Đạo và Đời

Khách được mời dự tiệc cưới

Thursday, 08/10/2020 - 07:12:45

Theo văn hóa của người Do Thái ngày xưa, tiệc cưới được chuẩn bị rất chu đáo và linh đình, đặc biệt là tiệc cưới của những nhà phú hộ và hoàng gia.


Hình minh họa vị khách không mặc đúng y phục tiệc cưới đã bị nhà vua cho “ném vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (Image: GoodSalt.com)



Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG
​Theo văn hóa của người Do Thái ngày xưa, tiệc cưới được chuẩn bị rất chu đáo và linh đình, đặc biệt là tiệc cưới của những nhà phú hộ và hoàng gia. Ngay sau ngày đính hôn, hai bên gia đình đã cho người đi mời những vị khách quan trọng. Khi gần đến ngày cưới, hai gia đình lại cho gia nhân đi nhắc nhở khách về ngày cưới. Đó là chi tiết mà chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, “Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới.”

Điều đáng tiếc là những người này, trước đây đã nhận lời sẽ tới, nhưng giờ lại từ chối không tham dự. Vua vẫn không bỏ cuộc. Ông tiếp tục cho người đi nhắc nhở là tiệc đã chuẩn bị xong và vua đang chờ để đón tiếp họ. Khách được mời không những từ chối mà còn “bắt đầy tớ vua nhục mạ và giết đi.”Điều này đã làm cho vua vô cùng phẫn nỗ. Vua liền sai “binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu hủy thành phố của chúng.”

​Từ thuở xa xưa, Thiên Chúa đã chọn dân tộc Do Thái làm dân riêng của Ngài, và họ như những người khách đầu tiên được vua mời đến dự tiệc cưới. Khi Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu giáng trần, Thiên Chúa cho các tiên tri và ngay cả các thiên thần mời gọi họ đón tiếp Người Con, nhưng họ một mực từ chối. Như những người khách đã được mời và từ chối không tham dự tiệc, họ đã làm cho vua phẫn nộ. Theo vua chúa trần gian, từ chối lời mời của vua là mang tội khi quân, và bị vua tru diệt là chuyện không thể tránh được. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, Ngài không trừng phạt con người. Con người chối bỏ Thiên Chúa là con người tự tru diệt chính mình.

​Sau khi biết được những người khách đã từ chối không tới, vua truyền cho mời tất cả mọi người bất luận tốt xấu vào dự tiệc cưới, và họ đã cùng với nhà vua hân hoan mừng tiệc. Tiệc cưới có lẽ đang diễn ra tốt đẹp, bất chợt vua thấy một người không có y phục tiệc cưới, vua lập tức cho người lôi anh ta ra. Bài Tin Mừng kể lại, người này đã bị “ném vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng!”

​Dân tộc của Chúa đã từ chối không đón tiếp Con Chúa, nên Ngài đã cho mời tất cả những người dân ngoại và tội lỗi, và họ đã được dự tiệc. Đây là một thực tế trong Giáo Hội. Trong khi những người Do Thái cho đến ngày hôm nay vẫn chưa tin nhận Chúa Giêsu, rất đông đảo những người dân ngoại đã được rửa tội để trở thành con cái của Thiên Chúa.

​Một chi tiết trong dụ ngôn đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là có người đã không mặc y phục tiệc cưới. Câu hỏi được đặt ra là, “Người này cũng như bao nhiêu những người khác bất chợt được đưa vào tiệc cưới, thì lấy đâu ra y phục tiệc cưới để mặc?”

Tuy nhiên, một câu hỏi khác cũng có thể đặt ngược lại, “Tại sao những người khác có y phục tiệc cưới mà người này lại không?”

​Theo văn hóa của người Do Thái ngày xưa, trong các tiệc cưới của những nhà phú hộ hay hoàng gia, các quan khách được phát cho một y phục giống nhau khi bước vào tiệc cưới, và họ buộc phải mặc y phục đó trong suốt thời gian ăn tiệc. Khi người kia không mặc y phục, có nghĩa là anh đã bất tuân lệnh vua, cởi bỏ y phục đang khi tham dự tiệc cưới. Chính thái độ bất phục tùng đó đã đưa anh vào chốn tối tăm.

​Những nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng chi tiết này của câu chuyện là một dụ ngôn được lồng trong một dụ ngôn. Y phục tiệc cưới được ví như chiếc áo rửa tội của mỗi người chúng ta, và chiếc áo đó là thân phận của mình và cần phải được khoác lên người suốt cả cuộc đời. Cởi bỏ chiếu áo đó khi còn đang sống ở đời này là chúng ta không còn muốn làm con cái của Thiên Chúa nữa, và đó chính là bất hạnh của chúng ta.

​Kẻ trước người sau, chúng ta may mắn là những người đang được đồng bàn trong tiệc thánh của Con Thiên Chúa. Theo tinh thần của dụ ngôn, Chúa mong muốn chúng ta giữ mãi trên người y phục tiệc cưới là thân phận của một người con Chúa. Khi sống đúng với thân phận của mình, mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta sẽ là những ngày hạnh phúc như những thực khác đang hân hoan mừng tiệc cưới của hoàng tử.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT