Mẹo Vặt

Chung sống với loài ….độc

Thursday, 21/04/2016 - 08:37:29

Bị “góa phụ áo đen” cắn, nạn nhân sẽ thấy hai vết sước trên da, vừa đau vừa xót, kèm thêm những triệu chứng như như quặn ruột, nhức đầu, chân tay cứng đờ, vã mồ hôi, yếu nhược, mất sức….

Bài VŨ HẰNG

Không có ai can đảm bằng… chúng ta. Bởi vì chúng ta đang chung sống với những loài độc dữ mà vẫn điềm nhiên làm như không biết. Chuyện nhện cắn người, làm thiệt mạng hay gây thương tật nặng nề là điều ít ai nghĩ đến. Thật vậy, Hằng thường chỉ nghĩ đến những con nhện nướng được mẹ làm cho ăn để trị bệnh đái dầm ngày xưa. Lớn lên một chút thì chúng lại cho mình biết thế nào là mộng mơ với những “sợi buồn con nhện giăng mau.”

“Nhà ẩn dật áo nâu” (Brown Recluse) cũng là “nhạc sĩ vĩ cầm” lúc nào cũng mang cây đàn Violin trên lưng


“Góa phụ áo đen” (Black Widow) rất độc, với cái bụng tròn xoe và “ly rượu đỏ” ở giữa bụng


“Chó sói rừng sâu” (Wolf Spider) có 8 mắt


“Người Ba Tây Lang Thang” (Brazilian Wandering) là loài nhện độc, di dân lậu vào Hoa Kỳ trong các thùng chuối nhập cảng từ Trung hoặc Nam Mỹ



Nhện không đẹp như con bướm, con bọ ladybird… nhưng chẳng lúc nào nhện có vẻ độc địa cả. Mà theo các thầy cô, đa số những con nhện chúng ta thường gặp cũng đều là loại hiền. Trường hợp nhện cắn chết người hay gây thương tật nặng nề như chuyện chúng ta kể lần trước cũng là hiếm. Khổ nỗi, hiếm không có nghĩa là “không có,” và nhện độc cũng như nhện lành xem ra đều giống nhau, dường như không có cách nào để phân biệt. Chờ đến sau khi bị cắn, bị biến chứng mới biết…. thì đã quá trễ. Nên mặc dầu không thể phân biệt được, chúng ta phải biết ít nhất đôi điều về những loại nhện sau:

Nhà ẩn dật áo nâu

“Nhà ẩn dật áo nâu” (Brown Recluse) là tên của một loài nhện da nâu, có khi đen, thường náu thân trong những khe kẽ tối tăm, khuất nẻo ở ngoài vườn hoặc trong nhà với con người. Chúng cũng được gọi là “nhạc sĩ vĩ cầm” rất dễ nhận diện với cây Violin lúc nào cũng đeo ở trên lưng. “Nhạc sĩ” dáng nhỏ bé, dài chừng 1 inch, với 8 chân dài ngủng ngoẳng, và 3 cặp mắt (6 con mắt0 rất đặc biệt. “Nhạc sĩ” sinh sống ở các quốc gia Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, phần lớn ngụ tại các tiểu bang Missouri, Kansas, Arkansas, Louisiana, Oklahoma và Texas.

Là một loài nhện có nọc độc, nhưng “nhà ẩn dật” không tự ý cắn ai trừ khi bị đụng đến. Lúc đầu, vết cắn có thể không đau, nhưng dần dần làm ngứa, đau, rồi vết cắn ửng đỏ. Trong vòng vài giờ, vết cắn loang ra như những cái nhẫn đỏ bao quanh một cái nhân màu trắng trông như “mắt bò” mọng mủ, bắt đầu hành hạ nạn nhân mỗi lúc một dữ dằn hơn, với những cơn sốt, ớn lạnh, nhức đầu, có thể làm thiệt mạng nếu không được chữa kịp thời. Tai nạn đáng sợ của luật sư Jonathan Hogg suýt bị cưa chân và cháu Branson Carlisle thiệt mạng đều là do nhện Brown Recluse gây ra cả.

Góa phụ áo đen

“Góa phụ áo đen” (black widow) là tên của một loại nhện khác rất độc, màu đen bóng, với vệt đỏ hình ly rượu ở giữa bụng. “Góa phụ” sống một mình trong những khe kẽ tối tăm, khuất nẻo trong nhà, dưới đáy hộp chứa đồ ở nhà kho, trên rầm thượng, dưới tầng hầm, hoặc rúc dưới lá cây rơi rụng ngoài vườn, trong những đống gỗ bỏ hoang…. “Góa phụ” giăng tơ, kéo mành để tạo thành một tổ ấm, người hoặc vật nào vô tình đi qua, đụng vào tấm mành thế nào cũng bị cắn cho một miếng hoặc vài miếng.

Nếu không tính những cặp giò ngủng ngoẳng mà chỉ tính thân mình, bao gồm phần lớn là cái bụng tròn xoe, nhện dài từ 3 mm (1/9 inch) tới 10 mm (1/3 inch). Trái với con người - phụ nữ thường nhỏ xương hơn nam giới - nhện cái thì to con hơn và khỏe hơn nhện đực. Có thể ông Trời cố ý tạo ra sự chênh lệch ấy để nhện cái có thể thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt với tấm thân “bồ tượng” của mình trong quan hệ vợ chồng, đó là: Sau khi “quan hệ,” nhện cái ăn thịt nhện đực luôn, để được độc quyền cái tên “góa phụ áo đen.” Thật là một cái tên đầy đủ ý nghĩa!

Bị “góa phụ áo đen” cắn, nạn nhân sẽ thấy hai vết sước trên da, vừa đau vừa xót, kèm thêm những triệu chứng như như quặn ruột, nhức đầu, chân tay cứng đờ, vã mồ hôi, yếu nhược, mất sức….

Chó sói rừng sâu

Gọi là “chó sói rừng sâu” (wolf spiders), nhưng loài nhện này sống rất gần chúng ta, chung quanh các khe cửa ra vào hoặc cửa sổ, trên các chậu cảnh trong nhà, hoặc ẩn dưới gạch đá ngoài vườn. “Chó sói” khá lớn, dài từ 3 inch tới 4 inch, có tới 8 mắt bao gồm 2 mắt lớn và 6 mắt nhỏ. Sở dĩ được gọi tên như vậy là vì nhện có thói quen săn và rình mồi như một con chó sói. Khi tấn công, “chó sói” xé nát da thịt nạn nhân, gây đau đớn với vết thương sưng vù, tấy đỏ, hành hạ nạn nhân tới 10 ngày hoặc hai tuần lễ.

Người Ba Tây Lang Thang

Nhưng độc nhất là “người Ba Tây Lang Thang” (Brazilian Wandering Spider), sinh trưởng ở vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, di dân lậu vào Hoa Kỳ trong các thùng chuối nhập cảng, nên cũng được gọi là “Nhện chuối” (Banana Spider). “Người Ba Tây” có thể dài tới 5 inches, màu nâu vàng có sọc đen, và lông đỏ, chạy rất nhanh và rất hung hăng.

Khi mở các thùng chuối nhập cảng từ các nước vùng Trung hoặc Nam Mỹ, chúng ta phải thật cẩn thận, bởi vì nhện có thể xông ra cắn, để lại một vết thương rất đau, mau chóng phát triển, làm cho nạn nhân vã mồ hôi, sùi bọt mép. Nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời, có thể thiệt mạng trong vài tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, nhiều giống nhện khác cũng có nọc độc như Camel Spider (nhện lạc đà), Hobo Spider, Tarantula, Jumping Spider….

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT