Người Việt Khắp Nơi

Chùa Hương Tích cử hành Đại Lễ Vu Lan năm 2019

Wednesday, 07/08/2019 - 05:03:44

Trong ngày Chủ Nhật 4 tháng 8, 2019 vừa qua ba ngôi chùa tại Nam California đã tổ chức đại lễ Vu Lan, khởi đầu mùa Báo Hiếu năm 2019.

Các Phật tử trang nghiêm tham dự đại lễ Vu Lan tại chùa Hương Tích, thành phố Santa Ana sáng Chủ Nhật. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Trong ngày Chủ Nhật 4 tháng 8, 2019 vừa qua ba ngôi chùa tại Nam California đã tổ chức đại lễ Vu Lan, khởi đầu mùa Báo Hiếu năm 2019. Chùa Hương Tích tọa lạc tại 4821 W. Fifth St, Santa Ana tổ chức sớm nhất vào lúc 10 giờ sáng, sau đó là chùa Phổ Đà và chùa Diệu Quang, cả ba ngôi chùa đều nằm trong thành phố Santa Ana.

Trước ngày lễ, Ni Sư Thích Nữ Minh Từ, Trụ Trì chùa Hương Tích đã gửi Thư Mời đến đồng hương Phật tử. Trong thư, Ni Sư nói, “Trong kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy rằng, Hiếu Hạnh là Pháp Chí Đạo, là Mẹ của Chư Phật. Do đó, Phật tử hành Hiếu Đạo là thể hiện Đại Bi Tâm, sẽ mang lại niềm an lạc trong Pháp giới, cũng như tưởng nhớ đến gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên. Ni Sư kính mời quý Phật tử đồng hương vân tập về chùa để dâng nén hương lòng, tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà quá vãng được an vui nơi cảnh Phật. Hơn nữa, nguyện cầu cha mẹ hiện tiền được phước báu sung mãn.”


Thượng Tọa Thích Thanh Nguyên giảng pháp trước chánh điện chùa Hương Tích sáng Chủ Nhật. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Hưởng ứng lời mời của Ni Sư, và với tấm lòng hiếu kính cha mẹ, nhiều Phật tử đã có mặt tại chùa ngay từ lúc 9 giờ 30 sáng. Đến 10 giờ 15 phút, Sư Cô Thích Nữ Thông Thành cung thỉnh Thượng Tọa Thích Thanh Nguyên, một vị Sư trẻ có học vị Tiến Sĩ Phật Học ra trước chánh điện giảng cho Phật tử một thời pháp.
Sau khi đảnh lễ và cảm tạ Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh, Viện Chủ và Ni Sư Thích Nữ Minh Từ, Trụ Trì chùa Hương Tích đã tạo duyên cho Thượng Tọa đến đây chia sẻ với quý đồng hương Phật tử. Thượng Tọa kính chúc chư tôn đức an lạc miên trường để giúp quý Phật tử tăng trưởng hiếu hạnh, và chúc quý Phật tử trong mùa Vu Lan được tràn đầy hiếu hạnh.

Sau đó, Thượng Tọa nói, “Trong đạo Phật có hai lễ quan trọng nhất là lễ Phật Đản. Đối với lễ Phật Đản, chúng ta vân tập về chùa để hướng tâm tư sâu lắng nhất, cảm tạ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người Thầy đã sáng lập ra đạo Phật và đã đem ánh sáng từ bi và trí tuệ đến với chúng ta. Lễ quan trọng thứ hai đối với người Phật tử là đại Lễ Vu Lan mà chúng ta đang tổ chức và đang tham dự ở đây. Với đại lễ Vu Lan, chúng ta cũng dành những tâm tư sâu lắng và hướng về hai đấng sinh thành tức là Cha và Mẹ chúng ta, chỉ có dành những tâm tư sâu lắng nhất chúng ta mới cảm nhận được những ân đức rất to lớn mà các ngài dành cho chúng ta.”


Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh ban đạo từ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Sau khi kể một câu chuyện vui nói về tình yêu thương giữa cặp vợ chồng và ngôn ngữ Việt Nam chỉ cần thêm hay bớt một dấu chấm, phẩy nó sẽ ra nghĩa khác, Thượng Tọa Thanh Nguyên nhắc nhở các Phật tử, nếu khi cha mẹ mình còn hiện tiền thì hãy noi gương hiếu hạnh của Xá Lợi Phất còn nếu chẳng may cha mẹ đã qua đời, hãy noi gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên. Câu chuyện Mục Kiền Liên có phép thần thông xuống địa ngục tìm mẹ đang bị đọa đày thì các Phật tử hầu như ai cũng biết, nên Thượng Tọa chỉ kể câu chuyện hiếu thảo của Xá Lợi Phất, và khuyên Phật tử hãy luôn hướng về hai đấng sinh thành, bởi vì Đức Phật dạy “Tâm Hiếu là Tâm Phật, Hạnh Hiếu là Hạnh Phật” và trên đời có hai hạng người đáng quý nhất là hạng người Biết Ơn và hạng người Báo Hiếu.
Sau phần thuyết pháp, Sư Cô Thích Nữ Thông Thành cung thỉnh Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh ban đạo từ.

Hòa Thượng nói, “Chữ Hiếu được xem như một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất của nhân loại, là chất liệu, là hương thơm cho đời, là hành trang vô giá không thể thiếu vắng ở bất kỳ người nào. Hiếu còn phản ảnh đời sống đạo đức và nhân cách trí thức con người trong nền văn minh hiện đại.”
Hòa Thượng nói tiếp, “Mỗi xã hội, mỗi tôn giáo đều có quan niệm về sự hiếu kính đối với cha và mẹ, vinh danh hàm ân công dưỡng dục của đấng sinh thành. Tuy nhiên có sai biệt đôi chút trong xử sự. Trong ca dao Việt Nam cũng khẳng định công ơn cha mẹ Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con. Đoạn ca dao trên bao hàm sự giáo dục về người con chí hiếu, cũng như diễn đạt tình cha to lớn cứng rắn, nghiêm nghị và cao cả như núi Thái Sơn. Còn tình mẹ dịu ngọt, tươi mát, êm đềm, bao dung, như dòng suối chảy không bao giờ cạn. Tình mẹ bao la và tha thiết không có gì sánh bằng, ngay cả loài vật cũng không loại trừ.”


Chư tôn đức Tăng, Ni cử hành đại lễ Vu Lan tại chùa Hương Tích sáng Chủ Nhật, ngày 4 tháng 8, 2019. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Hòa Thượng nhắc lại câu chuyện Gấu Mẹ giết con rồi tự tử xảy ra tại xưởng nuôi gấu ở vùng Tây Bắc Trung Quốc vào khoảng tháng 8 năm 2011. Khi bất lực nhìn con bị người ta đâm mũi kim vào bụng để lấy mật, Gấu mẹ không đành lòng trước tiếng gào thét sợ hãi của con, gấu mẹ đã ôm con vào lòng và bóp cổ cho con chết, sau đó nó buông con ra và đập đầu vào tường để chết bên con. Câu chuyện trên cho thấy tình mẫu tử không chỉ có nơi con người mà ngay cả thú vật cũng dạt dào tình mẹ. Hòa Thượng cũng dẫn chứng công lao dưỡng dục của người mẹ Việt Nam qua câu ca dao: “Nhớ ơn chín chữ cù lao. Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.” Hay: “Lên non mới biết non cao. Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Trong kinh Tâm Địa Quán cũng có các câu sau:
Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng
Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ
Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.

Cuối bài đạo từ, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh nhắc nhở các Phật tử, “Chữ Hiếu đóng một vai trò trọng yếu trong nền tảng về đạo đức và luân lý xã hội. Nó tiêu biểu cho một nhân cách giáo dục, an vui trật tự không những cho riêng gia đình mà còn xây dựng cho một xã hội bình an và hạnh phúc. Nhân mùa Báo Hiếu, tri ân cha mẹ, Hòa Thượng cầu chúc toàn thể quý vị thân tâm thường an lạc, gia quyến luôn ấm cúng, và thực hiện lời dạy của Phật: Hiếu với cha mẹ là Kính Phật. Nghĩa là, nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy.”
Sau đạo từ, Hòa Thượng Viện Chủ, Ni Sư trụ trì cùng một số chư Ni quỳ trước bàn thờ, thành tâm cử hành Lễ Vu Lan, tụng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh và Cúng Ngọ. Trước khi đại lễ hoàn mãn, Ni Sư trụ trì đã phát quà cho các Phật tử tham dự và mời mọi người thọ trai.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT