Thế Giới

Lào bán sản phẩm làm bằng ngà voi lậu cho khách Trung Hoa

Saturday, 07/05/2016 - 10:29:16

Nhiều bức tượng Phật, vòng đeo tay, đồ trang sức, mặt dây chuyền và những chiếc đũa lóng lánh màu trắng ngà, dưới ánh đèn sáng rực trong tủ trưng bày của các cửa tiệm. Người phụ nữ Lào đứng đằng sau quầy hàng trao những món đồ ấy cho các khách hàng Trung Hoa. Họ cầm lấy những món ấy mà ngắm nghía thán phục, và cẩn thận tìm hiểu phong cách chạm trổ.

 
Những sản phẩm làm bằng ngà voi được bán với giá hàng ngày Mỹ kim tại Lào. (Telegraph)

VẠN TƯỢNG - Nạn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác vẫn đang tiếp diễn, mặc dù trong mấy năm gần đây cộng đồng thế giới đã tìm cách ngăn chặn tệ nạn này. Tình trạng buôn ngà voi từ Phi Châu vẫn tiếp tục, một phần lớn vì có sự tiêu thụ ở Trung Quốc và Việt Nam, mà nhất là tại Trung Quốc. Trong bài viết sau đây được đăng trên báo Telegraph tại Anh, người ta được theo chân phóng viên Philip Sherwell đến tận các cửa hàng bán sản phẩm ngà voi rất đắt tiền, tại xứ Lào.

Nhiều bức tượng Phật, vòng đeo tay, đồ trang sức, mặt dây chuyền và những chiếc đũa lóng lánh màu trắng ngà, dưới ánh đèn sáng rực trong tủ trưng bày của các cửa tiệm. Người phụ nữ Lào đứng đằng sau quầy hàng trao những món đồ ấy cho các khách hàng Trung Hoa. Họ cầm lấy những món ấy mà ngắm nghía thán phục, và cẩn thận tìm hiểu phong cách chạm trổ.

Và khi cô bán hàng bảo đảm với các khách hàng rằng những món đồ chạm khắc tinh vi ấy là bằng ngà voi từ Phi Châu, nguồn cung cấp hấp dẫn nhất, cô đưa cho họ một cây bút đèn pin, để coi lại màu hồng nhạt cho thấy phẩm chất cao của mặt hàng.

Cô khoe bằng tiếng Hoa, “Hàng tốt nhất đấy,” trong khi những người khách hàng khác đọc danh sách liệt kê những thứ được chứa trong những chai rượu hổ cốt. Trong những ngăn bên cạnh họ là một thứ hàng xa xỉ đắt hơn nhiều: sừng tê giác, đôi khi được nạm vào những món đồ nữ trang. Nhưng sừng tê thường được bày bán dưới dạng những mảnh giống như vỏ cây đựng trong lọ, được tán mịn, hòa tan vào nước, và uống với mục đích trị bệnh.

Đây là một trong những cửa tiệm tại một khu chợ trời ở ngoại ô Vientiane (Vạn Tượng), thủ đô nuớc Lào. Nơi đó là mặt tiền cửa hàng mới ở Á Châu, bán những sản phẩm từ một số động vật hoang dã oai hùng nhất thế giới bị tàn sát.

Hàng chục ngàn con voi, cọp, và tê giác, đang bị giết chết ở Phi Châu và Á Châu, để đáp ứng các nhu cầu của những người tiêu thụ, mà hầu hết là người Trung Hoa, đối với những sản phẩm và “phương dược cổ truyền” được làm bằng ngà, sừng và cơ thể của những con vật ấy.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc dẹp buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bên trong biên giới của họ. Vì vậy, những kẻ buôn lậu và những người mua hàng hiện nay làm công việc kinh doanh của họ tại các nước láng giềng ở phía nam của Trung Quốc, là Việt Nam và đặc biệt là Lào, nơi thuận tiện cho việc buôn lậu thú rừng.

Các phóng viên nhật báo Telegraph đã tới thăm khu chợ San Jiang, sau khi nhận được thông tin do Cơ Quan Điều Tra Môi Trường (EIA) cung cấp. Đây là một tổ chức vận động quốc tế ở London, chuyên theo dõi và phanh phui những vụ tội phạm về môi trường trên khắp thế giới.

Julian Newman, giám đốc đặc trách các cuộc vận động của EIA, nói, “Lào bắt đầu trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho bọn tội phạm động vật hoang dã, giữa lúc những nhóm quốc tế tìm kiếm những địa điểm yếu kém, nơi mà việc thực thi công lực tỏ ra kém cỏi và nạn tham nhũng phát triển mạnh mẽ.

Trong ngày thứ Bảy vừa qua, có một vụ đốt 120 tấn ngà voi bị tịch thu, vụ thiêu ngà lớn ở Kenya, Phi Châu, nhằm gởi thông điệp nói rằng việc săn bắt trộm và buôn bán lậu chẳng đem lại lợi ích gì cả. Nhưng ông Newman lưu ý rằng “những nỗ lực này sẽ thất bại, nếu những khu chợ ở Á Châu vẫn mở cửa cho hoạt động kinh doanh này.” Và như báo Telegraph khám phá ra ở San Jiang, những khu chợ này vẫn còn thu được lợi nhuận béo bở.
Một vật trang trí sặc sỡ được từ sừng tê giác nặng 321 gram. Người bán ra giá $53,450, nhưng sẵn sàng giảm bớt $450 nếu khách mua ngay lập tức.

Dưới dạng điêu khắc chạm trổ, sừng tê giác được bán lẻ ở mức giá chóng mặt là $16,600 cho 100 gram. Nếu không được khắc chạm, sừng tê giác được bán với giá chừng $6,000 cho 100 gram, đắt hơn vàng, khiến cho một cái sừng được chặt ra từ một con vật lớn hơn có trị giá là khoảng $200,000.

Sừng thường được xay nhuyễn và hòa tan trong nước sôi, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, nơi mà người ta coi sừng tê giác có những dược tính phục hồi khác nhau, chữa từ chứng váng vất do say rượu cho tới bệnh ung thư.

Những món nữ trang và những đồ trang sức bằng ngà voi đều có giá cả vừa phải hơn. Từ lâu ngà voi là một món hàng được nhiều người tìm kiếm trong khu vực Đông Á. Những nhà giàu mới phất ở Trung Quốc tìm mua ngà đang đẩy mạnh thị trường ngà voi.

Tại San Jiang, hầu hết những người mua và người bán đều là dân Trung Quốc. Giá cả được tính bằng đồng Nhân Dân Tệ. Kẻ mua người bán đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Tên các cửa hàng đều được viết bằng chữ Hán trước tiên, và sau đó đôi khi được viết bằng chữ Lào.

Giá rao bán đũa ngà là $290 một bộ, mặt dây chuyền là $380, và vòng đeo tay có giá $500 trở lên. Giá cả lại được tính theo trọng lượng. Ngà voi được chạm trổ có giá là $6 một gram. Những người bán đòi giá $3,729 cho một bức tượng Phật cao tám inch được chạm khắc công phu.

Lào là một nước nhỏ lọt thõm trong đất liền, do cộng sản cai trị. Lào trở thành một trung tâm buôn bán như vậy là nhờ vị trí chiến lược của nước này ở Đông Nam Á, việc thực thi công lực yếu kém, và nạn tham nhũng tràn lan. Nằm trên một con đường cách sông Mekong chưa tới một dặm, San Jiang ở gần phi trường của thành phố, thuận tiện cho những người Trung Quốc sang mua sắm.

Ông Newman nói, “Hầu hết ngà voi được bán tại Lào đều phát xuất từ những con voi bị giết ở Phi Châu. Nhà chức trách Lào thất bại một cách khủng khiếp, trong việc thi hành nghĩa vụ quốc tế của họ và dẹp nạn bán ngà voi một cách công khai.

“Tình hình cho những con voi Phi Châu thật là thảm khốc. Mỗi năm có chừng 30,000 con bị săn trộm để lấy ngà. Quy mô của sự mất mát này đang vượt xa mức thay thế tự nhiên, đe dọa sự sinh tồn dài hạn của loài voi.
“Đối với các quần thể tê giác đang lâm nguy ở Phi Châu, triển vọng thậm chí còn càng nguy hiểm hơn nữa. Tính từ năm 2008, có 5,940 con tê giác đã bị săn trộm, từ số lượng khoảng 25,000 con sống trong vùng hoang dã. Tính nội trong năm 2015, có 1,338 con bị giết chết. Đây là năm thứ sáu trong sáu liên tiếp, trong đó số lượng tê giác bị giết tăng lên. “Cuộc tàn sát này đang được thúc đẩy bởi giá cả sừng tê tăng vọt, trong những khu chợ lớn ở Việt Nam và Trung Quốc bán sừng tê vì những lợi ích sai lầm về mặt y khoa, cũng như trong những khu chợ đen mà Lào mang tội cung cấp một cách công khai.”

Các hồ sơ quốc tế cho thấy rằng Lào đã dính líu vào ít nhất 11 vụ lớn tịch thu ngà voi, từ năm 2009 cho tới năm 2015. Trọng lượng tổng cộng của những chiếc ngà voi bị tịch thu lên tới hơn 10 tấn, tương đương với hơn 1,500 con voi bị giết chết.

Lào cũng mang tiếng trên khắp thế giới là căn cứ cho một số hoạt buôn bán động vật hoang dã. Khét tiếng nhất là một đường dây do một thương gia được gọi Vixay Keosavang cầm đầu. Người này là “Ông Lớn” của thế giới buôn lậu quốc tế.

Trong năm 2013, chính phủ Msĩ treo giải thưởng $1 triệu cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc phá vỡ đường dây của ông, được cho là có nhiều chi nhánh tại Nam Phi, Mozambique, Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Vixay vẫn cứ phây phây, hoạt động kinh doanh của ông vẫn còn nguyên vẹn. Ông nói với một ký giả rằng ông làm việc với các giới chức Lào. Trong tháng qua, Vientiane tổ chức một cuộc họp của các giới chức thực thi công lực, từ những vùng biên giới của Lào, Việt Nam và Trung Quốc, để thảo luận về những hành động trong khu vực, nhằm giải quyết nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Nhưng cho đến nay, không có những vụ truy tố, kết tội, hoặc bắt giữ nào lớn, không giống như ở các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Như nhật báo Vientiane Times của chính phủ Lào lưu ý, “Các chính phủ trong khu vực đã đem lại một tiếng nói chính trị cho việc chống lại những mạng lưới buôn bán động vật hoang dã. Thế nhưng điều này còn phải được thể hiện một cách cụ thể, và nạn buôn bán tiếp tục không bị suy giảm.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT