Người Việt Khắp Nơi

Hàng ngàn giáo dân tham dự Thánh Lễ Cầu Hồn tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành

Thursday, 02/11/2017 - 08:52:24

Mục đích của vị Tu Viện Trưởng khi liên kết hai ngày lễ này lại với nhau là để nhấn mạnh niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm "Các Thánh Thông Công," có nghĩa là giữa những tín hữu còn sống, các linh hồn nơi luyện ngục và các thánh trên trời cùng thông công.

Một linh hồn hiện về với cha Hoàng Xuân Nghiêm

Bài THANH PHONG

HUNTINGTON BEACH - Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng 11 hàng năm là tháng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, và ngày mùng 2 tháng 11, liền sau Lễ Các Thánh là lễ cầu cho linh hồn tổ tiên ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thuộc đã qua đời (gọi tắt là Lễ Cầu Hồn), được coi như ngày "báo hiếu" của người Công Giáo.


Năm linh mục đến rất sớm. Từ trái, các cha Chu Vinh Quang, Nguyễn Văn Luân, Trần Văn Kiểm, Mai Khải Hoàn, một linh mục từ Việt Nam sang. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Do đó, hàng năm Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange đều tổ chức Thánh Lễ Cầu Hồn tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (The Good Sheperd), góc Beach và Talbert, Huntington Beach.
Năm 2017, Thánh lễ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa thứ Năm, ngày 2 tháng 11, với hàng ngàn giáo dân tham dự mặc dù trời chuyển mưa.


Dù biết có thể mưa, hàng ngàn giáo dân vẫn đến tham dự thánh lễ tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành sáng 2 tháng 11, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Vị chủ tế thánh lễ là linh mục Trần Văn Kiểm, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo và có linh mục niên trưởng Mai Khải Hoàn, cha xứ Nguyễn Văn Luân, cha Chu Vinh Quang (St. Mary's By The Sea, Huntington Beach) cùng một số linh mục trong giáo phận Orange và từ VN đồng tế cùng thầy Phó Tế Chu Bình phụ tế. Sau khi công bố Tin Mừng, cha Michael Mai Khải Hoàn thuyết giảng.

Trước khi nói về Lễ Cầu Hồn, cha Mai Khải Hoàn kể câu chuyện có thật để chứng minh có linh hồn. Cha nói, câu chuyện thật là có một linh hồn hiện về với cha Hoàng Xuân Nghiêm mà ở đây nhiều người biết ngài.
Câu chuyện như sau: "Vào năm 1985 khi cha Nghiêm đang lái xe từ tiểu bang Michigan đi St. Louis (tiểu bang Missouri). Bên kia đường có một tai nạn xe hơi, cha Nghiêm liền giơ tay cầu nguyện và ban phép giải tội thiêng liêng nếu trường hợp có ai bị chết vì tai nạn này.

"Hai năm sau đó, tức năm 1987, khi cha Nghiêm đang lái xe đi lại trên con đường đó thì có một hiện tượng lạ là khi cha lái xe đến gần chỗ xảy ra tai nạn hai năm trước thì tự dưng chiếc xe nổi đèn báo động 'check engine' và chớp liên tục nên cha phải dừng xe lại bên lề đường để check, chiếc xe nhưng không thấy bị hư hỏng gì hết, và trong khi cúi xuống chùi tay vào những ngọn cỏ bên đường, cha Nghiêm thấy có một cây viết và chiếc đồng hồ để trong một cái túi nhỏ.

"Cha Nghiêm lượm lên để trong xe và lái xe đi tiếp. Tối hôm đó ở Saint Louis, cha ngủ tại nhà một người quen VN. Khoảng nửa đêm có tiếng gõ cửa phòng, cha Nghiêm mở cửa và thấy một phụ nữ người Mỹ chào cha 'Hello, Father Peter,' cha ngạc nhiên, tại sao lại có người Mỹ ở trong nhà mà chủ nhà không cho cha biết. Ngay lúc đó người phụ nữ tự giới thiệu mình tên là Mary Hilber và nói cho cha Nghiêm biết rằng, cô chính là người đã chết trong tai nạn xe hơi hơn hai năm về trước!


LM niên trưởng Mai Khải Hoàn giảng trong thánh lễ Cầu Hồn tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành sáng mùng 2 tháng 11, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

"Hôm nay cô đến đây để cám ơn cha vì nhờ cha cầu nguyện giải tội cho cô lúc đó nên cô đã được tha thứ và được Chúa cho về gặp cha và thăm gia đình. Trong lúc nói chuyện, cô đã hỏi cha Nghiêm về cây bút và cái đồng hồ của cô. Cô nhờ cha sáng mai khi cha lái xe trở về thì nhờ cha đưa chiếc đồng hồ lại cho mẹ cô, và chỗ hẹn gặp mẹ cô chính là chỗ tai nạn khi xưa và mẹ cô sẽ gặp cha tại đó.

"Sáng hôm sau, cha Nghiêm lái xe đến điểm hẹn thì mẹ cô đã đứng chờ ở đó và chào cha Nghiêm bằng một tên quen thuộc 'Hello, Father Peter.' Bà kể rằng con gái bà đã hiện về nói cho bà biết mọi chuyện về cha và bảo bà ra đây để lấy lại chiếc đồng hồ. Bà cho biết rằng, chiếc đồng hồ là của ông ngoại cho bà và bà đã tặng cho con gái trong dịp đám cưới và nói rằng, 'Khi nào con không dùng nữa thì đưa lại cho mẹ.'
"Và cha Nghiêm đã trao lại chiếc đồng hồ đó cho bà, và từ đó trở đi, hàng tháng bà đều gửi tiền xin lễ cho cha Nghiêm cầu nguyện cho con gái bà, cho tới gần một năm thì không thấy bà gửi tiền về xin lễ cho con gái bà Mary Hilber nữa."

Qua câu chuyện thật vừa kể, cha Mai Khải Hoàn nhắc nhở các tín hữu, "Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể giáo hội và cộng đồng dân Chúa dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn vì như lời Chúa đã phán 'Ta là sự thật và là sự sống, Ai tin Ta sẽ được sống muôn đời.' Chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà , cha mẹ, thân bằng quyền thuộc và tất cả các linh hồn nơi luyện ngục, đặc biệt xin anh chị em cũng cầu nguyện cho các Đức Giám Mục, linh mục trong Giáo Phận và trong cộng đồng chúng ta đã qua đời. Xin Thiên Chúa tha thứ mọi lầm lỗi và đưa tất cả những linh hồn về hưởng hạnh phúc bất diệt trên quê Trời."
Sau đó, thánh lễ được tiếp tục cử hành. Mọi người sốt sắng tham dự, cùng hiệp dâng thánh lễ với các linh mục. Sau khi vị chủ tế ban phép lành của Chúa cho mọi người, thánh lễ kết thúc và các người có thân nhân an nghỉ tại nghĩa trang đã đi cắm hoa, đốt hương nơi phần mộ và thinh lặng cầu nguyện trước khi ra về.

Nguồn gốc Lễ Cầu Hồn

Từ khởi thủy, Giáo Hội Công Giáo luôn nhìn nhận nhu cầu cũng như bổn phận của người Kitô hữu là phải cầu nguyện cho những ai đã qua đời. Trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước, Thiên Chúa đều đề cập đến việc phải cầu nguyện cho người qua đời. Vào thế kỷ thứ VII, các tu viện Công Giáo ở Âu Châu có thói quen dành riêng một ngày để cầu nguyện cho các ân nhân và tu sĩ đã qua đời.

Năm 998, vị Tu Viện Trưởng của Tu Viện Cluny bên Pháp sau là Thánh Odilo đã chỉ thị cho 66 tu viện dưới quyền ngài coi sóc phải dùng ngày 2 tháng 11 tức là ngay sau ngày Lễ Các Thánh hàng năm làm ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong ngày đó, tất cả các linh mục phải dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn còn nơi luyện ngục.

Mục đích của vị Tu Viện Trưởng khi liên kết hai ngày lễ này lại với nhau là để nhấn mạnh niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm "Các Thánh Thông Công," có nghĩa là giữa những tín hữu còn sống, các linh hồn nơi luyện ngục và các thánh trên trời cùng thông công.

Sau đó, Dòng Biển Đức và Dòng Thánh Bruno chấp nhận ngày 2 tháng 11 là ngày lễ cầu cho các linh hồn. Năm 1003 Đức Giáo Hoàng Sylvester II chấp thuận và ngài khuyến khích việc tốt lành này, và đến thế kỷ XIV, Tòa Thánh chính thức đưa lễ này vào trong lịch phụng vụ của Giáo Hội.

Trong một bài nói về "Đạo Hiếu của người Việt Nam," ông Bùi Văn Giải viết: "Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa dạy 'Ngươi hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì đáng tội chết.' Điều răn thứ bốn trong 10 giới răn của Chúa cũng dạy, 'Con cái phải thảo kính cha mẹ,' và Giáo Hội dành nguyên tháng 11 để cầu cho ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, trong các thánh lễ linh mục dâng hàng ngày đều có phần cầu nguyện cho linh hồn Tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc đã ly trần; như thế không thể nói rằng người Công Giáo bỏ thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà ngược lại họ còn cầu nguyện, còn nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc hàng ngày trong kinh nguyện và trong các thánh lễ, nhất là trong tháng 11 và Lễ Cầu Hồn như hôm nay."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT