Người Việt Khắp Nơi

Khoa học gia gốc Việt góp phần trong cuộc nghiên cứu về chủng ngừa

Sunday, 26/08/2018 - 11:10:36

SPF là một nhóm tế bào miễn dịch dày đặc: các tế bào do thám săn lùng virus, cộng với mọi tế bào nhà máy cần phải có để tạo ra các kháng thể.


Ông Phan Trí và cô Imogen Moran (Sydney Morning Herald)

SYDNEY, Úc - Các khoa học gia ở Sydney vừa mới khám phá một cơ cấu mới trong cơ thể con người, đóng vai trò là một trong các tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại bệnh tật - và có thể là nơi mà bộ nhớ thuốc chủng được lưu giữ.

Sự khám phá được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 22 tháng Tám, và có thể giải thích tại sao chúng ta phát triển khả năng miễn nhiễm đối với một số chứng bệnh, nhưng không làm như thế đối với những chứng bệnh khác.

Cấu trúc nhỏ bé này, bằng chừng một nửa chiều dài của móng tay út của bạn, nằm bên trong các hạch bạch huyết trên cổ và dưới hai cánh tay. Nó nhỏ xíu và gần như không thể nhìn thấy được khi chúng ta khỏe mạnh, trước khi mở rộng khi chúng ta bị bệnh.

Người khám phá ra cấu trúc đó là cô Imogen Moran, sinh viên 27 tuổi đang học bậc tiến sĩ. Cô cùng với giáo sư phụ khảo Phan Trí, người giám sát cô tại viện nghiên cứu Garvan Institute ở Darlinghurst, đặt tên cho cấu trúc đó là “suncapdular proliferative foci,” viết tắt là SPF.

Các hạch bạch huyết là một phần trong hệ thống thoát nước của cơ thể, khiến cho những hạch ấy trở thành một nơi lý tưởng để theo dõi các thứ vi khuẩn, virus, và SPF chờ đợi ở đó, khi nó phát hiện ra một vi khuẩn hoặc virus xấu, SPF liền kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

SPF cho phép cơ thể nhanh chóng phát hiện và phản ứng đối phó những chứng bệnh mới, hai ngày nhanh hơn so với lúc không có một cứng bệnh, theo giáo sư Phan Trí cho biết.

Ông nói, “Thời gian là điều cốt yếu. Hệ thống miễn dịch thực sự cần phải kiểm soát sự nhiễm trùng rất nhanh, nếu không thì chứng nhiễm trùng sẽ áp đảo cơ thể. Các vi khuẩn có thể phân chia rất nhanh, vì vậy người ta phải ngăn chặn chúng trong lối chúng lây lan, nếu không thì người ta sẽ phải chịu thua cuộc.”

SPF là một nhóm tế bào miễn dịch dày đặc: các tế bào do thám săn lùng virus, cộng với mọi tế bào nhà máy cần phải có để tạo ra các kháng thể.

Khi chúng ta không bị bệnh, SPF rất nhỏ và hầu như vô hình.
Khi một tế bào thám thính phát hiện ra một virus, SPF sẽ nhanh chóng mở rộng. Các tế bào nhà máy bắt đầu tăng tốc độ hoạt động, bơm ra các kháng thể để tiêu diệt vụ nhiễm trùng.

Bằng cách sớm phát hiện vi khuẩn hay virus, và có tất cả máy móc sẵn sàng hoạt động, cơ thể có thể giết chết nhiễm trùng trước khi nó đứng vững, theo giáo sư Phan Trí cho biết.

Các thứ thuốc chủng ngừa huấn luyện cho một số tế bào trong cơ thể chúng ta, được gọi là tế bào bộ nhớ, về chuyện một loại virus trông giống như thế nào. Sau đó các tế bào bộ nhớ có thể nhận ra và tiêu diệt virus. Giáo sư Phan Trí tin rằng nhiều tế bào được huấn luyện như vậy di cư tới SPF sau một ca tiêm chủng. Ở đó những tế bào ngồi chờ một virus. Ông gọi cấu trúc đó là “chỗ ngồi của trí nhớ miễn dịch.”
Điều đó có thể giải thích tại sao cơ thể chúng ta dường như không thể học được cách thức miễn nhiễm đối với một số chứng bệnh, như sốt rét và HIV.

Có thể các virus không chảy ngang qua SPF - hoặc các tế bào đúng không lọt vào cấu trúc đó, theo tiến sĩ Kim Jacobson cho biết. Bà đứng đầu một phòng thí nghiệm về trí nhớ miễn dịch tại đại học Monash Tniversity, và không tham gia cuộc nghiên cứu này.

Bà Jacobson nói, “Bằng cách tiết lộ vị trí được ưa thích hơn của sự sống sót và mở rộng bộ nhớ miễn dịch, lúc này chúng ta có thể tìm cách làm cho các tế bào có phẩm chất cao đến đúng nơi vào đúng thời điểm, và giúp trừ khử nhiễm trùng trước khi nó có thể gây ra bệnh.

Nhiều thế hệ khoa học gia đã không tìm ra được cấu trúc đó, vì một cái tật trong cách thức chúng ta nghiên cứu về cơ thể.

Để nghiên cứu về tuyến bạch huyết, nơi mà SPF được tìm thấy, các nhà nghiên cứu xắt nó ra giống như một ổ bánh mì.

SPF là một tấm hết sức mỏng chạy theo chiều dọc xuyên qua tuyến bạch huyết. Vì SPF trông giống như những lát mỏng cắt theo chiều ngang, các nhà nghiên cứu không bao giờ nhận ra rằng có một cấu trúc riêng rẽ chạy suốt chiều dài của tuyến bạch huyết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT