Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Khái niệm thăng hoa xuyên suốt trong "Chuyện Bà Thị Kính"

Anvi Hoàng/Viễn Đông Saturday, 29/12/2012 - 09:10:16

Những tác phẩm nào có khái niệm xuyên suốt thì thành công và vẫn được mọi người thưởng thức ngày nay.

Hành trình một vở opera (kỳ 10)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Bất kỳ một bài sáng tác nhạc nào có giá trị để đời đều có một khái niệm chính (concept) trong đó. Một bài nhạc ngắn vài phút dựa vào một cảm hứng nhất thời thì không cần đến khái niệm này, người soạn nhạc chỉ sáng tác ngẫu hứng thôi. Nhưng nhà soạn nhạc cần phải có một khái niệm chính để nối kết toàn bộ tác phẩm dài 2 tiếng đồng hồ với nhau. Nếu thiếu đi khái niệm này thì tác phẩm không có ý tưởng thống nhất và trở nên rời rạc, dở dang.

Có thể đi tìm khái niệm ở đâu?
Khái niệm của một tác phẩm không phải muốn có là có được liền. Người ta phải nghĩ đến nó liên tục - trong lúc ăn, lúc ngủ, lúc tắm, lúc lái xe, v.v. - tức là mọi lúc mọi nơi, cho đến khi khái niệm đó đến trong đầu. Nói như thế không có nghĩa là ai muốn tìm một khái niệm cho tác phẩm của mình cũng làm được chuyện này. Bằng chứng là không phải tác phẩm lớn nào cũng có một khái niệm chính. Những tác phẩm nào không có thì thất bại và kết quả là ngày nay chúng ta không biết đến chúng nữa. Những tác phẩm nào có khái niệm xuyên suốt thì thành công và vẫn được mọi người thưởng thức ngày nay.


Anvi Hoàng/Viễn Đông

Ví dụ, vở opera Carmen là một tác phẩm tuyệt vời vì nó mang trong đó khái niệm về tình yêu, về khoái lạc (pleasure), và sự tàn bạo (cruelty). Những khái niệm này đan chặt vào nhau và đi xuyên suốt qua tác phẩm từ đầu đến cuối. Vào đoạn kết lúc Carmen chết, cái chết của cô thật ra là đơn giản, nhưng cách Carmen bị giết chết như thế nào mới là điểm gây kích động - trong một buổi đấu bò. “Đấu bò” và “tàn bạo” là hai từ đi đôi với nhau. Việc dựng cái chết của Carmen trong một buổi đấu bò cho thấy rằng cái chết của một người đàn bà cũng được xem như cái chết của một con bò đá – đây là điều dã man. Đồng thời, Carmen là biểu tượng của tình yêu, và đấu bò cũng là biểu hiện của “khoái lạc” theo một nghĩa nào đó. Vậy là trong cảnh cuối này, tình yêu, khoái lạc và sự dã man tồn tại cùng một lúc. Chính sự đan chen của các khái niệm như vậy đã tạo ra sự xung đột và bi kịch cho một vở opera giúp nó “sống lâu”.
Hiểu theo một cách khác, khái niệm cũng giống như triết lý. Nó đi sâu hơn nội dung câu chuyện để đề cập đến những vấn đề sâu xa hơn. Ví dụ lớp ngoài cùng đơn giản nhất của truyện “Romeo và Juliet” là câu chuyện về tình yêu. Tuy nhiên, người đọc, người xem thuộc loại chín chắn hơn sẽ thấy thông qua câu chuyện về tình yêu giữa Romeo và Juliet, Shakespeare muốn chỉ trích xã hội phong kiến thời bấy giờ và sự vô nghĩa của nó.

Khái niệm gốc

Đối với Quan Âm Thị Kính, khái niệm của vở chèo rõ ràng hơn nhiều so với các vở khác như “Lưu Bình Dương Lễ”, hoặc “Từ Thức” vì vậy mà "Quan Âm Thị Kính" mới được yêu thích nhiều nhất. Cũng vì lý do này, việc xác định khái niệm của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" là điều vô cùng quan trọng đối với P.Q. Phan.
Ông cho rằng khái niệm của nhà soạn nhạc hoặc tác giả là vấn đề mang tính riêng tư. Không có chuyện chỉ có một khái niệm cứng nhắc cho mỗi câu chuyện, bởi vì khán giả sẽ thấy nhiều khía cạnh khác nhau của câu chuyện và diễn giải hoặc phân tích chúng theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, có những chi tiết liên quan đến khái niệm gốc mà người ta không thay đổi được - mặc dù người ta cũng có thể lựa chọn cách trình bày để làm nó nổi bật hoặc mờ nhạt đi.

Khái niệm của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính"

Trong vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính", các nhân vật Sùng Bà, Thị Mầu, Thiện Sĩ đều xuất hiện nhiều. Vậy có nên cho họ một vai trò lớn trong vở opera hay không, và vai trò đó có thể quan trọng tới đâu. Tất cả đều tùy thuộc vào việc khái niệm của vở opera là gì. Trong tuần bản chèo, Thị Kính sinh ra trong gia đình nghèo, đây là điều quan trọng không được thay đổi vì chi tiết này cho thấy là câu chuyện được kể từ khía cạnh của người bình dân chứ không phải từ tầng lớp quan quyền. Việc các tác giả nông dân dựng lên một nhân vật bình thường nhưng có khả năng làm được chuyện to lớn là cách để diễn tả một khát vọng mà họ biết chỉ thực hiện được trong giấc mơ chứ không phải trong thực tế. Khát vọng này phải được tôn trọng.
Các cảnh trong câu chuyện bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, rồi vào ở chùa, lang thang ở chợ, kiệt sức dưới gốc cây bàng, và lên Niết Bàn. Đây là những dấu chấm mà khi được nối kết lại với nhau chúng sẽ kể một câu chuyện về hành trình của Thị Kính đi từ thấp - người con gái nghèo bình thường, đến cao - Phật bà. Đây chẳng khác nào quá trình thăng hoa. Do đó, “thăng hoa” sẽ là khái niệm của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" - cả về mặt thẩm mỹ lẫn âm nhạc. Các nhân vật khác như Thị Mầu, Sùng Bà, Thiện Sĩ đều là nhân vật phụ sau Thị Kính nhưng không thể thiếu vì họ chính là nguyên nhân gây ra tất cả những bi kịch và xung đột mà Thị Kính phải trải qua để rồi thoát trần thành Phật.
Nhìn gần, dưới góc độ thực tế cuộc sống hiện đại, quá trình thăng hoa của Thị Kính không khác gì hình ảnh một người anh hùng bình dân tay trắng làm nên mà ở đâu, thời nào cũng có. Phải chăng vì thế mà khán giả Mỹ ngày nay có thể cảm nhận được sức hút của nó.
Kỳ 11 sẽ bàn đến khái niệm về âm nhạc của "Chuyện Bà Thị Kính".

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT