Người Việt Khắp Nơi

Cộng đồng VN tại Stuttgart giúp người Đức thực hiện phim tài liệu về thuyền nhân Việt Nam

Wednesday, 12/07/2017 - 06:53:53

Cô Buerger và toán kỹ thuật xúc tiến các cuộc phỏng vấn nhanh chóng, trôi chảy, tuần tự. Hết người này đến người khác. Không vội vã.


Chị Vũ Thị Đào (đứng, bên phải) đang nói lời chào mừng phái đoàn “Nhà Làm Phim Tài Liệu.” (Hình của VCS)


'Quê hương tôi là nơi đây, tôi được mọi người tôn trọng, tôi có một cuộc sống tự do, có nhân phẩm.'

Bài TÂM VIỆT

STUTTGART - Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, trưa ngày 17 tháng 6, 2017, hai cô Ann-Catrin Buerger và Elena Schilling của tổ chức Haus des Dokumentarfilms (Nhà Làm Phim Tài Liệu) cùng toán quay phim của đài truyền hình SWR (Sudwestrundfunk - Đài truyền hình Tây Nam Đức) đã đến Trung Tâm Thiên Chúa Giáo Padua, nơi sinh hoạt của Cộng Đồng Việt Nam tại Stuttgart (Vietnam Community Stuttgart-VCS), để phỏng vấn về đề tài thuyền nhân Việt Nam qua các giai đoạn: Đời sống ở VN, hành trình vượt biên, được nhận vào nước Đức, những năm đầu tiên, và cuộc sống hiện tại.

Cộng đồng Việt Nam tại Stuttgart đã trợ giúp chương trình Daheim in der Fremde (Quen Thuộc Ở Xứ Người) do Nhà Làm Phim Tài Liệu Stuttgart chủ xướng. Tổ chức này muốn thực hiện một phim tài liệu về người di dân và tỵ nạn đến nước Đức kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai.

Nước Đức từng nhận 30,000 thuyền nhân tỵ nạn VN và sau đó thân nhân của những thuyền nhân này được đoàn tụ gia đình. Tất cả khoảng 40,000 người VN đã đến Cộng Hòa Liên Bang Đức. Người Đức đã thể hiện lòng nhân đạo đối với một đất nước đã gánh chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh gây ra, và họ đã đối xử bao dung với các nạn nhân bị chính quyền Cộng Sản ngược đãi trên chính quê hương của mình.


Chị Châu Huyền Trân (VCS)

Trong tâm khảm của thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, chuyến đi tìm tự do và tìm tương lai cho chính mình, từng hoàn cảnh và mức độ, là một vết thương vẫn chưa lành hẵn. Hơn 40 năm đã trôi qua từ ngày cuộc chiến chấm dứt. Đời sống hôm nay có ổn định, cuộc sống an lành, thành tựu nơi xứ người có lẽ đã xoa dịu đi nỗi buồn rất nhiều.

Tuy nhiên, kể lại câu chuyện của mình không phải ai cũng làm dễ dàng. Vì vậy, Ban Tổ Chức của VCS đã rất vui mừng được chào đón các anh chị tham dự cuộc phỏng vấn: Chị Châu Huyền Trân, anh Ngô Thế Dũng, anh Trần Văn Huyền, các anh Nguyễn Thế Hợp, Nguyễn Huy Hùng, Vũ Xuân Phong.

Đa phần các anh chị đã được tàu CAP ANAMUR cứu. Chị Huyền Trân, đến Đức từ năm 1983, học ngành hóa học, hiện sống ở Goslar vùng Bắc Đức. Anh Ngô Chí Dũng vượt biên năm 1978, học ngành triết và văn học Đức. Trong năm vừa qua anh đã viết sách có tựa đề “Heimat fuer Fortgeschrittene” (Quê Hương Cho Người Lớn Tuổi).

Nhà thơ Đan Hà Trần Văn Huyền đến Đức từ 1982, hiện là thành viên trong Ban Chấp Hành Hội Cựu Chiến Binh VNCH ở Đức. Anh Nguyễn Thế Hợp đến Đức từ 1981, học ngành kỹ sư điện. Anh Nguyễn Huy Hùng đã hoạt động rất tích cực cho chương trình “Brueckenschlag” (Bắt Một Nhịp Cầu) do ông TS R. Neudeck đề xướng.

Còn anh Vũ Xuân Phong, tàu của anh đã bị cướp 17 lần, phải sống sáu tháng trên một hoang đảo, được nhận vào nước Đức vào cuối năm 1979. Anh Hùng và Phong hiện đang làm cho hai công ty kỹ nghệ lớn trong vùng Stuttgart.


Hai anh Vũ Xuân Phong và Trần Văn Huyền. (VCS)

Do có sự liên lạc trước và cảm thông về sự hữu ích của công việc, ngay từ phút đầu một không khí vui tươi và thân tình đã tràn ngập gian phòng tiếp tân. Mỗi người mỗi việc. Khách được phỏng vấn làm quen với môi trường chung quanh và tập trung cho các câu hỏi. Toán kỹ thuật dàn dựng máy thu hình và ánh sáng ở phòng phỏng vấn. Hai cô Đức chuẩn bị công việc, bắt chuyện với khách được mời phỏng vấn. Ban tổ chức vừa bàn chi tiết diễn tiến, người lo tiếp khách, người chuẩn bị nước, cà phê, bánh ngọt.

Bắt đầu thật đúng giờ (chúng ta đã vào nề nếp của xứ người). Chị Vũ Thị Đào, phát ngôn viên của VCS, nói lời chào mừng cô Buerger, cô Schilling và toán kỹ thuật quay phim. Chị chào mừng sáu người khách được mời phỏng vấn, đã đến dự đông đủ. Chị nêu lên mục đích của Cộng Đồng VN tại Stuttgart muốn có một cộng đồng liên đới, sinh động, hữu ích cho người Việt, nhưng cũng góp phần làm cho xã hội Đức phong phú hơn.

Chị Đào nói về hoạt động văn hóa xã hội của VCS vừa gìn giữ văn hóa VN, mở mang kiến thức, giúp ích cho cuộc sống hằng ngày, đồng thời tạo sự giao lưu với người Đức và xã hội Đức.

Thay mặt cho nhóm phỏng vấn, cô Ann-Catrin Buerger đáp lời cám ơn VCS đã tạo cơ hội cho cô được tiếp xúc với nhiều thuyền nhân VN cùng một lúc, để cô hoàn thành tốt đẹp dự án về thuyền nhân tỵ nạn VN.
Tiếp theo, anh Trần Huê giới thiệu ngắn về các thuyền nhân sẽ được phỏng vấn và trọng điểm của mỗi người.

Cô Buerger và toán kỹ thuật xúc tiến các cuộc phỏng vấn nhanh chóng, trôi chảy, tuần tự. Hết người này đến người khác. Không vội vã.

Xong cuộc phỏng vấn ra, ai bước ra cũng rất nghiêm trang, chìm trong dòng suy nghĩ của mình. Quê hương là gì? Đâu là quê hương mình?

Một cựu thuyền nhân, sáu tháng dài bị lạc trên một hoang đảo, nói, “Quê hương tôi là nơi đây, tôi được mọi người tôn trọng, tôi có một cuộc sống tự do, có nhân phẩm.”

Các thành viên của VCS chăm sóc bàn giải khát lúc nào cũng chu đáo đầy đủ. Việc chính là công việc phỏng vấn, không có tiết mục riêng cho các anh chị. Nhưng các anh chị, nhất là các chị người Đức cộng sự viên của VCS, vẫn kiên nhẫn, vui vẻ, Tiếp chuyện và chăm sóc khách mời.

Chương trình chấm dứt đúng giờ, lúc 7 giờ tối. “Geschafft!” (xong việc). Mọi người ai cũng hớn hở, nhẹ nhõm vì các khách mời đều được phỏng vấn. Ai cũng vui lòng.


Chị Đào và cô Buerger trò chuyện thân mật trong bữa cơm tối. (VCS)

Vì nhà xa, chị Huyền Trân đến từ vùng Hannover xa xăm, anh Ngô Chí Dũng ở Heidelberg cũng cách Stuttgart trên trăm cây số. Các anh Hợp, Hùng, Phong cũng có việc vào buổi chiều hôm đó phải về trước. Còn lại anh Trần Văn Huyền và hiền thê, chị Hương, hai cô Ann-Catrin Buerger và Elena Schilling cùng dùng cơm tối với VCS ở một quán ăn VN gần nơi họp mặt.
Mười-lăm người ngồi quanh một bàn hình chữ nhật lớn. Câu chuyện tự nhiên, dòn tan, trộn lẫn những tiếng cười rộn rã. Vừa được thưỏng thức món ăn Việt Nam: Một hình ảnh đẹp, đầy khích lệ và an ủi của những người vừa làm xong nhiệm vụ thành công - người Đức và người Đức gốc Việt.
(Ngày 6 tháng 7, 2017)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT