Bình Luận

Hủ tục cắt chim

Monday, 12/06/2017 - 10:18:33

Mặc dù đây là lần đầu tòa án Hoa Kỳ xử một vụ án “cắt chim,” nhưng đã có một đạo luật viết về tội ác này.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Xin độc giả hiểu chữ “chim” là bộ phận sinh dục của nữ giới, và “cắt chim” là hủ tục của một nhóm nhỏ giáo dân Dawoodi Bohra trong giáo phái Shiite, một trong hai nhánh lớn của đạo Hồi Giáo.
Tháng trước, hai bác sĩ và một người quản lý bệnh viện đã bị đưa ra tòa tiểu bang Michigan trong một phiên điều trần giải thích việc họ cắt chim của khoảng 100 bé gái trong vòng 12 năm vừa rồi. Biện lý Sara Woodward nói, công tố viện đã tìm được tám em, và đã bắt giam bác sĩ Jumana Nagarwala từ ngày 14 tháng Tư 2017. Vài ngày sau, cảnh sát bắt giam vị bác sĩ thứ nhì -Fakhruddin Attar.


Jumana Nagarwala

Trong một bản tin do Bộ Tư Pháp phổ biến, bác sĩ Nagarwala, cư dân thành phố Northville, Michigan, bị cáo buộc là thực hiện hủ tục “cắt chim” trong một phòng mạch tại Livonia, cũng thuộc tiểu bang Michigan, trên thể xác của nhiều thiếu nữ từ 6 đến 8 tuổi.


Đứa bé bị “cắt” sống bằng lưỡi dao cạo, không có thuốc mê.

Tiếng Anh gọi việc “cắt chim” là “Female genital mutilation” (FGM) và được mô tả là việc tự ý cắt hoặc biến đổi “con chim” không vì một lý do y tế nào cả. Người Ấn, tín đồ đạo dân Dawoodi Bohra coi việc cắt chim con gái mình như một truyền thống, và những địa phương có hủ tục cắt chim thường cũng có thể chế trọng Nam, khinh Nữ.

Liên Hiệp Quốc đối phó với hủ tục cắt chim bằng cách chọn ngày mùng 6 tháng Hai mỗi năm là ngày Quốc Tế Bài Trừ Nạn FGM. Nhân ngày “Chống Tệ Tục Cắt Chim” năm nay, Liên Hiệp Quốc chủ trương “xây một cây cầu giữa Phi Châu và thế giới để thúc đẩy công tác tuyệt diệt nạn cắt chim các bé gái.”
Nhưng một phụ nữ, nạn nhân của hủ tục cắt chim đã lên tiếng đính chánh là Liên Hiệp Quốc sai lầm trong việc xây cầu văn hóa để giải quyết một tệ tục không hề có tại Phi Châu; cô là người Ấn, gia đình cô theo tôn giáo Dawoodi Bohra -một nhánh nhỏ của Hồi giáo, đang ly khai với tôn giáo gốc.

Cô kể lại, việc nữ bác sĩ Nagarwala, người gốc Ấn bị bắt tại Michigan, và bị truy tố. Cô nói Nagarwala phục vụ tại Henry Ford Health System, bị sa thải vì bà thực hiện một cuộc cắt chim tại một dưỡng đường khác -Burhani Medical Clinic- thuộc tỉnh Livonia. Chủ nhân dưỡng đường này là bác sĩ Fakhruddin Attar, và bà vợ Farida Attar. Cả ba người cùng bị truy tố.


Dưỡng đường Burhani Medical Clinic do bác sĩ Fakhruddin Attar làm chủ

Biện lý General Blanco nói, “mặc dù lời tuyên thệ ngày tốt nghiệp là sẽ chăm sóc bệnh nhân, nhưng bác sĩ Nagarwala lại làm những việc tàn bạo trên thể xác của những đứa trẻ yếu đuối. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ có trách nhiệm phải chấm dứt tệ tục cắt chim trẻ con, sẽ dùng quyền lực của Bộ để bảo vệ các bé gái không bị hành hạ thể xác và lạm dụng gây xúc động nữa."

Nhân viên tư pháp phát giác ra là trong khoảng thời gian ba tháng (từ 22 tháng 10, 2016 đến 20 tháng 1, 2017) bác sĩ Attar đã gọi trên 50 cú điện thoại đến một tập thể giáo dân Dawoodi Bohra tại Minnesota thảo luận việc đưa hai bé gái 7 tuổi tới bệnh viện Burhani Medical Clinic để cắt chim.

Mặc dù đây là lần đầu tòa án Hoa Kỳ xử một vụ án “cắt chim,” nhưng đã có một đạo luật viết về tội ác này.

“Bất cứ ai cố ý cắt bao quy đầu, làm giảm hoặc làm tê liệt kích thích toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào của môi màng cứng hoặc màng trong âm hộ hoặc âm vật của người khác dưới 18 tuổi đều sẽ bị phạt vạ hoặc bị phạt tù giam- không quá 5 năm, hoặc cả hai.”

Bác sĩ Nagarwala nhìn nhận bà có “sửa chim” cho hai cô bé 7 tuổi, nhưng bà không hề cắt mà chỉ lột đi cái màng nhầy trong âm hộ thân chủ và trao cái màng lột bỏ đó cho bố mẹ các cô để đem chôn theo đúng nghi thức tôn giáo Bohra. Bà cũng khai là bà không biết những trường hợp khác.
Nạn nhân dấu tên cho biết hủ tục diệt dục trong đạo Bohra được gọi là Khatna.

Cô khẳng định “những nạn nhân chúng tôi không bị lột màng nhầy như bác sĩ Nagarwala nói, mà dứt khoát là chúng tôi bị cắt đi phần kích thích nhục dục. Khatna là một hủ tục cưỡng bách áp dụng cho mọi giáo dân Bohra tại Ấn Độ, và cả những gia đình đã dời cư ra ngoại quốc qua nhiều thế hệ. Nhiều bà mẹ Bohra đã khóc, khi bác sĩ cho các bà biết thai nhi các bà đang mang trong bụng là một bé gái.”


Cô nạn nhân dấu tên

Cô nạn nhân kể tiếp, “Một cô bạn tôi chịu đựng cực hình Khatna trong chuyến cùng gia đình trở về thăm Ấn Độ. Phần tôi, tôi bị cắt tại phòng ngủ của một căn nhà mà chủ nhà là bà con với ba tôi; chuyện xảy ra cuối thập niên 1980 tại New Jersey.”
Trong bài tường thuật đăng trên nhật báo Washington Post hôm 9 tháng 6, 2017, hai phóng viên gốc Ấn Sarah Pulliam Bailey và Abigail Hauslohner kể lại việc vị đạo trưởng Abdul-Malik từ chức sau một cuộc thảo luận gay gắt về việc nên duy trì hay bãi bỏ hủ tục Khatna.
Đạo trưởng Abdul-Malik, trụ trì tại Dar al-Hijrah Islamic Center, vùng Falls Church, Virginia, Thánh Đường Hồi Giáo lớn nhất tại Hoa Kỳ đó, cho là Hồi Giáo phải tuân phục quyết định của Bộ Tư Pháp truy tố bác sĩ Nagarwala, và trừng trị hủ tục “cắt chim.”
 

Thánh đường Dar Al-Hijrah

Trong lúc đó viện trưởng Shaker Elsayed bênh vực thuyết diệt dục bằng cách cắt chim các bé gái, nhưng vẫn tìm cách tuân hành luật pháp Hoa Kỳ; khác biệt này đưa đến việc đạo trưởng Abdul-Malik và một số tu sĩ đòi sa thải viện trưởng Shaker Elsayed. Đòi không được, Malik từ chức để tạo áp lực.


Đạo trưởng Abdul-Malik từ chức để tạo áp lực đòi sa thải viện trưởng Shaker Elsayed.


Viện trưởng Shaker Elsayed

Hủ tục Khatna cắt chim các bé gái bị Tổ Chức Y Tế Thế Giới lên án là vi phạm nhân quyền, và hành động cưỡng bách diệt dục bằng phương pháp hủy hoại cơ thể nạn nhân dĩ nhiên là phạm pháp.
Vậy mà viện trưởng Shaker Elsayed vẫn còn ngồi lại điều khiển sinh hoạt thánh đường Dar al-Hijrah Islamic Center, trong lúc đạo trưởng Abdul Malik phải từ chức để bênh vực các nạn nhân bị cắt chim trong tuổi vị thành niên.
Tình trạng cuồng tín đến mức mù quáng phạm pháp của những công dân Mỹ gốc Ấn quả là quá đáng. (ndt)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT