Xe Hơi

Hướng dẫn mua xe cũ: 9 nút

Friday, 25/12/2015 - 08:28:25

Muốn yên trí hơn, hãy mua xe CPO, tức là Certified Pre-owned (xe cũ nhưng được chuyên viên rà soát xác nhận tình trạng như mới). Xe CPO giá có đắt hơn các xe cũ cùng loại, nhưng vẫn chưa đắt bằng xe mới.

Bài HAO SMITH

“Chín nút” là con số hên, khớp với 9 giai đoạn bạn nên làm khi tính mua xe cũ. Nhiều người cho rằng xe cũ đã qua ít nhất một đời chủ, hay dở khi về đến tay ta… phần lớn trông nhờ vào sự may rủi. Câu nói hơi quá bi quan ấy vẫn có nhiều phần sự thật. Nhưng nếu bạn áp dụng phương pháp “chín nút” sau đây thì sự may mắn phần lớn sẽ nghiêng về với bạn. Chúng tôi sẽ cố tóm gọn “chín nút”, tức là 9 giai đoạn trong một bài viết ngắn để bạn đọc có cái nhìn tổng quát, phần nào quan trọng hơn sẽ được khai triển sau.



Giai đoạn 1: Lập danh sách

Trước tiên, tính toán xem mình có thể chi ra bao nhiêu tiền và thích kiểu xe gì. Sau đó lập một danh sách “ứng cử viên”, nghĩa là những cái xe có thể lọt vào tầm ngắm. Kinh nghiệm của các chuyên gia cho hay, những hiệu xe đã nổi đình đám như Honda Accord và Toyota Camry có thể đắt hơn vài ngàn so với những xe tương đương giá trị của các hãng khác như Chevrolet Malibu hoặc Nissan Altima. Dùng xe cũ, bạn cần để ý giá trị, chứ không cần mất thêm vài ngàn mua “brand name”.

Muốn yên trí hơn, hãy mua xe CPO, tức là Certified Pre-owned (xe cũ nhưng được chuyên viên rà soát xác nhận tình trạng như mới). Xe CPO giá có đắt hơn các xe cũ cùng loại, nhưng vẫn chưa đắt bằng xe mới.

Giai đoạn 2: Giá cả và nhận xét

Nhờ Internet, chúng ta có thể biết giá cả thực sự của chiếc xe, chứ không dễ bị qua mặt bởi bảng giá ghim trên cửa xe như ngày trước. Có thể tham khảo True Market Value (TMV), tức là Giá Thị Trường Thực Sự của chiếc xe trên mạng www.edmunds.com. Ở đây bạn cũng có thể tìm hiểu giá cả chiếc xe mình muốn mua trong phần Appraise a Used Car, hoặc True Cost to Own. Ngoài Edmunds.com còn có rất nhiều tài liệu về giá trị xe cũ khác trên mạng Internet.

Giai đoạn 3: Tìm xe trong địa phương

Có 2 cách: Đại lý xe cũ và các phương tiện quảng cáo. Cách thứ 1 là “thân hành” đến các đại lý xe cũ. Đây là hình thức cổ điển, làm mất khá nhiều thời giờ, công phu mà lại hạn chế sự chọn lựa của bạn. Hơn nữa, ở nơi đây bạn khó có thể giữ được ý kiến ban đầu của mình, mà sẽ bị lèo lái theo ý muốn của đội ngũ Salesmen. Tốt nhất là tận dụng các phương tiện quảng cáo qua Internet, bạn có thể ung dung ngồi tại nhà để tìm ra một đối tượng ưng ý nhất mà không có ai tạo áp lực sau lưng mình. Một số mạng giới thiệu xe cũ là CarMax, Edmunds.com, Autotrader.com, ebaymotors.com, Cargurus.com, Craigslist, Beepi, Carvana, Tred và Zipflip.
Ở một vài nơi, chúng ta còn được bảo hành, “bao” lệ phí kiểm tra máy móc, và có thể trả xe lại nếu không ưng ý.

Giai đoạn 4: Xét lý lịch xe

Công việc này đã được nói riêng trong một bài trước. Ở đây, chỉ xin nhắc lại rằng lý lịch xe bao gồm trong vehicle history report. Có số VIN của chiếc xe muốn mua, bạn sẽ đọc được lịch sử thăng trầm của chiếc xe từ ngày nó xuất xưởng, và trải qua bao nhiêu đời chủ….. Kiến thức này đương nhiên rất có giá trị với người chủ tương lai.

Giai đoạn 5: Liên lạc chủ xe

Tìm được chiếc xe với những chi tiết ưng ý rồi bạn mới gọi cho chủ nhân hiện thời của nó trước khi cất bước đến coi xe. Điều này trái ngược với tiến trình bình thường qua đó chúng ta phải gọi cho chủ xe trước, sau đó đến coi rồi mới biết chi tiết về chiếc xe. Trước khi gọi, bạn lại phải soạn sẵn những câu cần hỏi mới mong “moi” được những chi tiết cần thiết. Phải hỏi gì? Giá cả chiếc xe? Đó thường là câu hỏi đầu tiên nhưng bây giờ bạn không nên vội hỏi! Phải hỏi về tình trạng chiếc xe, cách thức sử dụng, quá trình bảo trì…. trước đã. Chúng tôi sẽ nói thêm chi tiết về những điều cần hỏi trong một bài sau.
Nếu sau khi nói chuyện với chủ xe mà bạn vẫn thích, khi đó mới làm hẹn đến coi xe và lái thử. Cần đến vào ban ngày trong lúc trời còn sáng để có thể xem xe cho kỹ càng.

Giai đoạn 6: Lái thử

Lái thử đương nhiên là cần thiết. Nhưng trong đa số trường hợp, chúng ta không thể nhận ra được điều gì. Bởi vì, thực tế, người chủ xe chỉ cho bạn lái trên một đoạn đường giới hạn, không có leo dốc, không ra xa lộ. Đã gọi là lái thử bạn phải có cơ hội thử xe trong mọi tình huống thì cảm nhận mới chính xác. Chúng ta sẽ nói thêm chi tiết về việc lái thử xe trong một bài khác.
Sau khi lái thử, bạn sẽ hỏi về quá trình bảo trì xe để xem người chủ có giữ lịch bảo trì không. Đây cũng là kinh nghiệm cho những ai đang muốn bán xe: Nhớ giữ lại hồ sơ bảo trì.

Giai đoạn 7: Kiểm tra chuyên môn

Đến đây nếu bạn vẫn thích, bạn phải cho xe đi “khám chuyên môn”, nghĩa là tìm một thợ máy chuyên nghiệp để rà lại máy móc lần chót, trừ khi đó là xe CPO (certified preowned). Nhưng khổ một điều là khó có thể yêu cầu mang xe người ta đi kiểm tra. Trong khi đó, bạn cũng không tìm được một thợ máy nào chịu đi với mình đến chỗ coi xe. Vậy phải làm sao? Chúng ta sẽ nói thêm về việc này trong một bài khác.

Giai đoạn 8: Thương lượng giá cả

Đây là nghệ thuật và cũng là kỹ thuật, mỗi người có một cách riêng. Nhưng các chuyên gia đề nghị một số điều căn bản:
- Chỉ thương lượng khi cảm thấy dễ chịu với người bên kia
- Cứ việc đưa giá thật thấp, nhưng phải dựa vào giá trị thực sự của thị trường mà chúng ta đã tìm kiếm được qua mạng Internet
- Tự ấn định một mức giá giới hạn, không trả hơn giá đó. Nếu người bán không chịu thì bỏ đi.
- Quan trọng nhất là bỏ đi: Đây là khí giới lợi hại của người mua mà người bán rất sợ.
- Kiên nhẫn: Nhiều khi phải tốn nhiều giờ nếu là đại lý, với tư nhân thì nhanh hơn.
- Bỏ đi ngay khi mình thấy mệt hoặc đói.
- Đừng để cho salesman đưa ra những thứ hào nhoáng xa xỉ, trừ khi do chính mình chọn lựa.

Giai đoạn 9: Kết thúc

Đó là lúc ký giấy tờ và trả tiền. Đừng quên lấy các giấy tờ cần thiết để sang tên. Và nhất là phải có bảo hiểm cho xe khi lái chạy ra khỏi sân của người bán. Giai đoạn dứt điểm này rất quan trọng, chúng ta sẽ trở lại trong một bài sau.
Thực hiện xong “9 nút”, chắc chắn bạn sẽ tìm được vận hên trong chiếc xe mới. Đúng rồi, “cũ người mà mới ta”.

haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT