nơi khác nhau, Giáo Hội vẫn luôn kiên trì trong đức tin và sứ vụ của mình để “rửa tội cho muôn dân.”

​Mỗi người chúng ta đều có những phần trách nhiệm khác nhau trong lệnh truyền Chúa để lại. Thông thường các linh mục và tu sĩ nam nữ được hiểu là những người lo việc truyền giáo, nhưng kinh nghiệm cho thấy, chính những tông đồ giáo dân đã đóng vai trò quan trọng trong sứ vụ này. Họ là những người trực tiếp sống gần gũi với “muôn dân” và đã nêu gương sáng đời sống đức tin; chính họ là những người đã đóng vai trò giảng dạy cho muôn dân “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” bằng đời sống bác ái; và họ là những nhà truyền giáo giới thiệu “muôn dân” đến hàng giáo sĩ để được hướng dẫn thêm và lãnh nhận các bí tích. Sự cộng tác của tông đồ giáo dân không thể thiếu được trong sứ vụ truyền giáo. Hy vọng mỗi ngày mỗi tín hữu ý thức được trách nhiệm thiêng liêng này của mình.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT