Người Việt Khắp Nơi

GS. Thái Cẩm Hưng với chuyện Tiền! Gởi Tiền! Xài Tiền!

Saturday, 08/10/2011 - 08:00:23

Là một trong 7 giáo sư xã hội học người Mỹ gốc Việt, Tiến Sĩ Thái Cẩm Hưng dạy ở Pomona College ở Claremont, California.

Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)


GS. TS. Thái Cẩm Hưng - ảnh tài liệu.


CLAREMONT - Là một trong 7 giáo sư xã hội học người Mỹ gốc Việt, Tiến Sĩ Thái Cẩm Hưng dạy ở Pomona College ở Claremont, California. Cuốn sách đầu tiên của anh về hiện tượng người Việt Nam thành hôn vượt biên giới quốc gia (tựa đề Anh ngữ: For Better or For Worse: Vietnamese International Marriages in the New Global Economy) được phát hành vào năm 2008 và được in ra 300.000 bản. Đây là một thành công đáng kể cho một cuốn sách mang tính nghiên cứu hàn lâm. Nội dung cuốn sách này xoay quanh vấn đề kết hôn giữa những người đàn ông Mỹ gốc Việt làm lương thấp với những người phụ nữ có học ở Việt Nam và những xung đột trong giấc mơ hôn nhân của họ (bài đã đăng trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày 8-9-2011).
Cuốn sách thứ hai của GS. Hưng (tựa đề Anh ngữ: Insufficient Funds: Monetary and Migratory Flows in Low Wage Transnational Families) dự trù sẽ được phát hành vào tháng 2 năm 2012 với 250.000 bản, in dần trong 3 năm. Sau đây là những chia sẻ của GS. Hưng về cuốn sách thứ hai và một vài vấn đề khác.

Viễn Đông: Giáo sư có thể cho biết cuốn sách thứ hai là về chuyện gì?
GS. Thái Cẩm Hưng: Về một phương diện, cuốn sách thứ hai là mở rộng một phần trong cuốn sách thứ nhất nhưng chính yếu chỉ nói về vấn đề tiền bạc. Cuốn sách miêu tả và giải thích tại sao những người Mỹ gốc Việt, cả đàn ông và đàn bà, mặc dù họ là những người làm việc lương thấp, lại cứ tiếp tục gởi tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Đồng thời tôi cũng xem xét vấn đề là người Việt ở Việt Nam sẽ làm gì với số tiền họ nhận được từ Mỹ. Nói cách khác tôi xem xét những vấn đề xã hội liên quan đến việc gởi-cho-xài tiền xuyên quốc gia như thế này.
Phải nói, có rất nhiều điều hiểu lầm giữa những người trong cuộc về việc cần thiết phải tiêu tiền vào những chuyện gì. Trong nghiên cứu này, tôi phát giác ra rằng, hầu hết, không phải là tất cả nhưng là đa số, những người gởi tiền về Việt Nam là những người không có tiền để gởi. Có những người phải vay tiền từ thẻ tín dụng để gởi về nhà - trong lúc họ phải trả tiền lời từ 15-20% mỗi năm. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ rằng những người này gởi tiền về là vì họ thương gia đình. Trong cuốn sách này, tôi đưa ra lý luận là mọi việc phức tạp hơn thế nhiều.

Viễn Đông: Hiện tại ở Việt Nam đã có khuynh hướng tiêu thụ mới phát sinh từ hiện tượng tiền từ nước ngoài “chảy” về Việt Nam như thế này. Giáo sư nghĩ sao?

GS. Hưng: Đây cũng là một điểm quan trọng cuốn sách sẽ bàn tới: một văn hóa tiêu thụ mới ở Việt Nam, và những đòi hỏi không thực tế đối với Việt Kiều về chuyện gởi tiền về. Tôi lý luận rằng những Việt Kiều gởi tiền về là vì việc này sẽ đem đến cho họ địa vị xã hội khi họ ở Việt Nam. Giống như họ đem tiền để mua những “giá trị tình cảm”.


Thử thời vận với tiền - ảnh tài liệu: Vi Lang/Viễn Đông.

Viễn Đông: Giáo sư tiên liệu phản ứng về mặt tình cảm khi người Việt Nam đọc cuốn sách này sẽ như thế nào?
GS. Hưng: Tôi nghĩ rằng những Việt Kiều nào hay gởi tiền về nước sẽ đồng cảm với những câu chuyện tôi kể trong sách và sẽ ngỡ ngàng khi biết được rằng số tiền họ gởi về nhà đã không được dùng vào những chuyện như họ nghĩ. Một mặt khác, tôi cũng nghĩ họ sẽ tìm được ngôn ngữ để nói về thực tế của dòng chảy tiền này. Tất nhiên không ai gởi tiền về lại nói lý do là vì họ muốn “mua” sự tôn trọng của người khác, hoặc vì tiền đem lại địa vị xã hội cho họ. Cuốn sách của tôi giúp họ đối diện với thực tế và sự thật này.
Theo tôi, đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Kiều gởi tiền về Việt Nam mà là một vấn đề chung của con người. Ví dụ có nhiều đàn ông ở Mỹ mua cho vợ những món quà mà bản thân họ không mua nổi. Nhưng họ nghĩ rằng tặng những món quà đắt tiền đồng nghĩa với trao tặng tình thương. Về một phương diện nào đó, Việt Kiều gởi tiền về nước cũng suy luận tương tự như vậy.

Viễn Đông: Giáo sư có nghĩ những người trong cuộc ý thức được việc làm của họ hay không?

GS. Hưng: Thật ra có nhiều người vì sự hiểu lầm hoặc vì chịu không nổi những đòi hỏi của gia đình ở Việt Nam đã từ gia đình họ luôn. Điều nghịch lý là những người Việt Kiều này [có thể nói là] “làm hư” người Việt trong nước trước bằng hành động gởi tiền về. Người nhận thì chỉ biết nhận mà không hề biết người gởi có tiền để cho hay không, hoặc cuộc sống của người bên kia thiếu thốn như thế nào. Bên này thì có văn hóa cho, bên kia thì có văn hóa nhận. Không ai nói chuyện thẳng với nhau về giới hạn của việc cho-nhận này. Vì sự hiểu lầm này mà có người từ bỏ gia đình họ. Đây là một thực tế đáng buồn của những gia đình xuyên quốc gia này (transnational families).

Viễn Đông: Liệu trong lúc phỏng vấn, giáo sư có ý muốn làm cho người trong cuộc nhận ra thực tế này hay không?

GS. Hưng: Với tư cách là chuyên gia xã hội học, việc của tôi là làm sáng tỏ những vấn đề mà người khác cho là hiển nhiên và coi như là không có vấn đề. Nói một cách khác, công việc của một chuyên gia xã hội học giỏi là lột tả các vấn đề nằm bên dưới một sự việc mà người khác cho là bình thường. Vì vậy tôi không nghiên cứu nhằm chỉ trích Việt Kiều hoặc các gia đình ở Việt Nam. Tôi chỉ muốn biết người ở Việt Nam nhận tiền rồi họ xài như thế nào, họ thiếu thốn ra sao và mức sống của họ lên như thế nào. Và rồi tôi phát giác ra tất cả những vấn đề thú vị liên quan.

Viễn Đông: Trong số những người đồng ý phỏng vấn, có bao nhiêu người thay đổi thái độ đối với gia đình?

GS. Hưng: Trong dự án nghiên cứu này, tôi phỏng vấn 140 người. Sau khi phỏng vấn 60 người là tôi đã thấy các đề tài có sự lập lại rồi, cho nên tôi dừng ở 140. 15% trong số này cho thấy có sự thay đổi thái độ đối với gia đình.

Viễn Đông: Nghe nói giáo sư còn một dự án khác?

GS. Hưng: Tôi cũng đang viết cuốn hồi ký về cuộc đời của mình, khoảng 3 năm nữa là có thể xong.

Viễn Đông: So với những hồi ký của người Mỹ gốc Việt đã có trên thị trường, cuốn sách của giáo sư có gì mới lạ hơn?

GS. Hưng: Tôi nghĩ cuốn hồi ký của tôi sẽ khác lắm. Tôi đang dạy ở Pomona College, là một trong những trường văn học nghệ thuật (liberal arts college) khó vào dạy nhất trong nước, và tôi là người Mỹ gốc Việt duy nhất dạy xã hội học ở loại trường này. Cuốn sách của tôi kể lại quá trình tôi xuất thân từ nhà nghèo cho đến thời điểm này. Tất nhiên sẽ có những khó khăn và phấn đấu, và rồi thành quả đạt được.
Hầu hết các hồi ký của người Việt ở Mỹ là về chuyện họ di cư sang Mỹ, rồi họ phấn đấu và thành công đạt giấc mơ Mỹ. Còn cuốn sách của tôi sẽ nói đến chuyện tôi đã thiết lập một mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam như thế nào, tại sao mối liên hệ này trở thành một phần bản sắc con người của tôi và nó ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và sự nghiệp tôi như thế nào.
Trong các hồi ký đã xuất bản, hầu như không có cuốn nào nói đến chuyện tác giả lớn lên trong nghèo khổ, mà hầu hết nói đến chuyện gia đình họ đã hỗ trợ họ như thế nào để cuối cùng họ đạt đến thành công. Không phải gia đình người Việt ở Mỹ nào cũng như thế. Cuốn sách của tôi sẽ nói đến một khía cạnh khác trong đời sống các gia đình người Việt. Cụ thể là nhiều người trong nhà tôi sẽ giận dữ khi đọc nó. Thật ra, có nhiều “lục đục” trong các gia đình người Việt ở Mỹ và chúng ta cần phải bàn luận đến những chuyện này.

Viễn Đông:
Sau một thời gian dạy ở Pomona College, giáo sư có đạt được mục đích thay đổi quan điểm sống của các sinh viên của mình chưa?

GS. Hưng: Có. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy mình đã làm người khác thay đổi cách nhìn cuộc đời. Khoảng 80% sinh viên của tôi là xuất thân từ gia đình rất giàu có. Nhiều người trong số họ sẽ ra trường và làm những công việc quan trọng, không hẳn vì họ học giỏi, chăm mà phần lớn là vì họ quen biết rộng. Rất nhiều người trong số này chưa bao giờ biết đến nghèo khổ là gì, dân di cư và thế giới thứ ba là như thế nào. Chỉ vì sự hiện diện của tôi ở đây là đủ giúp họ biết đến các vấn đề kể trên. Tôi đã thay đổi cách lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên rồi: nhiều sinh viên trước kia muốn làm kỹ sư vi tính hoặc bác sĩ giải phẫu, sau khi học với tôi họ đổi ý muốn làm công tác xã hội hoặc chuyên viên quản trị y tế công cộng.

Viễn Đông:
Có vẻ như tất cả các giấc mơ của giáo sư đã thành hiện thực. Rất cảm ơn GS. Thái Cẩm Hưng đã bỏ thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT