Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Cuộc hôn nhân giữa nhạc và lời

Anvi Hoàng/Viễn Đông Saturday, 08/12/2012 - 09:02:48

Đôi khi, người ta có thể không thích tuần bản lắm, nhưng nếu âm nhạc hay tuyệt vời và vượt trội thì âm nhạc và câu chuyện trở thành điểm tập trung sự chú ý và người ta quên đi vấn đề tuần bản.

Hành trình một vở opera (kỳ 8)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Thông thường, người viết nhạc và người viết tuần bản cho một vở opera là hai người khác nhau. Sự hợp tác giữa hai người này không phải lúc nào cũng ổn thỏa và đem lại lợi ích tốt nhất cho vở opera. Đối với "Chuyện Bà Thị Kính", vấn đề này đơn giản hơn nhiều bởi vì P.Q. Phan vừa là người viết nhạc vừa là người viết tuần bản (librettist).

Nhạc một đường, lời một nẻo

Tìm một người viết tuần bản để hợp tác cho việc viết nhạc không phải là dễ dàng. Thông thường nhà soạn nhạc phải đặt tin tưởng vào người viết tuần bản hoàn toàn và để yên cho họ làm công việc của họ. Người viết tuần bản thông thường là nhà văn, nhà thơ và chỉ để ý đến lời văn chứ không biết đến mối liên hệ chặt chẽ giữa lời và nhạc. Khi lời viết xong đến tay nhà soạn nhạc, muốn sửa cho hợp với nhạc cũng khó khăn bởi vì nhà soạn nhạc không có sự kiểm soát hoàn toàn đối với lời, mỗi sửa chữa đều phải được bàn bạc với người viết tuần bản. Do đó muốn viết nhạc theo ý mình 100 phần trăm cũng có thể là một khó khăn đối với nhà soạn nhạc.
Vì mối quan hệ phức tạp giữa người viết tuần bản và nhà soạn nhạc mà có một số vở opera mặc dù được xem là thành công, nhưng người ta vẫn tiếp tục bàn cãi về mối liên hệ giữa nhạc và lời, và không phải lúc nào tuần bản cũng được khen ngợi. Có thể nói trong những trường hợp này, không có cuộc hôn nhân đẹp giữa nhạc và lời. Đôi khi, người ta có thể không thích tuần bản lắm, nhưng nếu âm nhạc hay tuyệt vời và vượt trội thì âm nhạc và câu chuyện trở thành điểm tập trung sự chú ý và người ta quên đi vấn đề tuần bản.


Sự kết duyên trong "Chuyện Bà Thị Kính"
P.Q. Phan ban đầu không có ý định viết tuần bản cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính". Ông dự tính tìm người để cải biên tuần bản của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" thành tuần bản cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính". Việc tìm kiếm người không thành. Do đó ông tự mình bắt tay vào việc dịch tuần bản của "Quan Âm Thị Kính". Chẳng mấy chốc, ông nhận ra rằng mình là ứng cử viên lý tưởng cho việc viết tuần bản này. Trên thực tế, có người nước ngoài nào rành tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt Nam như ông để làm tốt công việc này; hoặc dễ gì tìm người Việt nào rành cả tiếng Việt và tiếng Anh và hiểu văn hóa Mỹ như ông để viết tuần bản. Thế là ngẫu nhiên mà P.Q. Phan trở thành người viết tuần bản cho chính vở opera của mình, một chuyện rất hiếm nhà soạn nhạc nào đã từng làm.
Thông thường, nhà soạn nhạc opera chỉ bắt đầu việc viết nhạc khi tuần bản đã hoàn chỉnh – nghĩa là trước khi đọc tuần bản họ chưa có khái niệm cụ thể về nhạc cho vở opera được. Nhưng đối với P.Q. Phan, việc ông tự dịch và viết lại tuần bản cho vở opera của mình đem lại một kinh nghiệm mà rất ít nhà soạn nhạc opera nào có: đó là không chỉ phổ nhạc vào lời, mà định hướng cho âm nhạc ngay từ khi đang soạn lời.
Trong bản chất, lời đã có sẵn ít nhiều định hướng cho nhạc, nhưng người viết tuần bản không phải là nhạc sĩ và họ không biết đến chuyện này. Thường họ chỉ nghĩ đến lời như là lời văn. Trong khi đó, nhà soạn nhạc nhìn thấy lời và nghe thấy nhạc hầu như cùng một lúc. Họ biết rằng âm độ cao thấp của một số chữ đã quyết định nốt nhạc đi kèm nên là thấp hay cao, và nhà soạn nhạc chỉ dùng được một số nốt nhạc nhất định để đi kèm với các chữ đó. Vì kiến thức này mà trong khi viết lời P.Q. Phan đã lựa chọn cẩn thận từ ngữ để ông có thể tạo ra được âm điệu làn nhạc mà ông muốn.
Ví dụ, vào cao trào nhạc thường lên cao, lúc này cần dùng các chữ bắt đầu bằng nguyên âm hoặc bắt đầu bằng các âm [s], [f] vì cách phát âm các chữ này tạo ra luồng hơi tự do đi từ bụng lên và cho phép người hát dễ dàng hát ở tông cao. Còn cách phát âm các chữ bắt đầu bằng [t], [p], hoặc [dr] chẳng hạn, luồng hơi bị chặn lại và sẽ làm cho người hát khó hát cao, do đó không nên chọn dùng các chữ này. Và như vậy việc dịch và việc suy nghĩ tính toán cho nhạc là đi đôi với nhau và diễn ra cùng lúc đối với P.Q. Phan.
Đồng thời, với tư cách là nhà soạn nhạc, P.Q. Phan biết rằng ngôn ngữ tuần bản phải đủ trữ tình để hát, nhưng cũng phải đủ trực tiếp để diễn tả cao trào. Ông không bao giờ quên điều này trong khi viết tuần bản cho "Chuyện Bà Thị Kính". Kết quả cuối cùng là ông có được một vở opera trong đó tuần bản và nhạc đã ngầm chứa sẵn một mối liên hệ hai chiều chặt chẽ và ăn khớp hoàn toàn với nhau, như một cuộc hôn nhân hoàn hảo.
Tuần bản đã xong, nhưng cần một số điều chỉnh nhỏ trước khi P.Q. Phan thật sự phổ nhạc cho nó. Kỳ 9 sẽ bàn đến những điều chỉnh này.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT