Đạo và Đời

Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 4)

Thursday, 14/08/2014 - 10:51:16

Lần trước chúng ta đã nói sơ qua về ý nghĩa của chữ được gọi là tên của kinh Lăng Nghiêm. Tên đó dài như vầy: Đại Phật Đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ tát vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường do học trò ghi lại

Lần trước chúng ta đã nói sơ qua về ý nghĩa của chữ được gọi là tên của kinh Lăng Nghiêm. Tên đó dài như vầy: Đại Phật Đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ tát vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh.

-Đại Phật Đỉnh nói tới hoa sen 1000 cánh trên đỉnh đầu của ngài. Đây là bản thể của sự tu hành hay là bản thể của Phật tánh. Hoa sen không ngừng khai mở và sự khai mở không ngừng đó chính là bản chất của tu hành. Tu hành là không ngừng khai mở, không ngừng tiến hóa. Cho nên nơi Phật đỉnh này hiện ra hoa sen ngàn cánh. Đây là một câu chuyện rất hay trong Phật giáo. Câu chuyện đó nói tới việc ngài Anan được Phật cứu. Từ nơi đỉnh đầu của ngài hiện ra hoa sen. Trong hoa sen đó hiện ra hào quang. Hào quang đó chính là cái nhân cho mình tu hành. Mỗi người chúng ta đều có một hào quang. Hào quang đó được gọi là hào quang của tự tánh. Hào quang đó nếu phát ra nơi lồng ngực của chúng ta thì được gọi là tình thương vô tận hay lòng đại từ đại bi. Nếu hào quang phát ra từ giữa chân mày thì được gọi là trí bát nhã. Nếu hào quang phát ra từ cổ, như trong kinh Hoa Nghiêm có đoạn nói đức Phật phóng hào quang từ cổ ra, thì ta trở thành biện tài vô ngại. Nghĩa là ta thông suốt mọi giáo lý từ trước tới nay và ta có thể nói bất tận. Mỗi hào quang phát ra từ mỗi nơi trong người chúng ta đều có một ý nghĩa khác nhau, có công dụng khác nhau. Nếu hào quang phát ra từ tâm oa (nơi chấn thủy), tức luân xa số 3, tự tánh của hào quang đó phát ra không còn bị bó buộc bởi thân thể nữa, ta sẽ trở thành một người hết sức tự tại, như một chân chân, không còn vướng vào danh lợi, vào cuộc sống. Hào quang phát ra từ chỗ nào, chỗ đó có đặc tính của Phật tánh. Nếu hào quang phát ra từ lỗ rún, ta sẽ cảm nhận một niềm hoan lạc vô cùng. Niềm hoan lạc đó khiến ta muốn buông xả, muốn cúng dường, muốn bố thí chớ không muốn chạy theo dục vọng, không muốn có thêm, không muốn lấy vào nữa mà chỉ muốn bố thí, xả ra. Hào quang phóng ra từ chỗ đáy cùng của thân thể, dưới hai lòng bàn chân hoặc luân xa số 1, Hội Âm, sẽ khiến ta không còn bị hoàn toàn cột vào thân xác này nữa, mà sẽ liên kết với mọi hình tướng vật chất của chúng sanh ở tất cả mọi nơi, ta sẽ có một niềm hoan lạc bởi không còn thấy thân xác này là thân xác của ta nữa. Sự giải thoát đó tới một cách cực kỳ thâm sâu.

Khi hào quang tỏa ra trên đỉnh đầu, nơi luân xa số 7, sẽ khiến ta hòa nhập với pháp giới, tức là vũ trụ tối cao. Pháp giới tức là vũ trụ bao gồm cả thánh và phàm, sắc giới, dục giới, vô sắc giới; bao gồm cả vũ trụ thiền định của tất cả những người ngồi thiền; bao gồm tất cả những chuyện hữu lậu và vô lậu. Tất cả mọi chuyện đều nằm trong pháp giới. Khi hào quang lan tỏa từ đỉnh đầu tức là ta hòa nhập vào pháp giới, ta hoàn toàn tự do tự tại, ở trong tất cả vũ trụ. Chúng ta lấy hào quang này làm nhân để tu. Đó được gọi là Như Lai mật nhân. Mật nhân là nhân không hiện lộ ra và nhân này khiến ta thành Như Lai, thành Phật. Cho nên chúng ta phải tu để phát triển hào quang của tự tánh mình.

‘Tu chứng liễu nghĩa’ nghĩa là khi ta tu theo kinh Lăng Nghiêm, ta tu một cách rốt ráo, vừa tu vừa chứng. Chứng tức là thành đạt nên được biểu hiệu bằng một vị hóa Phật. Vị hóa Phật này hiện ra trên đỉnh đầu của đức Phật. Sau khi đức Phật ngồi thiền thì có một hoa sen trên đỉnh đầu của ngài nở ra. Hoa sen đó có hào quang bất tận.Trong hào quang bất tận đó có một vị hóa Phật. Vị hóa Phật đó nói rằng nếu chúng ta tu theo kinh Lăng Nghiêm thì ta sẽ chứng được cảnh giới tối cao. Đó là lý do hiện ra một vị hóa Phật. Nếu không ta sẽ nghĩ tu là không có gì cả, sẽ thành chơn không. Cũng giống như khi đang tu ta còn mang giầy dép, đến khi chứng được thì đi chân không. Điều này vô lý quá. Đây không phải là ý nghĩa của câu “tu chứng liễu nghĩa” mà là ta thực sự chuyển hóa con người mình, từ phàm phu ra thánh hiền.

Chư bồ tát vạn hạnh nghĩa là không biết bao nhiêu công hạnh của chư bồ tát sẽ được hiển thị, dạy dỗ trong kinh Lăng Nghiêm. Có một bộ phận gọi là chú Lăng Nghiêm, gồm năm bộ phận để tụng. Mỗi bộ phận đều có tên của những vị thần, tên các công hạnh để tu hành. Trong chú đó bao gồm không biết bao nhiêu công hạnh để tu hành. Chú Lăng Nghiêm có mấy trăm chữ, mấy trăm câu thì đều nói tới chuyện tu hành, đều nói tới những vị bồ tát.

Thủ Lăng Nghiêm được phiên âm từ chữ Suramgama, nói tới cảnh giới tối cao tối thượng vừa được giải thích nơi chữ “Đại Phật Đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ tát vạn hạnh”.

-Thầy muốn nhắc lại duyên khởi của bộ kinh này là do ông Anan đi khất thực bị một cô gái bỏ bùa khiến ông sắp mất giới. Do đó khi dùng bữa xong, thay vì nói pháp, đức Phật đã ngồi thiền, dùng hào quang phóng ra và có vị hóa Phật, để giải cứu Anan. Khi ông Anan trở về, đức Phật mới bắt đầu dạy dỗ, nói chuyện.

Tại sao kinh Lăng Nghiêm chiếm một vị trí rất quan trọng đối với những người tu hành trong các thời đại từ đời Đường, qua đời Tống, đời Nguyên, đời Minh, đời Thanh...v.v... Hầu như vị thiền sư nào thời đó cũng đều đọc kinh Lăng Nghiêm. Thậm chí kinh Lăng Nghiêm còn là rường cột của thiền Phật giáo trong một thời gian rất lâu. Theo thiền phái Huệ Năng, thiền sư không học kinh điển gì hết. Họ chỉ cần trực chỉ chân tâm, thấy được tâm của họ. Nhưng nói tới kinh Lăng Nghiêm, không một vị thiền sư nào muốn phủ nhận, họ vẫn đọc, vẫn học. Vị thiền sư nổi tiếng trong thời cận đại của thế kỷ 20 là ngài Hư Vân. Ngài đã chứng ngộ rồi và ngài chỉ soạn một cuốn sách chú giải duy nhất trong đời ngài, đó là cuốn chú giải kinh Lăng Nghiêm. Ngài đã bỏ ra không biết bao nhiêu năm, tận tình chú giải cuốn kinh này. Theo ngài đó là cuốn kinh duy nhất mà người tu thiền cần có để gối đầu giường. Rất tiếc vào năm 1949, do loạn lạc, cuốn chú giải này bị đốt và thất lạc. Đối với ngài, kinh Lăng Nghiêm là cuốn kinh gối đầu giường mà chúng ta cần phải biết.

Nếu không tu thiền, đương nhiên chúng ta không cần phải chú ý lắm. Nhưng nếu có tu thiền, chúng ta sẽ thấy kinh Lăng Nghiêm nổi tiếng ở hai chỗ: thứ nhất là chú Lăng Nghiêm, một chú linh nghiệm vô cùng. Tất cả chùa bên Trung Hoa và tại Việt Nam đều có phong tục rất đẹp là mỗi sáng sớm chúng ta đều tụng chú Lăng Nghiêm, từ câu đầu đến câu cuối. Truyền thống này rất đẹp. Buổi sáng tới chùa, khoảng 3, 4 giờ sáng, lắng nghe chư tăng ni tụng, thật hùng hồn, khiến tâm hồn ta rung động, cảm thấy như thức dậy từ một cơn mộng mị của đêm dài, khiến ta cảm nhận được sức mạnh của năng lượng trong người khi tụng câu thần chú Lăng Nghiêm.

Chắc nhiều người trong chúng ta đã biết câu cuối cùng của chú Lăng Nghiêm, gọi là tâm chú “tán a na lệ tỳ v.và”. Câu này linh nghiệm cực kỳ. Trong kinh nói rằng chỉ phần cuối này không thôi, cũng khiến ta không còn bị ma quỷ phá phách. Những người ngồi thiền thường tụng chú Lăng Nghiêm trước khi thiền. Đó là một truyền thống rất đẹp. Đến ngày hôm nay, cuốn kinh đã trải qua 1000 năm, nhưng vẫn được người ta tiếp tục trì tụng.

-Ai là người dịch cuốn kinh Lăng Nghiêm này? Ngài tên là Bát Lặc Mặc Đế, người Ấn Độ. Tương truyền rằng ngày đó bên cạnh nước Ấn Độ có một quốc gia nhỏ bé và bộ kinh này được quý đến độ được coi là quốc bảo. Vua không cho đem kinh này ra ngoài. Khi ngài Bát Lặc Mặc Đế tới làm quốc sư ở đây, mới biên chép lại, rồi xẻ thịt nơi cánh tay của mình để cuốn kinh này vào, mới đem cuốn kinh lọt khỏi quan ải. Có truyền thuyết nói rằng cuốn kinh được nhét vào bắp chân. Nhưng có truyền thuyết khác nói rằng ngài Bát Lặc Mặc Đế là một vị cao tăng nên không bỏ kinh vào chân và nhét vào cánh tay, rồi khâu chỗ cắt này lại.

Ngày xưa kinh điển không được in mà chép bằng tay, bằng chữ rất nhỏ. Người ta đem kinh điển từ chỗ này tới chỗ khác rất khó khăn, không phải dễ. Tường truyền rằng ngài Bát Lạc Mặc Đế tới Trung Hoa học tiếng Trung Hoa rất mau và ngài đã dịch bộ kinh này ra tiếng Trung Hoa. Trong Phật giáo, cuốn kinh Lăng Nghiêm được coi là có lối hành văn xuất sắc nhất, không thua những vài văn của những học giả giỏi nhất Trung Hoa thời bấy giờ. Văn của kinh Hoa Nghiêm hay văn của kinh Pháp Hoa rất khác với những bộ kinh khác. Văn của kinh Pháp Hoa được dịch lại rất đẹp, rất trôi chảy. Nhưng văn của kinh Lăng Nghiêm cực kỳ trau chuốt. Chữ dùng khó, người bình thường không thể đọc hiểu được. Điều này nói lên mức độ nghiên cứu và văn học của kinh Lăng Nghiêm rất cao, mức độ thâm chứng của kinh Lăng Nghiêm rất sâu.

(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT