Thế Giới

Dân Nhật trở về vùng bị nhiễm phóng xạ, đối phó với heo rừng

Monday, 13/03/2017 - 12:46:45

Heo rừng đã tấn công người ta khi chúng nổi giận. Hàng trăm con từ các ngọn đồi và khu rừng xung quanh đã chạy vào trong các thị trấn bị bỏ lại sau thảm họa xảy ra năm 2011.


Một con heo rừng có mặt ở thành phố Namie. (Toru Hanai/ Reuters)


FUKUSHIMA - Ngoài nguy cơ phóng xạ, còn có một mối phiền toái bất ngờ cho những cư dân trở về lại các thị trấn ở Nhật Bản bị bỏ trống, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima cách đây sáu năm. Mối phiền toái đó chính là những con heo rừng.

Heo rừng đã tấn công người ta khi chúng nổi giận. Hàng trăm con từ các ngọn đồi và khu rừng xung quanh đã chạy vào trong các thị trấn bị bỏ lại sau thảm họa xảy ra năm 2011.

Chúng lang thang trên những con đường vắng người và những bãi sân sau nhà mọc đầy cỏ ở Namie, một thành phố nhỏ hoang vắng bên bờ biển ở Nhật Bản, để tìm kiếm thức ăn.

Ông Tamotsu Baba, thị trưởng thành phố, nói với hãng Reuters, “Hiện thời không rõ ai là chủ nhân của thành phố, người ta hay là heo rừng.”

Đến cuối tháng Ba này, chính phủ Nhật Bản sẽ hủy bỏ lệnh di tản tại những nơi còn lại ở Namie, nằm cách nhà máy hạt nhân bị phá hoại chỉ bốn cây số, cũng như cho ba thành phố khác.

Các cư dân từng phải di tản để thoát khỏi phóng xạ do nhà máy Fukushima Daiichi tỏa ra. Các lò phản ứng trong nhà máy này đã rơi vào tình trạng tan chảy, sau khi bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần xảy ra vào ngày 11 tháng Ba, 2011.

Ông Mark Willacy đã chứng kiến cảnh tàn phá do trận sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản. Năm năm sau đó ông suy nghĩ về cuộc tàn phá và nỗi đau buồn lâu dài.

Trong thị trấn Tomioka ở gần đó, thợ săn Shoichiro Sakamoto dẫn một nhóm gồm 13 người, được giao nhiệm vụ bắt và giết bầy heo rừng.

Một tuần hai lần, họ đặt khoảng 30 chiếc bẫy lồng, dùng bột gạo làm mồi nhử.
Ông nói, “Sau khi người ta bỏ đi, chúng bắt đầu xuống từ trên núi, và hiện nay họ không trở về lại. Chúng đã tìm được một nơi thoải mái, có nhiều thức ăn, và không có ai đuổi theo chúng.”

Từ tháng Tư năm ngoái, nhóm ấy đã bắt được khoảng 300 con heo rừng. Họ dự định tiếp tục công việc của họ, ngay cả sau khi các lệnh di tản được hủy bỏ, theo ông Sakamoto cho biết thêm.

Trong tổng số 21,500 cựu cư dân của Namie, hơn một nửa đã quyết định không trở về lại, viện dẫn những nỗi lo ngại về phóng xạ và mức an toàn của nhà máy hạt nhân đang ngưng hoạt động.
Nhưng trong những cuộc họp của thành phố trước đó trong năm nay, để chuẩn bị cho việc trở về nhà, các cư dân đã bày tỏ lo lắng về bầy heo rừng.

Hidezo Sato, cựu thương gia buôn bán hạt giống ở Namie, nói, “Tôi chắc chắn rằng các giới chức thuộc mọi cấp bậc đang nghĩ đến điều này. Một việc gì đó phải được thực hiện.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT