Người Việt Khắp Nơi

Lễ tưởng niệm 4 em bé gốc Việt sẽ diễn ra trong nhà vì trời lạnh

Monday, 06/01/2014 - 08:14:22

Vì thời tiết lạnh băng giá từ miền Bắc xuống miền Nam nước Mỹ trong nhiều ngày qua, chính quyền thành phố đã quyết định tổ chức lễ tưởng niệm bốn em bé từng bị ném xuống cầu ở bên trong một tòa nhà thay vì ở ngoài trời như dự tính trước đây.



Từ trên theo kim đồng hồ là Ryan, Hannah, Danny, và Lindsey.
 
BAYOU LA BATRE, Alabama – Vì thời tiết lạnh băng giá từ miền Bắc xuống miền Nam nước Mỹ trong nhiều ngày qua, chính quyền thành phố đã quyết định tổ chức lễ tưởng niệm bốn em bé từng bị ném xuống cầu ở bên trong một tòa nhà thay vì ở ngoài trời như dự tính trước đây. Buổi lễ diễn ra chiều ngày thứ Ba hôm nay tại Mobile, tiểu bang Alabama, gần cây cầu Dauphin Island Bridge nơi mà bốn em bé bị cha ném xuống nước sông lạnh buốt vào ngày 7 tháng Một, 2008, đúng sáu năm trước từ ngày hôm nay.

Theo chương trình mới được sửa đổi, lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức tại tòa nhà Bayou La Batre Civic Center ở số 12745 đường Padgett Switch Rd., bắt đầu lúc 6 giờ 30 chiều thứ Ba.

Thị Trưởng Brett Dungan của thị xã Bayou La Batre, Trưởng Công Tố Viên bà Ashley Rich thuộc Hạt Mobile County và hội Homicide Survivors of the Gulf Coast (Người Sống Sót Trong Án Mạng Trong Vùng Vịnh, viết tắt là HSGC) đã hợp tác để tổ chức lễ tưởng niệm bốn em bé gốc Việt Nam. Ban đầu họ dự định tổ chức buổi lễ tại công viên Maritime Park, nơi mà một đài tưởng niệm đã được dựng lên cho bốn nạn nhân.

Dự báo của Đài Khí Tượng Quốc Gia cho biết vùng Mobile, Alabama sẽ lạnh dưới 30 độ F, tức dưới mức đông đá (32 độ F) vào lúc 6 giờ chiều. Vì có gió từ phương Bắc, người ta sẽ cảm thấy nhiệt độ còn lạnh hơn rất nhiều.

Tất cả bốn em - Ryan Phan, 3 tuổi; Hannah Lương, 2 tuổi; Lindsey Lương, 1 tuổi; và Danny Lương, 4 tháng - đều đã chết sau khi rớt xuống cửa sông đổ ra biển.

Trước đây ông Tony Dickey, chủ tịch của HSGC, nói, “Chúng tôi muốn quy tụ cộng đồng lại với nhau, để tưởng nhớ những em bé này, và cám ơn những người đã nỗ lực tìm kiếm để đưa các em về nhà. Các em không thể nào bị lãng quên.”

Lễ tưởng niệm được tổ chức sau khi một tòa kháng án quyết định lật ngược bản án tử hình vì tội sát nhân dành cho cha của các em là ông Lương Lâm, 43 tuổi. Ông Lâm bị tuyên án tử hình trong năm 2009, bởi Chánh Án Charles Graddick của Tòa Án Địa Hạt Quận Mobile County, nhưng việc kết tội và bản án này đã bị Tòa Kháng Án Hình Sự Alabama bác bỏ. Tòa kháng án không đồng ý với việc Chánh Án Graddick quyết định không dời cuộc xét xử tới nơi khác thay vì cho tòa diễn ra tại một nơi mà hầu như ai cũng biết về án mạng. Tòa kháng án cũng không đồng ý về những câu hỏi đã được đặt ra cho bồi thẩm đoàn trước khi mở phiên tòa năm 2009.

Ông Dickey nói việc tổ chức lễ tưởng niệm cần được thực hiện vì “những đứa trẻ này vẫn cần công lý.”
Công Tố Viên Ashley Rich cho biết rằng một phiên tòa tái xét xử ông Lâm sẽ tốn $100,000 Mỹ kim, nhưng sẽ diễn ra nếu cần thiết. Tổng Biện Lý Luther Strange của Alabama cho biết văn phòng của ông sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện tiểu bang bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới .

Việc tạo sự chú ý vào bốn em bé, trong khi số phận của người bị cáo buộc giết chúng vẫn còn phải được định đoạt, là điểm chính yếu của buổi tưởng niệm vào ngày 7 tháng Một vì đó là ngày mà án mạng xảy ra đúng sáu năm trước.

Ông Dickey nói, “Các em đã ra đi được sáu năm. Và trước sự việc vụ này có thể được xét xử lại, chúng tôi muốn cộng đồng nhớ lại những gì đã xảy ra.”

Tại đài tưởng niệm tại Maritime Park, hình ảnh những em bé khác cũng sẽ được đưa vào sau này. Buổi lễ cũng vinh danh những người từng giúp tìm ra xác bốn em bé.

Theo cáo trạng vào năm 2009, ông Lâm đã có hành động tàn nhẫn đối với bốn đứa con sau khi cãi nhau với vợ. Ông lái xe chở con đến cầu, thảy từng đứa xuống sông từ một cây cầu nối hòn đảo Dauphin với đất liền. Vụ án này đã gây chấn động trong cộng đồng người Mỹ cũng như người Việt khắp tiểu bang Alabama.

Mấy ngày sau đó, theo lời khai trong tòa sau này, khi cảnh sát đã bắt tạm giam ông Lâm, ông đã yêu cầu cho gặp bà Phan Kiều, vợ của ông mà nay được 30 tuổi. Ông muốn gặp bà ở trong tù để nói với bà, "Tất cả mấy đứa trẻ đã chết."

Bà Kiều kể rằng ông Lâm đã vừa nói vừa cười, "Không ai tìm thấy chúng đâu.”

Trong mấy ngày sau, các nhân viên của chính phủ đã vớt được xác của bốn đứa trẻ dọc bờ biển.

Ông Lâm từ Việt Nam đến Alabama vào năm 1984, sống nghềchài lưới. Hai vợ chồng ông cư ngụ tại Bayou La Batre, một làng chài có đông dân từ Đông Nam Á.

Ryan Phan là con riêng của vợ nhưng được ông Lâm nuôi từ lúc sơ sinh.

Bà Kiều nói ông Lâm đã có bạn gái và bắt đầu dùng ma túy crack cocaine. Ông không có việc làm thường xuyên và chưa là công dân Hoa Kỳ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT