Hoa Kỳ

Chính quyền Trump âm thầm bỏ kế hoạch trục xuất người Mỹ gốc Việt

Friday, 23/11/2018 - 09:21:08

Hoa Kỳ đã gây áp lực với Việt Nam, kể cả dọa áp dụng chính sách giới hạn visa như đã áp dụng với các quốc gia không nhận di dân bị trục xuất, trong đó có cả Cam Bốt, Lào, và Miến Điện cùng một số quốc gia ở Phi Châu.


Đại Sứ Ted Osius đã phản đối chính sách trục xuất di dân gốc Việt, đưa đến sự việc ông phải rời chức đại sứ và trở về Mỹ để nhận một chức vụ khác trong Bộ Ngoại Giao. (Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã âm thầm từ bỏ kế hoạch trục xuất người Mỹ gốc Việt từng được đề nghị hồi cuối tháng Tám, vốn gây ra rạn nứt giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội, đưa đến sự việc cựu Đại Sứ Ted Osius phải rời bỏ chức vụ, theo tin của nhật báo The New York Times đăng hôm thứ Tư 22/11.

Tin này được xác nhận bởi một viên chức Bộ Nội An Hoa Kỳ, sau khi có một phán quyết tại tòa án ở California vào ngày 18 tháng 10, trước tình hình Tòa Bạch Ốc đang thực hiện chính sách di trúngày một cứng rắn hơn.

Vào năm ngoái, chính phủ Mỹ có kế hoạch trục xuất những người gốc Việt, Cam Bốt và di dân từ một số nước khác dù có thẻ xanh nhưng chưa chính trức trở thành công dân Mỹ và từng vi phạm pháp luật nước này. Theo đó, có từ 7,700 đến 8,000 người gốc Việt nằm trong diện có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, mặc dù một số trong những người này không có thân nhân ở Việt Nam.

Trong trường hợp của di dân Việt Nam, theo một thoả thận vào năm 2008 giữa Cộng Sản Việt Nam với chính phủ cựu Tổng Thống George W. Bush, những người tị nạn đến Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa ngoại giao ngày 12 tháng 7, 1995 sẽ không trở thành “đối tượng được trả về.” Hầu hết những người đến trước ngày đó đều là nạn nhân của chiến tranh. Họ là người tị nạn cộng sản

Thế nhưng chính quyền Trump đã tìm cách phủ nhận quyền miễn trừ này, khẳng định tất cả đối tượng không phải công dân Mỹ từng vi phạm pháp luật sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền Trump đã gây áp lực để bắt buộc nhiều trường hợp người tị nạn Việt đến Mỹ trước năm 1995 có thể bị trả về Việt Nam.

Quyết định đó đã khiến đại sứ Ted Osius phải phản đối, đưa đến sự việc ông phải từ chức và được giao một chức vụ khác trong Bộ Ngoại Giao.

Ông Ted Osius phản đối vì lệnh trục xuất của chính phủ Trump bị ông xem là một nỗ lực phá bỏ lời cam kết mà chính phủ Hoa Kỳ từng đưa ra đối với những gia đình từ miền Nam Việt Nam và có nguy cơ gặp nguy hiểm trong chế độ cộng sản.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The New York Times, ông Osius có nói rằng những di dân gốc Việt bị nhắm vào theo lệnh trục xuất bắt đầu từ tháng Ba 2017 là “những người tị nạn chiến tranh đang bị chúng ta truy tố,” và “một số người này đã từng bị giam trong tù cải tạo; tất cả họ đều là người từ phía miền Nam trong cuộc chiến.”

Hoa Kỳ đã gây áp lực với Việt Nam, kể cả dọa áp dụng chính sách giới hạn visa như đã áp dụng với các quốc gia không nhận di dân bị trục xuất, trong đó có cả Cam Bốt, Lào, và Miến Điện cùng một số quốc gia ở Phi Châu.

Ban đầu Việt Nam đã nhận lại một số di dân bị trục xuất. Nhưng sau đó Việt Nam đã chống lại mạnh hơn, đưa đến sự việc chỉ có vài chục người bị đưa về Việt Nam.

Tuy vậy, rất nhiều di dân gốc Việt Nam khác đang bị giam bởi cơ quan ICE mà không biết số phận sẽ ra sao, bị trục xuất hay sẽ được thả ra ở Mỹ.

Bà Katie Waldman, phát ngôn viên Bộ Nội Anh đã xác nhận với nhật báo NY Times rằng hiện thời thì chính sách trục xuất về Việt Nam đã không còn được thi hành. Tuy vậy, bà cũng cảnh cáo rằng những khe hỡ mà các tòa án sử dụng để thả di dân có thể đưa đến sự việc những phạm nhân nguy hiểm được nhập vào xã hội và gây hại cho người khác.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT