Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 3)

Sunday, 09/07/2017 - 10:08:25

Thầy Trí cho biết ở các trường đại học thì mỗi cuối mùa có cho sinh viên viết đánh giá thầy cô, tôi rất thích khi đọc được những câu như em đến lớp này chỉ định học tiếng Việt thôi, nhưng không ngờ là còn được học thêm văn hóa và những điều khác về Việt Nam nữa.

Bài BĂNG HUYỀN

Nhận thấy có nhiều hữu ích trong việc cho các em sinh viên học lớp tiếng Việt làm phim bài thi giữa khóa và cuối khóa, nên thầy Quyên Di nói thầy sẽ tiếp tục duy trì phương pháp này lâu dài cho các lớp tiếng Việt thầy đang dạy tại UCLA và Cal State Long Beach. Theo thầy Quyên Di, qua bài viết cuối khóa của từng em sinh viên (được thầy yêu cầu các em viết) để xác định xem trình độ các em tăng trưởng như thế nào, dựa vào sinh hoạt nhóm thì kết quả như thế, nhưng còn riêng từng em thì sao. “Tôi đọc những bài viết của các em, tôi cảm động lắm, các em cho biết các em đã học được nơi người dạy và học được từ bạn bè với nhau rất nhiều, đặc biệt là sinh hoạt nhóm khi làm phim, học được nhiều điều lắm.”

Những thú vị từ việc cho sinh viên làm phim

Riêng với thầy Quyên Di, nhìn lại hơn mười mấy năm qua cho các sinh viên làm phim, thầy nhận thấy có nhiều điều thú vị. Thầy Quyên Di chia sẻ, “Thú vị thứ nhất mà tôi thấy là với những em mới học tiếng Việt, đặc biệt là những em sinh ra, hoặc đến Mỹ từ nhỏ, các em cố gắng nói tiếng Việt mà mình nghe cứ lăn ra mà cười, chính các em cũng cười luôn. Nhưng các em rất cố gắng học và nói tiếng Việt. Thương lắm!

“Có năm một số em ở Cal State Long Beach đóng phim Ăn Khế Trả Vàng, cô bé đóng vai vợ người em hiền lành, thay vì cô chỉ lên con quạ bay đến ăn khế của vợ chồng cô, phải nói là Anh ơi, ô kìa con quạ, cô bé lại phải đóng đến 5 lần mới xong, vì cô cứ nói sai thành Anh ơi, ô kìa con khế. Đoạn chiếu cuối phim, phần Behind The Scenes chiếu lại cảnh quay bị hư này cho thấy phải quay đến lần thứ năm cô bé mới nói đúng.

“Thú vị thứ hai là, đôi khi tôi cắc cớ, tôi chiếu một bộ phim do tài tử thực thụ đóng, tôi cho đó chỉ là phần 1 của câu chuyện, sinh viên phải nghĩ ra phần 2 câu chuyện này sẽ diễn ra như thế nào. Mỗi một nhóm khi làm, ra những phần sau câu chuyện đủ các hình thái, các em giải quyết câu chuyện theo một hướng khác nhau. Lâu lâu tôi cho kiểu đó một lần, tôi thu thập được rất nhiều phần 2 câu chuyện được sáng tạo rất mới lạ.


Thầy Quyên Di bên các sinh viên lớp tiếng Việt. (Hình cung cấp)

“Thú vị thứ ba là theo tôi biết có ít nhất ba cặp về sau này sau khi học ra trường, đi làm rồi, đã lấy nhau, vì họ đã từng đóng phim chung với nhau trong nhóm, các cặp này đều học tại UCLA.
“Điều thú vị thứ tư mà tôi nhớ hoài, có năm với lớp tiếng Việt tại UCLA, tôi cho chủ đề về hôn nhân, đám cưới của người Việt, các em bèn đề nghị xin được tái hiện một đám cưới ngay trong trường. Năm đó (nếu tôi nhớ không lầm là năm 2008), thay vì chia nhóm thì cả lớp cùng làm chung một đề tài, tổ chức một đám cưới rất vĩ đại. Các em chọn hai em đẹp nhất làm cô dâu, chú rể, có in thiệp cưới (giấy mời gửi ra có hồi đáp đến dự được hay không… được in bằng song ngữ Anh Việt để những giáo viên, sinh viên khác trong trường hiểu), các em gửi khắp bạn bè, lên khoa ngôn ngữ và văn hóa Á Châu (bao gồm có lớp tiếng Việt trong khoa này) của trường mời cả trưởng khoa và các giảng viên trong khoa đến dự đám cưới.

“Các em book một phòng hội lớn của của khoa, hôm đó các em tổ chức lễ rước dâu, có múa lân, heo quay, có hình thức cho những em bé chăng dây giữa đường để cô dâu chú rể phải nộp tiền mãi lộ. Qua lễ cưới đó cho thấy các em đã đọc hết các tài liệu về đám cưới cổ truyền Việt Nam, tái hiện lại một đám cưới cổ truyền Việt Nam y hệt như thật, để cả trường cùng xem. Sau đó các em lấy một số đoạn được quay lại để làm phim nộp cho tôi.”

Học làm việc chung với người khác

Cùng suy nghĩ như thầy Quyên Di, Tiến sĩ Trần Chấn Trí cũng xác định sẽ tiếp tục duy trì hình thức làm phim cho bài thi cuối khóa lớp 1 C và 2 C của lớp tiếng Việt tại UCI. Thầy Trí bảo “Làm phim là yêu cầu bắt buột các em phải làm, là một phần của bài thi cuối khóa, dù không chấm điểm. Chẳng hạn cuốn phim các em làm theo nhóm sẽ có giá trị là 20% của bài thi final, nếu không làm phim thì chỉ có 80% điểm của bài thi thôi, nhưng với điều kiện bài thi đó phải làm hoàn hảo thì mới được 80%, còn nếu bài thi đó làm không đúng thì đâu thể được 80% điểm được. Điều hay là chưa bao giờ có em nào không tham gia làm phim cả. Tôi chưa đến lúc phải áp dụng kỷ luật với các em.”

 
Thầy Trần Chấn Trí bên các sinh viên lớp tiếng Việt 2 C tại UCI khóa học mùa xuân 2017. (Hình cung cấp)

Tiến sĩ Trần Chấn Trí nhớ lại, “Trong các kỳ làm phim như vậy, có một mùa cũng lâu rồi, cách nay cả chục năm, trường UCI có mở lớp văn chương Việt Nam, các em học lớp này tiếng Việt khá rồi, học về văn học tiền chiến, lớp đó tôi có cho các em làm phim. Các em đã lựa tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn để đóng những phim như Đời Mưa Gió, Hồn Bướm Mơ Tiên… Các em diễn tả hay lắm, không kém gì tài tử chuyên nghiệp đâu. Tôi có dạy được hai lớp như vậy, nhưng sau đó trường không đủ ngân sách để mở ra những lớp như vậy nữa, phải ngưng, rất tiếc. Mới đây khoảng hai năm trước tôi có dạy một lớp là văn chương Việt Nam dạy bằng tiếng Anh, tôi chọn những truyện dịch qua tiếng Anh để dạy. Mới đầu tôi cũng định cho các em làm phim, nhưng sau đó tôi thấy làm phim Việt Nam mà nói tiếng Anh thì hơi bất tiện, nên không để các em làm phim trong lớp đó.”

Thầy Trí cho biết ở các trường đại học thì mỗi cuối mùa có cho sinh viên viết đánh giá thầy cô, tôi rất thích khi đọc được những câu như em đến lớp này chỉ định học tiếng Việt thôi, nhưng không ngờ là còn được học thêm văn hóa và những điều khác về Việt Nam nữa.

Thầy nói, “Đó là phần thưởng quý cho mình, cho thấy mình đã ráng hết mình để giữ ngôn ngữ, văn hóa, và giữ bằng cách sống động là cho các em nói qua nói lại với nhau trong lớp, cùng làm phim. Còn chuyện lớn hơn thì cùng chung tay mà làm thôi, chứ không biết trước được như thế nào. Tôi chỉ biết là làm hết bổn phận, vai trò trong lớp học nhỏ của mình thôi. Như tôi ngoài đi dạy tiếng Việt, cũng có đóng góp vô sinh hoạt Việt ngữ trong cộng đồng, mỗi người chỉ làm theo sức của mình thôi. Mỗi người một chút thì sẽ thành nhiều chút.”

Thầy Trí cũng cho biết khi cho các sinh viên lớp tiếng Việt làm phim, thầy thấy rất thương các em, vì cứ cuối khóa học là các em bận rộn lắm, phải thi các môn khác và phải làm phim để nộp cho thầy nữa. Nhưng đến khi chiếu phim thì thầy có thể đọc được qua phản ứng của các em là rất thích chuyện làm phim, biết rằng rất cực, nhưng cuối cùng thấy kết quả của mình rất rõ ràng, các em thích lắm. thầy luôn chuẩn bị những phần quà cho các em đạt giải rất trang trọng, đẹp mắt, giá trị, những em trong các nhóm không đạt giải vẫn nhận được quà nho nhỏ, vì thầy không muốn để các em thấy buồn, ai cũng có quà hết.

Theo thầy Trí, khi cho các sinh viên làm chung với nhau, cũng dễ xảy ra khi thì vấn đề này, khi thì vấn đề kia. Nhưng thầy rất đáng mừng là trong mười mấy năm thực hiện việc làm phim này thì nếu có trục trặc gì các em cũng giải quyết ổn thỏa với nhau chứ không tìm đến thầy nhờ giải quyết, cũng có thể không có những vấn đề gì không hay hết. Chỉ có một trường hợp duy nhất là cách nay năm, sáu năm trước, có một em sau khi tham gia trong nhóm một thời gian ngắn, đã xin đổi nhóm, có thể vì em đó không đồng ý với các bạn trong nhóm điều gì đó.

“Em nữ đó là mẫu người rất khó gần, nhưng sau khi chiếu phim, em đó lại được bình chọn giải nữ diễn viên xuất sắc. Qua điều này tôi thấy một điều hay, chứng tỏ những bạn khác trong lớp không có phân biệt gì hết, thấy bạn mình đóng hay, dù là người khó tính đi nữa, các em vẫn bầu chọn cho bạn, các em bỏ qua những tình cảm riêng tư, rất khách quan. Đây là thêm một nét đẹp khác của các em còn lại trong lớp, chỉ đánh giá qua tài năng thôi.”

Thầy Trí chia sẻ thêm, “Có thể nói khoảng 15 năm cho các em làm phim, đã khoảng 30 lớp mà chỉ có một lần đổi nhóm xảy ra thôi, còn thì không có kiện cáo gì hết, thì tôi cũng mừng. Mừng vì đã tập cho các em làm việc với nhau trong tinh thần đồng đội. Làm phim chung có cái hay là trong một lớp học, thế nào cũng có một ít em không bao giờ thích làm việc gì chung với người khác.

“Ví dụ học trong lớp, tôi nói các em làm chung với người khác, thì cũng có em sẽ tìm cách làm một mình thôi. Trong xã hội mình cũng có nhiều người không thích làm việc tập thể, với những em như vậy, tôi có nhắc nhở vài lần, rồi thôi, chứ tôi cũng không thể nào ép các em được. Nhưng cuối cùng, những em như vậy khi làm phim, thì đều phải làm hết. Vì đây là bắt buột của bài thi cuối khóa. Rốt cuộc tôi nghĩ chính qua làm phim, các em cũng học được thêm về tinh thần đồng đội. Vì vậy việc làm phim cũng có cái hay ở điểm đó.”

Thầy Trí giải thích, “Trong lớp học tiếng Việt, ngày học nào cũng vậy, tôi đều cho các em làm bài phải làm chung từ hai, ba người, chứ không làm riêng một mình. Vì mình học ngoại ngữ, ngôn ngữ là phải nói với nhau, có sự tương tác. Đó là chuyện hằng ngày của lớp học tiếng Việt. Nhưng có những em không thích làm group như vậy, tôi cũng có yêu cầu, nhưng chỉ đến một lúc nào đó thôi. Thường thì trong lớp tiếng Việt của tôi dạy suốt bao năm qua, hầu như mùa học nào cũng có cũng có một, hai em như vậy hết. Tôi chỉ nhắc chừng mực nào đó thôi, rồi cũng phải bỏ cuộc, không nhắc nữa. Những em như vậy khi mời lên bảng, thì chịu lên bảng để trả lời bài học, nhưng khi làm chung với người khác thì lại không, chỉ thích tự làm một mình. Nhưng khi làm phim vì bắt buột, đành phải tham gia. Tôi nghĩ có thể những em đó trong thời gian làm phim thấy vui, và thấy không đến nỗi nào khi hợp tác với người khác, nên nhiều em cũng có thay đổi phần nào.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT