Bình Luận

Chính quyền nhân dân

Monday, 12/10/2015 - 10:13:07

Koch trả lời là trong lúc làm doanh thương, ông vẫn luôn luôn ưu tư đến quyền lợi của quần chúng. Ông dẫn chứng bằng việc ông tặng $25 triệu cho United Negro College Fund và chung sức với tổng thống Obama trong việc giảm án cho 5,000 tù nhân không phạm tội bạo lực.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Câu nói của tổng thống Abraham Lincoln “Chính quyền của dân, do dân bầu ra, phục vụ dân, sẽ không tàn lụi trên thế giới này,” (Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth) nghe như tuyệt diệu nhưng bị thực tế Hoa Kỳ chứng minh là không đúng.

Cuộc tranh cử đang diễn ra để chọn vị tổng thống và những thành viên Quốc Hội lèo lái chính sách Hoa Kỳ trong những năm sắp tới sẽ do cử tri thuộc 120 triệu gia đình bầu ra nhưng hiện những ứng cử viên này đang được 158 gia đình tài trợ. Con số 158 gia đình này chỉ là 1 phần triệu tổng số người Mỹ, nhưng họ đóng góp gần nửa ngân sách tranh cử cho các ứng cử viên; nói cách khác thực chất của chính phủ sắp tới sẽ chỉ là chính phủ của 1 phần triệu nhân dân Mỹ, và phục vụ thành phần này, nếu các chính khách Mỹ được bầu lên, chỉ liếm chứ không cắn bàn tay nuôi họ.

Cái tỉ lệ 1 phần triệu của 127 triệu cử tri đó được tờ The New York Times nhận diện là những người đàn ông da trắng, hơi luống tuổi, và vô cùng giầu có. Họ sử dụng sức mạnh của đồng Mỹ kim, để dựng chính phủ công cụ của họ lên, hầu sai khiến việc lèo lái cuộc tái tạo một nước Mỹ mới, đang do những con ong thợ gồm người Mỹ trẻ, người Mỹ Đen, Mỹ da mầu, và đàn bà Mỹ thực hiện.

Không chỉ vạch mặt, chỉ trán những nhà tỉ phú đầu nậu quyền lực, tờ The New York Times còn điều tra xem họ ở đâu, chụp hình những lâu đài của đám tỉ phú này và phổ biến trong số báo Chủ Nhật, 11 tháng Mười, 2015.

Đa số tỉ phú Mỹ nắm giữ hai thị trường tài ngân và năng lượng; thị trường thứ ba mà họ đang chinh phục là chính quyền. Họ đầu tư bạc triệu, bạc tỉ vào việc mua đứt quyền lực, mua đứt vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ -nhân vật điều động mọi sinh hoạt của thế giới.

Cho đến giờ này, họ đã bỏ ra $176 triệu để yểm trợ những ứng cử viên họ chọn, đả kích để loại bỏ những ứng cử viên đi ngược lại quyền lợi của họ. Họ thuê nhiều ký giả, mua nhiều cơ quan truyền thông để tạo dư luận.

Lịch sử Hoa Kỳ chưa bao giờ chứng kiến việc một thiểu số ít người đến như vậy mà lại bỏ ra một số tiền lớn đến như vậy để lựa chọn người cầm quyền nước Mỹ theo ý họ. Khoảng trên chục người trong số đầu nậu quyền lực này, là người di dân đến từ Cuba, Liên Bang Sô Viết (cũ) Pakistan, Ấn Độ và Do Thái.
Lập trường chính trị của toàn thể những nhân vật này là thiên hữu; họ giúp mỗi ứng cử viên Cộng Hòa hàng chục triệu bạc, để những người này thắng cử và thực hiện chính sách tự do doanh thương, không ban hành những luật lệ gây thiệt thòi cho doanh nhân như luật bảo vệ môi trường, luật an ninh sản phẩm, không tăng thuế lợi tức, thuế thụ hưởng di sản, và giảm tối đa những chương trình phúc lợi cho người nghèo như bảo hiểm y tế, trợ cấp người già, trợ cấp giáo dục, food stamps.

Mặc dù 2/3 người Mỹ (theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của New York Times/CBS News poll) chủ trương tăng thuế lợi tức đánh vào những người có lợi tức mỗi năm từ $1 triệu trở lên, và mặc dù Tổng Thống Obama rất muốn thực hiện một chính sách thuế khóa công bằng hơn, nhưng thành viên Cộng Hòa trong Quốc Hội vẫn đủ mạnh để bảo vệ giới giầu có.

Hoa Kỳ mắc nợ công khố phiếu, để trả nợ, Quốc Hội Cộng Hòa chủ trương giảm chi, chứ không tăng thu; giảm chi là cắt mọi khoản trợ cấp, tạo thiếu thốn cho giới nghèo đang sống đói khổ, mặc họ đói hơn, khổ hơn. Quốc Hội không cho tăng thu, vì tăng thu là làm mẻ một góc nhỏ những tỉ bạc lợi tức của giới tỉ phú.
Các chính khách Cộng Hòa cũng nhìn thấy nguy cơ mất phiếu của cử tri nghèo, cử tri gốc Mễ, cử tri Mỹ Đen, và cử tri nữ giới. Họ biết nhưng không lo sợ quá đáng, vì giải pháp của họ là tiền; tiền giúp tạo dư luận thuận lợi cho họ, và bất lợi cho những ứng cử viên Dân Chủ đối đầu với họ.

Tổ chức “super PACs” giúp ứng cử viên có tiền, có thật nhiều tiền, vì luật bầu cử chỉ giới hạn quần chúng không được trực tiếp ủng hộ một ứng cử viên quá một số tiền nào đó, mà không giới hạn quần chúng ủng hộ “super PAC” (political action committee-ủy ban vận động chính trị)

Tính đến cuối tháng Sáu, bổ đồng mỗi gia đình trong khối 158 gia đình giầu có đang đầu tư để mua chính phủ Mỹ sắp được bầu lên, đã bỏ ra $250,000, ngoài ra còn 200 gia đình nữa cũng đóng góp trên $100,000. Số tiền do 358 gia đình này đầu tư để chi phối, làm lệch cán cân bầu cử theo ý họ, và gần như toàn bộ số tiền đều chỉ để ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa.

Chuyên viên Ruy Teixeira của Center for American Progress (Trung Tâm Mưu Cầu Tiến Bộ cho Hoa Kỳ) nhận định, “Đồng tiền tài trợ ứng cử viên đang là sức mạnh lấn áp ý chí của cử tri, và làm lệch thùng phiếu.” Giới đầu nậu quyền lực không thích tiếp xúc với truyền thông, nhiều người sử dụng địa chỉ P.O. Box, hoặc địa chỉ thương vụ.

Đa số nhóm cự phú sống tập trung vào 9 thành phố, trong những thành phố đó họ lập ra những “cô đảo” của riêng họ; như hai khu Bel Air và Brentwood tại Los Angeles; hoặc như khu River Oaks tại Houston. Tại Miami, họ chiếm nguyên một hòn đảo lập ra làng Indian Creek Village, cho 35 gia đình, với một sân golf 18 lỗ, và một đạo quân giữ an ninh cho làng. Thử liệt kê một vài gia đình trong số tỉ phú đang muốn lập chính phủ Mỹ của riêng họ. Trước hết là gia đình Hildebrand, cư dân Houston, tài sản $7 tỉ; ông Jeffery Hildebrand, 56 tuổi, chủ hãng dầu Hilcorp; tài trợ $250,000 cho ứng cử viên Cộng Hòa.
Gia đình thứ nhì do ông John L. Nau, III làm chủ; ông là giám đốc hãng Silver Eagle Distributors, L.P., sử dụng 1,200 nhân viên, hoạt động trên 16 quận của Texas, để phân phối bia và nhiều loại nước uống. Ông tài trợ ứng cử viên Cộng Hòa $500,000.

Fayez Sarofim là nhân vật số 3 được nêu tên trong số những người đang tài trợ mạnh cho ứng cử viên Cộng Hòa; ông đầu tư $530,000 vào quỹ ứng cử của các chính khách Cộng Hòa.


Tư gia ông Hildebrand.

Tư gia ông Nau


Và tư gia ông Sarofim

Trong số tỉ phú đang đầu tư mua chính phủ, hai người đang sống trên hải đảo thần tiên Indian Creek Island Road tại Florida.



                Hải đảo thần tiên, giới tỉ phú Mỹ mua biển, mua du thuyền, xây lâu đài để thụ hưởng

Phong trào tỉ phú Hoa Kỳ tận lực đầu tư để tư hữu hóa chính quyền làm anh em tỉ phú Koch giật mình, và tái xét lập trường của họ cũng giống y như vậy.

Trong chương trình truyền hình “CBS Sunday Morning” ông Charles Koch nói với phóng viên Anthony Mason là ông hoạt động chính trị để chống việc các quyền lợi riêng tư chi phối hoạt động của chính phủ.
Cho đến ngày hôm nay, hai anh em David và Charles Koch vẫn là hai nhà đầu tư mạnh nhất vào chính trường; họ dự trù sẽ bỏ ra $900 triệu để tài trợ ứng cử viên họ chọn. Mason bảo Koch là dư luận Hoa Kỳ coi ông cũng là một “quyền lợi riêng tư” muốn tư hữu hóa chính quyền.

Koch trả lời là trong lúc làm doanh thương, ông vẫn luôn luôn ưu tư đến quyền lợi của quần chúng. Ông dẫn chứng bằng việc ông tặng $25 triệu cho United Negro College Fund và chung sức với tổng thống Obama trong việc giảm án cho 5,000 tù nhân không phạm tội bạo lực.

Dù thái độ giật mình của anh em Koch và cuộc phá bĩnh của Donald Trump có làm Hillary Clinton đắc cử thì công thức “chính quyền của dân, do dân, và vì dân” cũng không còn đúng nữa. Muốn duy trì tính "của dân, do dân, và vì dân" đó, Hoa Kỳ cần viết một đạo luật bầu cử khác giới hạn, hoặc thay đổi quy chế "tài trợ ứng cử viên" để bảo vệ ý muốn chính trị của cử tri.(nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT