Đạo và Đời

Đại cương về kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 3)

Thursday, 07/08/2014 - 08:21:39

Tại sao câu chú này lại phá được bùa? Bởi vì bùa là chuyện vị ngã, muốn đạt mục đích này mục đích kia. Bùa đó vẫn còn bản ngã, phần âm binh đó muốn thỏa mãn dục vọng, cho nên không thể thắng được câu thần chú từ quang minh của bản tánh Phật, từ một người đã siêu thoát ra ngoài hình tướng, là hình ảnh của vị hóa Phật

Bài giảng của Thầy Hằng Trường do học trò ghi lại

Tại sao câu chú này lại phá được bùa? Bởi vì bùa là chuyện vị ngã, muốn đạt mục đích này mục đích kia. Bùa đó vẫn còn bản ngã, phần âm binh đó muốn thỏa mãn dục vọng, cho nên không thể thắng được câu thần chú từ quang minh của bản tánh Phật, từ một người đã siêu thoát ra ngoài hình tướng, là hình ảnh của vị hóa Phật. Bộ kinh này chỉ là muốn giảng giải sự thâm thúy của hình tướng đó, không có gì mê tín.

Trong cuộc sống bây giờ, người ta phân thân thể của chúng ta ra làm ba phần: phần từ tâm oa (chấn thủy) đi xuống được gọi là tiềm thức, phần từ ngực đi lên tới mí mắt là phần ý thức. Phần tiềm thức là phần ta che dấu không muốn cho ai thấy. Phần ý thức là phần chia sẻ được. Phần từ mí mắt lên đỉnh đầu rồi ra ngoài được gọi là siêu ý thức. Phần siêu ý thức là phần ra ngoài sự suy nghĩ và suy luận của ta. Vì vậy trong cuộc sống có những hiện tượng mà ta nghĩ lầm là siêu ý thức và tiềm thức. Phần siêu ý thức là do thiền định chuyển những năng lực hay những khả năng ra ngoài ý thức. Đó là con đường tiến hóa của con người chúng ta. Con người ngày càng phát triển phần siêu ý thức.

Nhưng phần được gọi là tiền ý thức (pre-rational hay pre-conscious) thực sự là mê tín. Sự mê tín này lúc nào cũng có bản ngã và chỉ xoay quanh bản ngã, xoay quanh chuyện làm sao thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn sự sinh tồn, làm sao thỏa mãn được những chuyện kích thích của thân xác mà thôi. Phần này gọi là tiền ý thức hay mê tín. Thí dụ khi thầy qua Đài Loan, thấy có một nhóm nọ thắp hương cầu xin Mã Tổ giúp họ buôn bán được thuận lợi. Thầy đi ngang qua thấy vậy nhưng không dám hỏi, vì sợ hỏi rồi họ bỏ bùa mình chết. Nhưng rồi dằn lòng không được, thầy mới hỏi họ cầu để làm ăn thuận lợi nhưng thế nào là làm ăn thuận lợi. Người này trả lời,

“Ồ, ta cứ cầu rồi Mã tổ, tức là Mã nương sẽ ban phúc cho”

“Nhưng bác có nghĩ rằng chuyện buôn bán, làm ăn cần có đạo đức, có khoa học không? Tại sao bác lại nghĩ rằng cầu như vậy sẽ được?”

“Thầy đừng lo, chúng tôi xin là được”.

Thưa bác đây gọi là mê tín bởi vì chúng ta không nhìn vào khả năng làm việc của mình, không nhìn vào tổ chức, không nhìn vào nguyên tố xã hội, nguyên tố kinh tế. Chúng ta không nhìn vào đâu cả mà chỉ dựa vào một quyền năng nào đó để thỏa mãn dục vọng của chúng ta. Đó là mê tín.

Nhưng phần siêu ý thức không phải là mê tín mà là ta ngồi thiền để phát triển năng lực, phát triển những khả năng mà óc não có thể phát triển được. Não bộ của chúng ta thực ra chưa được phát triển hoàn toàn. Ngày xưa người ta cho rằng các tế bào não không còn sản sinh được, nhưng bây giờ người ta khám phá ra là các tế bào não bộ có thể sản sinh được. Trong một cuộc nghiên cứu mới nhất gần đây, người ta thấy rằng một số người, khi cứ lập đi lập lại một câu thần chú, sẽ tạo ra một vùng não mới trong đầu. Người ta rất ngạc nhiên về sự khám phá này. Có rất nhiều nhà sư Tây Tạng chỉ nhờ trì chú mà sinh ra sự tái tạo não bộ. Do vậy, việc đọc một câu chú mà sinh ra một tâm thức mới không phải là chuyện mê tín. Việc này càng ngày càng được chứng minh bởi khoa học. Trong tờ Scientific Medicine cách đây vài tháng, có đề cập tới sự phát triển của não bộ, đặc biệt với những người ngồi thiền chỉ trì chú thôi. Điều này cho thấy có rất nhiều chuyện kỳ bí trong việc đọc chú.
Thầy nói dài dòng nãy giờ nhưng vẫn chưa cho biết tên kinh là gì. Tên kinh này không thôi cũng đã rất dài, đó là “Đại Phật Đỉnh Như Lai Phật mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ tát vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh”. Đọc qua tên kinh này, chúng ta thấy dài và không hiểu ý nghĩa là gì. Thầy xin được giải thích:

-Chữ Thủ Lăng Nghiêm được phiên âm từ tiếng Phạn Suramgama. Lăng Nghiêm là nói lên trạng thái tâm thức cao nhất, trạng thái của một vị Phật hóa ra từ đỉnh đầu của đức Thích Ca. Đó là trạng thái khai mở tối cao. Trạng thái đó gồm có hoa sen nở ra có muôn ngàn ánh sáng, có vị Phật hiện ra đọc thần chú. Hoa sen là bản thể, quang minh là tướng trạng. Ông Phật hóa Phật là diệu dụng. Chữ Suramgama vừa có bản thể, vừa có tướng trạng, vừa có diệu dụng. Chữ đó nói lên cảnh giới khai mở của tâm thức, như là hoa sen, cảnh giới có quang minh vô lượng, và là cảnh giới có diệu dụng, có câu thần chú làm cho toàn cõi vũ trụ sẽ bị ảnh hưởng tới. Ảnh hưởng gì? Trở nên chân thiện mỹ.

-Chữ Surangama có nhiều ý nghĩa, cho nên phía trước có những chữ để giải thích. Thí dụ chữ Đại Phật Đỉnh nghĩa là cái đỉnh của chư Phật. Nằm trên cùng của tất cả chư Phật là cái đỉnh, chỗ tối cao của chư Phật. Trên đầu mỗi vị Phật đều có tướng vô kiến định tướng, nghĩa là đứng bất cứ hướng nào, chúng ta cũng thấy đỉnh đầu của ngài, vì ngài phóng quang từ đó và làm cho chúng ta không nhìn được chỗ đó. Sau này trong hình tượng, người ta làm cho chỗ đó u lên, thực ra là chúng ta không nhìn được chỗ đó. Hào quang lúc nào cũng tỏa sáng từ chỗ đó nên chúng ta không nhìn được. Đó là đỉnh. Còn Đại Phật Đỉnh nghĩa là chỗ đỉnh cao nhất của đức Phật. Nhưng tại sao lại đại? Ý nói là chỗ này quá lớn lao, quá vĩ đại, ta không nhìn thấy, ở trên cùng chớ không nằm dưới. Bây giờ chúng ta gọi là luân xa số 7, nằm trên cùng.

-Như Lai mật nhân: Như Lai tức là Phật; mật là bí mật; nhân nghĩa là chủng tử, hạt giống trồng. Hạt giống trồng là sao? Đây là hạt giống khiến ta thành Phật. Tại sao bí mật? Bởi vì ta không hề để ý tới. Bí mật ở đây không phải là thần bí mà ý nói ta không để ý tới hạt nhân này. Tuy hết sức rõ ràng, nhưng ta không để ý tới. Thường khi chúng ta làm lỗi gì, ai cũng thấy nhưng chính ta lại không thấy. Như thế gọi là bí mật. Thí dụ ai cũng thấy là ta kiêu ngạo, nhưng ta lại không thấy; hoặc người nào cũng thấy là ta hay nói dối, nhưng ta lại tin rằng mình nói thật. Đó gọi là mật. Mật nghĩa là không thấy, không để ý tới. Mật nhân ở đây là chủng tử thành Phật, chỗ không còn dính vào bản ngã nữa. Nếu Đại Phật Đỉnh nói về hoa sen mở ra trên đỉnh đầu, thì Như Lai mật nhân này nói về hào quang. Hào quang là cái nhân để thành Phật. Hào quang đó người nào cũng có cả, được gọi là tự tánh. Chúng ta cần phải phát triển hào quang đó, đó là cái nhân quan trọng để thành Phật. Chúng ta phải lấy hào quang làm gốc để tu.

Khi tu, nếu chúng ta không phát triển hào quang của tự tánh, hay quang minh của tự tánh, thì rất uổng. Hào quang này ai cũng có, nhưng chúng ta không để ý tới. Hào quang đó là gì? Thí dụ ra đường thấy một người nghèo khổ, ta sinh lòng thương, muốn làm một điều gì đó, mà thông thường ta không muốn làm cho tới khi gặp người này. Đó gọi là hào quang hay tình thương. Khi có một câu chuyện gì rắc rối khiến hai người tranh cãi với nhau. Ta thấy việc tranh cãi này vô lý, và hai người cần ngồi lại với nhau. Ta tới khuyên giải và tuy chỉ vài câu ngắn ngủi, ta làm sáng tỏ vấn đề khiến họ không còn tranh cãi nữa. Lời nói của ta chính là hào quang. Hào quang đó đã đem tới sự hài hòa cho hai bên. Hào quang có nhiều chuyện, nhiều thứ và ở dưới muôn dạng. Thầy xin dành một kỳ khác để nói tới hào quang của tự tánh trong kinh Lăng Nghiêm này.

Nếu chúng ta tu hào quang đó tức là chúng ta tu đúng, vì đó là cái nhân để thành Phật. Nhưng nếu ta tu với ý muốn có thêm nhiều tiền, công đức cao một chút, v.v.. thì trật rồi. Hào quang lúc nào cũng có, và ta tu hào quang là đúng.

-Tu chứng liễu nghĩa: nghĩa là trong sách này có ý nghĩa cứu cánh. Liễu nghĩa này không tạm thời. Nếu ý nghĩa đó thời Đường thì đúng, nhưng sang thời Minh lại trật, thì không phải là liễu nghĩa. Liễu nghĩa là ý nghĩa đó phải đúng vào mọi thời, mọi lúc. Thí dụ định luật về sức hút của trái đất, tung một vật lên thì vật đó rơi xuống đất. Sự kiện này dù xảy ra ngàn năm trước hay bây giờ cũng đều giống nhau. Một bộ kinh nếu đúng là lời chư Phật hay bồ tát nói dù 1000 năm trước, 1000 năm sau, ngay cả 2000 năm sau cũng vẫn đúng.

Bộ kinh Lăng Nghiêm này có một phần rất quan trọng và tại sao kinh Lăng Nghiêm trở thành rường cột cho những người tu thiền? Bởi vì, muốn tu đạo bồ tát thì hãy học kinh Hoa Nghiêm. Muốn tu thiền đạt giác ngộ, hãy đọc kinh Lăng Nghiêm. Muốn mở tâm nhận Phật tánh hãy đọc kinh Pháp Hoa. Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh rốt ráo nhất nói về cách tu chứng. Tu chứng này là gì? Đó là thiền định.

-Chữ cuối cùng là chư bồ tát vạn hạnh: nói tới vạn hạnh của chư bồ tát. Chư bồ tát tu kiểu gì, làm gì, hạnh gì.v.v.. đều được tóm gọn trong này. Đây là bộ kinh nói chi tiết nhất về ngũ đại, ngũ ấm, 12 nhân duyên, thập đạo chúng sanh, về tất cả những gì ta có thể hình dung được qua một phương thức lý luận rất thâm sâu khi đề cập đến từng phần một (category). Sau khi nói về từng phần một, mới nói về cách tu nổi tiếng nhất trong kinh Lăng Nghiêm là cách tu của những vị thánh đã chứng quả. Có 25 vị đặc biệt nhất đã chứng ngộ và cách họ tu hành.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT