Thế Giới

Indonesia mở căn cứ quân sự ở Biển Đông

Wednesday, 19/12/2018 - 08:55:45

Theo giới phân tích, việc đặt căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna đã được Jakarta nghĩ đến trong nhiều năm, và vụ đụng độ năm 2016 với Trung Quốc đã khiến kế hoạch này được đẩy nhanh.

JAKARTA - Chính phủ Indonesia trong tuần này đã mở một căn cứ quân sự với hơn 1,000 binh sĩ, tại đầu phía nam của biển Đông, nơi Trung Quốc và nhiều nước khác đang có tranh chấp lãnh thổ. Căn cứ mới được khai trương vào thứ Ba, tại khu vực Selat Lampa trên đảo Natuna Besar, thuộc quần đảo Natuna, một trong các vùng xa xôi nhất của Indonesia, và cách đảo Borneo đến hơn 200 cây số. Indonesia không có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nhưng từng xảy ra một số vụ đụng độ hàng hải với Bắc Kinh trong khu vực vốn có nhiều tài nguyên này.
Trong lễ khai trương căn cứ mới, chỉ huy quân đội Indonesia, Tướng Hadi Tjahjanto, nói rằng căn cứ này sẽ hoạt động như một lực lượng chống lại mọi nguy cơ an ninh, đặc biệt là tại các vùng biên giới. Vào thứ Tư, Tổng Thống Joko Widodo cũng khẳng định, chính phủ Jakarta luôn sẵn sàng để chứng tỏ rằng, quần đảo Natuna, với dân số 169,000 người, là lãnh thổ quốc gia của Indonesia.
Theo giới phân tích, việc đặt căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna đã được Jakarta nghĩ đến trong nhiều năm, và vụ đụng độ năm 2016 với Trung Quốc đã khiến kế hoạch này được đẩy nhanh.
Tướng Hadi không cho biết quân số chính xác tại căn cứ ở đảo Natuna, nhưng nói rằng cơ sở này đủ chỗ cho 1 tiểu đoàn bộ binh, cùng một số đại đội thủy quân lục chiến, công binh, và pháo binh. Trong quân đội Indonesia, một tiểu đoàn có từ 825 đến 1,000 binh sĩ, trong khi một đại đội có khoảng 100 người. Căn cứ mới cũng có một nhà đậu máy bay cho một phi đội máy bay không người lái, và tòa nhà này có thể cải tiến nếu mức đe dọa tăng lên.

Hacker Trung Cộng bị nghi xâm nhập email ngoại giao của EU
BRUSSELS – Các hacker có thể có liên quan đến Trung Quốc đã xâm nhập hàng ngàn email ngoại giao của EU, chứa nội dung về các cuộc gặp của lãnh đạo thế giới. Hãng an ninh mạng Area 1 đã phát hiện lỗ hổng trong mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên Âu (EU).
Nhóm hacker có thể đã khai thác lỗ hổng an ninh này trong vòng 3 năm. Theo báo cáo của Area 1, các tay hacker còn xâm nhập được vào mạng lưới liên lạc của Liên Hiệp Quốc, công đoàn lao động Hoa Kỳ AFL-CIO, cùng bộ ngoại giao và bộ tài chính của nhiều quốc gia trên thế giới.
Các điều tra viên của Area 1 cho rằng, nhóm hacker tấn công mạng lưới liên lạc ngoại giao của EU đang làm việc cho Quân đội Trung Quốc, do sử dụng các kỹ thuật thường thấy của các đơn vị hacker của nước này. Vào đêm thứ Ba, ban thư ký EU xác nhận đã nhận được thông tin về vụ rò rỉ thông tin và "đang chủ động điều tra vấn đề này.”
Các email bị rò rỉ bao gồm bản ghi nhớ những cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo tại Ả Rập Saudi, Israel và nhiều nước khác. Các email này đã được hacker đăng lên một trang mạng công khai và chia sẻ khắp EU.
Trong một email, các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin ở Phần Lan là "thành công (ít nhất là cho ông Putin).”
Một email khác tường thuật và phân tích một cách chi tiết những trao đổi giữa các viên chức châu Âu và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc gặp này, ông Tập đã so sánh Tổng Thống Trump "bắt nạt" Bắc Kinh như trong một "cuộc đấu quyền anh tự do và không có luật lệ.”
Vụ rò rỉ email ngoại giao của EU gần giống như vụ WikiLeaks công khai gần 250,000 email của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào năm 2010. Tuy nhiên, số thông tin bị rò rỉ lần này không có sức ảnh hưởng lớn và cấp độ bảo mật cũng thấp hơn sự việc năm 2010.

Nam Phi ra lệnh bắt cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe
CAPE TOWN – Nhà chức trách Nam Phi vừa ra lệnh bắt đối với cựu Đệ Nhất Phu Nhân Grace Mugabe của Zimbabwe, vì bà có liên quan đến một vụ tấn công một phụ nữ tại một khách sạn ở Johannesburg vào năm ngoái.
Cô Gabriella Engels, một người mẫu, cáo buộc bà Mugabe đã đánh đập cô bằng thiết bị cắm điện nối dài, trong một căn phòng thuộc khách sạn Capital 20 West ở Johannesburg.
Sau khi tin tức về vụ tấn công này được lan truyền vào tháng 8, 2017, chính phủ Nam Phi đã cho bà Mugabe được quyền miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, quyền miễn trừ này bị tòa án hủy bỏ vào năm nay, sau khi cô Engels khởi kiện.
Ông Vishnu Naidoo, phát ngôn viên Cơ quan cảnh sát Nam Phi, xác nhận lệnh bắt bà Grace Mugabe đã được ban hành vào thứ Tư, và cảnh sát đã nhờ Interpol giúp bắt giữ bà này. Bà Grace Mugabe, 53 tuổi, từng được coi là người kế nhiệm cho người chồng 94 tuổi của bà, ông Robert Mugabe, người đã cai trị Zimbabwe từ năm 1980 cho đến khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm ngoái.
Bà Mugabe luôn bác bỏ việc tấn công cô Engels, và nói rằng chính cô đã tấn công bà bằng dao sau khi đến gặp con trai ông Mugabe ở khách sạn. Tổ chức luật sư AfrForum của Nam Phi, đại diện cho cô Engels, cáo buộc bà Mugabe nói láo.
Bà Mugabe đã sống khá thầm lặng tại Zimbabwe sau khi chồng bà bị lật đổ. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 8 vừa qua tại Zimbabwe là ông Emmerson Mnangagwa, cựu phụ tá của ông Mugabe trong đảng cầm quyền Zanu-PF.

Thủ tướng Bỉ từ chức giữa khủng hoảng di dân
BRUSSELS – Thủ Tướng Bỉ Charles Michel đã xin từ chức hôm thứ Ba, sau khi phe đối lập lên kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông vì mâu thuẫn về chính sách nhập cư. Ông Michel, thủ tướng Bỉ từ năm 2014, đã đánh mất sự ủng hộ của Flemish N-VA, đảng lớn nhất trong chính phủ liên minh của ông. N-VA là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường cứng rắn về vấn đề di dân nhập cư.
Ông Michel đưa thư từ chức sau khi có các cuộc biểu tình vào tuần trước nhằm phản đối việc thủ tướng Bỉ ủng hộ một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy giải quyết vấn đề liên quan đến 21 triệu người tị nạn trên thế giới.
Ngay sau khi mất đi sự ủng hộ của N-VA, nhà lãnh đạo 42 tuổi đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các đảng cánh tả với hy vọng giữ quyền lực cho tới cuộc bầu cử tiếp theo vào tháng 5, 2019. Tuy nhiên, cả đảng Xã Hội và đảng Xanh đều cho biết họ muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội với ông Michel, khiến thủ tướng Bỉ quyết định từ chức.
Ông Charles Michel sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị và bắt đầu tham gia hoạt động từ năm 16 tuổi, đến khi 18 tuổi ông đã là thành viên của một hội đồng địa phương.
Hoàng gia Bỉ cho biết Vua Philippe vẫn chưa quyết định về đơn từ chức của Thủ Tướng Michel. Nhà vua có thể đề nghị ông Michel tiếp tục điều hành chính phủ với quyền lực giới hạn, nhưng điều đó sẽ ngăn cản các nỗ lực siết chặt ngân sách và cải tổ an sinh xã hội.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ diễn ra vào thời điểm tương đối nhạy cảm ở châu Âu, khi 7 quốc gia EU cùng quốc hội châu Âu sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2019. EU đang chật vật với sự gia tăng của người nhập cư, khi hơn 1 triệu người đã đến châu Âu kể từ năm 2015.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT