Thế Giới

Dân Guam lo lắng về đe dọa của Bắc Hàn

Wednesday, 09/08/2017 - 10:50:55

Todd Thompson, một luật sư sống ở đây, nói, “Tôi hết cười nổi nữa rồi, mọi chuyện đang có vẻ thay đổi ở Hoa Thịnh Đốn, ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra?”

Người dân sống trên đảo Guam ở Thái Bình Dương bày tỏ mối lo lắng của họ, khi Bắc Hàn tuyên bố muốn tấn công đảo Guam bằng hỏa tiễn nguyên tử. Tuy các viên chức địa phương trấn an là không có de dọa, cũng như Ngoại Trưởng Rex Tillerson trên đường về Mỹ ghé lại đây lấy thêm nhiên liệu cho máy bay nói như thế, song cư dân địa phương vẫn lo họ chính là đối tượng nhắm tới của các hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Đảo Guam là lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, nơi có khá nhiều căn cứ quân sự, kể cả của Hải Quân và các giàn hỏa tiễn đất đối không. Khoảng 163,000 cư dân sinh sống trên đảo Guam, một hải đảo có bề ngang chỉ có 12 dặm. Cư dân ở đây vốn không lạ gì với các de dọa của Bắc Hàn, nhưng từ khi thái độ cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump đối với Bắc Hàn diễn ra, nhiều cư dân Guam không an tâm.
Todd Thompson, một luật sư sống ở đây, nói, “Tôi hết cười nổi nữa rồi, mọi chuyện đang có vẻ thay đổi ở Hoa Thịnh Đốn, ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra?”

Không có đe dọa rõ ràng từ Bắc Hàn
Tổng Thống Donald Trump dùng từ ngữ “fire and fury” (biển lửa thịnh nộ cuồng bạo) khi lên tiếng đe dọa Bình Nhưỡng, thì Ngoại Trưởng Rex Tillerson lại cố đưa ra nhận định “bồ câu” hơn và cho hay là “không có đe dọa tức khắc nào cả cho Hoa Kỳ,” nhưng ông cũng bênh vực cho ông Trump khi nói “thực ra Tổng Thống Mỹ chỉ muốn đưa ra một tín hiệu rõ rệt cho Bắc Hàn mà thôi.”
Ngoại Trưởng Tillerson khuyến khích các bên cần hòa dịu và cho hay dân chúng Hoa Kỳ không nên lo lắng, dù bầu không khí hiện nay rất căng thẳng giữa hai quốc gia.
Trên chuyến bay quay về Mỹ từ Phi Luật Tân, ông Tillerson cho biết không có lý do nào khiến Mỹ phải dùng đến biện pháp quân sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng nói “Bắc Hàn nên ngưng ngay ý nghĩ sử dụng một cách thức quân sự có thể đưa đến sự sụp đổ cho chế độ Bình Nhưỡng và tang tóc cho dân chúng Bắc Hàn.”

Trung Quốc: Động đất, 19 chết, 247 bị thương
Tỉnh Tứ Xuyên ở vùng tây nam Trung Quốc đã bị chấn động vì động đất mạnh 6.5 độ, gây thiệt mạng 19 người, trong số này có 8 du khách và làm 247 người khác bị thương hôm thứ tư.Trận động đất đã diễn ra trong một vùng tương đối hẻo lánh, cách thành phố Guangyuan về phía tây bắc khoảng 200 cây số và có tâm chấn sâu 10 cây số.
Thiên tai xảy ra gần khu Jiuzhaigou, một địa điểm du lịch thuộc loại nổi tiếng nhất nước. Trận động đất cắt đứt điện và đường dây điện thoại. Đa số thương vong là cư dân của thị trấn Zhangzha, nằm gần khu du lịch nói trên.
Bà Yang Jie, chủ nhân một khách sạn ở Zhangzha, cho hay, “Tôi đang ngồi ăn với bạn bè thì diện đóm tắt ngúm và mọi thứ bắt đầu rung lên vào khoảng 9 giờ 20 phút tối, nhiều người hoảng quá chạy tuôn ra ngoài, la hét hãi hùng.”
Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh phải nhanh chóng có cứu cấp khẩn cho vùng này, trận động đất xảy ra gần địa phận của tỉnh Cam Túc.

Iran bắt 6 người nhảy đầm kiểu Zumba
Các viên chức Iran cho hay đã bắt giữ sáu người bị cho là đang dạy nhảy vũ điệu Zumba, gồm bốn đàn ông và hai phụ nữ. Các “phạm nhân” này bị tố cáo là đã “cố tình làm thay đổi nếp sống truyền thống của Iran, lại không tuân theo lệnh hijab về cách ăn mặc nơi công cộng.” Họ bị các cáo trạng như “dụ dỗ thanh thiếu niên nam và nữ, dạy chúng các điệu nhảy của phương Tây và còn cho post các video này lên mạng nữa.”
Điệu nhảy Zumba của Châu Mỹ La Tinh được nhiều giới trẻ ở Iran ưa thích, song giới lãnh đạo bảo thủ lại không thích. Hamid Damghasni, một viên chỉ huy của Đội Quân Cách Mạng Iran, cho báo chí hay, “Các thành viên của nhóm dạy và quay phim các điệu nhảy đầm phương Tây đã bị nhận dạng và bị bắt. Họ bị kết tội muốn làm thay đổi nề nếp văn hóa và vi phạm quy tắc Hijab trong y phục ở Iran.”

Kenya: Đối lập phản đối kết quả bầu cử
Ông Raila Odinga, chính khách đối lập hàng đầu của Kenya tuyên bố hệ thống bầu cử đã bị tin tặc xâm nhập hầu làm thay đổi kết quả bầu cử. Ông Odinga phản bác kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử toàn quốc hôm qua ở Kenya, theo đó Tổng Thống đương nhiệm Uhuru Kenyatta đang dẫn đầu. Ông Wafula Chebutaki, Giám đốc Ủy ban Bầu cử của Kenya nhận xét là ông tin tương vào hệ thống bầu cử, tuy nhiên ông cũng ra lệnh mở cuộc điều tra về lời tố giác gian lận của ông Odinga.
Bạo động đã bùng lên sau cuộc bầu cử, trong lúc nhiều chính khách quốc gia Châu Phi này kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh. Theo tin của BBC thì có 1 người đã bị giết trong cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát nhưng các giới chức Kenya bác bỏ tin này. Trong cuộc bầu cử vào năm 2007, đã có trên 1,100 người Kenya bị giết và 600,000 người khác phải di tản tránh bạo động.

Ấn Độ: Náo loạn trong kỹ nghệ điện ảnh
Một hành động ngăn chận vừa xảy ra cho bất cứ ai muốn vào trang mạng Internet Archive để nghiên cứu về lịch sử điện ảnh Ấn Độ. Đây là kết quả của việc làm của hai nhà sản xuất phim ảnh Bollywood, họ tìm cách ngăn chận những tay ăn cắp phim ảnh đang cố lấy thành quả của họ rồi tung lên Internet.
Một quan tòa Ấn Độ cũng đã ra lệnh Internet phải ngăn chận 2,650 trang mạng chuyên tải bất hợp pháp phim ảnh, trong số này có cả trang mạng Internet Archive, có trụ sở ở San Francisco. Tòa Thượng Thẩm của thành phố Madras đã cho phép chuyện ngăn chận các trang mạng online này. Hai nhà sản xuất phim nói trên là Prakash Jah Productions và Red Chillies Entertainment của Ấn Độ.
Một quyết định cấm tương tự của Bộ Thông Tin Viễn Thông của Ấn Độ cũng thấy xuất hiện, nhưng vì không đưa ra lời giải thích nên hiện đang gây tình trạng khá hỗn loạn cho người sử dụng Internet với mục đích xem phim ở Ấn Độ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT