Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Hoài vọng về cố hương và tưởng vọng ân đức người xưa qua chiều nhạc Ngàn Khơi Hướng Về Đất Mẹ

Saturday, 27/09/2014 - 09:28:59

Và để khán giả có thể thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của phần nghe và cả phần nhìn của buổi diễn không thể không nhắc đến vai trò của kỹ sư âm thanh ánh sáng Việt Anh, kể cả đóng góp của những người thầm lặng sau hậu trường sân khấu để các tiết mục tiếp nối nhau thật nhịp nhàng.

Băng Huyền/ Viễn Đông

Khó có thể mô tả nào chính xác hơn hai chữ "tuyệt hảo" để đánh giá về chiều nhạc Ngàn Khơi “Hướng Về Đất Mẹ” diễn ra vào chiều Chủ Nhật, 21-9-2014 tuần qua tại Saigon Performing Arts Center (thành phố Fountain Valley). Bởi những xúc cảm dâng trào và lắng đọng sâu sắc nơi trái tim người nghe qua những bài hùng ca, sử ca, tình tự quê hương mà ban hợp xướng Ngàn Khơi, hợp ca nữ, hợp ca nam, ban thiếu nhi Ngàn Khơi dưới tài bắt nhịp của Trương Ngọc Lee Lee, Nguyễn Hoàng Hương, Trần Mộng Thủy; ban Sóng Xanh, ban Cát Trắng, tứ ca Ngàn Khơi và các ca sĩ đơn ca Tuấn Ngọc, Mộng Thủy, Bích Vân, Bích Liên, Lê Hồng Quang, Phạm Hà, Trần Đại Phước đã tạo nên. Tiếng đệm dương cầm tuyệt diệu của Nguyễn Hải Hoàng và phần hòa âm - phối khí của ban nhạc Hoàng Công Luận đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của các bài hát; bằng cách phối âm sáng tạo pha lẫn ngũ cung Việt, pop- ballad… họ đã mang đến cho khán giả những cảm xúc mới mẻ qua những ca khúc vốn rất đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe. Cách dẫn chương trình dí dỏm, sâu sắc của Nguyễn Hoàng Dũng, Lê Đình YSa, phần hình ảnh slide show minh họa được chọn lọc ăn khớp với ý nghĩa của từng ca khúc. Và để khán giả có thể thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của phần nghe và cả phần nhìn của buổi diễn không thể không nhắc đến vai trò của kỹ sư âm thanh ánh sáng Việt Anh, kể cả đóng góp của những người thầm lặng sau hậu trường sân khấu để các tiết mục tiếp nối nhau thật nhịp nhàng.

Ban thiếu nhi Ngàn Khơi dưới sự dìu dắt của nhạc trưởng Trương Ngọc Lee Lee đã đem lại thích thú cho khán giả qua hai ca khúc “Tuổi Hoa Niên” (Minh Kỳ) và “Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát” (Nguyễn Đức Quang). (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Nhưng vượt lên hết, tinh thần của đêm diễn, khí phách hào hùng một Việt Nam qua những giai đoạn dựng nước và giữ nước của ông cha thưở xưa, của những người con “ly hương” cùng nhau tìm về nguồn cội, để thấy mọi người trong mình và mình được bao bọc trong tình ruột thịt đồng bào - con cháu Lạc Hồng, đã đủ sức giữ khán giả ngồi kín rạp hát, ở lại đến tận phút cuối chương trình. Chính từng yếu tố ấy cộng hưởng với nhau đã tạo nên sự tuyệt hảo cho chiều nhạc “Hướng Về Đất Mẹ”.
Vẻ đẹp của hùng ca, sử ca và tình tự quê hương qua thể loại hợp xướng, hợp ca


         Ban hợp xướng Ngàn Khơi hát Hòn Vọng Phu 1, 2 dưới sự bắt nhịp của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các ca viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi đã không phụ lòng kỳ vọng của các nhạc trưởng và của chính họ suốt bao tháng trời luyện tập bên nhau, lần lượt “chiêu đãi” khán giả những cảm xúc qua những tác phẩm tuyệt đẹp của âm nhạc Việt Nam. Ngay từ bài hát mở đầu chương trình “Mẹ Trong Lòng Người Đi” (Phạm Duy) và “Mùa Lúa Thanh Bình” (Vũ Văn Tuynh), dưới sự bắt nhịp của nhạc trưởng Trương Ngọc Lee Lee, ban hợp xướng đã đưa người nghe vào một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc. Từng lời ca vang bay bổng khiến lòng người cuồn cuộn, dâng tràn một tình yêu với đất mẹ Việt Nam, một dân tộc đã trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm, bi tráng. Quê hương càng trở nên hiển hiện, gần gũi hơn biết bao với vẻ đẹp cảnh sắc tươi vui của làng lúa trong thanh bình, với những ngày mùa gặt hái những bông lúa vàng trĩu hạt, là nơi chốn cất giấu tuổi thơ êm đềm của biết bao tâm hồn Việt.


        Ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương và Trương Ngọc Lee Lee chào khán giả sau bản trường ca Hòn Vọng Phu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Hợp ca nữ dưới sự bắt nhịp của ca trưởng Trần Mộng Thủy đã làm cho người nghe càng thêm rộn rã, vẽ lên trong tâm trí người nghe bức tranh sử thi hùng tráng hình tượng hai nữ anh hùng dân tộc - Hai Bà Trưng - qua ca khúc “Trưng Nữ Vương” (Thẩm Oánh), hai người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến phương Bắc vào năm 40 sau công nguyên, viết nên trang sử vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Và mạch cảm xúc ấy càng đầy thêm khi bản hợp xướng “Ải Chi Lăng” (Lưu Hữu Phước) dưới sự điều khiển của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương được vang lên qua những tiếng hát của ban hợp xướng. Như vọng về tự ngàn xưa, như thúc giục mọi người về lại với hào khí của bản hùng ca vang dậy non sông, như hơi thở của hồn thiêng sông núi, chạm đến tận sâu trái tim người nghe, lâng lâng, lan tỏa. Khí thế năm xưa “Hồi nhớ tới vó câu tập tễnh lướt qua làn khói. Giáp chiến! Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí phất tung hùng vĩ. Cố tiến.! Vì nước tuốt gươm xông pha. Lòng trung, cứu dân lầm than. Đồng hát khúc anh hùng ca. Bền gan kết tâm cường tráng. Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến. Tiếng chiêng vang rền.” (Trích ca khúc Ải Chi Lăng) đã lan rộng đến bao trái tim Việt Nam ly hương, để thêm tự hào với hào khí của cha ông và càng nhức nhối với hiện thực ngày nay, trước họa xâm lăng của Trung Cộng, cùng sự bạc nhược của nhà cầm quyền Việt Nam.


      Ca sĩ Tuấn Ngọc thể hiện cảm xúc ca khúc “Tâm sự gửi về đâu” (Phạm Duy). (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Lấy cảm hứng từ một sự tích dân gian, một bi kịch đã được truyền tụng từ bao đời nay, cố nhạc sĩ tài hoa Lê Thương, tác giả của bộ ba ca khúc trường ca Hòn vọng phu bất hủ, đã kể câu chuyện bi thiết về người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến thủy chung ôm con chờ chồng hóa đá, bằng âm nhạc đặc sắc với ca từ bay bổng giàu tính tự sự. Dưới sự bắt nhịp của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương (Hòn Vọng Phu 1, 2) và ca trưởng Trương Ngọc Lee Lee (Hòn Vọng Phu 3), vẻ đẹp của những âm điệu khi trầm bổng, khi cao vút, lúc thì dồn dập, khi thì khoan thai, lúc thật êm dịu, bi thiết, não nùng, du dương tuyệt vời đã được ban hợp xướng Ngàn Khơi diễn tả thật đầy đặn xúc cảm.

          Ca sĩ Bích Vân hát “Xa quê hương” (Đan Thọ và Xuân Tiên). (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Những lời ca kiêu hùng đầy lôi cuốn mạnh mẽ, như “Liên Khúc 3 Bài Ca Tuổi Trẻ (Phan Văn Hưng- Phạm Đình Chương- Anh Bằng), “Đáp Lời Sông Núi” (Trúc Hồ- do hợp ca nam Ngàn Khơi biểu diễn) “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” (Hùng Lân) và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) được tiếp nối qua hình thức hợp xướng, một thế mạnh nổi trội trong việc biểu hiện mạnh mẽ sức mạnh cộng đồng, khơi gợi khí phách Việt, đem lại nhiều hân hoan cho người nghe.
Những tiếng hát trong trẻo, những gương mặt ngời sáng của các em nhỏ ban hợp ca thiếu nhi dưới sự dìu dắt của ca trưởng Trương Ngọc Lee Lee đã đem lại thích thú cho khán giả qua hai ca khúc “Tuổi Hoa Niên” (Minh Kỳ) và “Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát” (Nguyễn Đức Quang). Dẫu tiết mục này chưa thật thành công, vì có vài em có lẽ do “run” quá, quên lời nên quên hát, nhưng sự cố gắng của các em vẫn nhận được những trào pháo tay khích lệ đầy yêu thương từ các khán giả.


     Hai MC xuất sắc của chương trình Nguyễn Hoàng Dũng và Lê Đình YSa. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Vẻ đẹp tuyệt mỹ của cảnh sắc quê hương yên ả, thanh bình, sự trải nghiệm sâu lắng về tình yêu quê hương, tình dân tộc tha thiết qua các ca khúc trữ tình “Nương chiều” (Phạm Duy) do ban Cát Trắng hát; “Hà nội ngày tháng cũ” (Song Ngọc), “Sài Gòn đêm đô thị” (Y Vân) được những tiếng hát thanh tân của ban Sóng Xanh thể hiện, và vẻ đẹp của dân ca Việt Nam với những ca từ ý nhị qua “Lý áo vá quàng và se chỉ luồng kim” (Hòa âm cho tứ ca: Lê Văn Khoa) do Tứ ca Ngàn Khơi ca, đã để lại nhiều lắng đọng trong lòng người nghe. Điểm đặc biệt của các nhóm hát này chính là khả năng xử lý tinh tế phần phối bè, cùng với ưu điểm nổi bật của từng giọng hát trong nhóm hòa quyện với nhau, tạo nên một thể thống nhất đầy sắc màu.

                 Ban Cát Trắng hát ca khúc “Nương Chiều” (Phạm Duy). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

…Và những tiếng hát đơn ca giàu biểu cảm

Ca sĩ Tuấn Ngọc vốn sở hữu một giọng hát đẹp và đầy kỹ thuật, ông luôn mang đến cho người nghe cảm giác ca khúc đó dường như viết riêng cho ông. Trong chiều nhạc Ngàn Khơi “Hướng Về Đất Mẹ”, tiếng hát của ca sĩ Tuấn Ngọc vẫn đầy phong độ khi thể hiện “Tâm Sự Gửi Về Đâu” (Nhạc: Phạm Duy – Phổ thơ Lê Minh Ngọc) và “Mầu Kỷ Niệm” (Phạm Đình Chương).
Không chỉ đem lại nhiều cảm xúc cho người nghe bởi tài bắt nhịp khi điều khiển ban hợp xướng Ngàn Khơi, ca sĩ Mộng Thủy với tiếng hát nồng nàn đã thể hiện trọn vẹn nỗi niềm của tác giả với mảnh đất miền Trung qua ca khúc “Về miền Trung” (Phạm Duy).
Ca sĩ Bích Vân, một giọng hát trong vắt, mượt mà đã in sâu trong lòng khán giả với nhiều thể loại âm nhạc đã nắn nót từng câu, từng chữ, phần nào tô đậm thêm màu kỷ niệm trong từng ca khúc, như thể trút những tình cảm sâu sắc nhất của mình vào từng lời ca khi cô hát “Hướng Về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Xa Quê Hương” (Đan Thọ và Xuân Tiên) và “Mời Em Về” (Việt Dzũng).
Những ca từ nhẹ nhàng, êm ái như xuyên thấu vào chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi con tim người Việt, khơi dậy tình cảm thiêng liêng cao vời vợi dành cho quê hương xứ sở đã được tiếng hát thanh thoát của Bích Liên thể hiện thật thiết tha qua ca khúc “Tình Ca” của Phạm Duy, khiến từng câu chữ bay lên, giúp người nghe kéo dài cảm xúc phơi phới tuyệt vời.

Ban hợp xướng Ngàn Khơi với bài hát mở đầu chương trình “Mẹ trong lòng người đi” (Phạm Duy) và “Mùa lúa Thanh Bình” (Vũ Văn Tuynh) dưới sự bắt nhịp của nhạc trưởng Trương Ngọc Lee Lee. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phạm Hà đầy say đắm khi thể hiện “Tình Hòai Hương” (Phạm Duy), Trần Đại Phước đem đến cảm xúc thật đầy đặn cho người nghe khi thể hiện “Hương Xưa” (Cung Tiến), tiếng hát của Lê Hồng Quang đã thành công khi thể hiện “Giấc Mơ Hồi Hương” (Vũ Thành), “Bên Bờ Đại Dương” (Hoàng Trọng).
Những người thực hiện chiều nhạc Ngàn Khơi “Hướng Về Đất Mẹ” và người thưởng thức, không chỉ trao gửi cho nhau một hành trình thương nhớ quê nhà và hào khí của cha ông, mà còn muốn góp tiếng nói chung với cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong thời gian dầu sôi lửa bỏng nơi đất mẹ Việt Nam, phản đối sự xâm lấn của Trung Cộng. Tâm tình ấy đã được thể hiện thật tuyệt vời qua bản hùng ca mang tên “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) được chọn để kết thúc buổi diễn. Khi còn tại thế, tác giả cũng đã từng tâm sự về ý nghĩa của ca khúc [ngay từ lúc mới ra đời năm 1967, ca khúc đã nhanh chóng trở thành một trong những bản nhạc rất quen thuộc với thanh niên, sinh viên học sinh miền Nam]: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ khó khăn hay bất kỳ nỗi thống khổ nào, người Việt Nam, cuối cùng cũng vượt qua, và thống nhất trong một ý chí, ý chí làm vẻ vang dân tộc”.

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
….”

Ngay khi ca khúc được ban hợp xướng Ngàn Khơi hát vang đoạn nhạc đầu, lời ca đung đưa theo nhịp nhạc, những tiếng vỗ tay bắt nhịp của các khán giả trong khán phòng rạp hát đã cùng vang lên như một theo nhịp điệu của nhạc trưởng Trương Ngọc Lee Lee, dư âm ấy vang vọng mãi trong trái tim của những người có mặt trong chiều nhạc Ngàn Khơi “Hướng Về Đất Mẹ” và để mọi người nhận ra rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà chương trình lại mang một cái tên đầy thi vị và ý nghĩa như thế! (bh)



Ban Sóng Xanh hát Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT