Mẹo Vặt

Khử vi trùng khỏi thực phẩm: Rửa? Hay không rửa?

Tuesday, 16/02/2016 - 08:04:38

Về tác dụng của việc rửa nước, thầy Chapman nhận xét: “Rửa rau trái kỹ càng dưới dòng nước chảy là một phương pháp rất hiệu quả để khử vi trùng.

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta ăn để mà sống, cũng có người lại bảo “ăn để mà sướng.” Chưa từng nghe ai nói “ăn để sinh… bệnh,” bao giờ, nhưng thực tế cái miệng ăn chính là nguồn gốc sinh ra nhiều thứ bệnh. Ngoài bệnh béo phì, làm mất eo hại dáng, ăn uống có thể dẫn tới tiểu đường, cao máu, cao mỡ…. Ấy là chưa nói đến các loại nông sản vốn được vẩy thuốc trừ sâu mà nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy vẫn còn đọng lại ít nhiều sau khi nông sản được thâu hoạch. Các thầy cô trong Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Tật Hoa Kỳ (US Centers for Disease Control and Prevention) có lời tổng kết như vầy: Cứ 6 người dân Mỹ thì có 1 người bị bệnh do ăn những nông sản nhiễm thuốc trừ sâu.

Nên rửa rau trái trong dòng nước chảy



Vì thế, để đề phòng những rủi ro do dư lượng thuốc trừ sâu mang lại, chúng ta nên nấu chín thực phẩm, những thứ nào ăn sống, ăn tươi thì phải rửa kỹ. Coi vậy chứ không đơn giản, các thầy cô có một số lời khuyên giúp chúng ta nâng cao mức độ an toàn thực phẩm khi làm bếp như sau:

1. Đừng rửa thịt

Nhiều người nghĩ rằng cần phải rửa những miếng thịt mua từ chợ về cho sạch trước khi cho vào nồi nấu. Bảo đảm với các bạn rằng xưa nay chúng ta vẫn làm thế, vì tưởng rằng nước rửa sẽ tẩy khử được bụi đất và vi trùng ra khỏi miếng thịt. Nhưng các bậc sư phụ lại khuyên: Đừng! Vì có những con vi trùng ẩn sâu và bám chắc trong thớ thịt đến nỗi rửa ráy kỳ cọ cách mấy cũng không thể tẩy trừ chúng được; Lại có những thứ vi trùng khác bám hờ trên da, có thể bị nước làm trôi đi dễ dàng. Nhưng dòng nước cuốn theo vi trùng không chỉ chảy hết xuống cống, thế nào chẳng bắn tung tóe ít giọt ra chung quanh, và từ đó làm ô nhiễm mặt quầy, các thực phẩm khác và dụng cụ nấu nướng gần đó. Tình trạng này các thầy gọi là ô nhiễm liên hoàn (cross-contamination).

Thầy Ben Chapman, chuyên viên về an toàn thực phẩm tại Đại Học North Carolina State University, dạy rằng: “Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy dòng nước rửa thịt có thể văng xa tới cả mét, và trở thành nguồn chuyên chở vi trùng tới các thực phẩm khác. Nấu chín thịt là đủ để giết vi trùng rồi, rửa ráy trước đó là điều không cần thiết mà lại gây ra ô nhiễm liên hoàn.”

2. Rửa rau trái kỹ càng

Rau tươi, trái chín và những nông sản được ăn tươi, ăn sống… đương nhiên cần phải được rửa sạch kỹ càng dưới dòng nước chảy để làm sạch bụi đất và tẩy rửa dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại.
Ngay cả nông phẩm “organic” cũng phải làm như vậy trước khi ăn. Vì, tuy không bị phun thuốc trừ sâu hay bón phân hóa học, nhưng chúng vẫn có thể bị ô nhiễm trong lúc còn ở giữa thiên nhiên, như chuột bọ, hươu nai, sóc nhím… đến phá phách và... tiểu tiện, đại tiện lên đó.

Về tác dụng của việc rửa nước, thầy Chapman nhận xét: “Rửa rau trái kỹ càng dưới dòng nước chảy là một phương pháp rất hiệu quả để khử vi trùng. Nhưng bất cứ khi nào có thể được, chúng ta nên nấu chín thực phẩm, thay vì chỉ rửa bằng nước sạch. Là vì, nước rửa có thể khử được 99% vi trùng, trong khi nấu chín thực phẩm có thể diệt được tới 99.9999%.”

So sánh ra thì nấu chín có hiệu quả hơn 0.99999%, tức là gần 1%. Nhưng thầy Chapman bảo rằng “đừng coi thường con số 1% bèo bọt đó. Bởi vì, vi khuẩn có tới vài ngàn đơn vị, nên dù có rửa sạch được 99%, thì vẫn còn khoảng vài chục vi khuẩn sót lại. Số vi khuẩn này không gây tác hại gì cho người khỏe, nhưng có thể vật ngã những người mà hệ đề kháng đã suy yếu. Chính vì thế, các thầy cô khuyên rằng, người bệnh lâu ngày không nên ăn đồ tươi sống.

3. Không rửa bằng xà bông

Có thể dùng bàn chải để cọ nếu củ quả có lớp vỏ dầy như táo hoặc khoai tây. Nhưng không bao giờ rửa rau trái bằng nước pha xà bông, bởi vì xà bông cũng chẳng là cái gì khác hơn hóa chất. Ăn rau trái nhiễm xà bông là ăn dư lượng của những thứ hóa chất mà cơ quan Quản Lý Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) không cho phép dùng trên thực phẩm.

4. Không rửa rau hỗn hợp đóng gói

Khi mua những hộp rau đóng gói, gọi là salad mix, bạn khỏi cần phân vân không biết rửa ráy cách nào, vì những hộp rau này đã được “pre-washed”, tức là rửa sạch trước khi đóng gói rồi.
Thầy Don Schaffner, nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm tại công ty Rutgers, có lời trấn an những ai còn nghi ngại: “Xin đừng sợ. Một cuộc khảo cứu thực hiện năm 2007 cho thấy, rửa những hộp salad này không làm cho thực phẩm an toàn hơn. Trái lại, bạn lại có thể làm cho salad lây nhiễm những vi khuẩn vốn sẵn có trên quầy bếp nhà bạn đó.”
Đúng là đôi khi làm biếng một chút lại hóa hay, phải không các bạn?

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT