Thế Giới

Cựu tổng tham mưu trưởng TQ sẽ bị truy tố

Tuesday, 09/01/2018 - 07:45:20

Đầu năm 2016, tướng Phòng được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp. Đến tháng 8, 2017, tướng Phòng bị miễn nhiệm và người thay thế ông là Tư Lệnh Lục quân Lý Tác Thành.

BẮC KINH - Thượng Tướng Phòng Phong Huy, người từng là tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân Dân Trung Quốc, sẽ bị truy tố tội đưa và nhận hối lộ. Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin hôm thứ Ba, Thượng Tướng Phòng Phong Huy sẽ được giao cho cơ quan kiểm soát quân đội để điều tra. Bản tin không cho biết thêm các chi tiết khác.
Tướng Phòng Phong Huy, sinh năm 1951, từng là tư lệnh trẻ nhất của một quân khu thuộc Quân đội Trung Quốc. Ông trải qua nhiều vị trí trước khi trở thành tư lệnh Quân khu Bắc Kinh vào tháng 7, 2007. Tháng 10, 2012, ông được bổ nhiệm giữ chức tổng tham mưu trưởng quân đội quốc gia, và 1 tháng sau trở thành ủy viên Quân ủy trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc tại đại hội 18.
Đầu năm 2016, tướng Phòng được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp. Đến tháng 8, 2017, tướng Phòng bị miễn nhiệm và người thay thế ông là Tư Lệnh Lục quân Lý Tác Thành. Tướng Phòng là "con hổ" mới nhất của quân đội Trung Quốc bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng mang tên "đả hổ diệt ruồi" do Chủ Tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ khi lên nắm quyền. Trước đó, một số nhân vật cấp cao của quân đội Trung Quốc cũng đã bị điều tra vì tham nhũng.


Nam - Bắc Hàn mở lại đường dây nóng quân sự
SEOUL – Các chính quyền Nam – Bắc Hàn đã đồng ý mở lại đường dây nóng quân sự, trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi nối lại liên lạc dân sự. Tại cuộc thảo luận chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm, Bắc Hàn cho biết một đường dây nóng ở khu vực phía tây biên giới đã được cho hoạt động trở lại. Phó Bộ Trưởng Bộ Hợp Nhất Nam Hàn Chun Hae-sung hôm thứ Ba cho biết: “Nam Hàn đã quyết định bắt đầu dùng đường dây nóng quân sự từ 8 giờ sáng thứ Tư.”
Đường dây điện thoại quân sự bị đóng vào tháng 2, 2016, khi Seoul tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong gần biên giới, khiến quan hệ 2 miền xấu đi. Một đường dây nóng quân sự khác ở phía đông bán đảo Triều Tiên - bị cắt từ năm 2008 khi Seoul đình chỉ chương trình du lịch tới Núi Kumgang - hiện vẫn không hoạt động vì lý do kỹ thuật.
Cả hai đường dây nóng quân sự được thiết lập trong giai đoạn 2002 - 2003. Đây là lúc hai miền trên bán đảo Triều Tiên có khoảnh khắc hữu nghị hiếm hoi dưới thời các đời tổng thống cánh tả Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Tuyên bố hôm thứ Ba được đưa ra sau khi hai nước nối lại liên lạc dân sự thông qua làng biên giới Bàn Môn Điếm hôm 3 tháng 1. Seoul trước đó đề nghị đối thoại cấp cao, nhằm đáp lại việc lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tỏ ra hòa hoãn. Trong diễn văn đầu năm mới, ông Kim đề nghị gởi một đội thể thao tới Olympic Mùa Đông ở Nam Hàn, hành động hiếm hoi được cho là nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo.

Thương vụ giữa Huawei và AT&T bị hủy bỏ
BẮC KINH - Hãng công nghệ Huawei vừa bị hủy một hợp đồng quan trọng với hãng AT&T, vốn có nội dung cho phép công ty Trung Quốc bán điện thoại smartphone tại thị trường Mỹ thông qua hãng viễn thông Hoa Kỳ. Giao dịch thất bại này sẽ đe dọa quan hệ thương mại Mỹ-Trung, và Bắc Kinh có thể sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả nếu tình hình tiếp tục leo thang, theo dự đoán của các chuyên gia và cựu viên chức thương mại Trung Quốc.
Hãng Huawei, có trụ sở tại Thiên Tân, lẽ ra sẽ công bố hợp đồng đối tác với AT&T tại Las Vegas vào thứ Ba, nhưng hợp đồng đã bị hủy vào phút chót. Sự kiện này được cho là do áp lực chính trị, theo tin tức từ một trang web công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Trang tin tức này cho biết, hãng AT&T bị áp lực phải hủy thương vụ, sau khi các Ủy Ban Tình Báo của lưỡng viện Quốc Hội vào ngày 20 tháng 12 đã gởi thư đến Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang, bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Huawei muốn bán smartphone thông qua hãng viễn thông lớn của Hoa Kỳ.
Việc thương vụ bất ngờ bị hủy bỏ là dấu hiệu mới nhất về sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong vấn đề thương mại và đầu tư, đồng thời cho thấy Washington ngày càng e ngại trước các khoản đầu tư từ đại lục. Chính phủ Hoa Kỳ hiện cũng đang kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc, và thắt chặt kiểm soát các công ty Hoa lục, đặc biệt là các hãng trong lĩnh vực công nghệ cao. Vào tuần trước, Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài cũng ngăn chận việc hãng Ant Financial của Trung Quốc mua lại hãng chuyển tiền MoneyGram của Hoa Kỳ, với lý do lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Phi phản đối Tàu lập căn cứ trên đảo nhân tạo
MANILA – Chính phủ Manila đang chuẩn bị đưa ra lời phản đối ngoại giao với Trung Quốc, sau khi nước này không giữ lời hứa về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông, theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân. Thông báo của Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana được đưa ra sau khi đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV vào ngày 30 tháng 12 đã chiếu các hình ảnh từ trên không, cho thấy đảo Fiery Corss có vẻ như đã được chuyển thành một căn cứ Không quân.
Ông Lorenzana cho biết, lời phản đối sẽ được chuyển đi thông qua Bộ Ngoại Giao. Vị bộ trưởng này nói, chính phủ Trung Quốc cách đây không lâu đã hứa sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo. Nếu có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đưa binh sĩ và các hệ thống vũ khí lên đảo, đây sẽ là sự thất hứa.
Đáp lại sự phản đối của Phi Luật Tân, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm thứ Ba nói, việc xây dựng được thực hiện trên lãnh thổ nước này, và có tác dụng hỗ trợ hòa bình trong khu vực, bảo đảm an ninh hàng hải, và ngăn chận thiên tai. Phát ngôn viên Lục Khảng khẳng định, việc Trung Cộng cần xây dựng cơ sở quốc phòng để bảo vệ lãnh thổ là điều đương nhiên, và các thiết bị liên quan không đặc biệt nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc và Phi Luật Tân lâu nay vẫn có tranh chấp trên biển Đông, nhưng quan hệ hai nước đã cải thiện đáng kể dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Rodrigo Duterte, người đang cố gắng lấy lòng Bắc Kinh để đổi lấy các khoản đầu tư cho quốc gia.

Thụy Sỹ: Hàng ngàn người kẹt tại khu trượt tuyết
ZERMATT – Khoảng 13,000 du khách đã kẹt lại tại một khu resort trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sỹ, khi nhà chức trách khuyến cáo về khả năng lở tuyết. Tuyết rơi dày tại khu resort Zermatt trên dãy Alps, khiến cáp treo lên núi, đường trượt, đường đi bộ, và các chuyến tàu đi và đến làng đều bị đóng cửa từ hôm thứ Hai. Khu vực này cũng bị mất điện trong thời gian ngắn.
Quyết định chặn con đường đi lên khu resort được đưa ra sau khi Viện nghiên cứu rừng, tuyết và thiên nhiên Thụy Sỹ nâng mức cảnh báo lở tuyết lên 5, mức cao nhất. "Nhiều trận lở tuyết lớn có thể xảy ra do lượng tuyết mới trút xuống và gió mạnh,” viện này khuyến cáo trên trang web. "Khoảng 13,000 khách du lịch hiện đang đi nghỉ tại đây," theo lời cô Janine Imesch, phát ngôn viên của Zermatt. "Tình hình đang được kiểm soát và không có vấn đề gì về an toàn.”
Tại thị trấn Visp ở thung lũng cách Zermatt khoảng 30 cây số, 20 người đã được di tản sau khi một trận lở tuyết và bùn trôi làm đất đá rơi xuống một phần ngôi làng. Không có người bị thương trong sự việc. Tuy nhiên, văn phòng du lịch cho biết không phải lo ngại gì cho Zermatt. Viên chức thị trấn cho biết, dịch vụ trực thăng chỉ phục vụ cho những người muốn rời đi.

Vừa khai trương, đường pin mặt trời bị trộm
TẾ NAM - Mới khai trương 5 ngày, con đường được xây bằng tấm pin năng lượng mặt trời ở miền đông Trung Quốc đã phải đóng cửa do trộm cắp. Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc thử nghiệm 1 cây số đường xa lộ xây bằng các tấm pin năng lượng mặt trời tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Ðông. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày khai trương, con đường đã trở thành mồi ngon cho bọn tội phạm. Theo truyền thông Trung Quốc, chính quyền địa phương buộc phải tạm thời đóng cửa con đường để sửa chữa và điều tra, sau khi phát hiện một đoạn pin dài 1.8 mét đã biến mất.
Được biết, vụ trộm diễn ra trót lọt bất chấp con đường được tráng một lớp xi-măng mỏng ở phía trên nhằm bảo vệ các tấm pin, và lót một lớp vật liệu cách nhiệt bên dưới. Các tấm pin này có thể phát ra 1 triệu kWh điện mỗi năm, tương đương với nhu cầu sử dụng năng lượng hàng ngày của khoảng 800 gia đình. Thủ phạm được cho là dân chuyên nghiệp.
Một nhân viên của công ty phát triển dự án này cho biết, trong quá trình xây dựng con đường, nhà chức trách địa phương đã vài lần bắt được quả tang những kẻ định ăn cắp các tấm pin. "Thật đáng buồn vì sau khi dự án hoàn thành rồi mà vẫn có người ăn trộm,” nhân viên này nói. Trung Quốc là nước sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với công suất lắp đặt hơn 77 gigawatt tính đến cuối năm 2016.

Iran: 3,700 người đã bị bắt vì biểu tình
TEHRAN – Lực lượng an ninh Iran đã bắt khoảng 3,700 người trong cuộc biểu tình kéo dài suốt 2 tuần qua, theo một nhà lập pháp cho biết hôm thứ Ba. Con số này cao hơn rất nhiều so với thông tin từ chính phủ Tehran cung cấp. Cuộc biểu tình, nổ ra từ ngày 28 tháng 12 vì sự bất mãn đối với kinh tế, đã nhanh chóng lan rộng khắp nước và trở thành phong trào phản kháng lớn nhất tại Iran, kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi năm 2009. Ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ.
Các tổ chức nhân quyền bên ngoài Iran cho biết, họ không ngạc nhiên về con số này, trong bối cảnh chính phủ Tehran thực hiện “các cuộc bắt giữ ngăn ngừa,” nhắm vào cả các sinh viên không tham gia biểu tình. Các nhà hoạt động cho biết, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng quá tải trong các nhà tù Iran, sau khi vụ bắt bớ hàng loạt năm 2009 đã dẫn đến nhiều cáo buộc tra tấn và giết người. Một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York nói, ít nhất 3 người bị bắt trong các cuộc biểu tình gần đây đã chết khi đang bị giam giữ.
Ông Mahmoud Sadeghi, một nhà lập pháp theo đường lối cải tổ, cho biết số người bị bắt thông qua một báo cáo đăng trên trang web của quốc hội. Ông Sadeghi nói, con số 3,700 là số lượng tốt nhất mà ông có thể cung cấp hiện nay, do quá nhiều các cơ quan an ninh đã tham gia vào các vụ bắt bớ. Ông Sadeghi không cho biết ông thu được con số này bằng cách nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT