Người Việt Khắp Nơi

Hơn 30 năm, bố mẹ già ở VN mới nhìn thấy mặt con, chú cô tìm thấy cháu homeless tại Atlanta

Thursday, 22/04/2021 - 09:04:54

Sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản miền Bắc, gần một triệu người đã ngậm ngùi bỏ nước ra đi.


Phạm Duy Lam trong bộ áo quần homeless. (Hình ông Phạm Duy Quang cung cấp)


Bài THANH PHONG


LITTLE SAIGON - Sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản miền Bắc, gần một triệu người đã ngậm ngùi bỏ nước ra đi. Cuộc di cư vĩ đại lần thứ hai đã khiến hàng trăm ngàn người chết trên biển cả, nơi rừng núi âm u... Nhiều người đến được bến bờ tự do nhưng cũng gặp nhiều nỗi gian truân, thậm chí một số trở thành người vô gia cư (homeless) không còn liên lạc với gia đình khiến cha mẹ và người thân lúc nào cũng lo âu, buồn bã như câu chuyện anh Phạm Duy Lam mất tích nay đã 21 năm vừa được người chú ruột là ông bà Phạm Duy Quang tìm thấy. Chính ông Quang đã kể chi tiết cuộc tìm gặp người cháu hy hữu này cho Viễn Đông như sau.

Sau ngày 30 tháng Tư, 1975, ông bà Phạm Duy Cẩn cho người con trai tên Phạm Duy Lam theo gia đình một ông chú vượt biên (không phải ông chú ruột Phạm Duy Quang), trong đó có cháu Phạm Thị Uyên là em họ với Lam. Chuyến vượt biên tuy đầy gian nan nguy hiểm nhưng họ cũng may mắn đến được bến bờ tự do. Lam được gia đình ông chú cho đi học. Năm 16 tuổi, Lam học Trung Học hoàn toàn không có biểu hiện gì, nhưng năm 17 tuổi, cô em họ tên Uyên cho biết Lam bị bệnh trầm cảm. Lam rất ham đọc sách nên có nhiều kiến thức nhưng vì bị bệnh nên việc học không đi tới đâu. Một hôm Lam nộp đơn xin thi vào Hải Quân Mỹ với hy vọng khi ở trong quân đội Mỹ anh sẽ được chữa trị. Nhờ kiến thức sẵn có, Lam thi đậu vào binh chủng Hải Quân. Trong thời gian đầu, đơn vị cũng không khám phá ra Lam bị bệnh trầm cảm, một thời gian sau họ mới biết anh bị chứng bệnh này và chuyển Lam đến một bệnh viện dân sự để chữa trị. Rồi một hôm Lam viết thư báo cho đơn vị biết anh sẽ không quay lại nữa rồi ra đi mất tích, không liên lạc với gia đình ông chú, với cô em.

Khi được đơn vị báo tin, mọi người mới đi tìm kiếm, nhưng đất nước Hoa Kỳ rộng lớn mênh mông, cha mẹ còn đang ở cách xa nửa vòng trái đất, người thân ở Hoa Kỳ đang phải vất vả đi làm mà việc đi tìm người mất tích đâu phải ngày một ngày hai mà tìm được nên rồi mọi chuyện cũng âm thầm trôi qua trong vô vọng, chỉ tội nghiệp cho cha mẹ già ở quê nhà và người thân ngày đêm cầu nguyện, mong ngóng tin con, tin cháu.
Thế rồi, một hôm ông bà Quang nhận được một cú điện thoại gọi từ Việt Nam của một người cháu. Đường dây bên kia nói, “Chú mở chương trình TV “Hộp Thư Số 1” sẽ có ông bà Phạm Duy Cẩn xuất hiện để nói chuyện.”

Nghe nói có anh ruột của mình, ông bà Phạm Duy Quang mở TV theo dõi. Đây là chương trình do ca sĩ Hương Tràm thực hiện, ngoài phần ca nhạc có mục tìm người thân trên chương trình “Điều Ước Số 7,” hôm ấy giới thiệu trường hợp ông bà Phạm Duy Cẩn mất con tại Mỹ. Hai ông bà Phạm Duy Quang rất mừng thấy mặt hai anh chị ruột của mình sau nhiều năm xa cách; nhưng tất cả đều buồn bã, xót xa cho số phận của Phạm Duy Lam, giờ này không biết ở đâu, sống chết thế nào không ai rõ!

Một hôm cô Uyên cho biết đã tìm thấy anh Lam ở Atlanta, hai anh em đã ngồi ăn uống chung với nhau nhưng rồi Lam lại biến mất từ ngày đó đến nay. Uyên cho biết, năm 2005 anh Lam đã hai lần bị Cảnh Sát Atlanta bắt rồi thả và đến năm 2017 lại bị bắt lần thứ ba, lần này Lam chống cự cảnh sát nên bị bắt giam 8 tháng, từ đó đến nay mất tích luôn.

Vào năm 2017 cả hai ông bà Phạm Duy Quang, cư ngụ tại thành phố Irvine, Nam California và đến tuổi về hưu, thay vì dùng tiền hưu trí đi du lịch đây đó, hai ông bà bàn nhau đi tìm cháu Phạm Duy Lam. Hai ông bà mua vé máy bay qua Atlanta, tiểu bang Georgia vì tin cháu mình ở đó. Thuê nhà trọ ở ba tuần lễ, bà Quang vô internet tìm tên cháu mình và gặp cô Phượng Cali đang có chương trình tìm người thân mất tích tại San Jose. Bà được giới thiệu với ông Dũng, người rất nhiệt tình đã hướng dẫn hai ông bà về bản chất những người homeless. Họ rất hiền lành, chỉ bị đói nên họ cần tiền, và đa số ở chung đụng nhau nên dễ bị nghiện xì ke ma túy hay nghiện rượu.

Hai ông bà bắt đầu đến Sở Cảnh Sát tại địa phương nhờ tìm xem cháu Lam đang ở đâu. Hai ông bà đoán Lam đang trong tình trạng homeless. Cảnh sát cho biết đã đóng hồ sơ, muốn mở phải đóng tiền. Hai ông bà đóng tiền và họ mở hồ sơ cho thấy có hình Phạm Duy Lam nhưng họ không biết hiện giờ Lam đang ở đâu.

Ông Phạm Duy Quang đi copy hình Lam ra nhiều bản rồi đi khắp nơi, chỗ nào có đông homeless tụ tập, ông bà đều đưa hình cho họ xem có thấy người này không? Tất cả đều lắc đầu, không thấy, không biết. Hai ông bà đến nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, đến hai ngôi chùa Quang Minh, Quan Thế Âm và một tiệm nail lớn có 23 ghế cho khách ngồi làm đẹp, là những nơi hay cho đồ ăn cho homeless, rồi đến những công viên nơi homeless hay tụ tập nhưng cũng vô vọng.

Sau đó, nhờ một Sư Cô trụ trì chùa Quan Thế Âm giới thiệu, ông bà đến gặp cô Suga phụ trách chương trình phát thanh phát hình trên đài AM 1040, một đài truyền thông nổi tiếng tại Atlanta. Sau khi ông bà trình bày việc từ California sang đây tìm cháu, cô Suga hứa sẽ cho phổ biến trên đài nhiều lần.

Hai ông bà Quang lại tiếp tục đi nhiều chỗ khác tìm cháu nhưng đều thất vọng nên quyết định mua vé về lại Cali. Ngày đó, hai ông bà đang ngồi ăn sáng lúc 9 giờ 30 thì chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia tiếng một cô gái trẻ vang lên:

“Chú ơi, chúng cháu thấy cháu của chú rồi.”

Ông bà Quang không kịp hỏi thêm vội lên xe phóng xuống tiệm làm tóc, nơi mà mấy cô thợ trước đây cho biết, Lam thường lui tới và được mấy cô cho đồ ăn. Nhưng khi đến nơi thì Lam đã đi mất, mấy cô thợ bận khách không giữ Lam lại được. Hai ông bà vô cùng mừng rỡ, cám ơn rối rít, bà cầm một ít tiền trao cho các cô để cám ơn nhưng nhất định họ không nhận.

Bà bảo chồng, “Người ta làm ơn cho mình mà không nhận thù lao, thôi để em làm bộ móng tay móng chân rồi trả tiền cho các cô ấy.”



Phạm Duy Lam sau khi được ông bà Phạm Duy Quang mua cho quần áo mới (Hình cung cấp)


Sau khi được làm xong bộ móng thật đẹp, bà Quang lấy tiền ra trả. Một lần nữa, cô chủ tiệm cũng như cô thợ làm móng cho bà nhất định không nhận. Khoảng 1 giờ chiều, ông Quang định ra xe lấy đồ ăn vào nhưng các cô trong tiệm nói, “Mời các cô chú ngồi bàn kia ăn cơm với tụi con luôn cho vui.”

Hôm đó ông Quang có rủ được ông Hiền là bạn chí thân đi cùng. Mọi người cùng ngồi ăn với nhau thật vui. Ông Hiền nói chuyến đi này đúng là chuyến đi để đời, không bao giờ quên được vì các cô thợ nail người Việt bên này quả thật có những tấm lòng vàng mà chúng tôi không biết lấy lời gì cảm ơn các cô cho xứng.


Gặp mặt người cháu thân thương

Ba người ở lại đó đến chiều hy vọng sẽ gặp Lam, và đã gặp được đúng như lòng mong đợi. Khi đứng ở trên lầu nhìn xuống thấy Lam đang lững thững đi tới, hai ông bà chạy ngay xuống để giáp mặt cháu. Mọi người vỗ tay rất lâu mừng chú cháu đã tìm được nhau. Nhưng sợ Lam sẽ trốn tránh người thân nên ông Quang hỏi:

“Cháu là homeless phải không?”

“Dạ, dạ, cháu là homeless,”

“Cháu có cần tiền không?”

“Dạ cần, cần.”

Bà Quang rút tờ $20 đưa cho Lam, anh cất ngay vào túi. Hai ông bà rủ Lam về chỗ ở của mình, hứa mua bánh, mua nước cho Lam. Trên đường đi, ngang qua một thùng rác, Lam cúi xuống moi móc tìm đồ ăn nhưng ông Quang kéo đi không cho. Lam thấy một lon nước uống dở bỏ bên lề đường, anh cầm lên định đưa lên miệng uống.

Ông Quang vội nói, “Cháu đừng uống, bỏ vào thùng rác đi, ra tới chỗ tiệm kia chú mua cho cháu uống.”
Lam không quăng lon nước dở vào thùng, nhưng anh cúi xuống để nhẹ nhàng vào một góc, có lẽ để khi trở lại sẽ lấy uống. Đến ngang tiệm tạp hóa, ông Quang hỏi cháu có uống cà phê không? Lam gật đầu nói, “Dạ, dạ, cà phê cháu uống.”

Ông mua cho Lam một ly cà phê. Đợi Lam uống ly cà phê xong, ông Quang mới hỏi, “Có nhớ chú là ai không?”
Lam nhìn ông nhưng lắc đầu, vì chú cháu gặp nhau cách đây đã 32 năm (năm nay Lam đã 49 tuổi). Ông Quang nói, “Chú là chú Quang đây!”

Ông nói cho Lam biết tên bố mẹ của Lam và Lam nhận ra cô chú của mình nhưng khi ông Quang rủ Lam, “Bây giờ đi với cô chú về nhà.”

Lam nói, “Cô chú về đi, cháu không về đâu.”

Ông Quang lại hỏi, “Cháu ăn gì không?”

“Không, cháu không ăn!”

“Ăn kem không?”

Lam reo lên như một đứa trẻ, “Ô kem, cháu ăn kem.”

Ông Quang có ý dụ cháu ăn uống để đưa cháu về nhà. Ông hỏi nick name của hai em Lam còn ở Việt Nam là gì, Lam trả lời đúng. Ông Quang nói, “Bây giờ nói chuyện với bố mẹ nhá?”

Lam trả lời ngay, “Không! Cháu không nói chuyện với bố mẹ cháu.”

Mặc dù Lam từ chối, ông Quang vẫn mở phone để hai mẹ con gặp nhau, vì trước đó ông đã thông tin cho bố mẹ Lam biết là đã tìm thấy Lam, hễ thấy phone reo thì bắt máy nghe ngay. Vừa nhìn thấy con, bà mẹ òa lên khóc nức nở, trong lúc ông bố vừa ở bệnh viện về vì bệnh phổi và đang đeo khẩu trang, ông không nói được lời nào nhưng gục đầu xuống nức nở, nghẹn ngào, còn bà mẹ vừa khóc vừa nói, “Con ơi! Bao nhiêu năm nay mẹ hằng nhớ con, nay mẹ mới được thấy lại mặt con, con ơi, con ơi!”

Có lẽ bà quá xúc động chỉ biết khóc mà không nói được lời nào nữa. Cậu em của Lam đứng sau lưng mẹ cũng khóc ròng.

Lam lên tiếng, “Thôi mẹ đừng khóc nữa, con về đây, con không muốn nói chuyện nữa!”

Vợ chồng ông Quang cũng rất xúc động trước hoàn cảnh này, cả hai cùng khóc. Sau đó, ông gọi cho người cháu tên Uyên, cô Uyên cũng khóc ròng. Riêng Lam, Lam nói với ông bà Quang, “Thôi cô chú đi về đi, cháu không muốn nói chuyện với ai nữa, cháu sống thế này là được rồi.”

Nhưng ông bà Quang không muốn để mất cháu nên bảo Lam, “Bây giờ chiều rồi, đi với chú về nhà, tắm rửa, ăn cơm với cô chú.”


Ông bà Phạm Duy Quang và người cháu ruột Phạm Duy Lam vừa tìm thấy (Hình cung cấp)

Lam chịu, hai ông bà mừng quá dẫn Lam về nhà trọ. Bà ghé tiệm mua cho Lam mấy bộ quần áo mới, đôi dép và quần lót. Về nhà trọ ông Quang bảo Lam đi tắm, ông định vất bộ đồ cũ của Lam đi vì nó quá hôi hám nhưng bà vợ bảo, “Không được, lỡ nó đòi lại thì sao.”

Bà đem đi giặt và quả nhiên sau đó Lam đòi, “Quần áo của cháu đâu, trả lại cho cháu.”

Lam tắm rửa, thay quần áo mới và ăn cơm. Vừa ăn Lam vừa nói, “Ngon quá, ngon quá, ngon không tưởng tượng được.”

Ông Quang dụ Lam, “Cháu uống bia không? Uống rượu không? Uống nước ngọt không?”

Lam đều trả lời, cháu không uống mấy thứ đó. Rất may là tuy bị bệnh, tuy là homeless nhưng Lam không dính vào bia rượu và xì ke, ma túy nhưng có hút thuốc lá nên ông Quang đã mua thuốc lá cho Lam. Lam được nằm trên nệm êm ấm nên anh ngủ ngon. Nhưng ông Quang sợ đêm Lam tỉnh giấc sẽ đi mất nên ông phải nằm chặn ngang cửa, không dám ngủ. Mãi tới 4 giờ sáng, ông Hiền thấy tội nghiệp bạn nên mới canh thay cho ông Quang đi ngủ.

Sáng dậy ăn uống xong xuôi Lam đòi về nhưng hai ông bà dụ Lam ở lại. Tối Lam lại đòi về, ông Quang bảo, “Không về được đâu, mai chú sẽ đưa về.” Lam nghe lời ở lại.

Sau đó ông Quang nhận được điện thoại của cô Suga mời hai chú cháu lên đài để tường thuật việc chú cô tìm thấy cháu để chia sẻ với khán thính giả của đài. Suốt hai tiếng đồng hồ, ông Quang đã kể lại câu chuyện cho truyền thông Atlanta.

Câu hỏi cuối cùng: “Kết cuộc Lam có chịu theo ông bà về Cali hay không? Nếu không, ông bà có phương cách gì giúp người cháu đỡ khổ?”

Ông bà Quang trả lời, “Ngay sáng hôm đó, Lam nhất định ra đi, chúng tôi không làm sao có thể giữ cháu lại hay đưa cháu đi được vì năm nay cháu đã 49 tuổi. Chúng tôi chỉ còn biết năn nỉ cô chủ và các cô thợ Nail bên Atlanta giúp cháu, rồi thỉnh thoảng chúng tôi gửi chút tiền qua cho các cô lo cho cháu, chúng tôi chỉ còn cách đó và luôn cầu nguyện cho cháu sớm hết bệnh trầm cảm, biết nghe lời người thân lo thủ tục để Lam được hưởng tiền trợ cấp của quân đội, vì Lam là cựu quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ. Dẫu sao, bố mẹ Lam và chúng tôi cũng rất mừng vì sau bao nhiêu năm bặt vô âm tín nay đã tìm lại được Lam. Chúng tôi cũng xin cám ơn nhật báo Viễn Đông đã chia sẻ niềm vui này với gia đình chúng tôi mặc dù niềm vui chưa trọn vẹn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT