Thế Giới

Hai binh sĩ liên quân thiệt mạng tại Syria vì bom

Friday, 30/03/2018 - 08:39:05

Vào ngày 1 tháng 1, Trung Sĩ Mihail Golin, 34 tuổi, cư dân New Jersey, bị bắn chết bởi một nhóm phiến quân, khi đang tuần tra ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan.

HOA THỊNH ĐỐN - Viên chức quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Sáu xác nhận, 2 binh sĩ liên quân đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương, vì một thiết bị nổ tự chế ở Syria. Một trong 2 người thiệt mạng là quân nhân Hoa Kỳ, người còn lại là binh sĩ Anh quốc. Những người bị thương đã được sơ cứu và được di tản để chữa trị thêm. Danh tính người chết chưa được công bố vì còn chờ thông báo cho thân nhân. Đây là binh sĩ Hoa Kỳ đầu tiên thiệt mạng tại Syria trong năm nay, và là cái chết thứ 2 trong năm nay liên quan đến chiến sự.
Sự việc xảy ra hôm thứ Năm ở gần Manbij, nơi Hoa Kỳ và liên minh có một lực lượng nhỏ, làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện, và hỗ trợ lực lượng Dân Chủ Syria SDF trong cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo. Tổng cộng, Hoa Kỳ có khoảng 2,000 quân tại Syria. Vào đầu tháng này, quân đội Hoa Kỳ cũng mất 7 binh sĩ Không quân, khi chiếc trực thăng chở họ vướng dây điện và rơi ở miền tây Iraq. Vào ngày 1 tháng 1, Trung Sĩ Mihail Golin, 34 tuổi, cư dân New Jersey, bị bắn chết bởi một nhóm phiến quân, khi đang tuần tra ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan.

Nga trục xuất thêm 23 nhân viên ngoại giao
MOSCOW - Bộ Ngoại Giao Nga hôm thứ Sáu đã triệu tập và thông báo cho đại sứ 23 quốc gia về việc các nhà ngoại giao của họ "không được chào đón" tại Nga, với số lượng tương đương số nhân viên ngoại giao của Moscow bị các nước này trục xuất. Theo đó, nhiều nhân viên ngoại giao của Úc và 22 nước châu Âu gồm Albania, Đức, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Ý, Canada, Latvia, Litva, Macedonia, Moldova, Hòa Lan, Na Uy, Ba Lan, Romania, Ukraine, Phần Lan, Pháp, Croatia, Cộng Hòa Czech, Thụy Điển và Estonia sẽ phải chuẩn bị rời khỏi Nga trong thời gian tới.
Đây là các nước đã tham gia "đòn trừng phạt chung” của phương Tây bằng cách trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. Tổng cộng 28 nước, trong đó phần lớn là ở châu Âu, đã ủng hộ lời kêu gọi trừng phạt ngoại giao của Thủ Tướng Anh, bằng cách trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga. Moscow hôm thứ Năm phản ứng bằng cách tuyên bố trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Washington, bằng đúng số lượng nhà ngoại giao Nga bị buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẽ "đáp trả tương xứng và hơn nữa" với phương Tây.
Bộ Ngoại Giao Nga cũng đang cân nhắc trục xuất các nhà ngoại giao của Bỉ, Hungary, Gruzia và Montenegro. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu vẫn từ chối tham gia nỗ lực trừng phạt Nga. Bulgaria, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Âu, tuyên bố sẽ không trục xuất nhà ngoại giao Nga, và muốn có thêm bằng chứng trong vụ điều tra Skripal bị đầu độc, trước khi có hành động tiếp theo.

Israel bắn chết 12 người biểu tình Palestine
GAZA – Ít nhất 12 người Palestin đã thiệt mạng vào hàng trăm người khác bị thương, sau khi lực lượng Israel nổ súng để ngăn chận cuộc biểu tình lớn của người Palestine dọc theo biên giới Israel-Gaza, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Sáu. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của người Palestine trong những năm gần đây. Hàng chục ngàn người Palestine, đòi quyền được trở về vùng đất nay đang thuộc về Israel, đã tập trung tại 5 địa điểm dọc theo hàng rào biên giới dài 40 dặm. Tại đây, nhiều lều trại đã được dựng lên để chuẩn bị cho cuộc biểu tình dự kiến kéo dài 6 tuần. Quân đội Israel ước tính khoảng 30,000 người đã tham gia biểu tình.
Nhiều gia đình đã đưa cả con của họ đến khu lều trại, vốn cách hàng rào biên giới khoảng vài trăm mét, và cuộc biểu tình ban đầu diễn ra khá ôn hòa. Tuy nhiên, khi sự kiện kéo dài, hàng trăm thanh niên Palestine trẻ tuổi đã phớt lờ lời kêu gọi của ban tổ chức cùng quân đội Israel, và bắt đầu tấn công hàng rào biên giới. Viên chức quân sự Israel cho biết, binh sĩ của họ đã sử dụng “các biện pháp giải tán bạo loạn, và nổ súng vào những kẻ kích động.” Một số người biểu tình đã “lăn các bánh xe bị đốt cháy và ném đá” vào hàng rào và vào các binh sĩ Israel. Ít nhất 2 trong số những người chết là người của phong trào Hamas.
Quân đội Israel vào thứ Năm đã điều hàng trăm binh sĩ, vũ khí hạng nặng, lính bắn tỉa, cảnh sát vũ trang chống bạo động tới Dải Gaza, nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình của người Palestine. Cuộc biểu tình là sự kiện khởi đầu cho phong trào "March of Return," đòi quyền trở về cho người Palestine, và phản đối việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Thái Lan hứa bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị
BANGKOK – Chính quyền quân sự Thái Lan sẽ dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị vào tháng 6 năm nay, theo một viên chức cho biết hôm thứ Sáu. Việc tụ tập chính trị từ 5 người trở lên bị coi là bất hợp pháp tại Thái Lan, kể từ sau khi quân đội nước này giành chính quyền trong cuộc đảo chính tháng 5, 2014, lật đổ chính phủ của Thủ Tướng dân cử Yingluck Shinawatra. Các tướng lãnh, những người liên tục trì hoãn lời hứa quay lại nền dân chủ, đã khẳng định một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trước tháng 2, 2019.
Tuy nhiều đảng chính trị đã được phép ghi danh tranh cử, nhưng họ vẫn chưa thể tổ chức các buổi họp hay thảo luận chính sách, nếu không có sự cho phép của chính quyền. Nhiều người đã yêu cầu chính phủ phải dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị, trong khi giới chỉ trích cáo buộc nhà cầm quyền đang cố tình kéo dài thời gian, để vận động thêm sự ủng hộ cho các đảng phái có liên hệ với quân đội. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Thái Lan cho biết, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ vào tháng 6 năm nay, và sự trì hoãn này là nhằm giúp các đảng nhỏ có thêm thời gian để chuẩn bị.
Đảng lớn nhất hiện nay tại Thái Lan là đảng Pheu Thai, cũng là đối thủ chính của chính quyền quân sự và giới thượng lưu ở Bangkok. Tuy nhiên, đảng này đang lâm vào tình trạng không có lãnh đạo, sau khi 2 nhân vật nổi trội của đảng là các cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra đều phải sống lưu vong. Nếu Thái Lan thật sự tổ chức bầu cử, chính quyền mới của nước này sẽ vẫn bị giới hạn quyền lực, bởi một quy định pháp lý có thời hạn 20 năm, do chính quyền quân sự ban hành.

Nhật không muốn đàm phán song phương với Hoa Kỳ
TOKYO - Bộ Trưởng Tài Chính Nhật Taro Aso hôm thứ Sáu cho biết, ông không muốn cuộc tranh luận về thuế kim loại nhập cảng giữa Hoa Kỳ và Nhật bị biến thành cuộc đàm phán thương mại song phương. Trong cuộc họp báo ở Tokyo, ông Aso nói: “Sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã lập ra một hệ thống thương mại đa phương, và toàn thế giới đều đi theo phương hướng này. Tuy nhiên, gần đây, do thâm hụt thương mại, Hoa Kỳ lại bắt đầu muốn tái lập các hiệp ước song phương.” Ông Aso khẳng định, Nhật “không muốn đàm phán vấn đề này.”
Thặng dư thương mại của Nhật đối với Hoa Kỳ là một trong các yếu tố gây bất hòa giữa 2 nước. Khi còn tranh cử, Tổng Thống Donald Trump đã liên tục chỉ trích chính sách thương mại và tiền tệ của Tokyo. Mới đây, ông Trump đã từ chối miễn trừ Nhật Bản khỏi lệnh đánh thuế thép nhập cảng, dù các đồng minh khác đều đã tránh được khoản thuế này. Giới chuyên gia Nhật Bản lo ngại rằng, sớm hay muộn, Tokyo sau cùng cũng sẽ buộc phải đàm phán thương mại song phương, và sẽ bị Washington gây áp lực để mở cửa thị trường xe hơi và nông nghiệp.
Mới đây, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Nam Hàn, cùng điều kiện đi kèm là Seoul phải ngăn chặn việc giảm giá tiền tệ. Giới học giả Nhật Bản tin rằng, Washington có thể sẽ đưa ra yêu cầu tương tự với Tokyo. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đến thăm ông Trump vào tháng tới tại Hoa Kỳ, và nội dung cuộc gặp chủ yếu sẽ xoay quanh vấn đề thương mại và Bắc Hàn.

Nga bắt chủ trung tâm bị cháy làm 64 người chết
KEMEROVO - Cảnh sát Nga hôm thứ Sáu đã bắt nữ giám đốc của công ty sở hữu trung tâm thương mại Winter Cherry, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn tuần trước. Ủy Ban Điều Tra Nga cho hay, người bị bắt là bà Yulia Bogdanova, tổng giám đốc hãng bánh kẹo Kemerovo, chủ sở hữu trung tâm thương mại Winter Cherry ở thành phố Kemerovo, Siberia. Các điều tra viên đã khám xét xong nhà của bà Bogdanova. Bà dự kiến bị buộc tội vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ và đối mặt với 7 năm tù.
Chiều 25 tháng 3, lửa bùng lên ở tầng 4 của Winter Cherry, nơi có rất đông người đang xem phim và vui chơi. Tuy nhiên, lối thoát hiểm bị khóa, hệ thống báo cháy không hoạt động, đã khiến 64 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. "Cuộc điều tra xác định, bà Bogdanova, người chịu trách nhiệm về an toàn cháy nổ, đã nhiều lần được nhân viên báo cáo về thiếu sót trong hệ thống phòng cháy của tòa nhà, nhưng không giải quyết,” Ủy Ban Điều Tra cho biết.
Một người khác cũng bị bắt giữ là bà Tanziliya Komkova, trưởng Ban Thanh Tra Xây Dựng địa phương. Bà Komkova bị buộc tội lạm dụng chức quyền, không chịu ngăn chặn trung tâm thương mại xây dựng trái phép. Trước đó, 5 người liên quan đến vụ cháy đã bị tạm giữ, bao gồm quản lý của khu thương mại, giám đốc hãng vận hành hệ thống báo cháy, nhân viên lắp đặt chuông báo cháy, và một bảo vệ đã tắt hệ thống báo động khẩn cấp khi nhận được tín hiệu báo cháy. Theo nhà chức trách, có 2 giả thuyết về nguyên nhân cháy là do chập điện hoặc có người châm lửa.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT