Người Việt Khắp Nơi

Giáo Hội Công Giáo bước vào Tuần Thánh

Saturday, 13/04/2019 - 09:19:49

Ngày Thứ Sáu, trong toàn Giáo Hội không cử hành thánh lễ nhưng có nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa qua 14 Chặng Đàng Thánh Giá, suy ngắm sự thương khó Chúa và dọn lòng mừng Chúa Phục Sinh.



 
Linh mục Nguyễn Văn Luân, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang rửa chân cho các giáo dân đóng vai tông đồ vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2018. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Hôm nay Chủ Nhật ngày 14 tháng 4, 2019, toàn thể Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ của Giáo Hội, và cao điểm của Tuần Thánh là đại lễ Phục Sinh, mừng Chúa Sống Lại.
 

Linh mục Vũ Tận Hiến làm phép và rước lá vào thánh đường Saint Barbara trong Lễ Lá 2018. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu được các người dân lành Do Thái đón rước vào thành Giêrusalem, người ta trải lá, có người cởi áo trải xuống đường rước Chúa vào thành. Chúa Nhật Lễ Lá còn được gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn, vì khởi đầu việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để chịu khổ nạn và chịu đóng đinh trên cây Thập Giá.

Tại các giáo xứ, trước thánh lễ, linh mục làm phép các cành lá và rước vào nhà thờ cử hành thánh lễ. Sau lễ, giáo dân có thể mang những cành lá đã làm phép về nhà để trên bàn thờ, nhắc nhở mọi người trong gia đình về những ngày Thánh trong tuần Thương Khó. Trong Lễ Lá, thay vì đọc bài Phúc Âm như thường lệ, chủ tế sẽ đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn tả cuộc khổ nạn của Người từ khi vào thành Giêrusalem đến khi từ cõi chết sống lại.
 

Một giáo dân đóng vai Chúa Giêsu vác Thập Giá đi 14 Chặng Đàng Thương Khó tại giáo xứ Westminster trong Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2018. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau Lễ Lá, vào ba ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy được gọi là Tam Nhật Thánh . Ngày Thứ Năm kỷ niệm ngày Chúa Giêsu ăn bữa tối cùng các môn đệ. Bữa ăn này được gọi là Bữa Ăn Tình Thương (Agape). Tiếng Hy Lạp Agape nghĩa là Tình Thương. Chính trong bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) thể hiện tình thương của Chúa đối với nhân loại. Đó là Bí Tích Thánh Thể (Mình và Máu Chúa) để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu, và Bí Tích Truyền Chức Thánh để thiết lập chức Linh Mục Thừa Tác.

Qua Bí Tích này, Chúa tuyển chọn một số người tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Mình và Máu Thánh của Chúa qua mọi thời đại và ở mọi nơi. Cũng trong bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ bài học yêu thương, khi Người lấy nước, cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ, khiến tông đồ Phêrô sửng sốt phản đối, “Sao Thầy mà lại phải cúi xuống rửa chân cho chúng con?” Chúa Giêsu bảo ông, “Việc Thầy làm cứ để Thầy làm.”

Sau khi rửa chân cho 12 môn đệ, Chúa Giêsu bảo các ông, “Thầy đã cúi xuống rửa chân cho các con là để dạy các con bài học yêu thương phục vụ. Như Thầy đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau.”

Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh các linh mục trong giáo xứ chỉ cử hành một thánh lễ vào buổi chiều để giáo dân có thể tham dự đầy đủ, và trong ngày thứ Năm, vị Giám Mục Giáo Phận sẽ cử hành thánh lễ Truyền Dầu, làm phép ba loại Dầu Thánh (thường dùng dầu Oliu), một để xử dụng trong lễ Truyền Chức Thánh, một để sử dụng khi ban Bí tích Thêm Sức, Rửa Tội và một để dùng Sức Dầu Bệnh Nhân.
Trong thánh lễ Truyền Dầu, tất cả các linh mục trong giáo phận (trừ các vị bị đau ốm) phải cùng đến đồng tế thánh lễ và lập lại lời hứa khi nhận lãnh thiên chức linh mục. Sau này, nhiều nơi vì hoàn cảnh riêng, Đức Giám Mục giáo phận có thể cử hành Lễ Truyền Dầu vào một ngày khác nhưng không để qua Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh, trong tiếng Anh gọi là “Good Friday” là ngày rất tốt lành cho nhân loại, vì trong ngày này Chúa đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại, vì thế Giáo Hội buộc các tín hữu đến tuổi phải ăn chay, kiêng thịt trong ngày Thứ Sáu này để tưởng niệm ngày Chúa chịu chết trên Thập Giá vào khoảng ba giờ chiều, theo giờ của người Do Thái là “giờ thứ chín.”

Ngày Thứ Sáu, trong toàn Giáo Hội không cử hành thánh lễ nhưng có nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa qua 14 Chặng Đàng Thánh Giá, suy ngắm sự thương khó Chúa và dọn lòng mừng Chúa Phục Sinh.

Ngày thứ Bảy Tuần Thánh: Toàn thể Giáo Hội long trọng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu Phục Sinh, sống lại từ cõi chết. Đây là cao điểm của Mùa Chay và Tuần Thánh, và cũng là niềm tin vững chắc của người Kitô hữu, vì nếu Chúa không sống lại thì đức tin của người Công giáo ra vô ích. Viễn Đông sẽ có bài tường thuật đại lễ Phục Sinh vào những ngày sắp tới.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT