Sức Khỏe

Chuyện ở trường học

Friday, 22/12/2017 - 08:20:32

Một em bé khác bị tiêu chảy nhưng vẫn đi học. Khi em này đi cầu và không rửa tay sau đó, em đã mang mầm bệnh vào lớp khi em đụng chạm vào những vật dụng trong lớp.

BS Nguyễn Thị Nhuận

1.Giữ gìn sức khỏe khi đi học

Khi trẻ em bắt đầu “sự nghiệp” học hành của mình ở lớp mẫu giáo, các em sẽ bị bệnh nhiều hơn hẳn 5 năm trước đó là những năm chỉ ở nhà. Nếu các em đi “học” từ những năm 1 - 2 tuổi, các em cũng sẽ bị bệnh từ những năm này. Thường thì các em bị bệnh cảm với các triệu chứng sốt, sổ mũi, ho, tiêu chảy... Đó là vì hệ miễn nhiễm của các em bắt đầu tiếp xúc với những thử thách đầu tiên: những con siêu vi gây bệnh cảm, có rất nhiều trong lớp học đông đúc những trẻ em.
Muốn cho con em mình đỡ bị lây bệnh, quý vị phụ huynh nên tìm hiểu về nguyên nhân lây bệnh và những cách phòng ngừa.

Bệnh lây lan cách nào?
Rất nhiều những bệnh của trẻ em là do siêu vi gây ra.
- Khi một em bé đến trường với bệnh cảm, em sẽ lây bệnh cho rất nhiều các em chung quanh. Vì khi em ho hay hắt xì, những giọt nước li ti bắn ra từ em đã mang nhiều siêu vi trong đó. Những bạn chung quanh hít những siêu vi đó vào mũi hay miệng và bị lây bệnh.
- Một em bé khác bị tiêu chảy nhưng vẫn đi học. Khi em này đi cầu và không rửa tay sau đó, em đã mang mầm bệnh vào lớp khi em đụng chạm vào những vật dụng trong lớp. Các em bé chung quanh sẽ chạm vào cùng những vật dụng đó và đem siêu vi vào người khi đưa tay lên miệng.

Tại sao cần rửa tay thường xuyên?
Rửa tay thường xuyên là cách giản dị và hữu hiệu nhất để tránh bị lây bệnh ở trường học và ngay cả ở nhà. Phụ huynh nên dậy con em mình cách rửa tay và nhắc chúng rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi nhà vệ sinh, cũng như sau khi xì mũi hay chơi ngoài sân. Cha mẹ có thể dạy các em xát xà bông khắp hai bàn tay lâu bằng thời gian chúng hát hết bài “Happy Birthday”.

Những cách giúp tránh bị lây bệnh khác
- Dùng nước rửa tay “hand sanitizer”: Nên cho em bình nước rửa tay “hand sanitizer” cất trong hộc bàn của em. Nhắc các em dùng nước rửa tay này trước khi ăn vặt hay ăn bữa trưa hoặc sau khi dùng “con chuột” của máy vi tính xài chung, dùng vòi nuớc uống, hay bất cứ vật dụng chung nào ở lớp. Bạn cũng có thể tặng lớp học những hộp giấy lau có chất chống vi trùng (disinfecting wipes) để dùng lau chùi những vật dụng dùng chung này.

- Nhắc các em che mũi và miệng khi hắt xì hoặc ho: Cho các em một hộp giấy lau “tissue” và nhắc các em dùng giấy này che miệng và mũi rồi bỏ vào thùng rác, sau đó lau tay bằng nước rửa tay “hand sanitizer”. Nếu không có sẵn tissue, các em có thể che miệng và mũi bằng khuỷu tay áo mình khi ho hay hắt xì.
- Không dùng tay dụi mắt mũi miệng. Nhắc các em là bàn tay mình thường chứa đầy vi trùng.
- Không dùng chung những thứ như chai nước, đồ ăn, khăn lau... Nhắc các em là những thứ đã cho vào miệng mình thì chỉ có mình xài mà thôi. Ngay cả nón hay vật dụng che đầu nào khác cũng là vật dụng cá nhân. Không cho những thứ đã dùng chung như bút chì, bút mực, tẩy... vào miệng.
- Tránh đến gần những ai đang bị bệnh để khỏi bị lây.
- Cho các em ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng như chích ngừa đầy đủ, nhất là chích ngừa bệnh cúm.
- Muốn khỏi lây bệnh trong nhà, nên theo tất cả những phương pháp phòng ngừa nói trên ở nhà.

2.Tránh bị bắt nạt ở trường học

Trước kia người ta hay cho rằng chuyện bị bắt nạt ở trường học là chuyện thông thường, gần như là một “thủ tục đầu tiên” phải trải qua ở các trường học. Nhưng bây giờ, người ta đã ý thức được rằng chuyện bắt nạt ở trường học là một ấn tượng xấu sẽ còn in hằn trong trí óc người bị bắt nạt, đưa đến những tình trạng tâm thần không tốt, có thể kéo dài suốt cả đời. Theo “Hội Bệnh Tâm Thần Trẻ Em Hoa Kỳ”, có đến hơn phân nửa số trẻ em đi học bị bắt nạt một hay nhiều lần. Hiện nay còn có chuyện bắt nạt bằng phương tiện điện tử, cũng gây hậu quả tai hại không kém.

Các loại bắt nạt
Trẻ em nào cũng có thể bị bắt nạt, nhất là những em hiền lành, nhút nhát. Có rất nhiều hình thức bắt nạt:
- Bắt nạt thể lý: thường gồm có đánh đập, đá, đấm... hay phá hủy vật dụng của đứa trẻ bị bắt nạt
- Bắt nạt tinh thần: thường gồm có chửi rủa, chế nhạo, đặt tên bậy, chế nhạo dòng giống... không ngừng, hoặc đặt điều nói xấu đứa bé bị bắt nạt.
- Bắt nạt điện tử: gồm có gửi e mail hay text hăm dọa, chửi rủa hoặc đặt điều nói xấu, hăm dọa trên web sites, blogs hay posts.

Hậu quả của bắt nạt
Các em bị bắt nạt có thể không muốn đi học và thường kêu là bị nhức đầu hay đau bụng , không thể tập trung để học được. Càng lâu ngày thì những vấn đề của chuyện bị bắt nạt lại càng nhiều hơn. Các em thường xuyên bị bắt nạt sẽ dễ bị trầm cảm, hay lo lắng, không tự tin hay bị những bệnh về tâm thần khác. Các em dễ có ý định tự tử. Nhiều em bị những vết thương tâm thần này kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Những dấu hiệu của chuyện bị bắt nạt
Nhiều trẻ em bị bắt nạt nhưng không dám nói lại với cha mẹ. Sau đây là những dấu hiệu của chuyện bị bắt nạt:
- Quần áo thường bị xé rách, vật dụng cá nhân thường bị hư hỏng
- Thường bị vết thương hay vết bầm trên thân thể
- Có rất ít bạn hoặc không có bạn nào cả
- Không muốn đi học hay đi xe buýt của trường
- Học kém
- Hay kêu nhức đầu, đau bụng hay những bệnh khác
- Khó ngủ, ăn không ngon

Nên làm gì khi nghi con mình bị bắt nạt?
Nên coi chuyện này là quan trọng và hành động ngay
- Khuyến khích con nói ra những nỗi lo lắng. Hãy giữ bình tĩnh, ngồi nghe với tình thương yêu và nâng đỡ con. Cho biết mình hiểu vấn đề và nỗi lo lắng của con. Bạn có thể nói: “Cha mẹ biết là con gặp chuyện khó khăn. Chúng ta hãy cùng nhau giải quyết vấn đề.” Nhắc cho con biết là cháu không có lỗi trong chuyện này.
- Tìm hiểu rõ chuyện xảy ra. Khuyến khích cháu nói rõ mọi chuyện, xẩy ra lúc nào, do ai và như thế nào. Hỏi cháu đã làm gì để ngăn cản sự bắt nạt ấy.
- Chỉ cách cho cháu đối phó với chuyện bị bắt nạt. Không nên khuyên cháu đánh nhau hay mắng chửi lại. Khuyên cháu giữ bình tĩnh và nói “Tôi muốn bạn chấm dứt chuyện này.” Và đi ra chỗ khác. Khuyên cháu đi chung với các bạn khác và ngồi vào cùng một nhóm trên xe buýt, trong chỗ ăn hay những chỗ thường bị bắt nạt. Nếu cần, cháu có thể phải hỏi thầy cô hay những người làm việc trong trường can thiệp.
- Liên lạc với những chức sắc của trường như thầy cô, nhân viên tư vấn hay hiệu trưởng. Nếu em bị đánh đập, cần gọi nhà trường ngay để xem có cần gọi cảnh sát can thiệp không. Không nên tự mình liên lạc với cha mẹ đứa trẻ hành hung con mình. Nên nói cho nhà trường biết cần phải đương đầu với tệ nạn bắt nạt, kể cả chuyện bắt nạt bằng điện tử, phải có chính sách đối phó với chuyện này.
- Phải tiếp tục theo dõi sau đó bằng cách liên lạc với nhà trường xem đã có biện pháp đối phó chưa.
- Tập cho con mình tự tin lên. Cho con tham dự vào những sinh hoạt làm tăng lòng tự tin như thể thao, âm nhạc, vẽ… Khuyến khích con kết bạn và phát triển khả năng giao tiếp xã hội.
- Tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi cần. Cháu có thể cần gặp chuyên viên tâm lý hay tâm thần nếu cháu có dấu hiệu quá lo lắng hay trầm cảm.

Nên nhớ, khi bị bắt nạt, các em cần sự nâng đỡ và hỗ trợ của gia đình hơn bao giờ hết để tránh những hậu quả tâm lý về sau. Đừng bỏ mặc các em đối phó một mình vì cho là chuyện không quan trọng

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT