Gỡ Rối Tơ Lòng

Đi bước nữa

Friday, 21/10/2016 - 08:27:46

Được chừng 15 năm thì bác sĩ cho biết là ông ấy bị ung thư phổi tới thời kỳ cuối cùng. Cháu nuôi nấng và chăm nom ông cho tới ngày ông mất. Lúc đó cháu mới 58 tuổi. Cháu thấy lời bà cháu nói về duyên số của cháu thật là đúng. Mới chưa đến 60 tuổi mà đã chôn hai đời chồng. Sau khi chồng cháu chết, cháu quyết định ở vậy nuôi con không lấy chồng nữa.

Ở nước Mỹ này, con cái nó thương phận nào thì cha mẹ nhờ phận ấy, nếu không là mất luôn con. (Getty Images)


Thưa Bác, cháu năm nay đã 65 tuổi. Ngày xưa, hồi còn nhỏ, cháu cứ nghe bà ngoại và mẹ cháu thì thầm là số cháu cao số, chôn đến hai ba đời chồng mà rốt cuộc vẫn không có chồng như thường. Cháu nghe vậy thì cũng biết vậy nhưng không hiểu gì nhiều và cũng không tin và lại càng không quan tâm.
Khi sang đây, càng lớn tuổi, cháu mới thấy lời đoán số của bà cháu là không sai. Cháu lấy chồng rất sớm. Năm cháu ra trường trung học là cháu đã lấy chồng. Lấy một người bạn học. Cháu 18 tuổi còn anh ấy 21 vừa ra đại học và có công việc làm để nuôi gia đình. Chúng cháu sống với nhau hạnh phúc và có một đứa con gái. Chúng cháu sống nhau được 5 năm, cháu bé lên 3 thì chồng cháu bị tai nạn xe hơi mất.
Chuyện này phải ra tòa, có luật sư và cháu được bồi thường một số tiền khá lớn đủ để nuôi thân và nuôi con mà không cần phải lo công ăn việc làm. Ông luật sư này hình đã có một đời vợ, hai vợ chồng sau đó bỏ nhau. Vợ ông mang đứa con đi tiểu bang khác và rồi hai người mất liên lạc. Ông ấy thấy cháu mẹ góa con côi thì hay đi lại; lâu dần ông ấy thương cháu và hỏi cháu làm vợ. Cháu cũng cảm động vì tình cảm của ông ấy đối với mẹ con cháu nên cũng bằng lòng, mặc dầu ông ấy hơn cháu đến gần 20 tuổi. Nhưng điều đó cũng không sao, chúng cháu sống với nhau hạnh phúc.
Được chừng 15 năm thì bác sĩ cho biết là ông ấy bị ung thư phổi tới thời kỳ cuối cùng. Cháu nuôi nấng và chăm nom ông cho tới ngày ông mất. Lúc đó cháu mới 58 tuổi. Cháu thấy lời bà cháu nói về duyên số của cháu thật là đúng. Mới chưa đến 60 tuổi mà đã chôn hai đời chồng. Sau khi chồng cháu chết, cháu quyết định ở vậy nuôi con không lấy chồng nữa.
Nhưng ngày hôm nay lại có một người cũng góa vợ và con cái đã tây riêng cả muốn lấy cháu. Cháu suy nghĩ hoài đến lời đoán số của bà cháu nên sợ, không muốn đi bước nữa. Chồng đầu tiên của cháu chết bất đắc kỳ tử cháu không phải hầu hạ, nuôi nấng nhưng sự đau buồn thì không thể nào tả ra được. Còn chồng sau của cháu đau đớn nhiều năm, cháu hầu hạ rất vất vả nên thấy ớn lạnh.
Bây giờ lấy chồng nữa, biết có được nương tựa không hay là lại hầu thêm một lần nữa. Cháu cứ nghĩ vậy mà phân vân không dám quyết định. Hồi trước cháu còn trẻ còn có sức chịu đựng, bây giờ cháu cũng lớn tuổi rồi, nghĩ đến hầu người ốm cháu cũng ngại lắm. Nhưng mà ở một mình thì cũng buồn, nhiều khi đau ốm họ hàng anh chị em và con cái thì ở xa, muốn có bát cháo ăn cũng không ai giúp. Nghĩ đền tương lai thật là buồn nản phải không bác?

Bà Ba Phải trả lời:
Ngày xưa hồi còn ở Việt Nam, người mình rất tin dị đoan và tướng số. Tướng là những hình tượng hiện lên trên dáng dấp và nét mặt để chỉ vận mệnh con người, còn số thì tùy thuộc vào ngày giờ và năm sinh tính theo các vì sao mà đoán ra số mệnh con người. Bác chẳng hiểu biết nhiều về hai môn khoa học huyền bí này nhưng từ khi sau 75, ở nhà chả có việc gì nên cũng mua sách về nghiên cứu nên cũng biết qua loa.
Sau khi nghiên cứu thì thấy rằng số tướng cũng đúng lắm chứ không phải chuyện dị đoan bậy bạ đâu. Như cháu thấy đấy, lời đoán của bà cháu đâu có sai đâu. Cháu đã góa hai đời chồng thì rất có thể câu sau cùng cũng sẽ không sai. Bác đồng ý với cháu chẳng gì khó nhọc về tinh thần cũng như vật chất bằng nuôi người bệnh, và chẳng gì đau khổ bằng chôn người yêu. Hai điều này cháu đã trải qua nên thấy ớn là đúng.
Còn chuyện ở một mình thì buồn là lẽ đương nhiên, nhưng lấy chồng một lần nữa mà lúc nào cũng bị ám ảnh bởi lời đoán quẻ của bà ngoại thì cũng chẳng vui gì. Chẳng khác gì người tử tội hồi hộp chờ ngày hành quyết. Tuổi của cháu còn trẻ, cho nên cháu cần có một người bầu bạn là chuyện tự nhiên. Nhưng để tránh tất cả những rủi ro có thể xảy ra, bác đề nghị cháu chẳng nên làm đám cưới làm gì; như vậy cháu không lo chuyện không may xảy ra một lần thứ ba.
Cháu cứ làm bạn với người bạn mới nhưng không làm giấy tờ hôn thú gì cả. Hai người cứ việc đi lại với nhau, vui chơi có nhau nhưng không ai có bổn phận trách nhiệm với nhau. Như vậy thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Bác không nghĩ rằng các con cháu phản đối việc này và ông bạn kia cũng không nhìn thấy vấn đề gì thắc mắc cả. Đời sống bên này rất thực tế, miễn sống cho thoải mái mà không thiệt hại đến ai là được rồi.

Hiếu thảo
Thưa bà chị, ở bên này mà nói chuyện hiếu thảo nghe cứ y như nói chuyện cổ tích. Tuy nhiên khi vợ chồng chúng tôi nhìn xung quanh, bạn bè, họ hàng, làng nước thấy ai cũng có gia đình vui vẻ mà sao vợ chồng tôi lại không có? Chúng tôi có con đàng hoàng chứ bà chị? Nhiều là đằng khác. Năm đứa lận. Ông bà nào cũng được học hành đàng hoàng, hèn ra cũng đậu đại học bốn năm, mà cao nhất thì là bác sĩ, dược sĩ chứ có phải là vô học đâu.
Thế mà không biết tại sao, sau khi ra trường, đứa nào cũng chọn những tiểu bang xa lắc xa lơ để tìm công việc và lấy chồng lấy vợ. Hiện nay chúng tôi có ba đứa ở xa. Một đứa ở miền Đông, một đứa ở miền Tây, một đứa ở Anh còn hai đứa ở miền Nam là chỗ gần tôi nhất. Một năm mỗi đứa về thăm bố mẹ một lần, đứa thì về Thanksgiving, đứa thì về Christmas, đứa thì về hè, đứa thì về spring break cho nên gia đình chẳng có lúc nào đoàn tụ vui vẻ cả.
Mỗi lần nghe chúng than chúng nó lại đưa ra rất nhiều lý do, mà cái nào cũng rất là chính đáng để biện minh cho sự ở xa của chúng. Điện thoại cũng ít khi gọi về, chỉ nói chuyện câu trước câu sau là đã tìm cớ cúp cái rụp.
Tôi nghĩ thật buồn, người ta có một con thì lại gia đình ấm cúng vui vẻ, còn tôi năm con thì lại chẳng đứa nào chịu ở gần bố mẹ. Mỗi lần tôi than thở thì chúng lại không thèm gọi điện về nhà nữa. Thật là buồn ghê. Tôi hỏi khí hơi tò mò, các con chị có như vậy không hay là tại tôi bất hạnh hở chị?

Bà Ba Phải trả lời:
Chị ạ, tôi thấy lời than thở của chị rất quen thuộc ở lứa tuổi chúng ta. Một số bạn quen của tôi cũng thường than phiền con cái các cụ ấy như thế. Nhưng sau khi điều tra hư thực tôi thấy rằng chuyện gì cũng có nguyên do. Tại sao các cháu sau khi lập gia đình hay có công ăn việc làm lại thích bỏ đi xa mà không thích ở gần cha mẹ? Chỉ vì cha mẹ đôi khi quá khó khăn với các con.
Tôi có một chị bạn, các con cũng ở xa hết. Mỗi lần cháu điện thoại về thăm mẹ là thể nào cũng bị la mắng đủ mọi tội, từ những tội đời xưa cho tới tội đời nay. Rồi thì trước khi nói chuyện với con, cháu chưa kịp hỏi thăm mẹ điều gì đã bị mắng liên tiếp là có chuyện gì không? Tại sao bao lâu nay không gọi về thăm mẹ, sao không đợi chừng tao chết hãy gọi hỏi thăm, đại khái như thế cho nên các cháu không thích gần mẹ.
Mấy cháu ở gần thì khi lại thăm cũng bị mẹ mắng và hờn trách như vậy. Không biết đây có phải là trường hợp của chị không? Nếu không đúng hoàn toàn thì chắc cũng đúng một phần. Từ nay khi cháu gọi điện thoại về thăm chị nên vui vẻ nói chuyện với cháu. Kể cho cháu nghe những chuyện xảy ra ở nhà rồi hỏi thăm cháu những chuyện xảy ra cho nó.
Tuy nhiên đừng khảo sát quá sâu xa về đời tình cảm của nó, nó kể đến đâu thì nghe đến đó còn khi chị thấy nó đánh trống lảng thì chị bỏ qua luôn. Như vậy sẽ giữ được tình cảm với các con trưởng thành.
Bên này thời buổi đổi thay, không như hồi ở nhà, bố mẹ muốn là trời muốn, bố mẹ phán lời nào con cái phải nghe theo răm rắp. Còn ở bên này thì con cái nó thương phận nào thì cha mẹ nhờ phận ấy, nếu không là mất luôn con. Không phải là sang đây con cái không hiếu thảo với bố mẹ, nhưng chỉ vì tình thế đổi thay, văn hóa khác biệt cho nên mình đàng chịu thua vậy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT