Đạo và Đời

Đành mất mạng sống

Wednesday, 05/07/2017 - 07:23:40

Nhưng trong xã hội loài người, người ta thấy cái trật tự này vẫn có thể đảo lộn. Thí dụ như trong những nước quân chủ thì vua phải được coi trọng hơn hết mọi người. Ai dám xúc phạm hay coi thường vua thì mắc tội khi quân.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Chúa Giêsu đòi hỏi rất nhiều. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Ngài tuyên bố với các môn đệ: Ai yêu mến cha mẹ, con cái hơn Ngài thì không xứng đáng là môn đệ của Ngài, và kẻ nào không dám mất mạng sống mình vì Ngài, thì cũng không xứng đáng với Ngài. Còn ai dám mất mạng sống mình vì Ngài thì sẽ tìm được nó. Nếu mà nói theo kiểu bình thường thì có ai yêu mến người khác hay kính trọng người khác hơn cha mẹ, vợ chồng, anh chị em hay con cái của mình.

Nhưng trong xã hội loài người, người ta thấy cái trật tự này vẫn có thể đảo lộn. Thí dụ như trong những nước quân chủ thì vua phải được coi trọng hơn hết mọi người. Ai dám xúc phạm hay coi thường vua thì mắc tội khi quân.

Vào tháng 10 năm trước, tức là năm 2016, có một người đàn ông ở trong một tiệm bán hàng tại Phuket, một thành phố biển của Thái Lan, bị tình nghi là nói phạm tới nhà vua. Đám đông đã vây quanh la hét, gọi ông ta là đồ ngu và đánh đập ông ta, may mà cảnh sát đã kịp tới nơi để can thiệp. Nhưng người ta vẫn la lối om sòm, “Nếu mày không yêu quí quốc vương, thì mày còn yêu quí ai ở đất nước này.”

Như thế, một cách nào đó người ta kính trọng ông vua hơn tất cả mọi người, ngay cả những người thân của mình. Nhưng ông vua cũng chỉ là một con người nếu so sánh với Thiên Chúa. Vì thế, những đòi hỏi của Chúa Giêsu Kitô, Ngài vừa là Thầy và vừa là Chúa, không có gì là quá đáng khi Ngài ra điều kiện cho các môn đệ của Ngài là, “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.”


Linh Mục Nguyễn Viết Chung

Nguyễn Viết Chung chẳng biết gì về đạo Công Giáo. Chàng thanh niên này đang học y khoa tại Đại Hoc Y Khoa Sài Gòn rất ngưỡng mộ giáo sư bác sĩ người Bỉ tên là Lichtenberger và chàng càng ngưỡng mộ hơn khi khám phá ra vị giáo sư bác sĩ này là một linh mục Dòng Tên. Rồi Nguyễn Viết Chung có lần đã đọc tiểu sử của Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn, nhưng đã qua đời trong trại cùi ở Di Linh, sau khi hiến thân phục vụ ở đó. Chung trở nên hiểu biết đạo Công Giáo hơn, và thường xuyên cùng các bạn đến nhà thờ để tham dự thánh lễ khi linh mục bác sĩ Lichtenberger dâng lễ.

Năm 1984, Chung, 29 tuổi, và đã là bác sĩ, tình nguyện làm việc trong trại cùi Di Linh, Lâm Đồng. Sau đó Chung đi học thêm chuyên khoa về da liễu và có những thời gian phục vụ tại trại cùi Bến Sắn, Bình Dương. Chưa phải là người Công Giáo nhưng Chung rất thán phục lòng hy sinh quảng đại của các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái. Năm 1993, bác sĩ Chung xin học giáo lý tân tòng, và được rửa tội năm 1994 tại nhà nguyện của trại phong Bến Sắn.

Khi đó bố mẹ và anh chị em của Chung, không phải là đạo Công Giáo, rất phản đối chuyện này. Cũng năm đó, bác sĩ Chung xin đi tu dòng Thánh Vinh Sơn tại Đà Lạt và 9 năm sau, năm 2003 được thụ phong linh mục bởi Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống. Suốt cuộc đời 14 năm linh mục, bác sĩ linh mục Augustinô Nguyễn Viết chung phục vụ người nghèo và người bệnh phong cùi. Thế rồi, ngày 10 tháng 5, 2017, lúc 17 giờ 17 phút, linh mục bác sĩ Chung đã trút hơi thở cuối cùng sau cơn bệnh tại Di Linh: Cha Chung đã đành mất mạng sống mình vì Thầy và đã tìm lại được nó. (tnk)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT