Người Việt Khắp Nơi

Họp mặt Hội Ái Hữu Học Sinh Di Cư 54 Gia Long Phú Thọ

Thursday, 28/07/2016 - 11:43:40

“Thành ra năm nay chúng tôi, cũng nhờ anh Hiền quen biết, có hội trường này miễn phí, anh em có chỗ gặp nhau đông đúc như thế này. Theo cái danh sách thì có khoảng 100 người, chỉ kể hội viên thôi, còn vợ con là không kể.

Bài THỦY NGÂN

LITTLE SAIGON - Sáu-mươi hai năm về trước, khi miền Bắc bị cộng sản chiếm đóng và tàn phá, rất nhiều đồng bào đã di tản vào Nam. Trên đường chạy giặc có không ít gia đình bị ly tán, trong đó có những cậu thiếu niên khi ấy chỉ khoảng mười ba đến mười chín tuổi bị lạc cha lạc mẹ, bơ vơ giữa chốn chợ đời, được đưa về những khu trại tập trung Gia Long và Phú Thọ dưới thời Tổng Thống Diệm, được cho ăn học. Tuy vậy, do chiến tranh nên cuộc sống thời đó rất cực khổ. Các cậu bé sống thiếu thốn tình cảm gia đình đã đùm bọc nhau trải qua những ngày tháng cơ hàn.

Các cựu học sinh di cư 54 Gia Long Phú Thọ, từ các cậu nhóc giờ đã thành các ông lão, ngồi hàng trên cùng là các bà vợ, đi theo để phụ giúp về thức ăn của buổi gặp mặt trưa 24 tháng 7, 2016 tại Westminster. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Lâu lâu gặp nhau các ông lai rai vài lon bia cho vui vậy thôi. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Toàn cảnh buổi gặp mặt của hội học sinh di cư 54 Gia Long Phú Thọ tại hội trường Việt Báo trưa Chủ Nhật, 24 tháng 7, tại Westminster. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Các cựu và kim hội trưởng của hội chụp hình kỷ niệm với nhau trưa 24 tháng 7, 2016 tại Westminster. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Họ được nung đúc, tôi luyện trong cái khổ cực từ thuở thiếu thời nên khi lớn ai cũng có ý chí phấn đấu và không ít người đã thành công trong cuộc sống nơi xứ người. Cùng sống gắn bó như anh em một nhà trong giai đoạn lịch sử đau thương đó nên họ vẫn luôn nhớ về nhau.

Sau một thời gian lưu lạc nơi xứ người, họ cũng đã nối kết lại với nhau và có những lần gặp mặt mỗi năm vào hai dịp xuân và hè.

Trưa Chủ Nhật, ngày 24 tháng 7, 2016 vừa qua, hội Ái hữu cựu học sinh di cư năm 54 Gia Long Phú Thọ (còn được gọi thân mật là Gia Đình Học Sinh Di Cư 54 Phú Thọ) cũng đã có buổi họp mặt với nhau rất thân tình tại hội trường Việt Báo, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683.

Ông Hội trưởng Nguyễn Thái Hanh chia sẻ, “Tôi sinh năm 1939, được anh em bầu lên làm hội trưởng năm nay, tôi hiện đang sống ở Garden Grove. Tôi có mặt ngày từ đầu năm 1954, ở trại Phú Thọ. Đặc biệt năm nay do sáng kiến của tôi, vì không muốn làm phiền các ông cựu hội trưởng, ăn ở nhà người ta làm phiền phức vợ con.

“Thành ra năm nay chúng tôi, cũng nhờ anh Hiền quen biết, có hội trường này miễn phí, anh em có chỗ gặp nhau đông đúc như thế này. Theo cái danh sách thì có khoảng 100 người, chỉ kể hội viên thôi, còn vợ con là không kể.

“Anh em ở trong cái hội là học sinh di cư năm 54, lạc cha lạc mẹ, thành ra ở với nhau lúc đó còn nghèo. Là cái tuổi chúng tôi nói là tuổi thiếu niên hết, tức là từ 13 đến 19. Nói danh xưng là học sinh chứ lúc đó chưa ai lên đại học. Cái hội này đối với tôi là già nhất, tôi nói già nhất xưa nhất vì hội này là đầu tiên kể từ ngày miền Bắc di cư vào Nam, tôi có vào hội trường Chu Văn An. Nhưng cái hội này lâu nhất, nên tôi quý ở chỗ đó, nơi có những người bạn thân tình. Có cái đặc biệt là hội của chúng tôi toàn là đàn ông con trai, hầu hết là con nhà nghèo. Nếu có ai là con nhà giàu lộn sòng vô thì cũng ít thôi, không có nhiều.
“Chúng tôi họp mặt với nhau tối thiểu một lần, tối đa hai lần. Vào dịp tất niên hoặc tân niên, và dịp hè, một năm hai lần. Chúng tôi lập cái hội này không ngoài mục đích xã hội, quan hôn tang tế, chia vui sẻ buồn. Anh em hữu sự chỉ ới nhau một tiếng thôi là anh em đến để mà đọc kinh cầu nguyện, hoặc tụ họp chung vui những lúc hiếu hỉ.”

Ông Đỗ Tiến Đức, thành viên lâu năm cho biết, “Tham gia từ ngày sáng lập, mấy chục năm rồi, nói cái hội thì không đúng. Nhưng chúng tôi gọi rất thân mật là gia đình học sinh di cư Phú Thọ. Tôi vượt biên năm 1978. Tôi là trại sinh của trại học sinh di cư Phú Thọ. Trước 1975 thì tôi là giám đốc Nha Điện Anh, rồi đạo diễn phim, phim Ngọc Lan, phim Yêu, phim Đối Mặt Tử Thần. Tôi viết tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết Má Hồng là cuốn tiểu thuyết chính của tôi đã được giải thưởng Văn chương toàn quốc. Chúng tôi đến đây là vui lắm, vì bạn bè với nhau từ cái thời rất là nghèo khổ, đói ăn. Nên gặp nhau rất là mừng.”
Ông Trịnh Tất Đắc sống ở Garden Grove nói, “Năm nào cũng đi hết, chú qua đây là H.O. Có tham gia với mấy bạn thuở hàn vi không cha không mẹ, ông Diệm nuôi. Mỗi năm đi gặp mấy người bạn già người còn người mất.”

Thời gian thắm thoát trôi nhanh, những cậu thiếu niên năm nào giờ đã thành những cụ ông đầu râu tóc bạc, kẻ còn người mất. Tuy vậy khi gặp nhau, họ vẫn sôi nổi nói cười, chọc ghẹo nhau như ngày còn trai trẻ. Và luôn nói vui với nhau rằng biết đâu là lần cuối bởi người nhỏ tuổi nhất hội cũng đã ngoài bảy mươi, người lớn nhất cũng tám mươi nên ai vẫn cố gắng tranh thủ họp mặt với nhau mỗi khi có dịp.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT