Thế Giới

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ rời biển Nhật

Tuesday, 06/06/2017 - 07:50:37

Tàu Nimitz sẽ đi cùng với một số khu trục hạm mang theo hỏa tiễn dẫn đường. Hiện chưa rõ nhiệm vụ của hạm đội này.



TOKYO - Hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đã rời vùng biển Nhật Bản, sau cuộc tập trận với các chiến hạm và chiến đấu cơ của Nhật, theo một viên chức Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba. Trước đó, hai hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ, tàu Carl Vinson và tàu Ronald Reagan, đã được điều đến vùng biển châu Á, giữa lúc căng thẳng trong khu vực tăng cao vì các cuộc thử hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Hai chiến hạm hạt nhân Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc tập trận lớn với chiến hạm chở trực thăng Hyuga và khu trục hạm Ashigara của Nhật, trong 3 ngày vào cuối tuần trước. Lực lượng phòng không ASDF của Nhật cũng tham gia tập trận trong 2 ngày, với nhiều chiến đấu cơ F-15. Dù 2 chiến hạm đã rời đi, nhưng các nước Hoa Kỳ, Nhật, và Nam Hàn, vẫn tiếp tục duy trì trạng thái đề phòng trước Bắc Hàn. Hai hàng không mẫu hạm rời vùng biển Nhật Bản để tái bổ sung các nhu cầu hậu cần, và để thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tàu Carl Vinson hiện đang trên đường quay về Hoa Kỳ, trong khi tàu Ronald Reagan sẽ tiếp tục tập luyện với Lực lượng phòng vệ trên biển MSDF của Nhật, tại vùng biển phía đông nước này, gần đảo Okinawa. Trong khi đó, tàu Nimitz, hàng không mẫu hạm lâu đời nhất của Hải quân Hoa Kỳ, đã vừa khởi hành từ San Diego tới Thái Bình Dương. Tàu Nimitz sẽ đi cùng với một số khu trục hạm mang theo hỏa tiễn dẫn đường. Hiện chưa rõ nhiệm vụ của hạm đội này.

Thị trưởng kêu gọi hủy chuyến thăm Anh của Trump
LONDON – Thị trưởng London Sadiq Khan đã kêu gọi chính phủ Anh hủy chuyến thăm cấp chính phủ của Tổng Thống Donald Trump tới Anh, sau khi ông chủ Tòa Bạch Ốc chỉ trích cách ông Khan phản ứng với vụ tấn công khủng bố vào cuối tuần trước. “Tôi không cho rằng chúng tôi nên trải thảm đỏ để đón tổng thống Hoa Kỳ, trong bối cảnh các chính sách của ông ấy đi ngược lại hoàn toàn với tất cả những gì mà chúng tôi đang theo đuổi,” Thị trưởng Sadiq Khan nói trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba.
Tổng Thống Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức tới Anh vào tháng 10 tới, sau lời mời của Thủ Tướng Anh Theresa May. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông Trump gặp phải sự phản đối từ ông Sadiq Khan - Thị trưởng Hồi giáo đầu tiên của thủ đô London. Trước đó, chính Thị Trưởng Khan từng kêu gọi “tẩy chay” ông Trump và không chào đón ông tới Anh, sau khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm nhập cư đối với người đến từ 7 quốc gia có đa số người dân theo Hồi giáo.

Anh công bố danh tính nghi can thứ ba vụ khủng bố London
LONDON – Nhà chức trách Anh cho biết, nghi can thứ ba trong vụ tấn công London tối ngày 3 tháng 6 là Youssef Zaghba. Zaghba, 22 tuổi, là người Ý gốc Morocco. Kẻ này từng bị chặn lại tại sân bay Bologna, Ý, hồi năm ngoái khi đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ để sang Syria. Zaghba có thể từng sống ở đông London. Theo thông tin từ giới truyền thông Ý, Zaghba gần đây làm việc cho một nhà hàng Pakistan tại London. Hắn có tên trong danh sách các đối tượng nguy hiểm ở Ý. Tuy nhiên, các nguồn tin an ninh Anh cho hay, Zaghba không nằm trong danh sách cần theo dõi của những cơ quan chống khủng bố nước này.
Ngày 15 tháng 3, 2016, Zaghba bị chặn lại tại sân bay Bologna. Khi đó, hắn chỉ mang theo vé máy bay một chiều tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo truyền thông Ý, khi bị tra hỏi, Zaghba nói hắn "sẽ trở thành một kẻ khủng bố.” Trong điện thoại của Zaghba chứa nhiều video tuyên truyền về chủ nghĩa cực đoan, cho thấy hắn “muốn gia nhập Nhà nước Hồi giáo ISIS.” Hai kẻ tấn công còn lại là Khuram Shazad Butt, 27 tuổi, công dân Anh sinh ra ở Pakistan, và Rachid Redouane, 30 tuổi, người Libya gốc Morocco.

Phi Luật Tân tạm cấm công dân sang Qatar
MANILA – Chính phủ vừa ra lệnh tạm thời cấm công dân đi sang Qatar làm việc, vì e ngại nguy cơ khủng hoảng, sau khi một số quốc gia Ả Rập cắt quan hệ ngoại giao với Doha. Bộ Trưởng Lao Động Silvestre Bello nói, lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho tới khi chính phủ hoàn thành việc đánh giá tình hình. Ông Bello nói, vì Qatar không tự sản xuất thực phẩm tiêu dùng trong nước, do đó, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, đất nước này sẽ dễ rơi vào nguy cơ khủng hoảng và bạo động vì thiếu lương thực.
Trong tình huống đó, những người lao động Phi Luật Tân tại Qatar sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, chính phủ Manila cần phải có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ công dân. Các nước Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, và Bahrain, đã đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo và Iran. Hơn 2 triệu người Phi Luật Tân đang làm việc tại vùng Trung Đông, với khoảng 250,000 người tại Qatar và gần 1 triệu người ở Ả Rập Saudi. Người Phi Luật Tân tại Trung Đông chủ yếu làm các công việc như giúp việc nhà, công nhân xây dựng, kỹ sư, và y tá.
Vào năm 2016, người Phi Luật Tân tại các nước Ả Rập đã gởi về quê nhà khoảng $7.6 tỷ Mỹ kim, biến khu vực Trung Đông thành một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn cho Manila, giúp thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Philippines là một trong những nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Trong toàn năm 2017, ngân hàng trung ương nước này dự đoán lượng kiều hối sẽ tăng 4% so với năm ngoái, và tương đương với 10% tổng thu nhập quốc dân.

Dân Qatar bắt đầu tích trữ đồ ăn
DOHA – Người dân Qatar đã bắt đầu tích trữ lương thực từ hôm thứ Hai, sau khi lần lượt Ai Cập, Bahrain và Ả Rập Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này, vì cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố. Người dân lo ngại quan hệ bất ổn với các nước láng giềng có thể khiến Qatar bị phong tỏa kinh tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm. Qatar hiện là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng lại sống chủ yếu nhờ thực phẩm nhập cảng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đất nước có phần lớn diện tích là sa mạc này đã nhập cảng khoảng $1 tỷ Mỹ kim thực phẩm năm 2015. Một phần 3 số này đến từ Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả rập UAE.
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi đã cắt đứt toàn bộ giao thương đường bộ, biển và hàng không với Qatar. Trong khi đó, UAE cũng đóng cửa tất cả các sân bay, cảng biển đến Qatar. "An ninh lương thực là một vấn đề lớn với Qatar. Nên việc cắt đứt đường bộ và hàng không sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp thực phẩm tại đây,” anh Abdel Ghafar - một người khách vừa ghé qua trung tâm thương mại Brookings Doha Center cho biết. Anh cho biết các siêu thị ở đây đã đông hơn thường lệ.
Nếu hai nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất ngừng hợp tác, Qatar sẽ phải tìm những đối tác khác. Hiện tại, Iran đã chuẩn bị chuyển thực phẩm tới Qatar qua 3 cảng phía nam nước này. Tuy nhiên, thiện chí hợp tác cùng Iran của Qatar trước đó cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng căng thẳng với các quốc gia vùng Vịnh. Các nước Ả Rập cũng tuyên bố lệnh trừng phạt với Qatar. Theo đó, các nhà ngoại giao Qatar sẽ phải rời khỏi Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain trong 48 giờ, còn công dân Qatar là 14 ngày.

Cảnh sát Trung Quốc lần đầu tuần tra ở Ý
ROME - Cảnh sát đã Trung Quốc bắt đầu tuần tra tại Ý cùng lực lượng an ninh địa phương, theo một dự án chung giữa hai quốc gia. Một nhóm 10 nhân viên cảnh sát Trung Quốc, cả nam và nữ, mặc đồng phục, vào hôm thứ Hai đã tuần tra tại các khu vực đông du khách ở Rome, Florence, Naples và Milan cùng các đồng nghiệp Ý. Dự án tuần tra chung sẽ kết thúc vào ngày 25 tháng 6. Các cảnh sát Trung Quốc không mang vũ khí, chủ yếu đi bộ tuần tra và được học tiếng Ý từ trước.
"Ý và Trung Quốc tin rằng sáng kiến này sẽ rất hữu dụng. Đó là một trong những cách tốt để phát triển sự hợp tác quốc tế,” đại diện cảnh sát Ý cho biết. “Chúng tôi chắc chắn rằng với người Trung Quốc ở Ý và người Ý ở Trung Quốc, việc có thể nhìn thấy những bộ đồng phục thân quen là rất quan trọng.” Dự án này nhằm làm du khách Trung Quốc cảm thấy an toàn và dễ dàng hơn khi ở Ý.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT