Người Việt Khắp Nơi

Đại hội kỷ niệm 90 năm trường Petrus Trương Vĩnh Ký

Monday, 19/11/2018 - 08:20:19

Ngoài ra về nghệ thuật có GS Trần Văn Khê (thiên tài âm nhạc), cầu thủ túc cầu nổi tiếng Phạm Huỳnh Tam Lang và còn rất nhiều nhân tài khác đều xuất thân từ trường Petrus Ký.

Thầy, trò Petrus Ký chụp hình lưu niệm sau tiết mục “Tôn Sư Trọng Đạo.” (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Chiều thứ Bảy, ngày 17 tháng 11, 2018 vừa qua, một số giáo sư và hàng trăm cựu học sinh thuộc hai Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc, Nam California và nhiều cựu học sinh Petrus Ký từ nơi xa về tham dự Đại Hội Kỷ Niệm 90 năm thành lập ngôi trường Trung Học lớn nhất tại Saigon cách nay gần một thế kỷ. Đại Hội được tổ chức tại nhà hàng Paracel , Westminster, Nam California.

Giáo sư Đặng Quốc Khánh đứng trước tấm hình cổng trường Petrus Ký nơi ông đã dạy dỗ hàng ngàn học sinh từ những năm 1957. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Để gợi lại hình ảnh ngôi trường thân thương của mình cũng như bộ đồng phục áo sơ mi trắng có thêu bảng tên “Hiệu Đoàn Petrus Ký,” ban tổ chức đã dựng tấm bảng có hình cổng trường Petrus Ký cách nay 90 năm, và trên bàn tiếp tân có bán áo sơ mi trắng và bảng tên Hiệu Đoàn Petrus Ký, một hình ảnh quen thuộc của học sinh các trường Trung Học Công Lập tại miền Nam trước 1975.

Trong nhà hàng, bốn màn hình lớn đặt bốn góc chiếu lên những hình ảnh rất qúy hiếm mà ban tổ chức còn giữ được, từ cổng trường, sân trường, khu hành lang rộng lót gạch rất đẹp đến hình ảnh các học sinh ngày xưa, mặc quần áo dài trắng, đầu đội nón đi học và hễ gặp giáo sư là ngả mũ, cúi rạp xuống kính cẩn chào Thầy.

Đến tham dự chung vui với Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc, Nam Cali có ban đại diện các trường trung học lớn tại miền nam Việt Nam trước 1975 như Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt Saigon; Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm Cần Thơ cùng nhiều trường bạn khác.


Hình ảnh lúc tan trường của học sinh Petrus Ký cách nay gần một thế kỷ (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau nghi thức chào cờ khai mạc, ông Trần Văn Nam, Hội Trưởng Bắc Cali, và ông Võ Quang Đạt, Hội Trưởng Nam Cali đồng Trưởng Ban Tổ Chức lên ngỏ lời kính chào qúy vị giáo sư, quan khách và đồng môn.

Sau đó, ông Trần Văn Nam nói về lịch sử thành lập ngôi trường mang tên nhà bác học VN Petrus Trương Vĩnh Ký (ông là người theo Thiên Chúa Giáo có tên thánh là Petrus, tiếng Việt gọi là Phêrô), “Trường do toàn quyền Pháp tại Đông Dương Renaul Robert ký Nghị Định số 3 -116 vào năm 1925 cho phép xây dựng trường tại Saigon do kiến trúc sư người Pháp vẽ họa đồ. Năm 1926 bắt đầu xây dựng và năm 1927 tuy chưa xây xong cũng đã khai giảng hai lớp khoảng 100 học sinh, và đến năm 1928 sau khi hoàn thành trường Petrus Ký và đặt tượng đồng học giả Trương Vĩnh Ký trước dinh Thống Đốc tức là trước Dinh Độc Lập bây giờ, viên Toàn Quyền chính thức đặt tên trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký.

“Vị Hiệu Trưởng đầu tiên là người Pháp và bốn vị khác cũng là người Pháp, sau có 12 vị Hiệu Trưởng người Việt Nam mà tên tuổi của các vị này nhiều người đều đã biết như các cố GSTS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Minh Đức, Bùi Duy Lộc..và hiện còn hai vị Hiệu Trưởng hiện tiền là GS Trần Văn Nhơn và GS Trần Ngọc Thái. GS Thái hai lần làm Hiệu Trưởng Petrus Ký.

“Sở dĩ đặt tên trường như vậy là vì học giả Trương Vĩnh Ký của chúng ta là nhân vật vô cùng uyên bác, ông là một nhà ngôn ngữ học, một nhà hành chánh lỗi lạc và tên ông đã được kể vào trong số 18 nhà bác học hàng đầu của thế giới lúc bấy giờ. Ông cũng là người đầu tiên đưa văn học chữ quốc ngữ vào nền văn học nước nhà và được coi như ông tổ làm báo chí bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam.”

Ông Trần Văn Nam và các học sinh Petrus Ký rất hãnh diện với ngôi trường của mình, và không hổ thẹn với lời nhắc nhở của nhà nho Nguyễn Phúc Ưng Thiều, cháu đích tôn vua Tuy Lý Vương qua đôi câu đối đặt hai bên cổng trường: “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt - Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm” nhắn nhủ học sinh Petrus Ký hãy lấy Tam Cương, Ngũ Thường mà khắc vào xương cốt, lấy khoa học Âu Tây mà ghi tạc vào lòng.

Với những lời nhắc nhở đó, lại được các vị giáo sư uyên bác hết lòng dạy dỗ nên trong 90 năm qua, học sinh Petrus Ký đã đóng góp vào việc xây dựng tổ quốc biết bao nhiêu danh tài, đơn cử như cụ Trần Văn Lắm (Ngoại Trưởng VNCH), Bác Sĩ Nguyễn Tăng Nguyên (Tổng Trưởng Y Tế VNCH), GS Lê Văn Thới (Khoa Trưởng Khoa Học Saigon), LS Lê Văn Thu (Tổng Trưởng Tư Pháp VNCH), BS Đặng Văn Chiếu (Khoa Trưởng Y Khoa), BS Trần Ngươn Phiêu (Tổng Trưởng Xã Hội), một vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện VNCH), GS Đỗ Bá Khôi, GS Lưu Khôn (Giám Học trường PTG-ĐTĐ Cần Thơ), GS Nguyễn Trung Quân (Hiệu Trưởng PTG-ĐTĐ Cần Thơ), BS Nguyễn Cao Cường (dạy Đại Học Y Khoa).

Ngoài ra về nghệ thuật có GS Trần Văn Khê (thiên tài âm nhạc), cầu thủ túc cầu nổi tiếng Phạm Huỳnh Tam Lang và còn rất nhiều nhân tài khác đều xuất thân từ trường Petrus Ký.

Sau lời trình bày của ông Trần Văn Nam, Hội Trưởng Petrus Ký Nam Cali, ông Võ Văn Đạt tuyên bố khai mạc Đại Hội. Để bày tỏ lòng Tôn Sư Trọng Đạo, ban tổ chức mời tất cả các giáo sư Petrus Ký: Đặng Quốc Khánh, Trần Văn Thưởng, Dương Ngọc Sum, Châu Thành Tích, Vũ Trọng Thu, Nguyễn Hữu Phước, Trần Hữu Tắc, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Lộc Thọ, Hồ Thị Điệp, Nguyễn Thị Đoan Trang, Lê Kỳ Nam, Phan Thu Yến, Nguyễn Thị Phương quả phụ cố GSTS Nguyễn Thanh Liêm, bà Frances Nguyễn Thế Thủy ái nữ GS Nguyễn Văn Thái lên ngồi trên hàng ghế danh dự để các học sinh trao tặng qúy Thầy, Cô món quà lưu niệm.
Nhân dịp này, bác sĩ Phạm Gia Cổn cũng tặng quý giáo sư mỗi vị một video hướng dẫn tập môn “Khí Công Hoàng Hạc” do bác sĩ Cổn sáng lập để giúp quý giáo sư tập luyện mỗi ngày có thêm năng lực, khỏe mạnh trong tuổi già. Sau khi nhận quà, GS Vũ Trọng Thu đại diện các giáo sư và cựu học sinh Tô Văn Cấp đại diện các học sinh Petrus Ký bày tỏ cảm tưởng.

Viễn Đông có dịp tiếp chuyện giáo sư Đặng Quốc Khánh được ông cho biết, “Tôi dạy môn Toán tại Petrus Ký từ năm 1957 và tôi hãnh diện là các học sinh Petrus Ký đều thành đạt rất nhiều và trước 1975, các cựu học sinh trường Petrus Ký đã nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền VNCH, và điều làm tôi nhớ nhất là học sinh Petrus Ký rất kỷ luật. Tôi nhớ khi tôi đến lớp, lối lên cầu thang bao giờ học sinh cũng đi một bên, để một bên cho thầy và khi gặp giáo sư nào là gập mình xuống 90 độ chào rất lễ phép và học rất giỏi, cụ thể là mổi khi thi tốt nghiệp tỷ lệ đậu thường là 100%.”

Bác sĩ Bùi Thiện Triệu (phu quân Dược Sĩ Trần Thu Hằng, Trần Pharmacy) cho biết, “Tôi học Petrus Ký khoảng từ năm 1962, 1963 và trường Petrus Ký là một trường lớn tại Saigon, có Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp, Đệ Thất đến Đệ Nhất, mỗi lớp có tới chục lớp, như Đệ Thất A, B, C, D… học sinh Petrus Ký nổi tiếng có kỷ luật và đậu cao trong các kỳ thi Tú Tài I, II. Kỷ niệm thì rất nhiều nhưng bây giờ không nhớ hết!”
Cùng tham dự Đại Hội có một cựu học sinh cao niên nhất là ông Trần Hữu Vinh học sinh Petrus Ký năm 1946, hiện nay ông 90 tuổi nhưng còn khỏe mạnh.

Sau các tiết mục trên, Đại Hội bước sang phần ẩm thực, văn nghệ và cuối cùng là phần dạ vũ.
Ngoài Đại Hội kỷ niệm 90 năm Trường Petrus Ký, vào lúc 10 giờ ngày 08 tháng 12, 2018 sẽ có buổi Triển Lãm và Hội Thảo, Tưởng Niệm nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) tại hội trường báo Người Việt do GS Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm Cần Thơ và các ông Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh thực hiện. Ban Tổ Chức mời quý đồng hương đến tham dự.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT