Hoa Kỳ

Cử tri California bác bỏ sáng kiến kềm giá thuốc mua theo toa

Wednesday, 09/11/2016 - 08:27:37

Tính cho tới sáng thứ Tư, với hơn 99 phần trăm trong tổng số các địa hạt bầu cử báo cáo một phần từ cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba, tỷ lệ phiếu là 46 phần trăm ủng hộ dự luật ấy, và 54 phần trăm chống lại, theo giới chức đứng đầu cơ quan tổ chức bầu cử cho biết.


CALIFORNIA - Các cử tri California đã bác bỏ một dự luật bỏ phiếu biểu quyết nhằm kềm hãm giá cả gia tăng của những loại thuốc được kê toa, sau khi các công ty dược phẩm chi ra hơn $100 triệu để chống lại sáng kiến đó.

Đạo Luật Kềm Giá Thuốc California, cũng được gọi là Dự Luật 61, tìm cách hạn chế những chương trình y tế tiểu bang, trong việc trả tiền cho dược phẩm nhiều hơn so với Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ (VA). Cơ quan này nhận được những những giảm giá cao nhất nước Mỹ.

Tính cho tới sáng thứ Tư, với hơn 99 phần trăm trong tổng số các địa hạt bầu cử báo cáo một phần từ cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba, tỷ lệ phiếu là 46 phần trăm ủng hộ dự luật ấy, và 54 phần trăm chống lại, theo giới chức đứng đầu cơ quan tổ chức bầu cử cho biết.

Stuart Schweitzer, giáo sư khoa chính sách và quản trị y tế, tại Trường Y Tế Công Cộng Fielding, thuộc viện đại học University of California. Los Angeles, nói, “Các công ty dược phẩm đã chi ra nhiều tiền để đánh bại dự luật này. Họ muốn vạch một đường trên cát.”

Trong một bức thư gửi cho các nhà đầu tư vào hôm thứ Tư, phân tích gia Brian Abrahams của công ty Jefferies nói rằng sự thất bại của biện pháp ấy “tái khẳng định sức mạnh của việc vận động hành lang của ngành sinh dược.”

Giá cả tăng cao của những thứ thuốc mua theo toa đã bị công kích trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Cả tổng thống đắc cử Donald Trump lẫn ứng cử viên Dân Chủ Hillaty Clinton đều kêu gọi những biện pháp cắt giảm giá cả. Trong số đó, có việc cho phép Medicare, chương trình y tế dành cho giới cao niên, thương lượng về giá cả với các hãng bào chế dược phẩm.

Các cổ phiếu trong các hãng dược và công nghệ sinh học, chịu nhiều áp lực trong những tuần gần đây, đã tăng vọt vào hôm thứ Tư, giữa lúc thị trường lo sợ về chuyện bà Clinton thắng cử và phe Dân Chủ nắm quyền trong Quốc Hội rút lui. Chỉ số Công Nghệ Sinh học Nasdaq (NBI) tăng 7 phần trăm, và đang trên đà đạt mức tăng cao nhất trong một ngày, tính trong năm năm.

Những người chống đối Dự Luật 61, được cầm đầu bởi các công ty dược phẩm toàn cầu, chẳng hạn như Pfizer Inc và Amgen Inc, đã chi ra khoảng $106 triệu. Họ lập luận rằng dự luật ấy chỉ làm lợi cho 12 phần trăm trong tổng số cư dân California, trong đó đưa 88 phần trăm kia, và các cựu chiến binh trên toàn quốc, vào nguy cơ giá cả dược phẩm cao hơn.

Những người ủng hộ dự luật như AIDS Healthcare Foundation và AARP, nói rằng chỉ có chính các công ty dược phẩm mới có thể làm tăng giá cho các cựu chiến binh và những người tiêu thụ khác. Bernie Sanders, thượng nghị sĩ độc lập của Vermont, cũng vận động ủng hộ Dự Luật 61, kêu gọi các cử tri “đứng lên chống lại thói tham lam của ngành bào chế dược phẩm.”

Những người bên vực đã gây quỹ được $17 triệu để ủng hộ sáng kiến ấy. Họ ước tính rằng nó có thể tiết kiệm được $5.7 tỷ cho những người đóng thuế ở California, trong mười năm, mặc dù một phân tích lập pháp tiểu bang nói rằng tác động tài chánh là không rõ ràng.

Giáo sư Schweitzer của đại học UCLA nói rằng dự luật ấy lẽ ra sẽ chỉ có một tác động khiêm tốn trên giá thuốc ở tiểu bang.

Cũng có những câu hỏi về cách thức thi hành Dự Luật 61. Những mức giá bắt buộc của Bộ Cựu Chiến Binh được niêm yết công khai. Nhưng những mức giảm giá cao nhất được thương lượng đều phải được giữ kín, theo luật pháp đòi buộc.

Bộ Cựu Chiến Binh chi tiêu chừng $6.1 tỷ mỗi năm cho 6 triệu cựu chiến binh.
Dự Luật 61 lẽ ra sẽ mở rộng những khoản giảm giá ấy cho khoảng 4.5 triệu cư dân California, trong đó có một số thành viên của chương trình Medicaid dành cho những người lợi tức thấp, các công chức tiểu bang, những người hưu trí, các giáo sư đại học, và các tù nhân.

Một dự luật tương tự đã được chấp thuận đưa ra biểu quyết trong cuộc bỏ phiếu ở Ohio trong tháng 11 năm 2017.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT