Phóng Sự

Chuyện của cựu quân nhân VNCH, giáo sư Anh văn Trần Khánh (kỳ 2)

Sunday, 06/03/2016 - 11:13:58

Tân Tổng Thống Dương Văn Minh (1916 -2001) đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện và yêu cầu binh sĩ VNCH hạ vũ khí tại chỗ trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ ngày 30-4-1975. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Bài BĂNG HUYỀN

Hòa đàm Paris được khai mạc vào ngày 10-5-1968 và kết thúc bằng Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam) được gọi tắt là Hiệp Định Paris đã ký kết ngày 27-1-1973 giữa Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng do Cộng Sản Bắc Việt điều khiển). Đây là một Hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế, kéo dài tám tháng dưới nhiệm kỳ Tổng Thống Johnson (tháng 5-1968 tới tháng 12-1969) sang hết nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Nixon (1969 -1972) và một tuần trong nhiệm kỳ hai của ông (từ 21 tới 27-1-1973). Tổng cộng bốn năm và chín tháng, gồm 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp kín.
Sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973. Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ Huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Nhóm quân lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam. Bắc Việt lợi dụng cơ hội xua quân xâm lăng và cưỡng chiếm miền Nam. Quốc Hội Hoa Kỳ cắt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho miền Nam (VNCH), trong lúc Bắc Việt nhận viện trợ vũ khí tối đa của khối cộng sản Nga-Tàu và Ðông Âu.

Ông Trần Khánh, bên phải, trong tiệc tiễn ông về hưu do các giáo sư đồng nghiệp tổ chức tại trường trung học George Washington ở San Francisco tháng Năm, 2011. (Hình do Trần Khánh cung cấp)



Tân Tổng Thống Dương Văn Minh (1916 -2001) đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện và yêu cầu binh sĩ VNCH hạ vũ khí tại chỗ trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ ngày 30-4-1975. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Nhắc lại những sự kiện trên, giọng của giáo sư Trần Khánh chùng xuống vì xúc động, ông kể, Sau khi Hiệp Ước Hòa Bình Ba Lê được ký kết thì Hoa Kỳ hứa cuội sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VNCH, và sẽ dần dần trao toàn quyền tiếp vận cho QLVNCH. Lẽ dĩ nhiên họ dùng mỹ từ Việt Nam Hóa Chiến Tranh trong các kế hoạch và chương trình huấn luyện.

“Lúc đó, tôi đang làm Chánh Văn Phòng kiêm Trưởng Ban Tu Thư Dịch Thuật, cho Đại Tá Võ Đại Khôi, Chánh Sự Vụ Sở Nghiên Cứu Kế Hoạch, Tổng Cục Quân Huấn/Bộ TTM, được giao phó công việc, liên lạc và phối hợp, với các đại diện của các quân chủng Hải-Lục-Không Quân, để dịch thuật và nhuận sắc, các tài liệu kỹ thuật, trong Chương Trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, cho các quân Trường và trung tâm huấn luyện.

“Tôi cũng xin giải thích một chút về cụm từ Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Vào tháng 1 năm 1973, cụm từ này được các sĩ quan tham mưu QLVNCH, dùng nhiều, vì hồi đó, Mỹ chưa ló cái đuôi sẽ đem con bỏ chợ và tháo chạy, nên chúng tôi, từ cấp Thiếu Tá đến Đại Tá, từ Thiếu Úy đến Đại Uý, không ai hề thắc mắc, mà cứ dùng mỹ từ này.”

Ông nói vì là viên chức VNCH, ông đọc được những bài bình luận trong các tờ báo từ Hoa Kỳ của những viên chức Hoa Kỳ cho ông, từ đó ông mới biết rằng VNCH sắp bị Hoa Kỳ bỏ rơi.

“Cho đến cuối tháng Ba đầu tháng Tư năm 1975, nhìn thấy trên đường Thống Nhất ngay sứ quán Mỹ, những hàng dài người xếp hàng xin visa, tôi nhớ lại những bài báo mà tôi đọc, tôi càng đau đớn hơn vì biết mình sẽ mất nước.”

Giáo sư Trần Khánh cho biết vì ông làm thông dịch viên cho Đại Tá Đỗ Ngọc Nhân, Phụ Tá Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp, Uỷ Ban Liên Hợp Bốn Bên, Camp Davis, trong phi trường Tân Sơn Nhất, là ủy ban phụ trách việc thực thi bản Hiệp Định Hòa Đàm Ba Lê ký kết năm 1973, nên ông có nhiều mối giao tiếp, và quen biết với giới chức đối nhiệm Hoa Kỳ, nên được cơ quan D.A.O. (Defense Attaché Office - là cơ quan cố vấn và yểm trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) đã di tản ông và gia đình, một vợ bốn con (hai gái hai trai) bằng máy bay, ra khỏi Việt Nam, trước ngày 29 tháng 4, 1975.

Nỗi đau mất nước
Trong bài viết “Nhớ Lại Đêm 29-4-1975: Đêm Dài Nhất Của Sài Gòn” của tác giả Mường Giang (Là bút hiệu của nhà văn Hồ Đinh) có kể lại khá chi tiết những diễn tiến xảy ra tại Sài Gòn lúc bấy giờ:
“Từ khi có ý định bỏ rơi VNCH, nên cuối năm 1974 tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, đã bắt đầu lập bản dự thảo kế hoạch rút số viên chức còn lại, cũng như di tản những thành phần bản xứ có liên hệ với họ. Ðó là chiến dịch Talon Vice, sau được đổi thành Frequent Wind là do sự bất đồng ý kiến giữa đại sứ Mỹ (ngài Graham Martin) và cơ quan D.A.O (Defense Attaché Office) (do Tướng Homes Smith là người chỉ huy).”
Bài viết này cho biết “Theo bản dự thảo ban đầu, chiến dịch di tản gồm có bốn giải pháp, tùy theo hoàn cảnh để thi hành như dùng hàng không dân sự để di tản người tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sử dụng các vận tải cơ C123,130 và C5 để bốc người tại Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận. Sử dụng các loại thương thuyền có sẵn tại bến Bạch Ðằng. Dùng trực thăng bốc người từ Sài Gòn, đưa ra các chiến hạm.
“Sau khi quân đoàn I và II tan rã ngày 1-4-1975, cơ quan D.A.O đã cho thành lập một cơ quan điều hợp di tản, gọi tắt là DCC tại Tân Sơn Nhất và chọn giải pháp dùng trực thăng bốc người được chọn, nếu phi trường Tân Sơn Nhất không sử dụng được.

“Ngày 3-4-1975, D.A.O lại thành lập thêm Toán Thiết Kế đặc biệt, có nhiệm vụ thanh lọc, để xác nhận tổng số người Việt Nam cần di tản và tới ngày 7-4-1975, có 70,000 người được lên danh sách. Ngay sau đó, D.A.O đã tổ chức một đoàn xe Bus, chuyên chở họ từ tư gia vào phi trường TSN. Vì hầu hết sân thượng tại Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh, không đủ tiêu chuẩn để cho các loại trực thăng H46 và H53 đáp, nên D.A.O phải trưng dụng tất cả các trực thăng nhỏ của hãng Air American do CIA thuê mướn, bốc người khắp nơi về D.A.O, sau đó trực thăng lớn mới chở họ ra chiến hạm.

“Đúng 9 giờ tối đêm 29-4-975 cuộc di tản tại D.A.O kết thúc. Người Mỹ vội cho thiêu hủy toàn bộ những gì còn lại trong tòa nhà này, mà một thời được coi như một tòa tiểu bạch ốc ở phương đông. Chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh lúc 12 giờ đêm, bỏ lại đằng sau tòa nhà trong biển lửa.

“Riêng tại tòa đại sứ Mỹ, sự di tản đã gặp rất nhiều khó khăn vì đèn không đủ soi sáng hiện trường, còn bãi đáp thì quá nhỏ không thích hợp cho các loại trực thăng lớn, Tuy nhiên việc bốc người vẫn được tiếp tục, từ 11 giờ đêm 29-4-1975 cho tới 3 giờ sáng ngày 30-4-1975. Sự liên lạc bằng vô tuyến giữa Sài Gòn và Hoa thịnh Ðốn cũng chấm dứt lúc 1 giờ 06 phút, khi trạm liên lạc vệ tinh tại D.A.O đã bị phá hủy. Ðể nối liên lạc giữa Mỹ và toà đại sứ, Không quân Hoa Kỳ phải thiết lập một trạm liên viễn thông vệ tinh trên chiếc C130, nhưng vẫn không mấy hiệu quả.

“3 giờ sáng ngày 30-4-1975, bộ ngoại giao Mỹ ra lệnh cho tòa đại sứ Sài Gòn chấm dứt di tản nhưng đại sứ Graham Martin không chịu thi hành, vì lúc đó tại chỗ vẫn còn hơn 12,000 người chờ bốc ra chiến hạm. Tới 4 giờ 56 sáng, chính Tổng Thống Ford ra lệnh bằng điện thoại, bắt buộc ông đại sứ phải rời Việt Nam. Do không còn cách nào lựa chọn, đại sứ Graham Martin đành phải bỏ lại 420 người đang đợi, trong số người này có cả nhân viên của tòa đại sứ Nam Hàn. Đại sứ Graham Martin ra đi đơn độc với con chó nhỏ tên Nitnoy, trên chiếc trực thăng CH46, do Ðại Uý Thủy Quân Lục Chiến tên G. Berry lái.

“Từ phút đó, chỉ còn lại toán lính TQLC Mỹ giữ an ninh tòa đại sứ. Họ rút hết vào bên trong tòa nhà, đóng cửa sắt và lên trên sân thượng đợi. Ðúng 7 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, trực thăng ngoài biển bay vào đón họ, chấm dứt sự hiện hữu lần thứ ba của người Mỹ trên nước VN, tính tròn 21 năm , từ lúc tướng Edward Landale của CIA đặt chân tới Sài Gòn.

“Theo tài liệu được Mỹ công bố, thì tòa đại sứ và D.A.O ngày 29 rạng 30-4-1975 chỉ di tản được 7014 người, phần lớn không có tên trong danh sách được lập lúc ban đầu. Ðể hoàn thành công tác trên, người Mỹ đã sử dụng trực thăng của Sư đoàn 7 Không quân và Hạm Ðội 7 tại Thái Bình Dương. Suốt thời gian chiến dịch, chỉ có một A6 bị mất tích, một trực thăng AH1J. Cobra rớt xuống biển và 2 lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bị tử thương khi Việt Cộng pháo kích vào D.A.O tại phi trường Tân Sơn Nhất.

“Tuy người Mỹ đã chính thức rời Sài Gòn vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975 nhưng trọn ngày đó cho tới hôm sau 1-5-1975, nhiều trực thăng của Không quân VNCH khắp nơi bay tới Hàng Không Mẫu Hạm Midway, đang bỏ neo ngoài khơi Vũng Tàu để xin đáp. Vì có quá nhiều người, nên Mỹ đã phải xô nhiều trực thăng xuống biển, để làm bãi đáp cho các trực thăng tị nạn. Dù việc làm trên có thiệt hại hằng triệu mỹ kim nhưng cũng đã cứu vớt đươc nhiều chiến binh trong giờ phút cuối cùng, không còn một lựa chọn nào khác hơn, trong khi nước đã mất.” (Ngưng trích)

Nhắc lại nỗi đau VNCH bị bức tử, miền Nam Việt Nam bị mất về tay Cộng Sản Bắc Việt, giáo sư Trần Khánh nghẹn ngào kể, “Điều mà tôi nhớ nhất, là ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đó tôi đang ở trại tỵ nạn trên đảo Guam, và làm thông dịch viên cho Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ, tôi bận rộn mất cả ý niệm thời gian, thì bỗng nhiên tôi nghe cả trại, gồm cả mấy ngàn người tị nạn, đồng bào Việt Nam ta, oà lên khóc!

“Hồn thiêng sông núi của đất nước quê hương, lúc đó nhập vào tôi sao đó, tôi chưa biết ất giáp chuyện gì đã xảy ra, thì bỗng nhiên thấy tim hồi hộp, tâm thần, đầu óc choáng váng, và sau đó mới nghe tiếng xôn xao, mếu máo: Mất nước rồi! Dương Văn Minh đầu hàng rồi!

“Bây giờ, đến giờ phút này, sau hơn 40 năm lưu lạc trên đất khách quê người, mỗi khi nhắc và nhớ lại, tôi vẫn còn thấy bồi hồi xúc động, với cái cường độ của cái xúc cảm ngày đó.”

Giáo sư Trần Khánh kể sau sáu ngày ở đảo Guam, ông và gia đình được chuyển về đất liền Mỹ quốc, trại tỵ nạn Camp Pendleton, một căn cứ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, ở Nam California, vào thượng tuần tháng 5, 1975, và đến trung tuần tháng 8 cùng năm, thì ông xuất trại, do hệ phái Tin Lành Trinity Lutheran Church bảo trợ "sponsor" lên Portland, Oregon.

Ông nói trong thời gian ở Camp Pendleton, vì có chút vốn liếng Anh ngữ làm giáo sư 14 năm ở Việt Nam (1961-1975), nên ông được tuyển chọn làm thuyết trình viên của Uỷ Ban Liên Bộ Đặc Trách Định Cư Người Tị Nạn Đông Dương (Inter-Agency Task Force In Charge Of The Resettlement Of Indochinese Refugees). Hàng ngày, ông được Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, của ông Tướng Smith trưởng trại, chở lòng vòng khắp 5 trại, với dân số người tị nạn, ở cao điểm nhất là 18 ngàn người, để hướng dẫn, giới thiệu và thuyết trình, về phong tục tập quán, sinh hoạt trong xã hội của người Mỹ, cho dân tị nạn.
Ông kể, “Những kỷ niệm sâu đậm nhất, trong thời gian tị nạn, và làm việc trong Camp Pendleton, là tôi hân hạnh được gặp, hay làm việc chung, với những nhân vật Việt Nam có tiếng tăm, như Giáo sư Đỗ Bá Khê, Thứ Trưởng Văn Hoá và Thanh Niên, VNCH; Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám Đốc Nha Thuế Vụ (đồng nghiệp dạy học và bạn của bác, ở trường Anh ngữ Ziên Hồng, đầu thập niên 1960, và là đàn anh và niên trưởng của bác, khi bác là giảng viên ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội, QLVNCH); Vũ Khắc Dụng, Thứ Trưởng Tài Chánh (bạn học của bác hồi ở Lớp Đệ Tam C, Trung Học Chu Văn An); Trung Tá Không Quân Bồ Đại Kỳ, vị sĩ quan nhuận sắc tài liệu bác dịch chiến đấu cơ F-5E, cho Chương Trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, năm 1973, cho Bộ TTM/Tổng Cục Quân Huấn; Thi sĩ/giáo sư triết Nguyên Sa Trần Bích Lan; Đỗ Ngọc Yến, làm chung với bác trong Uỷ Ban Liên Bộ, Phân bộ Giáo Dục ở Trại, phụ trách Chương Trình Anh ngữ Sinh Tồn (Survival English); và cuối cùng là Nam Lộc tác giả bài Vĩnh Biệt Sài Gòn, mà Nam Lộc đã lần đầu tiên hát cho tôi nghe, khi tôi dạy kèm Anh văn cho Nam Lộc hàng đêm trong trại. Hai anh em đã nghẹn ngào sụt sùi, trong tâm trạng của những kẻ lưu vong, vì mất nước nhà tan, vọng nhớ về Sài Gòn và Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa thương yêu, bên kia bờ Thái Bình Dương, đã nghìn trùng xa cách!”
Giáo sư Trần Khánh tâm sự thêm: “Sau 1975, khi tôi được đọc những cuốn hồi ký của các chiến hữu anh hùng bị đi tù cải tạo kể lại, và khi nghe những bản nhạc, như Anh Ở Đây của Nhạc sĩ Thục Vũ và Vũ Đức Nghiêm, do ca sĩ Đoàn Chính hát, hay Một Chút Quà Cho Quê Hương của Việt Dzũng, và Vĩnh Biệt Sài Gòn của Nam Lộc; và cuối cùng là bài thơ Cảm Khái của thi sĩ Cao Tần, có những câu làm xốn xang, khơi động niềm đau nước mất nhà tan như:

"Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ / Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang / [...] / Ôi trong trí những anh hùng thuở trước / Còn dậy trời lên những buổi tung cờ".

hay những câu thơ của Thanh Nam:
"Vẫn nghe từ đáy hồn thương tiếc / Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa"

hay:
"Hồn lính còn vương trên tóc bạc / Anh nhớ sa trường, em có hay?"

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT