Đời Sống Việt

Hát Hùng Ca và Quê Hương Ca

Wednesday, 14/10/2015 - 07:30:00

Thật lạ, một bài hát hay như vậy lại ít khi được trình diễn. Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, ban ngũ ca nam Ngàn Khơi đã hát bài này trong một buổi nhạc Đêm Ngàn Khơi. Bài hát được hòa âm bởi Viết Chung, quá hay và làm nổi bật được nét dung dị, vui tươi của nó.

Nguyễn Thị Nhuận

Vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 11, 2015 tới đây, chương trình nhạc Ngàn Khơi 2015 với chủ đề HÀNH TRÌNH QUÊ MẸ sẽ được tổ chức tại hí viện quen thuộc Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley, CA
Vé bán trước tại Tú Quỳnh (714) 531- 4284, Ngàn Khơi (714) 531- 2773, và báo Viễn Đông (714) 379-2851.

Một đoàn trai đi khi Xuân tới
Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi.
Non nước tuy xa vời. Ta đã yêu thương rồi, đừng e nắng gió sương bạn ơi.

Đây là những câu mở đầu của bài “Vó Câu Muôn Dặm”. Đã hơn 45 năm qua nhưng tôi vẫn còn thuộc lòng bài hát thường được hát trong những buổi họp mặt hướng đạo thuở xa xưa này. Điệu nhạc lôi cuốn, vui tươi, lời ca thì đầy tính nhân bản, nét “giang hồ”, nhất là đầy lý tưởng tuổi trẻ. Tôi chia sẻ lý tưởng đó. Còn gì đẹp hơn là lý tưởng “gieo tình thương khắp nơi.” Bài này do nhạc sĩ Văn Phụng viết. Ông là người đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài hát vui tươi, lành mạnh mà lại quá hay như vậy: Ô Mê Ly, Ta Vui Ca Vang, Ghé Bến Sài Gòn...

Thật lạ, một bài hát hay như vậy lại ít khi được trình diễn. Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, ban ngũ ca nam Ngàn Khơi đã hát bài này trong một buổi nhạc Đêm Ngàn Khơi. Bài hát được hòa âm bởi Viết Chung, quá hay và làm nổi bật được nét dung dị, vui tươi của nó.

Tôi thường được nghe câu “Nhạc Việt Nam quá buồn, quá chậm, quá chán” từ cửa miệng những người trẻ. Thuở xưa khi tôi còn trẻ, không hiểu sao tôi vẫn mê nhạc Việt dù những bài hát này quả có buồn thật. Nhưng giới trẻ bây giờ thì không. Đối với họ, nhạc phải đầy sức sống, dù lời ca có buồn đến mấy thì nét nhạc cũng phải rần rần đầy nhịp điệu lôi cuốn. Những bài ca Việt, đa số là nhạc tình, ít có được nét nhạc lôi cuốn ấy, nhất là khi được hòa âm rất sơ sài như trước năm 75. Chẳng trách chúng ta không thể mời mọc bọn trẻ nghe nhạc Việt được. Bây giờ, đã hơn 40 năm trên nước Mỹ, những bài ca Việt đã được hòa âm lại để lôi cuốn hơn. Một số còn được hòa âm theo lối nhạc jazz, nhạc rap (!) nhưng ngay cả những bài ca mới viết cũng đều mang một âm hưởng buồn lê thê, hợp cho những tâm hồn... “có tuổi” hơn. Một vài bài viết theo những thể điệu mới hơn thì được đón nhận nồng nhiệt, thí dụ như một số bài của nữ nhạc sĩ Diệu Hương.


Nguyễn Trãi bàn kế phục k1ich quân Tàu tại Ải Chi Lăng



Đó là nói về phần tiết điệu. Về phần lời nhạc tức những ý tưởng được chuyên chở trong ca khúc, thì chưa có gì mới lạ hơn. Tất cả đều là những câu than não nuột, than cho những mối tình đã hay đang mất. Nghe những ca khúc này mãi, coi chừng nó vận vào người, theo như ông bà mình nói. Gần đây, một loạt phim ảnh và sách nói, sách in mang tên The Secret ra đời, nhấn mạnh vào lối suy tưởng “positive”, tức chỉ chuyên tâm vào những ý tưởng vui tươi, tốt đẹp, nhấn mạnh vào khía cạnh tốt của mọi sự việc. Luật hấp dẫn của vũ trụ sẽ đem đến cho chúng ta những sự việc “positive” nếu chúng ta chỉ chuyên tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp. Còn nếu cứ nghĩ tới những điều xấu, tối ngày trách móc than vãn, luật hấp dẫn sẽ đem đến cho ta những chuyện “negative” mà ta đã nói đến mãi. Nguyên tắc này cũng gần giống như những gì ông bà mình nói: nói hoài chuyện xấu nó vận vào người. Nghĩ rộng hơn ra, ta có thể nói hát hoài những bài hát tan vỡ, đời ta sẽ có nhiều cơ hội bị “vỡ tan”.

Đã đến lúc những bài hát vui, hay, trẻ trung, lành mạnh, chứa nhiều lý tưởng tốt đẹp như bài “Vó Câu Muôn Dặm” được đem ra hát. Và chúng ta còn cần thêm nhiều bài hát khác trong ý tưởng trên được viết ra. Trong vài năm qua, phong trào viết và hát những bài hùng ca đã được tiếp nối bởi giới trẻ hải ngoại cũng như quốc nội. Với tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, những bài hát này đã được đón nhận nồng nhiệt khắp mọi nơi. Những “Đáp Lời Sông Núi”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Anh Là Ai”, ... được hát vang trong những buổi họp mặt. Ai nghe những bài hát này cũng phải thấy bầu nhiệt huyết được khơi dậy, muốn làm một chút gì cho quê hương. Và cách đây gần một thế kỷ, khi quê hương Việt Nam vẫn còn lệ thuộc Pháp, những bài hùng sử ca cũng đã được viết bởi những người trẻ tuổi: Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang...

Nhiều người đã được nghe ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát trong DVD Hùng Ca Sử Việt của trung tâm Asia. Hùng Ca cần nhiều giọng hòa nhau để diễn tả những đoạn oai hùng của bài hát như “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang...” trong Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Mà ngay cả những chỗ âm u, dìu dặt nhất cũng sẽ rất cần nhiều giọng cùng hát một cách êm dịu để diễn tả. Thí dụ đoạn “Hồn ai phải thần thánh, lời ai phải chăng hùng anh...” của Ải Chi Lăng hoặc “Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành, thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh, vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân, liều mình ra tay tuốt gươm bao lần...” của Bạch Đằng Giang. Mời quý vị đọc phần dưới đây về tâm tư của một ca viên khi tập hát bài Ải Chi Lăng:

Liễu Thăng và quân lính tại Ải Chi Lăng




Tập hát bài Ải Chi Lăng
Có những bài hát không thể nào trình diễn đơn ca được. Và Ải Chi Lăng là một trong những bài ấy.
Ải Chi Lăng được viết ra khi tác giả Lưu Hữu Phước sinh hoạt trong những phong trào tranh đấu của sinh viên ở Hà Nội vào những năm 1940-1944. Trong những đợt tổ chức các hoạt động về nguồn của sinh viên, Lưu Hữu Phước đã sáng tác nhiều nhạc phẩm như Bạch Đằng Giang,Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng... Những ca khúc này cho đến nay còn được hát vì chúng đã vẽ lên được những trang sử hào hùng bất biến của dân tộc.

Và Ải Chi Lăng sẽ được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi một lần nữa hát lên trong chương trình nhạc Hành Trình Quê Mẹ vào chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 11, 2015. Hãy đến thăm một trong những buổi tập hát hàng tuần của Ngàn Khơi từ 6 tháng nay để chuẩn bị cho chương trình này. Vâng, những bài hợp xướng “live” cần phải được tập ròng rã 6 tháng trời mới được ngấm, mới diễn tả được cái hồn của bài hát.

Chi Lăng! Chi Lăng!
Tiếng ai hò reo vang trời
Chi Lăng! Chi Lăng!
Bóng ai tranh hùng muôn đời.

4 câu đầu đặt nên cảnh trí của bài hát. Không thể hào hùng hơn. Hai câu “Chi Lăng! Chi Lăng!” là tiếng thét gọi hồn trận chiến. Cả ca đoàn phải vận dụng hết âm vực của giọng hát mỗi người để hát hai chữ rất “đơn giản” này, sao để ra được tiếng gọi hồn thật hùng mạnh, rền vang, đừng nghe thành “Chi Lan, Chi Lan”, êm như tên một cô nàng nào đó. Sau lời kêu gọi “hùng hồn, tha thiết” của anh ca trưởng, ca đoàn như có thêm sức mạnh, thét lên câu “Chi Lăng! Chi Lăng!” nghe thật sướng tai.

Trời âm u, gió tung, rú lên, rít lên ào ào.
Rừng thông rên siết dường như khóc dưới luồng bão.
Lời ai nỉ non trong mây! Hồn ai thở than nơi này!
Lời gió hay lời reo ngàn quân sĩ đã chết?
Hồn gió hay hồn ai còn thương tiếc?

Làm sao để hát lên được cái không khí bão tố tả trong hai câu đầu của đoạn này? Mỗi chữ phát ra phải chắc nịch, mạnh, nhẩy nhót, quét nhanh như luồng bão. Tưởng tượng mình đang đứng ngay tại ải Chi Lăng, đang run lên dưới bão, để hình dung lại trận chiến khốc liệt tại đây, nơi bao nhiêu quân Tàu đã bỏ mạng vì xâm lấn Việt Nam, mà cũng là nơi nhiều anh hùng đã chết để giành lại đất nước.
Và trong tiếng gió bão là tiếng những oan hồn than thở, thương tiếc, là tiếng reo của ngàn quân sĩ đã chết. Người đứng nơi ải thấy lạnh trong lòng, cảm thấu nỗi niềm của người dân nước Việt phải chống lại kẻ thù phương Bắc lớn hơn mình cả trăm lần. Giọng hát trở nên âm thầm, xa vắng, êm ái như tiếc thương.

Trời lung lay, sấm vang, sét vang nổi lên ầm ầm.
Đồi non, thung lũng đều long lở dưới hồi sấm.
Lời ai! Phải chăng thần thánh ?
Hồn ai! Phải chăng hùng anh?
Vì nước tuốt gươm đột xông
Làm cho rỡ giống Tiên Rồng

Trời tiếp tục cơn bão giông sấm sét. Cảnh quân sĩ tuốt gươm xông vào trận chiến như hiển hiện trước mắt. Giọng hát trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết, như tiếng thét xung phong.

Hồi nhớ tới vó câu tập tễnh lướt qua làn khói, giáp chiến!

Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí phất tung hùng vĩ, cố tiến!
Vì nước, tuốt gươm xông pha.
Lòng trung, cứu dân lầm than
Đồng hát khúc anh hùng ca
Bền gan kết tâm cường tráng
Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến
Trống chiêng vang rền!
Trận chiến vẫn đang tiếp diễn. Lời ca vẫn hào hùng. Giọng hát càng phải hùng mạnh hơn. Các chữ Giáp Chiến!”, “Cố Tiến!” được nhấn mạnh như tiếng thúc quân oai hùng. Lời tuyên ngôn của dân tộc Việt cất lên: “Khuất Nam, Bình Bắc, oai hùng luôn tiến.”

Lòng tự hào dân tộc, ý chí kiêu hùng lưu truyền từ tiền nhân sẽ được khơi dậy mãnh liệt khi bạn nghe Ngàn Khơi trình diễn Ải Chi Lăng trong buổi nhạc Hành Trình Quê Mẹ vào chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 11, 2015 tại rạp Saigon Performing Arts Center.
Bạn nên có mặt để nghe. Nhé bạn!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT