Người Việt Khắp Nơi

Lễ tưởng niệm & tri ân công đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Thursday, 06/12/2018 - 08:23:35

Đầu năm 1285, Thượng Hoàng lại triệu tập hội nghị tại Điện Diên Hồng, hỏi ý kiến các bô lão nên hòa hay nên chiến? Mọi người nhất tề hô “Quyết Chiến.” Cả hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng là hai điểm son trong sử sách của một vị Vua tôn trọng nền dân chủ.


Hình bích chương quảng báo buổi tưởng niệm vào chiều Chủ Nhật cuối tuần này. (Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 9 tháng 12, 2018, Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông sẽ tổ chức Lễ Tưởng Niệm lần thứ 710 Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi Niết Bàn và Tri Ân Công Đức Của Ngài tại chùa Điều Ngự, 14472 Chestnut Street, Westminster.

Ông Nguyễn Kiện, Trưởng Ban Tổ Chức kính mời quý đồng hương tới tham dự để tôn vinh công hạnh của một vị vua đã đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự chủ dân tộc, tạo dựng một triều đại thịnh trị thời nhà Trần và xây dựng Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử cho Phật Giáo Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi mời qúy độc giả lược qua vài nét về thân thế, sự nghiệp của Vua Trân Nhân Tông, và vì sao Ngài được tôn là Phật Hoàng?

Vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, tên húy là Khâm sinh ngày 11 tháng 11, 1258 là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông. Năm 16 tuổi bất đắc dĩ phải nhận chức Hoàng Thái Tử, vì ngài muốn nhường tước vị này cho người em nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó Vua Trần Thánh Tông cưới cho Hoàng Thái Tử một người vợ, sau này là Khâm Từ Thái Hậu. Hai vợ chồng Thái Tử sống hạnh phúc trong hoàng cung nhưng trong đầu luôn nghĩ đến việc đi tu.

Lên ngôi vua Đại Việt năm 1279, năm năm sau tức vào năm 1284 đại quân Mông Cổ vào xâm lược nước ta lần thứ hai vào năm 1284 và lần thứ ba (1285 -1288). Quân Mông Cổ lúc bấy giờ được coi là đạo quân bách chiến bách thắng, chúng đã tràn ngập khắp Âu châu và Á châu. Với âm mưu thôn tính Đại Việt (nước Việt Nam ngày nay) Hốt Tất Liệt chuẩn bị phương án kỹ lưỡng, và để có cớ xâm lược Đại Việt, Hốt Tất Liệt sai viên Lễ Bộ Thượng Thư là Sài Thung đi sứ sang nước ta.

Sài Thung kiêu căng cỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân sĩ cản lại, y dùng roi đánh lính canh rồi cho người đưa thư trách Trần Nhân Tông sao dám xưng Vương mà không xin phép triều đình nhà Nguyên? Thái độ hống hách của quân Mông khiến quan hệ bang giao giữa hai nước Việt - Mông trở nên căng thẳng và cuộc chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào vì Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị sẵn sàng quân, lương. Và cuối năm 1282 Hốt Tất Liệt sai Toa Đô đem quân đánh Chiêm Thành để làm gọng kìm đánh chiếm Đại Việt.

Nhà vua gửi hai vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện cho Chiêm Thành, đồng thời triệu tập hội nghị Bình Than gồm các nhân sĩ, trí thức, văn võ bá quan để hoạch định kế hoạch kháng chiến. Cả nước đều hưởng ứng, chuẩn bị lương thực, thanh niên hăng hái gia nhập quân lính sẵn sàng đánh giặc ngoại xâm.

Đầu năm 1285, Thượng Hoàng lại triệu tập hội nghị tại Điện Diên Hồng, hỏi ý kiến các bô lão nên hòa hay nên chiến? Mọi người nhất tề hô “Quyết Chiến.” Cả hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng là hai điểm son trong sử sách của một vị Vua tôn trọng nền dân chủ.

Cuối năm 1283, vua Trần Nhân Tông phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh toàn quân chống quân xâm lược Mông Cổ.

Nhờ ý chí của toàn quân, toàn dân, nhờ tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương, quân Mông Cổ ba lần bị thảm bại mà trận đánh đầy mưu lược và chiến thắng lừng lẫy nhất trên sông Bạch Đằng vào ngày 9 tháng 4, 1288. Các tướng Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp đều bị bắt sống, Thoát Hoan được quân lính cho chui vào một ống đồng lớn khiêng chạy về Tàu thoát thân và từ đó nước ta được sống yên ổn, thái bình.
Sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm, vào năm Quý Tỵ (1293) Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và ông trở thành Thái Thượng Hoàng. Sáu năm sau, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông rời vợ, con, xuất gia lên tu ở núi Yên Tử vào tháng 10, 1299 theo phái tu khổ hạnh gọi là “hạnh đầu đà,” pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài đi khắp nơi để truyền bá Thiền Tông và hiện nay phái Thiền Tông phát triển rất mạnh tại Việt Nam.

Vào giờ Tý ngày 1 tháng 11, 1308, một đêm trăng sao vằng vặc, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngọa Vân, năm đó ngài mới 51 tuổi.

Vua Trần Nhân Tông đã để lại nhiều thơ Thiền và viết nhiều sách về Phật Giáo . Theo di chúc, Vua Trần Anh Tông cùng đình thần rước linh cốt của vua cha về tôn thờ ở nơi Đức Lăng và xây Huệ Quang Kim Tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Việc một nhà vua có công phát triển và làm hưng thịnh Phật Giáo một thời, sau đó đang sống trong cung điện nguy nga, đầy quyền quý cao sang mà từ bỏ để đi tu và rao truyền Thiền Tông nên Phật Giáo phong cho ngài tước hiệu là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Để hiểu thêm về vị Vua này, quý đồng hương có thể đến tham dự Lễ Tưởng Niệm và Tri Ân Ngài tại chùa Điều Ngự theo ngày giờ đã ghi ở phần đầu bài. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc với Trưởng Ban Tổ Chức, ông Nguyễn Kiện (714) 326-5077.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT