Bình Luận

Hồi giáo hóa chiến tranh

Wednesday, 19/10/2016 - 11:56:24

Những trillions chiến phí này đưa Hoa Kỳ vào tình trạng khánh tận. Từ 2009 đến 2011, ngân khố rỗng tuếch, kỹ nghệ xe hơi phá sản, hệ thống ngân hàng chao đảo, thị trường địa ốc bị bọn gian thương lũng đoạn tạo khủng hoảng khiến hàng trăm ngàn người Mỹ mất nhà ở.

Nguyễn đạt Thịnh

Trong những tháng cuối cùng còn cầm quyền tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, tổng thống Barack Obama đang thử nghiệm lý thuyết quân sự hệ trọng nhất trong 8 năm ông bị trói vào chiến tranh Trung Đông: ông tìm kiếm chiến thuyết giúp Hoa Kỳ tham chiến lâu dài -mà không đuối sức, không đứt hơi- vào cuộc chiến tranh Hồi Giáo mà giờ này, ông ý thức được là không có cách nào chấm dứt.

Ông tìm cách Hồi Giáo Hóa Chiến Tranh -trả lại vai trò tác chiến cho người lính Iraq, Hoa Kỳ chỉ còn giữ vai trò tài trợ một phần chi phí quân sự, và yểm trợ chiến trường bằng cách cố vấn, chỉ đạo, cung cấp hỏa lực không quân, pháo binh, tình báo, thiết kế, và bằng biệt kích chiến.

Nói cách khác, Obama tìm cách tiêu ít mỹ kim hơn, giết ít lính Mỹ hơn, để không tạo ảnh hưởng quá nặng nề trên tài nguyên nhân vật lực Hoa Kỳ; nói cách khác, ông muốn tìm ra cách đầu tư dè sẻn, nhưng hữu hiệu vào chiến tranh Hồi Giáo, để có khả năng tham chiến lâu dài trong cuộc chiến Trung Đông cuộc chiến có triển vọng không bao giờ chấm dứt.

                                                   Trung tướng Stephen Townsend

Trong những năm đầu chiến tranh, tác chiến là gánh nặng người lính Mỹ phải đích thân đảm nhận, chiến phí lên đến vài ngàn tỉ mỹ kim do nền kinh tế Hoa Kỳ gánh vác. Số tiền chính thức do Ngân Khố Hoa Kỳ xuất ra trang trải chiến phí là $1.7 trillion ($1,700 tỉ), nhưng con số thực chi còn phải ghi nhận thêm $490 tỉ -tổng số tiền Hoa Kỳ phải trả hàng tháng cho thương phế binh, cựu chiến binh tham chiến Iraq; và nếu cộng thêm cả tiền lời trong 4 thập niên nữa, thì chiến phí lên đến trên $6,000 tỉ.

Những trillions chiến phí này đưa Hoa Kỳ vào tình trạng khánh tận. Từ 2009 đến 2011, ngân khố rỗng tuếch, kỹ nghệ xe hơi phá sản, hệ thống ngân hàng chao đảo, thị trường địa ốc bị bọn gian thương lũng đoạn tạo khủng hoảng khiến hàng trăm ngàn người Mỹ mất nhà ở.

Bên cạnh những tốn kém khiếp đảm của chiến dịch Iraqi Freedom (Tự Do Iraq) là tổn thất nhân mạng: 4,491 quân nhân Hoa Kỳ tử trận. Tự Do Iraq khởi diễn ngày 20 tháng Ba 2003, và kéo dài cho đến ngày hôm nay mà cả 2 vị tổng thống, sau suốt 4 nhiệm kỳ, vẫn chưa tìm ra cách chấm dứt cuộc hành quân tưởng chỉ kéo dài vài tháng.

Hoa Kỳ có thể sẽ phải chịu đựng rất lâu dài cuộc chiến tranh chống quân khủng bố Hồi Giáo, do đó ông Obama tìm kiếm chiến thuyết giúp Hoa Kỳ động viên tài nguyên nhân, vật lực Hồi Giáo để thay thế và giảm bớt tổn thất tài nguyên Hoa Kỳ.

Thử nghiệm sẽ được thực hiện trong trận đánh tái chiếm Mosul; qua trận tấn công này, ông đòi quân đội Iraq tự chứng minh giá trị chiến đấu của họ. Đích thân Obama ấn định quân Iraq đóng vai chính trong mọi giai đoạn giao tranh, từ tấn công, truy kích, tái chiếm cho đến tổ chức phòng thủ Mosul, sau đó.
Ông nhấn mạnh thủ tướng Haider al-Abadi nắm mọi quyền hạn, chịu mọi trách nhiệm thắng, bại; trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông chỉ đóng vai trò cố vấn.
Đó chỉ là những ràng buộc trên danh nghĩa để chuyển trọng trách tác chiến qua vai Iraq; trên thật tế một nửa lực lượng 5,000 quân Mỹ hiện có mặt trên chiến trường Iraq đang tham dự cuộc hành quân Mosul, yểm trợ 30,000 quân Iraq và Kurd.

Trên 200 lính biệt kích Mỹ cố vấn cho nhiều đơn vị biệt kích Iraq và Kurd cũng sẽ không cùng với đơn vị nhẩy vào chiến trường như họ thường làm; tại Mosul họ cũng đứng ngoài, liên lạc với đơn vị họ phụ trách bằng máy truyền tin.

Tổng tư lệnh Obama muốn quân Iraq tự lực (với sự yểm trợ của Hoa Kỳ) tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq.

Thành phần quân nhân Mỹ tham dự trận đánh Mosul còn phải kể những phi công lái trực thăng chiến đấu Apache, và các chuyên viên quân báo; họ làm việc tại bộ tư lệnh hành quân, đặt sau những đơn vị tác chiến.

Hồi Giáo Hóa Chiến Tranh Hồi Giáo giúp giảm thiểu sự hiện diện và mức tổn thất của Hoa Kỳ, nhưng Obama vẫn quan tâm đến lời phê phán của công luận mệnh danh những thay đổi chiến lược này là 'cấp chỉ huy đứng sau lưng người lính tác chiến'.

Tùy viên báo chí Bạch Cung Josh Earnest nói với phóng viên, “Nam nữ quân nhân Hoa Kỳ phục vụ trên chiến trường Iraq lúc nào cũng phải đối phó với mọi nguy hiểm chiến tranh; mọi người Mỹ, kể cả vị tổng tư lệnh, không ai đặt nhẹ tinh thần hy sinh đó.

Nếu thành công, cuộc thử nghiệm chiến lược cuối cùng của ông Obama sẽ giúp người kế vị ông có thể tiếp tục tham dự 'cuộc chiến tranh không có cách nào chấm dứt' với những phí tổn tương đối nhẹ hơn, và nằm trong khả năng gánh vác của Hoa Kỳ.

Nhưng, điều đáng lo là cuộc thử nghiệm đó không những không thể thành công, mà lại tạo ra ảo giác thành công cho cả người Mỹ lẫn người Iraq.

Lý do là ông Obama học lầm quyển sách kinh nghiệm chiến tranh; ông không biết cái chân lý 'tướng giỏi, học kinh nghiệm bản thân; tướng tuyệt luân, học binh sử'. Ông học kinh nghiệm bản thân, học cảm giác khắc phục giận dữ của chính ông để bình tĩnh giải quyết việc 30,000 quân Iraq bỏ Mosul, bỏ toàn bộ vũ khí nặng lại cho quân Hồi Giáo Sunni chiếm đoạt hôm 15 tháng Sáu 2014.

Không chỉ riêng Mosul, mà quân đội Iraq còn có nhiều thành tích 'bất chiến, tự nhiên chạy' như trong trận Ramadi hôm 17 tháng 5/2015, và nhiều trận khác nữa.

Lần này, có thể tiên đoán mà không sợ sai lầm là quân chính phủ Iraq sẽ đại thắng trong cuộc hành quân tái chiếm Mosul, với 30,000 quân võ trang hùng mạnh, và được yểm trợ đầy đủ.

Một loạt thất thủ và tái chiếm này xẩy ra trong vòng 3 năm nay đã tạo kinh nghiệm bản thân cho vị 'tướng giỏi' Obama; ông không thể nào không đi đến kết luận là 'quân Iraq thiếu tinh thần chiến đấu'; do đó ông để tướng Iraq tự chỉ huy cuộc hành quân tái chiếm Mosul, để người Iraq tự nhận ra và khắc phục nhược điểm của họ.

Việc ông học kinh nghiệm bản thân, và dùng kinh nghiệm này giúp người Iraq quả là đáng ca ngợi, nhưng nếu ông học thêm kinh nghiệm của tướng Westmoreland trong cuộc chiến tranh Việt Nam -cuộc chiến người Mỹ can dự vào từ 7 năm trước ngày ông chào đời- ông sẽ thấy việc 'Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam' chỉ là hậu quả đương nhiên của việc Mỹ 'Mỹ Hóa' cuộc chiến đó.

Ông có thể biện luận là lỗi 'Mỹ hóa chiến tranh Hồi Giáo' không phải là lỗi của ông; nhưng ông không thể nói là ông không cần biết những gì người Mỹ làm sai trong tiến trình Mỹ hóa chiến tranh. Ông cần nhận ra một lỗi lầm chiến thuật vô cùng tai hại của Hoa Kỳ tại Việt Nam và tại Iraq: lỗi lầm đó là quan niệm phòng thủ.

Tại Mosul, tại Ramadi, tiền viện trợ của Mỹ được đổ ra để xây những căn cứ phòng thủ bảo vệ 2 thành phố đó, bên trong căn cứ là đại bác, chiến xa để giữ đồn, và ngăn cấm hoạt động của địch quanh đồn.
Nhưng đại bác trong đồn chỉ có khả năng bắn hú họa, bắn không tiền sát điều chỉnh, và chiến xa trong đồn cũng chỉ chạy trên những con đường nằm trong khả năng đặt mìn, gài bẫy của địch. Cố vấn Mỹ đặt người lính Việt Nam và Iraq vào thế tác chiến 'ta không thấy địch, trong lúc địch thấy ta rất rõ, và ta không bắn được địch, trong lúc ta nằm trong đường nhắm của súng địch.'

Tác chiến trong tương quan đó là tranh quyền thụ động, và là độc quyền nắm thế tất bại; tổng tư lệnh Obama không tạo ra cuộc chiến tranh Hồi Giáo, ông cũng không tháo chạy như những tổng tư lệnh Ford và Nixon đã tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, nhưng ông vẫn đáng trách, vì ông là vị tổng thống có kiến thức quân sự rộng hơn, sâu hơn ông Bush 43, và bà Clinton, hoặc ông Trump 45.
Vậy mà ông vẫn học lầm sách.

Nguyễn đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT