Người Việt Khắp Nơi

Chưa có thêm thông báo chính thức về Sư Ông Nhất Hạnh

Thursday, 13/11/2014 - 08:57:49

Thông báo chính thức này được ký tên bởi nhà sư Thích Chân Pháp Đăng và Ni Sư Thích Nữ Chân Không Nghiêm.



Lời của Thầy Nhất Hạnh ở phi trường quốc tế Denver. (Làng Mai)


WESTMINSTER – Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn hay mất? Bệnh tình của sư đang như thế nào sau khi bị xuất huyết não? Đây là thắc mắc của nhiều Phật tử, người Việt cũng như người ngoại quốc, về tình trạng của một vị tăng Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới trong ngày thứ Năm vừa qua. Một vài nguồn tin cho rằng thiền sư đã viên tịch. Tuy nhiên, cho đến chiều tối thứ Năm, tu viện Làng Mai, một cơ sở ngôn luận chính thức của dòng thiền nhập thế, đã không có thông báo chính thức về tình trạng sức khỏe của Thiền Sư Nhất Hạnh, một người còn được các đệ tử gọi là Sư Ông Làng Mai.

Sư Ông Nhất Hạnh. (Facebook)



Trước đó, trong thông báo đăng ngày thứ Tư, 12 tháng 11, 2014, Hội đồng giáo thọ Pháp tu của Làng Mai cho biết thiền sư đã trải qua một cơn xuất huyết não nghiêm trọng, tuy nhiên "nhiều dấu hiệu cho thấy rằng, khả năng phục hồi có thể thực hiện được." Vài nguồn tin thân cận cho biết có lúc Sư Ông, 88 tuổi, đã tỉnh táo, có thể nhận biết những người đến thăm.
Thông báo trên trang web chính thức của Làng Mai cho biết: "Sư Ông đã có dấu hiệu suy yếu từ khoảng hai tháng trước. Vào ngày 1 tháng 11 năm 2014 Sư Ông đã vào bệnh viện đa khoa Bordeaux (Pháp) để điều trị và đang phục hồi từng ngày.
“Vào 4 giờ sáng ngày 11 tháng 11, Sư Ông bất ngờ bị xuất huyết não và đang được các bác sĩ chuyên ngành hết lòng điều trị cũng như sự săn sóc tận tình của các y tá và các vị thị giả. Hiện tại Sư Ông vẫn tỉnh táo và vẫn có thể ý thức được môi trường chung quanh. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì Sư Ông hoàn toàn có khả năng phục hồi."
Thông báo của Làng Mai cũng có đoạn: "Xin các trung tâm, các tăng thân và các vị thân hữu của Đạo Tràng Mai Thôn trên thế giới tiếp tục chương trình tu học của mình, tiếp tục chế tác năng lượng chánh niệm và sự vững chãi để hộ niệm cho Sư Ông. Chúng ta hãy cùng thực tập như một cơ thể để có thể chế tác năng lượng chánh niệm tập thể, bởi vì sự vững chãi và bình an của chúng ta trong thời điểm này sẽ là sự hộ niệm tốt nhất cho sự phục hồi của Sư Ông.”
Thông báo chính thức này được ký tên bởi nhà sư Thích Chân Pháp Đăng và Ni Sư Thích Nữ Chân Không Nghiêm.
Sư Ông Nhất Hạnh là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, vận động cho hòa bình. Dù đã trên 80 tuổi, ngài vẫn hoạt động đầy năng lực suốt nhiều năm cho đến mấy năm sau đây, tổ chức những buổi thiền hành ở nơi công cộng cho người Tây Phương tại nhiều quốc gia, và sau này ở các nước Á Châu. Sư Ông được biết đến như một vị thầy giảng dạy phương pháp thiền nhập thế, đưa đạo vào cuộc sống hàng ngày rất dễ hiểu và dễ thực tập với chánh niệm dựa trên hơi thở.
Trong lãnh vực thơ văn, Sự Ông viết nhiều sách được dịch sang ngoại ngữ, sáng tác nhiều bài thơ rất thi vị đầy tình thương. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Thầy Nhất Hạnh đã được phổ nhạc và trở thành một ca khúc quen thuộc trong bốn thập niên qua. Đó là bài “Bông Hồng Cài Áo” thường được trình diễn trong mùa lễ Vu Lan mỗi năm. Trong lãnh vực xã hội, một số phát biểu và hoạt động của Sư Ông có tính cách phản chiến, cộng với chuyến trở về Việt Nam vào năm 2007 đã gây tranh cãi dữ dội, đưa đến những ý kiến nghịch duyên cho công cuộc hoằng pháp của Sư Ông.
Tại hai tu viện nổi tiếng Làng Mai ở Pháp, Lộc Uyển ở Nam California, và các tu viện khác như Bích Nham và Mộc Lan, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thu hút được nhiều người mà phần lớn là những người trẻ tuổi ngoại quốc.
Theo các tài liệu phổ biến trước đây, Sư Ông tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, chào đời ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, vào ngày 11 tháng 10, 1926, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu ở Huế, trở thành một nhà sư vào năm 1949.
Sư Ông được xem là một trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương từ thập niên 1970, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma của người Tây Tạng. Vị thiền sư Việt nam này đã từng được mời vào Quốc Hội Hoa Kỳ để diễn thuyết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ các truyền thống Phật giáo, với những khám phá trong ngành tâm lý học Tây phương để tạo thành cách tiếp cận với thế hệ thời đại mới.
Tại phi trường quốc tế Denver ở tiểu bang Colorado, tại khu vực chuyển nhận hành lý, hàng triệu hành khách được thấy một lời khuyên của Thầy Nhất Hạnh được khắc trên một tấm panel bằng đá nói lên chân lý tu thiền: “I have arrived / I am here / my destination is in each step,” tạm dịch “Tôi đã đến / tôi đang ở đây / tôi đến trong mỗi bước đi.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT