Đời Sống Việt

Hội tụ ở chùa: Người Việt Nam ở Indianapolis

Saturday, 22/10/2011 - 08:58:52

Ở tiểu bang Indiana, theo thống kê dân số 2010 của Hoa Kỳ, có khoảng 8.200 người Việt Nam cư ngụ. Theo nguồn tin đáng tin cậy từ một người Việt Nam đã định cư ở Indy mấy chục năm, Indy có từ 3-4.000 người.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

INDIANAPOLIS, Indiana - Tên gọi của tiểu bang “Indiana” có nghĩa là “đất của người da đỏ” (Indian Land) - chứ không liên quan gì đến Ấn Độ (India). Indianapolis - gọi tắt là Indy - là thủ phủ của tiểu bang Indiana với dân số trên 800.000 người, là thành phố lớn thứ 12 ở Mỹ, và là thủ phủ lớn thứ hai ở Mỹ chỉ sau Phoenix (Arizona). “Indianapolis” là ghép “Indiana” với “polis” – “polis” là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thành phố”. Cho nên Indianapolis có nghĩa là “thành phố Indiana”. Chữ với nghĩa thì thật là lộn xộn, phức tạp, nhưng nói chuyện về người Việt ở Indy thì cũng đơn giản thôi. Mọi người ở khắp nơi trong thành phố gặp nhau ở một ngôi chùa Việt Nam.
Ở tiểu bang Indiana, theo thống kê dân số 2010 của Hoa Kỳ, có khoảng 8.200 người Việt Nam cư ngụ. Không ai biết chính xác có bao nhiêu người Việt ở Indianapolis. Theo nguồn tin đáng tin cậy từ một người Việt Nam đã định cư ở Indy mấy chục năm, Indy có từ 3-4.000 người. Quan sát những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây, tôi nghĩ con số này có lẽ đúng.


Chùa An Lạc - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Đài Tưởng Niệm ở trung tâm thành phố Indy - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Công ăn việc làm
Đợt di cư thứ nhất: Cũng như các cộng đồng người Việt ở những nơi khác, đợt di cư ồ ạt đầu tiên của người Việt tới Indy là vào năm 1975, phần lớn là tị nạn chính trị. Thật ra trước năm 75 đã có một số rất ít du học sinh Việt Nam ở Indy hoặc người Việt lập gia đình với người Mỹ cư ngụ tại đây. Do đó trong đợt di cư thứ nhất, một số người đến Indy là vì đã có gia đình ở đây.
Anh Đức nhớ lại là hồi năm 75 anh mới 9 tuổi. Gia đình anh đang chờ ở đảo Guam để rồi tái định cư ở Mỹ thì được bốc đi Ohio. Ở Ohio được vài tháng thì gia đình anh dời đến Indianapolis sinh sống vì có người bác ở đây trước rồi. Hiện nay anh Đức và một số người Việt Nam khác làm kỹ sư về nhu liệu điện toán cho công ty Raytheon - là một trong những nhà thầu (contractor) cho Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Trong khi đó ba anh là bác Huấn, lúc qua đến Mỹ đã 45 tuổi, cũng chịu khó đi học lại để tìm việc làm. Bác Huấn và nhiều người khác sau đó đi làm trong ngành công chánh, làm cho các hãng thuốc, hoặc các hãng lớn như GM; một số khác làm bác sĩ, hoặc đi dạy và làm trong trường đại học như anh Giao, đã giảng dạy y khoa mấy chục năm ở trường đại học Indiana University-Purdue University Indianapolis (IUPUI).

Đài Tưởng Niệm đang được sửa chữa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Đợt di cư thứ hai là vào những năm 1990 khi nhiều người Việt Nam qua Mỹ theo chương trình HO hoặc đoàn tụ gia đình. Ví dụ như anh Thanh, gia đình anh qua Mỹ theo diện HO năm 1990. Ban đầu anh làm việc trong các nhà hàng Nhật. Nhưng anh Thanh nói: “Đi làm công không bằng mở nhà hàng riêng của mình”, nên đến năm 2001 hai vợ chồng anh mở nhà hàng King Wok ở khu phía Tây thành phố Indianapolis. Đây là nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở Indy. Sau đó có một chợ Việt Nam và một nhà hàng Việt Nam khác được mở ở khu vực này.
Đến nay, trong hai nhà hàng phục vụ thức ăn Việt Nam thuần túy, nhà hàng anh Thanh có tiếng là nhà hàng Việt Nam ngon nhất ở Indy. Một số nhà hàng mở ra sau này phục vụ thức ăn Châu Á nhiều hơn là Việt Nam. Một điểm đặc biệt nữa về anh Thanh là anh thuê người phục vụ là các sinh viên Việt Nam cần việc làm thêm, chứ không thuê người Mỹ. Khi mở nhà hàng, anh Thanh nói chính yếu là muốn phục vụ người Việt, nhưng khách ăn có cả người Mỹ và họ rất thích thức ăn Việt Nam của nhà hàng anh.
Đợt di cư thứ 3 là từ những năm 2000. Họ là những người như anh Lễ, lấy vợ gốc Việt rồi đi theo vợ định cư ở Indianapolis. Anh Lễ hiện nay làm trong ngành kỹ thuật vi tính (IT) cho tổ chức Salvation Army. Cũng trong nhóm người di cư mới này là những học sinh từ Việt Nam đi du học rồi lập gia đình ở lại Indy; hoặc là những người Việt làm trong ngành nail, do cạnh tranh ở California dữ quá nên tìm chỗ làm ăn khác ở Indy.

Kinh Đào (The Cannal) và một góc thành phố - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Lá cây đổi màu trong Kinh Đào - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Không phải ai đi định cư cũng có được tự do lựa chọn nơi ở. Bởi vì nói đến chuyện khí hậu, mùa đông ở Indy lạnh xuống khoảng 10 độ F. Đôi khi tuyết dày cả thước. Đối với người Việt, khí hậu như thế là khắc nghiệt. Nếu được lựa chọn thì chắc không mấy người chọn Indy. Nhưng bù lại, mùa thu ở Indy thì lá vàng lá đỏ bay ngập trời. Có thể nói các mùa đắp đổi cho nhau. Vả lại, ở đâu quen đó thôi. Niềm vui trong cuộc sống cũng do mình tạo ra, như anh Nguyên Trường bảo: “Sống ở Indy có gia đình, bạn bè nhiều, có chùa vui”.

* Đời sống tinh thần
Là một thành phố lớn, ở trung tâm thành phố Indianapolis lúc nào cũng có nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra. Những hoạt động này được tổ chức xung quanh khu vực Kinh Đào (The Cannal). Kinh Đào được xây từ thế kỷ 19 nối liền ra con sông Trắng (White River) chảy ngang qua thành phố. Ngày nay, một phần Kinh Đào vẫn được dùng để cung cấp nước cho thành phố, một phần khác được phát triển thành khu vực vui chơi giải trí cho mọi người.
Khi trời đẹp và ấm áp, 3 dặm Kinh Đào đầy ắp người đi bộ, chạy bộ; hoặc đạp xe; hoặc đạp thuyền, v.v.. Hai bên Kinh Đào là những khu nhà ở sang trọng; văn phòng của nhiều tổ chức, đoàn thể lớn; các viện bảo tàng, v.v.. Người Việt muốn gặp gỡ đồng hương có thể gặp nhau ở Kinh Đào, không thì có thể đến sinh hoạt ở các nhà thờ Tin Lành hoặc Công Giáo Mỹ.

Viện Bảo Tàng (nhà kiếng) một bên Kinh Đào - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Điểm tập trung tham gia hoạt động ở Kinh Đào - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Nhà hàng, văn phòng, nhà ở trong khu vực Kinh Đào - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tuy nhiên, một hoạt động được rất nhiều người Việt hưởng ứng là các buổi lễ Tết đầu năm, hoặc các buổi văn nghệ từ thiện do Hội Người Việt Nam tổ chức. Cũng xôm tụ ra phết, có mời ca sĩ từ nơi khác tới hẳn hoi. Thường trong những dịp hội họp này, có một số gia đình Việt Nam đã chịu khó lái xe mấy tiếng đồng hồ từ bắc Indiana như Lafayette, Fort Wayne xuống tham gia. Điều không may cho người Việt ở Indy là những hoạt động này lúc lên lúc xuống, tùy theo người Chủ Tịch Hội có thời gian để tổ chức hay không. Anh Giao bảo: “Cũng muốn có sinh hoạt phong phú cho cộng động người Việt, nhưng không đủ người làm”.

Để có thể gặp gỡ nhau hàng tuần và trao đổi, học hỏi Phật pháp, một nhóm đạo hữu lập nhóm Phật học. Ban đầu những bạn đạo tụ họp, lễ Phật hàng tuần với nhau. Sinh hoạt này rõ ràng đáp ứng được đời sống tinh thần của người Việt nên dần dần phát triển lên. Năm 1986, nhóm bạn đạo quyết định thuê rồi mua một miếng đất và sửa sang nhà để xe thành điện thờ chính. Lịch sử chùa An Lạc bắt đầu từ đây.
Nhóm bạn đạo tự mình tổ chức tất cả các hoạt động trong chùa An Lạc. Anh Nguyên Trường là người tham gia ngay từ đầu việc lập chùa cho biết là từ khi “nhà xe” biến thành “chùa” rồi thì “vài ba tháng lại mời một vị tăng tới để tạo ra những buổi tu học cuối tuần cho các anh chị em người Việt”. Nhiều năm trời như vậy, chùa An Lạc trở thành nơi tụ họp của cộng đồng người Việt ở Indy và các vùng xung quanh.
Đến năm 2002, sư cô Nguyên Thiện cùng một số sư cô trẻ khác được mời đến chùa An Lạc để giảng dạy Phật pháp. Sau đó các sư cô thấy thích không khí ở Indianapolis nên đồng ý ở lại trụ trì và hướng dẫn tu hành cho các phật tử ở Indy. Và thế là chùa An Lạc trở thành chùa tu cho sư nữ.

Bên hông chùa An Lạc - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Xây chùa
Khi chùa đã có trụ trì và các sư cô chăm sóc, mọi người càng hứng khởi và nảy ra ý định quyên góp tiền xây một ngôi chùa hoàn chỉnh. Miếng đất “nhà xe” mua đầu tiên để xây chùa là khoảng 40.000 Mỹ kim. Tiền thì do mọi người góp vào, mỗi người vài ba ngàn. Sau mua thêm miếng đất thứ hai khoảng 70.000 nữa để bắt đầu kế hoạch xây chùa. Vào thời điểm xây chùa, một nhà dân bên cạnh muốn bán đất cho chùa, và đây là miếng đất thứ ba nhập vào đất xây chùa (mua khoảng 75.000 Mỹ kim). Cũng trong thời gian này, chùa lại mua được thêm một miếng đất nữa từ chính phủ (7.000 Mỹ kim). Cuối cùng, tổng cộng cả lô đất rộng hơn 1 mẫu. Đến năm 2007 thì xây dựng xong ngôi chùa khang trang như ngày nay.
Tiền mua đất và xây chùa là do Phật tử và rất nhiều người Việt trong và ngoài cộng đồng Indy đóng góp, cả những người theo Công Giáo - bởi vì ngôi chùa đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam tại Indy. Có một phật tử cho mượn cả trăm ngàn đô la để xây chùa, tới giờ chùa vẫn chưa trả hết khoản nợ này. Anh Nguyên Trường, làm việc trong ngành công chánh và tự nhận mình chỉ là người giúp việc trong chùa, cho biết là các bản đồ, giấy phép xây chùa đều do anh nhờ bạn bè thu xếp, chùa không phải tốn tiền về những việc này.


Nghe giảng pháp trong chùa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Chơi đùa ở chùa sau buổi ăn trưa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Hội tụ ở chùa

Sinh hoạt ở chùa An Lạc thu hút cả Phật tử người Mỹ. Thứ Bảy hàng tuần, một nhóm khoảng 25 người Mỹ tụ họp để bàn luận Phật pháp bằng tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của trụ trì và sư cô. Một trong số này là Quảng Tâm (tên thật là Walt Bush). Ông năm nay trên 60 tuổi và đã tìm hiểu đạo Phật nhiều năm. Quảng Tâm bảo ông đến chùa là vì đạo Phật ông học được ở đây “rất thực tế và giúp ích cho đời sống”. Ông hiện tham gia hoạt động ở chùa từ 6 năm nay và cho biết nhóm Phật tử người Mỹ thích tụng kinh và ngồi thiền.
Vào Chủ Nhật thì có lễ cho người Việt. Hàng tuần có khoảng 40-50 người đến nghe giảng pháp. Bác Huấn, 81 tuổi, dẫn cả con, cháu, dâu, rể đi chùa. Người lớn thì nghe giảng kinh bắt đầu lúc 10 giờ, hoặc tình nguyện giúp làm chuyện này chuyện kia trong chùa, hoặc dạy lớp tiếng Việt. 11 giờ giảng pháp xong thì đến tụng kinh, niệm Phật cho tới 12 giờ. Trong lúc đó, lớp tiếng Việt học từ 10-12 giờ trưa.

Ban ẩm thực bán hàng gây quỹ cho chùa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Vườn rau của chùa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

11 giờ trưa đến chùa là đã gặp rất nhiều đồng hương Việt Nam nghe giảng pháp ra. Trong khi con nít, thiếu niên học tiếng Việt, một số người đi niệm Phật, một số còn lại đứng ngồi tán chuyện cho đã trong khuôn viên chùa. Xong rồi đến 12 giờ trưa khi lớp tiếng Việt tan và số tụng kinh xong thì mọi người rủ nhau qua ăn cơm trưa ở gian nhà ăn. Lại tán chuyện cà kê thêm mấy tiếng đồng hồ nữa.
Cơm chùa do các phật tử phụ trách, chia phiên nhau mỗi người nấu một tuần, một năm 52 người nấu. Ai ăn cơm thì tự ý cúng dường thôi. Chủ Nhật, ở nhà ăn cũng có bán thức ăn chay và rau cải thu hoạch từ vườn rau phía bên hông và phía sau chùa. Đây là vườn rau trái để các sư cô trong chùa tự túc. Vườn rau rất rộng, trồng đủ các loại rau thơm, bầu, bí, rau xanh, ớt ngọt. Phần dùng không hết sẽ được bán để kiếm thêm thu nhập cho chùa.

Giàn bầu ở chùa - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Tổ chức sinh nhật sau giờ học tiếng Việt cho bạn - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* * *
Tính về diện tích, Indianapolis đứng thứ 16 trong các thành phố lớn nhất nước Mỹ. Có thể nói, đất rất rộng và người rất thưa. Người Việt Nam ở rải rác khắp Đông, Tây, Nam, Bắc chứ không tập trung ở khu vực nào nhất định. Lập được một ngôi chùa để mọi người tụ họp quả là công trình tâm huyết của cả cộng đồng.
Không bàn đến một số chuyện “lạ” tôi quan sát thấy ở chùa - mà ở đâu chả có chuyện “lạ” - không khí thân tình ở chùa An Lạc thật dễ chịu. Mọi người gặp gỡ nhau, ai cũng nói chuyện vui vẻ, thoải mái - như là người trong nhà. Họp mặt tán gẫu từ sáng tới 2-3 giờ chiều mới tan. Gặp đồng hương là vui rồi, gặp đồng hương từ thành phố khác tới lại vui hơn. Được vây quanh bởi người Việt, ai cũng nói tiếng Việt, ai cũng hiểu mình mà không cần cố gắng đặc biệt gì cả, thật là sung sướng. Đối với Người Việt ở Indy và các vùng lân cận, đến chùa là để gặp đồng hương, để giữ gìn truyền thống gia đinh với con cháu, và tìm lại gốc rễ của mình. Hạnh phúc thay!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT