Thế Giới

Iraq: Chiếm lại Mosul, thắng ISIS

Monday, 10/07/2017 - 11:23:56

Đại diện quân đội Mỹ cho hay quang cảnh đổ nát của Mosul cho thấy đây là những trận ác chiến đường phố lớn nhất từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.” Bộ Nội Vụ Iraq cho biết hơn phân nữa các khu phố ở phía tây Mosul đã bị tàn phá hết.


Dân chúng tại thủ đô Baghdad đã vui mừng sau khi nghe Thủ Tướng Haider al-Abadi báo tin thành phố Mosul đã hoàn toàn tự do, không còn bị quân ISIS chiếm đóng. (Murtadha Sudani/Anadolu Agency/ Getty Images)


Thủ Tướng Iraq đến thăm và vẫy cờ Iraq cùng với quân đội xứ này khi họ kiểm soát hoàn toàn thành phố lớn thứ nhì của Iraq là Mosul. Ông Haider al-Abadi nói, “Quốc gia mà nhóm khủng bố IS dựng lên đã tan rã.” Lực lượng Iraq vẫn tiến hành các cuộc hành quân nhằm tiêu diệt tận gốc các tay súng IS vá phá bẫy nguy hiểm cài lại.
Trận đánh tái chiếm Mosul, vốn kéo dài từ gần 9 tháng qua, đã làm nhiều ngàn người tử thương và làm cho 920,000 cư dân phải di tản. Hôm thứ Hai đầu tuần Liên Hiệp Quốc cũng nhận định là thiệt hại của Mosul quá to lớn sau khi nhiều vụ oanh kích, các trận pháo kích và các vụ đánh bom của nhóm IS đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà. Đại diện quân đội Mỹ cho hay quang cảnh đổ nát của Mosul cho thấy đây là những trận ác chiến đường phố lớn nhất từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.” Bộ Nội Vụ Iraq cho biết hơn phân nữa các khu phố ở phía tây Mosul đã bị tàn phá hết.

Mỹ, Ấn, Nhật thực tập quân sự chung
Một hàng không mẫu hạm của Mỹ đã bắt đầu cuộc thực tập quân sự chung với Hải Quân Nhật Bản và Ấn Độ hôm thứ Hai. Đây là cuộc tập trận thường niên có tên Malabar và là cuộc tập trận lớn lao nhất giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ từ năm 1992, sau này Nhật Bản mới được mời tham dự. Hàng không mẫu hạm USS Nimitz cùng với hàng không mẫu hạm duy nhất của Ấn Độ là chiếc Vikramaditya và tàu chở trực thăng lớn nhất của Hải Quân Nhật là chiếc Izumo cùng tham gia tập trận.
Cả ba quốc gia đều tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng bành trướng của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác, thí dụ như các tiềm thủy đĩnh của Trung Quốc giờ đây neo đậu ở Sri Lanka, một đảo quốc nằm về hướng cực nam của Ấn Độ. Hiện nay hai siêu cường tỉ dân đang hục hạch mạnh về chuyện tranh chấp lãnh thổ ở vùng Hy Mã Lạp Sơn. Gần đây Hoa Kỳ và Ấn Độ tìm thấy tiếng nói chung về quốc phòng.

Syria: Lệnh ngưng bắn được tôn trọng
Một tổ chức chuyên theo dõi hòa bình cho Syria có trụ sở ở Anh cho hay “một lệnh ngưng bắn do Hoa Kỳ và Nga thỏa thuận được cho vùng tây nam Syria đã được tôn trọng, dù có giao tranh lẻ tẻ.”
Đó là tổ chức Syrian Observatory for Human Rights. Thỏa thuận ngưng bắn nói trên bao phủ ba tỉnh có chiến trận ác liệt của Syria là Daraa, Sweida và Quneitra, ông Rami Abdulrahman, giám đốc cơ quan nói trên cho hay.
Thứ Hai cũng là ngày đầu tiên lệnh ngưng bắn, do Hoa Kỳ, Nga thương lượng được thực hiện.Thành phố Daraa, nằm gần biên giới với Jordan, đã im vắng tiếng súng. Các quan sát viên ghi nhận thành quả này là kết quả thấy được sau nhiều tháng thương thảo giữa chính phủ Trump và chính phủ Nga của ông Putin. Tổng Thống Trump bày tỏ hy vọng thấy “hàng ngàn mạng người được cứu sống qua lệnh ngưng bắn.”

Mỹ xin lỗi vụ gọi lầm Trung Quốc với tên Đài Loan
Trung Quốc cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã xin lỗi về chuyện nhầm lẫn khi cho Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo “Cộng Hòa Trung Hoa.” Mỹ phải giải thích về chuyện nhầm lẫn này và Washington đã xin lỗi và bảo đó là một trục trặc kỹ thuật, theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết.
Tổng Thống Trump có cuộc gặp mặt với ông Tập ở bên lề hội nghị G 20 ở Đức, văn phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc khi đưa tin đã mô tả ông Tập là Tổng Thống của Cộng Hòa Trung Hoa, vốn là tên gọi cũ của Đài Loan, trong khi nước mà ông Tập làm chủ nhân ông tối thượng là là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Vấn đề Đài Loan luôn là lãnh vực tế nhị, vì Bắc Kinh vẫn xem đảo quốc này như một tỉnh phản loạn, còn Hoa Kỳ thì luôn ủng hộ Đài Loan mà cao điểm gây tranh cãi là vụ bán 1.4 tỉ đô la vũ khí cho chính phủ của bà Tổng Thống Thái Anh Văn.

Ấn Độ: Giết vợ vì dọn cơm trễ
Cảnh sát bắt một ông 60 tuổi đã dùng súng lục bắn vợ chết vì cho là vợ dọn trễ cơm chiều cho ông. Ashok Kumar về nhà trong trạng thái say xỉn nặng và lè nhè gây gổ với vợ, vì bà vợ Sunaina, 55 tuổi, chưa dọn cơm cho ông ta. Bà được chở cấp cứu vào nhà thương với vết đạn chồng bắn xuyên qua đầu và tắt thở tại đây.
Rupesh Singh, đại diện cảnh sát điều tra cho hay Kumar đã thú nhận tội lỗi và tỏ ra hối hận. Ông Singh nói, “Ông Kumar bực tức vì bà vợ không chịu dọn cơm cho ông ta ăn liền mà lại hạch hỏi lung tung về chuyện nhậu nhẹt, nồi dóa lên, ông ta bắn vợ.”
Ấn Độ là quốc gia đông dân nơi tệ nạn bạo hành gia đình rất cao. Vào năm 2015, một báo cáo về chuyện này cho biết cứ 4 phút trôi qua ở Ấn Độ là xảy ra chuyện bạo hành trong gia đình.

Trump né chuyện tin tặc Nga, tố cáo Comey
Tổng Thống Donald Trump bác chuyện làm việc chung với phía Nga về “đơn vị an ninh mạng” đối phó trước những cuộc tấn công vào vụ bầu cử. Quả thực là ông Trump có bàn thảo với ông Tổng Thống Nga Putin về chuyện này, dù Nga là quốc gia đã bị lãnh đạo tình báo Mỹ tố cáo đã chen vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2016.
Sau khi có nhiều ý kiến phê bình chỉ trích chuyện thảo luận giữa ông Trump và ông Putin, Tổng Thống Trump gửi ra một thông điệp có giọng điệu xuống giọng. Ông viết, “Không phải vì tôi và ông Putin có bàn luận về chuyện này mà kết luận tôi nghĩ nó có thể xảy ra. Nó đã không xảy ra.”
Nhưng Trump tiếp tục chỉ trích cựu Giám Đốc FBI, ông James Comey, là đã “tiết lộ tin mật một cách bất hợp pháp.” Trong cái tweet gửi ra, ông Trump viết, “James Comey làm lộ tin mật cho ngành truyền thông, như thế là quá bất hợp pháp,” nhưng Giáo sư đại học Columbia là ông Daniel Richman, vốn là kẻ làm lộ tin về biên bản ghi nhớ, nói, “Không có cái nào là tin mật cả.”

Yemen: Dịch tả bùng phát
Yemen là quốc gia tơi tả vì bị chiến tranh xâu xé, mới đây lại là nạn nhân của cơn dịch bệnh dịch tả khiến 300,000 người bị nhiễm trong vòng 10 tuần lễ qua, theo báo cáo của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (ICRC).
ICRC còn cho biết “hiện nay tình hình dã vượt quá tầm kiểm soát vì mỗi ngày lại có thêm 7,000 ca nhiễm bệnh mới được báo về.” Liên Hiệp Quốc ghi nhận 1,700 người thiệt mạng vì dịch tả. Sau hai năm chiến tranh nội chiến giữa quân đội Yemen và quân nổi dậy Houthi, hệ thống y tế, trong đó có nước sạch của quốc gia này sụp đổ và vì thế dịch tả lan tràn.
Nếu không có thuộc đặc trị, dịch tả có thể giết nạn nhân bị nặng chỉ trong vài giờ. Vào ngày 24 tháng 6 năm nay, tổ chức Y Tế Thế Giới đã báo động đã có 200,000 bệnh nhân dịch tả và cơn dịch sẽ lan tràn nhanh.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT