Thế Giới

Đô trưởng khuyên công chức nên giảm giờ làm việc, để dành thời giờ cho gia đình và có con

Wednesday, 17/05/2017 - 07:46:10

Những người Nhật đi làm chỉ lấy 48.8 phần trăm của kỳ nghỉ phép hàng năm, theo một cuộc khảo sát của Bộ Y Tế, Lao Động và Kỹ Nghệ.

ĐÔNG KINH - Nữ đô trưởng mới của Tokyo đã ra lệnh cho các nhân viên thành phố phải rời bỏ công việc vào lúc 8 giờ tối. Bà cũng đang lập các toán phòng chống nạn làm thêm giờ, để đưa ra khỏi cửa bất cứ người nào còn ngồi lì bên bàn làm việc.


Bà Yuriko Koike được bầu lên trong tháng Tám. Bà nói rằng tình trạng các nhân viên làm việc quá siêng, làm thêm giờ quá mức là một vấn đề đã có từ lâu trong xã hội Nhật Bản. Thói này góp phần làm cho sức khỏe yếu kém, và làm giảm khối lượng thời gian mà các nhân viên dành cho gia đình.

Các toán phòng chống nạn làm thêm giờ sẽ được thành lập tại các cơ quan thuộc chính quyền thành phố, tuyển dụng khoảng 170,000 người.

Những toán này sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện “những cuộc chạy đua marathon giảm thiểu giờ làm việc,” theo đô trưởng Koike cho biết, bằng cách tắt đèn trong các văn phòng, để khuyến khích ngay cả người làm việc siêng năng nhất phải buông những dụng cụ làm việc xuống.

Bà nói thêm rằng bất cứ ai không thể rời bàn làm việc vào lúc 8 giờ tối đều sẽ bị “theo dõi chặt chẽ.”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Fuji TV, đô trưởng Koike nói rằng bà hy vọng chính quyền đô thành sẽ trở nên một kiểu mẫu để cho các thành phố khác và công ty tư nhân noi theo.

Theo Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Và Phát Triển cho biết, nhân viên ở Nhật Bản làm việc trung bình 33.25 giờ một tuần, một giờ nhiều hơn nhân viên trung bình ở Anh Quốc.

Số giờ kể trên không tính vào đó thói quen “giờ làm thêm để phục vụ” tại Nhật Bản, có nghĩa là những giờ làm thêm không được trả lương tại nơi làm việc.

Từ lâu làm thêm giờ phục vụ là lối thực hành được chấp nhận tại các công ty Nhật Bản. Nhưng dường như lề thói ấy đã trở nên thông thường hơn, vì nền kinh tế quốc gia vẫn yếu kém, và những người làm việc càng ngày càng lo sợ cho tương lai của họ.

Trong phần tư thế kỷ đã trôi qua từ khi bong bóng kinh tế của Nhật Bản bị nổ tung, làm việc lâu giờ, những giờ làm thêm không được trả lương, kỳ nghỉ ngắn hơn, và những khoản ưu đãi ít hơn, trở thành tiêu chuẩn tại nơi làm việc. Người ta xem một ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ là chuyện hoàn toàn bình thường.
Những giờ làm việc lâu, những giờ làm thêm khó nhọc, và ít ngày nghỉ, đã gây ra “karoshi”. Đây là một từ ngữ tiếng Nhật để chỉ cái chết vì làm việc quá sức, được cho là một yếu tố quan trọng đằng sau tỷ lệ sinh con sụt giảm tại Nhật Bản.

Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy rằng số lượng đơn kiện được nộp về karoshi đã tăng lên tới 1,456, trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng Ba 2015. Trong khi đó, tổng cộng có 1,576 trường hợp được nộp từ năm 2004 đến năm 2008.

Theo các nhà phân tích cho thấy, tình hình đang trở nên nghiêm trọng thêm, vì tình trạng thiếu hụt những người làm việc trong một số lãnh vực, trong đó các ngành chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội, và xây dựng.
Trong tháng 12 năm 2015, Watami Co., công ty điều hành một hệ thống nhà hàng, đồng ý trả tiền bồi thường 130 triệu yen cho cha mẹ của Mina Mori, 26 tuổi. Cũng như làm việc trong ca kéo dài 10 giờ, cô Mori bỏ ra 140 giờ làm thêm mà không được trả lương, trong tháng trước khi cô tự sát hồi tháng Sáu năm 2013.
Các chuyên gia cũng quy trách nhiệm cho nền văn hóa làm việc của Nhật Bản gây ra tình trạng dân số bị thu hẹp. Các tổ chức như Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình Nhật Bản nói rằng nếu các nhân viên rời văn phòng sớm hơn, thì họ sẽ ít mệt mỏi hơn, dành nhiều thời gian với vợ hay chồng, và chắc chắn sẽ có thêm con.
Chính phủ cũng đã soạn thảo những điều khoản điều chỉnh lại các luật, sẽ buộc các nhân viên công ty phải lấy tất cả các ngày nghỉ được trả lương, mà họ có quyền hưởng mỗi năm.

Những người Nhật đi làm chỉ lấy 48.8 phần trăm của kỳ nghỉ phép hàng năm, theo một cuộc khảo sát của Bộ Y Tế, Lao Động và Kỹ Nghệ.

Chính phủ đã đặt một mục tiêu là nâng con số đó lên tới 70 phần trăm vào năm 2020.
Một cuộc nghiên cứu của Viện Nhật Bản Đào Tạo Chính Sách Lao Động cho thấy rằng 60 phần trăm nhân viên từ chối lấy những kỳ nghỉ được phân bổ cho họ, với lý do là điều đó sẽ “gây bất tiện cho các đồng nghiệp của họ”.

Hơn 53 phần trăm nói rằng họ không có cơ hội lấy thời gian đi nghỉ, vì khối lượng công việc nặng nề của họ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT